May 4, 2024, 2:15 am

Bồng bềnh đảo Nhím

Tây Ninh vùng đất miền biên viễn, bát ngát huyền thoại, với nhiều di tích lịch sử Cách mạng, danh lam thắng cảnh và vô vàn kì tích do thiên nhiên, do con người tạo nên.

Chỉ một địa danh nhỏ cấp xã, ấy là xã Suối Đá đã nói lên điều đó. Mảnh đất này cũng có núi, sông, suối, có rừng, rừng bán ngập, có đồng bằng và còn có cả biển (biển - hồ Dầu Tiếng) một công trình kì vĩ mang đậm chất nhân văn: “Công trình của Ý Đảng - Lòng Dân”. Có hồ lớn tất nhiên là có cả đảo, bán đảo, cù lao, đảo chìm, vùng đất bán ngập phì nhiêu... Mới hình thành từ cuối năm 1985, khi công trình kì vĩ được kích hoạt, đưa dòng nước ngọt ngào đến những vùng quê lân cận và thành phố Hồ Chí Minh…

Có người ví von “Hồ Dầu Tiếng là hồ trên núi”, mà đúng là hồ trên núi thật. Mặt nước lòng hồ cao hơn mặt đất ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 100 mét, hồ rộng 27 nghìn héc ta, trải dài trên địa bàn 3 tỉnh, 5 huyện, 9 xã. Riêng xã Suối Đá chiếm hơn 1/3 diện tích mặt hồ. Khi hồ tích nước nổi lên chơi vơi hòn đảo rộng hơn 400 héc ta, nơi đây trong kháng chiến là vùng căn cứ đóng quân của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang Cách mạng. Dấu tích hiện nay vẫn còn là hầm hào, công sự cùng hằng hà hố bom do không quân Mỹ thực hiện. Ông Tơ, một thời là “chúa đảo” nói vui với du khách: “Hố bom Mỹ là “đặc sản” của hòn đảo này”. Khi hồ tích nước, hàng loạt hố bom chìm trong nước mênh mang, khi hồ xả nước cạn dần, cá tép các loại tụ lại nơi còn nhiều nước hơn, và các hố bom như một cái giỏ cá khổng lồ. Mỗi hố bom khi cạn nước người dân thu hoạch cả trăm kí lô cá tép các loại, nhiều nhất là cá trê, rô đồng, cá lóc…

Minh họa: Lê Trí Dũng

Trước khi xây dựng hồ chứa nước, toàn bộ người dân sinh sống trong vùng được di dời đi nơi khác, cây rừng khai thác trắng. Khi hồ tích nước, những vùng đất không ngập trở thành đảo - đảo hoang. Một vài người lên đảo khai phá, trồng tỉa, cất chòi ở tạm, rồi cất nhà đưa cả gia đình lên đảo cư trú cho tiện kế sinh nhai. Thấy đất trên đảo làm ăn được nhiều người theo nhau lên đảo. Đất không ngập, đất bán ngập đều được người dân tận dụng, khai khẩn trồng cấy. Đất không phụ sức người, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, hoa màu trên đất đảo, trên đất bán ngập tươi xanh mơn mởn. Người dân cư trú trên đảo ngày thêm đông đúc. Tỉnh cho thành lập khu dân cư. Ấp đảo Nhím với gần 300 hộ gia đình, hơn nghìn nhân khẩu. Lo làm ăn cùng với việc lo cho con em học hành, trường học được người dân trên đảo tự nguyện đóng góp. Họ rủ nhau cõng từng viên gạch, thồ từng lọn cát lên ghe chở đến đảo, để xây dựng lớp học khang trang cho con em. Lúc đầu là 1 lớp, rồi cứ mỗi năm tăng thêm 1 lớp. Vợ chồng thầy giáo Lê Văn Lợi tình nguyện trở thành giáo viên cư trú tại trường, mỗi người dạy 1 lớp. Chuẩn bị cho năm học mới, thầy Lợi dùng ghe bơi qua hóc Cò, thông báo đến các gia đình, cho con em đến lớp. Lúc trở về gặp sóng to gió lớn, lật ghe. Thầy Lợi ra đi, trong niềm tiếc thương của hết thảy người dân ấp đảo.

