April 29, 2024, 12:07 am

Cái tình của Văn nghệ

Tôi đến với báo Văn nghệ vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Khi ấy tôi là sinh viên của khoa báo trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ấy là nói “đến với”, còn đọc báo Văn nghệ thì từ khá lâu trước đó, khi ông cậu tôi là nhà thơ Phạm Tiến Duật đang gác cửa thơ của báo Văn nghệ.

Hồi đó, tôi không gửi thơ cho cậu ruột của mình mà muốn trực tiếp gửi thơ tới Tòa soạn báo. Tôi còn nhớ khi đó, những bài thơ đầu tiên gửi báo Văn Nghệ tôi đã nắn nót chép trên những trang giấy học sinh kẻ ô li. Tôi nhớ rõ lần đầu tiên tới cổng báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội, hồi hộp lắm! Tôi đang định bỏ bao thư bản thảo thơ vào hộp thư đặt ngay cổng tòa soạn báo thì có một người đàn ông cao gầy tóc bạc gọi vọng ra: - Cậu trẻ gửi bài hả? Đem vào đây! Ông ngồi bên chiếc bàn ngay căn phòng có lối ra vào của tòa soạn. Cầm trên tay bao thư bản thảo của tôi, ông vỗ vỗ vai tôi:

- Cứ để đây nhé! Tớ sẽ chuyển lên Ban biên tập!

Người đàn ông nhỏ thó gầy guộc nhưng rất dễ gần ấy, mãi sau này tôi mới biết đó là nhà thơ Trần Quốc Thực. Vào những năm 1994-1995, tôi vinh dự xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn nghệ bằng hai chùm thơ. Người báo tin vui cho tôi là nhà thơ Bế Kiến Quốc, anh báo tin vui tới tôi với lời động viên: Hãy cố gắng hơn nữa với phong cách riêng có của mình!

Giờ thì các anh đã đi xa, nhưng tấm chân tình và con người mộc mạc của các anh thì tôi không thể quên. Cái tình ấy nó đã ngấm vào tôi, đồng thời tạo một lực đẩy trong tôi để tôi kiên trì cộng tác và gửi bài tới Văn nghệ những năm tháng đầu thử thách đáng nhớ ấy. Báo Văn nghệ đã tiếp sức cho tôi trong lao động sáng tạo. Năm 2010, nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội - báo Văn nghệ và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đồng tổ chức cuộc thi Thơ kéo dài 2 năm 2008-2010 thu hút sự tham gia của đông đảo của các nhà thơ trong cả nước. Tôi vinh dự được trao giải Nhì từ cuộc thi ý nghĩa này với chùm thơ 3 bài: Sống chậm trong thành phố của mình; Một ngày; Những cơn mưa ký ức. Qua đó để càng thấy thêm sức hút và uy tín của một tờ báo văn chương như Tuần báo Văn nghệ.

Hành trình 75 năm báo Văn nghệ lại tiếp thêm cho Ban biên tập những nỗ lực mới. Cụm từ “chuyển đổi số” đang được coi là sự tiếp cận bắt buộc để thay đổi theo những xu hướng vận động mới. Đối với báo chí nói chung và Văn nghệ nói riêng cũng không nằm ngoài trục xoay đó. Thử thách ấy giờ đặt nặng trên vai tờ Tuần báo mà bao thế hệ người đọc Việt Nam trân trọng yêu mến. Tôi biết lãnh đạo Hội Nhà văn, lãnh đạo Ban biên tập báo Văn nghệ đã và đang trải qua những năm tháng thử thách để tìm ra lời giải một bài toán khó: Báo in và báo điện tử. Sự trăn trở ấy cũng là mối quan tâm của các nhà văn, nhà thơ trong cả nước. Văn nghệ cần chủ động mạnh dạn, đổi mới và nhập cuộc, đưa Văn nghệ điện tử và chuyên trang điện tử Văn nghệ trẻ với nội dung đến với gần hơn mạch đập và dòng chảy hội nhập của đất nước, bằng những trang viết thực tiễn nóng hổi của các nhà văn trên cơ sở tiếp cận các công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo văn chương mới, mở rộng các hình thức nền tảng số, các kênh tiếp cận công chúng yêu văn học. 

Ngoài nỗ lực tự thân của Ban biên tập, sự đầu tư, hỗ trợ thích đáng của Nhà nước đối với tờ báo Văn nghệ hàng đầu của đất nước là điều cần thiết, đó cũng là một cách thể hiện góp phần chấn hưng văn hóa, trong đó có văn hóa đọc, đang có nguy cơ mai một bởi sự tấn công lấn lướt của thời công nghệ số. Trong biết bao trăn trở cũng lấp lánh những niềm vui, bởi Tuần báo Văn nghệ là một trong số không nhiều những tờ báo có lượng bạn đọc thủy chung, trân quý và yêu mến. Cái tình của Văn nghệ luôn luôn đầy đặn từ hai phía. Đó là cơ sở để tiếp tục tin yêu và hi vọng vào vị thế của một tờ báo văn chương hàng đầu đất nước.

Đoàn Mạnh Phương

Nguồn Văn nghệ số 44/2023


Có thể bạn quan tâm