April 27, 2024, 2:22 pm

Cảm hứng Triết luận trong " Cát" và "Vọng Thiên Hà" của Hoa Mai

 

Năm 2023 là năm “được mùa” văn chương của nhà thơ Hoa Mai, khi chị cùng lúc cho xuất bản hai tập thơ “ Cát” và “ Vọng Thiên Hà”.

Đọc hai tập thơ mới vừa ra mắt của chị, ta gặp lại những đặc trưng phong cách vừa ổn định bền vững vừa đổi mới sáng tạo. Đó là sự yếu mềm đầy nữ tính sóng đôi với rắn rỏi kiên cương; vừa sống bằng sự mách bảo của con tim vừa cố gắng bước đi theo sự dẫn đường của lí trí; thật thà cả tin đậm chất đàn bà bên sự tỉnh táo thông minh sẵn có …. sự thống nhất của những đối cực, những mâu thuẫn giằng xé nhau không bao giờ ngừng nghỉ. Bởi thế có rất nhiều điều thú vị có thể bàn đến trong hai tập thơ CátVọng Thiên Hà này, nhưng trong khuôn khổ một bài viết, tôi chỉ muốn bàn đến một vấn đề nổi trội trong hai tập thơ mới của nhà thơ Hoa Mai .

Cảm hứng triết luận về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi trong Cát Vọng Thiên Hà .

Trong sáng tác văn chương nói chung, trong thơ nói riêng, cảm hứng chủ đạo là một trong những phương diện  quan trọng nhất. Nó chi phối, quy định sự hình thành của tất cả các phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật khác:

- ngôn từ và giọng điệu; hình tượng và thi ảnh; không gian và thời gian nghệ thuật … có thể ví von rằng tác phẩm văn học như một cơ thể sống, cảm hứng chủ đạo như trái tim đập thổn thức trong cơ thể ấy!

Đã đi qua tuổi thanh xuân, đạt tới độ chín của cuộc đời, Hoa Mai không miêu tả đắm say về tình yêu và hạnh phúc nữa. Giờ đây chị triết luận có phần ngậm ngùi về tình yêu và hạnh phúc đời thường. Đó là khi chị cô đơn ngắm nhìn, phân tích, lí giải về cái bóng của tình yêu, hạnh phúc in lên bức tường thời gian hoài niệm. Cái bóng ấy làm chị hạnh phúc rồi đau khổ, cười khóc trong hi vọng và thất vọng, nhưng đáng quý nhất là đến phút cuối của tâm trạng hồi cố, nhà thơ đã đạt tới trạng thái bình tâm và vẫn vẹn nguyên tấm lòng nhân hậu. Quý lắm và khó lắm thay ?!

Đây là tâm thế khi cầm bút viết thơ tình yêu của chị :

- Em viết thơ tình vá vết rạn trong tim

Cố thử những điều dại khờ nông nổi

Viết những lời em không dám nói

Khi đối diện trụi trần khắc nghiệt trước áo cơm

(Bào chữa).

May còn có thơ tình làm “kim chỉ” vô hình để chị tự vá vết rạn nứt trong tim mình !

Người đàn bà thơ này đã trải qua bầm dập đớn đau, chị không còn lãng mạn hoá tình yêu nữa, chỉ cầu mong đôi điều giản dị mà khó khăn vô cùng là vì sao:

  • Không muốn cũng phải đi hết một con đường

Để hiểu một điều giản đơn mà khó thế

Tiền mua được tất cả trừ thời gian và tuổi trẻ

Anh ở đâu khi em ngã bên cầu ?

Có vài vết thương sâu

Đau đến mức tưởng như không còn đau nữa

Có gương mặt cố quên từ lâu

Sao đêm đêm cứ hồi sinh như cỏ ?

(Làm sao)

Thật và đau! Cái riêng khi đạt tới tính điển hình thì thành cái chung, cái phổ quát cho hàng vạn người đàn bà có thân phận tương đồng như thế!

Người thơ ấy cũng yếu mềm như tất cả những người đàn bà đang yêu trên đời :

- Đưa em trốn chạy khỏi đô thành một vài ngày tìm vùng xanh

Mình lên bình nguyên nghe rừng thông kể chuyện (…)

…Về đi anh

Xoa dịu niềm tin hoang tàn

Cho em tựa, đợi cầu vồng cuộc sống…

(Về đi anh ).

Đàn bà dù tài giỏi quật cường đến đâu thì họ vẫn là đàn bà, thèm một bờ vai đàn ông để ngả mái đầu rồi kệ nước mắt thấm vào vai áo, dù chỉ là ngả đầu trong khoảng khắc. Với Hoa Mai, ước mong ấy cứ tưởng đẹp hơn mà thực ra tội nghiệp hơn: - chị ước mong được ngả đầu vào “cầu vồng cuộc sống”! Chao ôi, cầu vồng mọc rồi sẽ lặn, có rồi sẽ tan. Ngả đầu một phút để buồn đau một đời đấy người thơ ơi ?!

Sau phút mềm yếu muôn thuở ấy, người thơ trở lại với tâm thế cứng cỏi, bản lĩnh của mình :

- Một lưỡi cắt lia ngang

Ngàn thân cỏ ngã gục

Nhựa là máu của cỏ

Lặng lẽ thơm lần cuối với mặt trời (…)

….Lưỡi cắt từ tay anh lia ngang

Em còn đau hơn cỏ

Lấy giọt thơ làm mắt ngắm loài người

Liệu có hồi sinh như cỏ?

Cỏ ôm em ru khúc đàn bà

Song ca cùng cỏ

Gặp mùa xuân trong mắt hai ta.

(Cỏ và em ).

Chưa gặp nhà thơ nữ nào viết lạ, mới, đau đến thế mà vẫn kiên cường đến thế trong bi kịch tình yêu và hạnh phúc gia đình!

Dù khổ đau mà không bi luỵ than khóc, tôi yêu quý tâm thế “Kim cương “trong thơ chị: - tự hát ru nỗi đau đời mình, cười mỉm cười gượng vẫn quý, vì khóc mãi rồi có thay đổi được số phận đa đoan đâu:

- Em ơi niềm cô độc

Đâu phải một mình em

Người sinh ra để khóc

Như ngày sinh ra đêm

 

Mở cửa sổ ra nhé

Gió dắt hương đi tìm

Gột nỗi đêm ám muội

Kí thác sầu lên em

 

Hoang đàng hay tàn úa

Vẫn mang vẻ đẹp mà

Nếu vẫn còn có thể

Em ơi mở cửa ra .

(Mở cửa ra đi em).

Tôi trân trọng chất trí tuệ lấp lánh trong thơ Hoa Mai.

 Cảm hứng triết luận về nhân tình thế thái, về quê hương và người thân.

Chủ đề tình yêu và hạnh phúc lứa đôi chiếm vị trí danh dự trong hai tập thơ này, nhưng dù quan trọng đến đâu nó cũng chỉ là một phần của cuộc sống. Bởi vậy, chúng ta còn bắt gặp bao trăn trở suy tư về lẽ sống, về quê hương và người thân của nhà thơ.

Sau nhiều cay đắng khổ đau, tôi ngạc nhiên thấy nhà thơ chọn cho mình một  lẽ sống: - không hằn học mỉa mai, không than thân trách phận như thường thấy:

-Thôi ghé vào với cỏ

Tìm hoa vàng như nhiên

Học giọt sương cách vỡ

Trên lối về bình yên …

(Đi tìm bình yên ).

Không vượt lên trên nghịch cảnh, tu dưỡng cả đời để đạt tới trạng thái Thiền trong tâm sẽ không viết nổi những câu thơ như thế, không đạt được lẽ sống an yên như thế ?!

Cũng không chỉ có thế! Bởi học giọt sương cách vỡ vẫn có phần lặng lẽ chấp nhận, đẹp nhưng buồn quá. Nhà thơ đã tìm đến những giá trị tinh thần tích cực hơn, lạc quan hơn:

- Ta học câu tập nắm tập buông

Làm cơn gió trôi về miền thanh nhã

Giấc Mai Hoa tự ru rằng viên mãn

Kìa bình minh

Kìa nắng ấm ở thiên hà .

(Vọng Thiên Hà)…

Cũng cái nhìn triết luận mang chất trí tuệ sâu thẳm như thế, khi viết về mẹ, chị không chỉ nói yêu thương mẹ, nhắc những kỉ niệm máu thịt cùng mẹ như nhiều người từng viết. Với Hoa Mai, mẹ cùng quê hương hoà nhập làm một. Khăn của mẹ đánh rơi hoá thành sông Lam. Chính sông Lam hoá thân từ khăn của mẹ đã ôm ấp, chở che, xoa dịu bao bầm dập đời con:

-…Sông Lam là chiếc khăn mẹ đánh rơi

Ngày cày cuốc đêm sàng sẩy buồn vui

Chiếc khăn chảy trong day dứt

Cứ mênh mang giữa đất và trời (…)

…Sông là khăn xanh mềm buộc gió quê

Muốn níu khăn mà không kịp nữa

Khăn sông Lam phập phồng thương nhớ

Đắp lên ngực đau làm dịu vạn khóc cười

Sông của mẹ ôm đời con rạn vỡ

Lau thật hiền những giọt lệ đầy vơi.

(Sông Lam là khăn mẹ đánh rơi).

Chưa có ai viết về mẹ về sông Lam trong mối tương giao lạ, đẹp và xúc động đến thế!

Cũng tương tự như thế, khi viết về cha của mình, nhà thơ có cái nhìn nghệ thuật với sự hoà quyện giữa trí tuệ và trái tim:

- Khu vườn xưa nhưng hoa hát khác

Gọi bao nhiêu kí ức chẳng trả lời

Tóc con bạc ngắm trời mây bạc

Vui buồn theo gió xa xôi

 

Bóng cây cau hay bóng cha thuở trước

Về trong mơ rắn rỏi can trường

Mùi hoa nào như mùi tóc mẹ

Cứ ướp thơm kí ức thân thương

(Khi vườn nhà không còn cha ).

