May 5, 2024, 2:39 pm

Cảm nhận nguồn “năng lượng an lành”

 

Kỷ niệm 10 năm hành trình nghiên cứu, phát triển của Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam, chiều ngày 14/7/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đã chính thức khai mạc triển lãm Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam, chủ đề “NĂNG”. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 23/07/2023.

Khai mạc triển lãm Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam, chủ đề “NĂNG”

 

Sau “NĂNG” ở Đà Nẵng, Trúc Chỉ sẽ lại có triển lãm tiếp theo với chủ đề “THẮM” (khoe bản sắc Trúc Chỉ) tại Hà Nội vào tháng 10/2023, và triển lãm với chủ đề “HỢP” (Hợp tác) tại Tp. Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm nay.

Với công chúng Đà Nẵng, đây là lần thứ 2 gặp lại Trúc Chỉ, kể từ triển lãm lần đầu với chủ đề “Trúc Chỉ - Lời của sông” diễn ra vào tháng 09/2017.

 

Chọn “NĂNG” làm chủ đề của triển lãm, Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam mong muốn chia sẻ đến công chúng tại Đà Nẵng, cách nhìn đầy đủ về khả năng đáp ứng của loại hình nghệ thuật mới này, thông qua những biểu hiện về kỹ thuật, đề tài, ứng dụng; cùng “khả năng” lan tỏa nguồn “năng lượng” an lành từ các tác phẩm nghệ thuật, đến tâm trí người thưởng lãm, mà Trúc Chỉ đã đạt được trong chặng đường 10 năm vừa qua.

Đây còn là dịp Trúc Chỉ giới thiệu những gương mặt họa sỹ tài năng của mình, đặt dấu mốc cho hành trình 10 năm tiếp theo đoàn kết, hòa hợp cùng nghiên cứu phát triển, đưa Trúc Chỉ trở thành một giá trị văn hóa mới của Việt Nam. 

 

Không gian Triển lãm “Nghệ Thuật Trúc Chỉ ” trưng bày các tác phẩm của 13 họa sỹ  Trúc Chỉ ở nhiều thời kỳ. Không gian Mỹ thuật ứng dụng gồm: Các tác phẩm ứng dụng kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ tạo thành tác phẩm sắp đặt, với kỹ thuật trình chiếu tạo tương tác với khán giả; Các nghệ phẩm ứng dụng  độc bản, riêng biệt  với những đặc điểm sáng tạo mới tinh tế từ  Trúc Chỉ.

Các tác phẩm của Nghệ thuật Trúc Chỉ được chế tác hoàn toàn thủ công theo tôn chỉ “Thẩm mỹ - Giáo dục - Xã hội”. Nghệ thuật mới này đã khởi nguồn bởi các phương pháp truyền thống, sau đó sáng tạo ra kỹ thuật Đồ họa Trúc Chỉ từ ý niệm chủ đạo: “Mang thêm cho Giấy một khả năng, thoát khỏi thân phận làm “nền” để trở thành một tác phẩm tự thân, độc lập”.

Toàn bộ tinh thần của Nghệ thuật Trúc Chỉ được gói gọn trong biểu tượng “chiếc đòn gánh”, thường được đặt trang trọng ở không gian của Trúc Chỉ. Dụng cụ truyền thống phổ biến trong đời sống này, thể hiện sức mạnh nội lực và sự dẻo dai của năng lượng người Mẹ, thông qua đặc tính bền vững của chất liệu xơ sợi. Trúc Chỉ được sinh ra để tôn vinh giá trị của lòng tri ân, và tính nhân văn một cách sáng tạo qua ngôn ngữ nghệ thuật; đồng thời lan toả ý niệm bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.

 

Ban tổ chức cho biết, các hoạt động chính của sự kiện bao gồm triển lãm, toạ đàm và workshop, nơi người yêu nghệ thuật vừa được thưởng lãm các tác phẩm Trúc Chỉ; vừa có cơ hội trò chuyện và trải nghiệm giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này, thông qua tương tác với chất liệu, kỹ thuật. Không gian triển lãm cũng là nơi công chúng và những người sáng lập Trúc Chỉ, cùng nhau chia sẻ quan điểm về chủ đề “nhân văn”, nền tảng được lấy cảm hứng từ câu chuyện cá nhân Họa sỹ Phan Hải Bằng

Trên hành trình xây dựng Nghệ thuật Trúc Chỉ, Nhà sáng lập - Họa sỹ Phan Hải Bằng vẫn luôn khẳng định: “Chúng tôi không thể là người quyết định sau cùng, mà quý vị với mỗi sự đồng hành của mình, sẽ là điều kiện quyết định đưa Trúc Chỉ trở thành giá trị văn hóa  mới của Việt Nam”./.

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm