May 8, 2024, 4:18 pm

Cần một tầm nhìn chiến lược cho phát triển văn hóa

Cuối tháng 7 là thời điểm Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ trình Chính phủ hồ sơ đề án xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045. Đây được xem là bản đề án tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021…

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

9 nhóm dự án trong đề án Phát triển Văn hóa

Nội dung quan trọng nhất của chương trình liên quan đến 9 nhóm dự án, gồm: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Để thực hiện được 9 nhóm dự án nói trên, cần thiết phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải; bổ sung nâng cao nguồn lực cho các đối tượng; điều chỉnh bổ sung các cơ quan, đơn vị chủ trì đánh giá kết quả sản phẩm của các dự án; cụ thể hóa tổng mức đầu tư của từng nhóm dự án; làm sâu sắc hơn những giải pháp mang tính chi tiết bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. 

Thực tế cho thấy, sau hơn 35 năm đổi mới, không chỉ nền kinh tế có những bước phát triển vượt bậc mà Văn hóa đã có những bước chuyển quan trọng, văn hóa đã được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế và trở thành ngành công nghiệp Văn hóa. Văn hóa trong kinh tế đã có những bước chuyển tích cực và đáng được ghi nhận. Đặc biệt, nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, cho thấy Chính phủ đã và đang tăng đầu tư cho phát triển Văn hóa theo mục tiêu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chỉ ngân sách hằng năm. Đồng thời xây dựng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người dân Việt Nam.

Định hình con người Việt Nam thời kỳ mới.

Tăng nguồn lực cho phát triển Văn hóa, làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn, thật sự trở thành “hồn cốt” của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đã trở thành mục tiêu của cả hệ thống chính trị xã hội nhằm sớm hoàn thiện hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam thời kỳ mới. Chính vì vậy, việc huy động nguồn lực cho từng đề án cụ thể đã được triển khai một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương trên tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Từng lĩnh vực văn hóa đều có những định mức đầu tư, phát triển phù hợp trong mối giao thoa với quốc tế. Trước đó, để có những quyết sách đầu tư phù hợp, Hội thảo quốc gia về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” của Quốc hội (năm 2022) cũng đã được thực hiện để cụ thể hóa, thực tiễn hóa và thể chế hóa việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Tại đại hội, các đại biểu, nhà khoa học đều có những quan điểm chung nhất về sự cần thiết phải khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” của Văn hóa, biến tài nguyên văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị văn hoá, giá trị gia đình và sức mạnh của con người Việt Nam thành những giá trị phát triển. Văn hóa là sức mạnh mềm và thực sự đang phát huy tác dụng định vị một Việt Nam trên trường quốc tế. Việc sở hữu kho tàng Văn hóa độc đáo đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến của thể giới. Từ  Văn học, nghệ thuật đến nhiều lĩnh vực văn hóa đã và đang lan tỏa những giá trị thuần Việt đến bạn bè quốc tế. Đó chính là nét riêng của văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những nỗ lực trong gìn giữ, lan tỏa những giá trị Văn hóa, thì đôi lúc, đôi nơi, văn hóa đang bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều hệ giá trị văn hóa, gia đình bị lung lay. Việc lai căng, cổ súy cho những trào lưu đi ngược thuần phong mỹ tục đang diễn ra trong một bộ phận giới trẻ. Tình trạng sùng bái thần tượng, sống ảo, sống không có khát vọng, mục tiêu khiến cho những hệ giá trị văn hóa bị suy giảm kéo theo hàng loạt những hệ lụy cho xã hội. Nhà trường đối mặt với nạn bạo lực học đường, đạo đức công vụ, y đức trong một bộ phận không nhỏ  viên chức, công chức xuống cấp cần những liều vac xin đặc trị. Tại các hội thảo quy mô cấp ngành, thậm chí liên ngành, các đại biểu đã chỉ ra rằng, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng với chiến lược phát triển Văn hóa. Do đó, nguồn lực cho phát triển văn hóa còn thấp và dàn trải. Nhiều địa phương chỉ chú trọng phát triển những lĩnh vực có thể thu được giá trị kinh tế cao như  du lịch di sản, du lịch cộng đồng, nhưng lại không đầu tư cho những sản phẩm văn hóa – chất liệu chính của sản phẩm du lịch. Chưa kể, có không ít địa phương chạy theo tư duy ăn xổi mà không có chiến lược phát triển bài bản khiến cho những giá trị văn hóa thiếu bền vững. Có thể điểm qua tình trạng các khu du lịch, sử dụng văn hóa như vật trang trí (các tượng, danh nhân, công trình văn hóa không phù hợp)… Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ dùng sản phẩm văn hóa đề nổi tiếng, lợi dụng các tác phẩm nghệ thuật nhân danh văn hóa đề bức tử văn hóa, làm cho văn hóa nghệ thuật nói riêng, môi trường văn hóa nói chung trở nên méo mó, mất dần những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Chính vị vậy, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng và triển khai thành công sẽ góp phần quan trọng nhất vào việc tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Do đó, việc tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, quảng cáo, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, thời trang... bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội , sớm đưa văn hóa trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong một tương lai gần chính là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới và quyết liệt triển khai. Từ đó có thể biến văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh trên con đường phát triển đất nước hùng cường vào năm 2045.

Quỳnh Hoa

Nguồn Văn nghệ số 31/2023


Có thể bạn quan tâm