Nhà thơ đã vượt qua cấp độ kể, tả cái bên ngoài của “Cảnh - Người - Tình”  mà đào sâu vào các bức Tâm cảnh, chạm đến gợi tả chứ không phải miêu tả giản đơn:

-Vẫn khoe sắc trong ngày đông giá

Vẫn toả hương khi gió mưa về

Không ai biết Cúc Họa mi kiên cường đến thế

Không ai biết Cúc nghẹn lời khi đang hát say mê

 

Mang phận Cúc Hoạ mi

Mấy ai thấu trong nụ hoa cay đắng

Pha mật ngọt hoa đang khóc hay hoa đang hát?

Càng lạnh càng thơm. Trong trắng rụng vào ai?

(Cúc Hoạ mi hát thầm ).

Hay là:

-…Hôn từng chiếc lá Diêu Bông

Thắp lên huyền thoại cho lòng muốn yêu

 

Hôn ngàn vạn mảnh Thuý Kiều

Trăm năm cõi tạm bớt tiêu điều tình

 

Ơi đàn bà,tựa trúc xinh

Dù hoàng hôn vẫn bình minh mỗi ngày.

(Yêu đàn bà).

Nhưng có lẽ chân dung tâm hồn tự hoạ sắc nét nhất của nhà thơ được gửi vào bài thơ sau :

-…Dã tràng gửi cát tri âm

Tâm tư lao khổ của âm thầm đời

 

Vô tư trước mọi rong chơi

Ai hòng nắm chặt, cát rời kẽ tay

 

Dẫu sa mạc cát đoạ đầy

Chắt chiu giọt nước cho cây trổ mầm

 

Chẳng anh em vẫn tình thâm

Cát cùng đồng đội hoá thân trường thành

 

Trước phôi pha vẫn long lanh

Linh hồn cát giữ thiện lành pha lê.

(Cát).

Khiêm tốn đấy, tự hào đấy và cũng kiêu ngầm đấy khi tìm thấy những phẩm chất thẩm mĩ tương đồng giữa Cát với mình! Rộng lớn hơn thì Cát trở thành biểu tượng nghệ thuật đắt giá cho những người nghệ sĩ chân chính thầm lặng dâng hiến cho cuộc đời, cho con người những gì tốt đẹp nhất của mình. Một sự dâng hiến vô tư quên mình không tính toán. Cao cả biết bao!

Nhưng có lẽ bài thơ hay và đau nhất ngẫm về nhân tình thế thái là bài thơ sau đây, xin phép không bình luận vì nói thêm cũng là thừa thãi:

- Thôi về làm tượng đá

Lặng nghe trăng thì thầm

Cầu hôn thơ bằng sóng

Hoang mộng lời tri âm

 

Phố mồ côi hoang phế

Giả dối in mặt người

Trước sơn hào hải vị

Thèm chữ thật thà thôi

 

Trăng gối đầu ngực đá

Câu thơ bầm ngực sương

Xin đừng dối lòng nữa

Mài dao vào vết thương

 

Xin hỏi tu bao kiếp

Cho người bớt cô đơn

Niềm tin nào khánh kiệt

Dột nát tình sắt son .

(Dột Nát ).

 

Nhan đề của hai tập thơ thật gợi và có mối liên kết thầm kín :- Cát; Vọng Thiên Hà?! Phải chăng thi sĩ ví mình như cát nhỏ nhoi, giản dị mà kiên cường đang vọng thiên hà là cuộc đời rộng lớn kia, để rồi hát lên tâm tư cát, từ thân phận cỏ tuy mong manh mà có sức sống vĩnh hằng?

Trong hai tập thơ có nhiều bài khá và hay này, sự bừng sáng trí tuệ hoà quyện cùng thổn thức con tim khiến cho thi phẩm vừa có chiều sâu triết học,vừa bay bổng chất thơ giàu nữ tính. Chủ thể trữ tình đối diện với cuộc đời, với vũ trụ mà hát Khúc Đàn bà mềm yếu mà dũng cảm, mong manh mà quật cường, dại khờ mà sâu sắc …, và dù khổ đau đến đâu vẫn đằm thắm tin yêu, ngọt lành nhân hậu. Dù bi kịch đến đâu vẫn xanh thăm thẳm sắc màu tình yêu, ân nghĩa dâng hiến cho cuộc đời, cho con người. Giá trị nhân văn được chuyển tải trong nhiều bài thơ có hình thức nghệ thuật nhiều tìm tòi, đổi mới, tạo nên dấu ấn cho hai tập  thơ.

Tuy nhiên hai tập thơ kể trên vẫn còn tồn tại nhược điểm nhỏ:- một số bài thơ có tứ thơ hay nhưng được thể hiện bằng ngôn từ cũ, sáo, ảnh hưởng của văn chương ngôn tình, tạo nên độ Sến đáng tiếc .

Dẫu vậy, với nội lực tiềm ẩn, tin rằng, thơ Hoa Mai sẽ còn có những sự bứt phá trong tương lai 

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh


Có thể bạn quan tâm