Cuối năm 1989, Võ Thành Tơ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, không có việc làm ổn định, đành khoác ba lô theo người anh trai vào đảo Nhím làm mướn. Đến vụ xuống giống, người anh cho mượn nửa mẫu đất bán ngập trồng khoai mì, vừa làm mướn vừa chăm sóc rẫy khoai mì, nuôi niềm hi vọng “Từ từ rồi ta sẽ có!”. Đất bán ngập rất phì nhiêu, màu mỡ bởi mỗi năm nước hồ rút để lại một lớp phù sa, cây trồng tươi xanh mơn mởn. Cần mẫn, tiết kiệm, sáng tạo với bản chất bộ đội Cụ Hồ, mỗi năm sau mùa thu hoạch khoai mì có thêm ít vốn, Võ Thành Tơ mua thêm diện tích đất bán ngập. Cuối mùa mưa, nước hồ từ từ dâng cao, một buổi chiều mây đen vần vũ giông gió nổi lên, mặt hồ trong xanh bỗng chốc trở thành một màu bạc trắng. Từ trong bờ đảo, Võ Thành Tơ nhìn thấy một chiếc ghe chở đầy khoai mì bị sóng nhấn chìm, người điều khiển ghe trong cơn hoạn nạn, nguy kịch. Không chần chừ, Tơ nhảy phóc lên ghe khởi động máy, điều khiển ghe phóng nhanh tới vùng nước có người bị nạn đang thoi thóp. Được cứu sống trong gang tấc tử thần, Lê Văn Thành xin được nhận ông Võ Thành Tơ là người cha thứ hai sinh ra mình.

Chí thú làm ăn, còn phải làm nghĩa vụ của một đảng viên, hội viên Hội Cựu chiến binh, ông Võ Thành Tơ lần lượt được người dân ấp đảo Nhím tín nhiệm bầu giữ nhiệm vụ công an ấp, rồi trưởng ấp, đến Bí thư chi bộ ấp đảo. “Đã làm cán bộ thì phải làm gương người dân mới tin, mới làm theo điều mình mong muốn”. Ấy là điều ông Võ Thành Tơ luôn ấp ủ trong lòng và biến thành hiện thực. Nhiều lần người dân lao động thấy bom, mìn còn sót lại trong đất, ông Tơ kịp thời đến tận nơi quan sát rồi báo cáo cho cơ quan chức năng xử lí. Trong khi lao động người dân còn phát hiện hài cốt liệt sĩ, nghe tin dù đang làm gì ông Tơ cũng dừng lại đến ngay, giữ nguyên hiện trường báo cáo về xã. Cá nhân ông Tơ cũng phát hiện khá nhiều hài cốt liệt sĩ. Đáng nhớ nhất là dịp cuối năm 2005, nửa đêm đi bắt cá bằng đèn và chĩa trên vùng đất bán ngập, thấy cá dùng chĩa đâm. Một đêm, sau cú ngã tụt mất chiếc giày, tiếc của ngày hôm sau đi tìm chiếc giày, anh Ba Tứ  tình cờ phát hiện ra một vùng đất có nhiều hài cốt liệt sĩ. Anh Tứ kể “Tui đang lội bì bõm, nước chỉ lưng ống chân, bỗng hụt giò lọt xuống hố sâu, ngã ngửa ra phía sau, cảm giác như có ma lực lôi kéo xuống, tui cố sức rút chân lên thì tụt mất chiếc giày. Tui đánh dấu vị trí, hôm sau quay lại kiếm. Khi lôi được chiếc giày của mình lên, thì thấy dính theo một chiếc giày bộ đội cũ mèm, mở ra xem thì thấy những đốt xương bàn, ngón chân, biết đây là hài cốt liệt sĩ”. Đợt quy tập ấy, không chỉ một mà có tới 107 bộ hài cốt được xác định là hài cốt bộ đội giải phóng quân. Đơn vị đang trú trong các công sự, chiến hào bị bom từ pháo đài bay B52 của Mỹ dải thảm trúng đội hình.

Đảo Nhím, ngoài đất không ngập, mùa nước hồ xả tưới xung quanh đảo có thêm hơn 1.000 héc ta đất bán ngập. Người dân tận dụng canh tác, chủ yếu là trồng khoai mì, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Khoai mì trồng trên đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng cũng là một trong những “đặc sản” của hồ, trữ bột rất cao, không nơi nào trong vùng sánh kịp. Nhiều người dân có đất bán ngập khá lên, giàu lên từ việc trồng khoai mì, ông Võ Thành Tơ là một trong số đó. Từ tay trắng, hơn 10 năm cần mẫn, vợ chồng ông Tơ đã sở hữu gần 10 héc ta đất không ngập cùng hơn 100 héc ta đất bán ngập. Làm ăn ngày càng khá giả, vợ chồng ông Tơ mỗi năm trích ra một phần lợi nhuận để góp phần xây dựng quê hương, rồi làm từ thiện, giúp những người dân nghèo khó trong ấp, những đồng đội khó khăn. Ông bà còn cho mượn đất, mượn vốn để ấp canh tác lấy tiền làm quỹ chung cho khu dân cư.

Khi Nhà nước có chủ trương di dời toàn bộ người dân cư trú trên đảo Nhím đi nơi khác, để thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái. Không ít người chần chừ do dự, vài người tỏ rõ thái độ chống đối, không chịu hợp tác với chính quyền. Vợ chồng ông Tơ là người đầu tiên thực hiện việc di dời, nhận tiền hỗ trợ, giao lại gần 10 héc ta đất không ngập trên đảo cho chính quyền. Còn lại hơn trăm héc ta đất bán ngập, hàng năm ông vẫn đầu tư canh tác khoai mì. Mấy năm gần đây, ông Tơ đầu tư trồng cây gáo vàng lấy gỗ. Cây gáo vàng là loại cây gỗ quý, cây thích nghi với đất bán ngập, trồng xen với khoai mì cho đến khi cây khép tán thì tỉa thưa, sau 10 năm trồng mỗi cây có giá hơn 20 triệu đồng. Nhiều người thấy “mô hình” trồng xen cây gáo vàng có hiệu quả nên làm theo. Hiện nay, xung quanh đảo có hơn 150 héc ta cây gáo vàng, riêng ông Tơ có hơn 30 héc ta, ông còn tiếp tục ươm cây giống trồng tiếp…

Dịch bệnh Covid -19 bùng phát, địa bàn xã Suối Đá trở thành “vùng đỏ”, phải thực hiện lệnh phong tỏa “ai ở đâu ở yên đó”. Phong tỏa tới 3 chu kì liên tiếp, dịch mới thuyên giảm. Chỉ những cán bộ được giao nhiệm vụ, mới được ra khỏi nhà đi làm nhiệm vụ... Tháng Tám, đang giữa mùa mưa, bầu trời như trùng xuống, mây đen vần vũ. Gặp lúc giông bão nổi lên, mặt nước hồ Dầu Tiếng trắng xóa. Người ngồi trên ghe, ai cũng run lập cập, nước bắn lên tung tóe, áo quần ướt sũng. Trong thời gian chống dịch, tôi cùng đoàn cán bộ xã Suối Đá 2 lần lên ghe, vượt quãng đường hơn 10 km tới đảo Nhím. Nơi ấy có hơn 500 nông dân đang cư trú, mưu sinh. Họ cũng phải ở yên tại chỗ. Mỗi gia đình ở trên sàn căn chòi chơi vơi, bồng bềnh trên mặt nước hồ. Khi nước hồ rút cạn, những căn chòi hiện ra, cái nào cũng có sàn cao hơn mặt đất hàng mét. Quá trưa, việc “tét” cho người dân đã xong. Thật may! Hơn 500 người, không ai “dương tính” với dịch. Vợ chồng ông Tơ đãi chúng tôi bữa cơm trưa thật ngon lành. Nồi lẩu cá lóc nấu chua với lá vang, cọng bông súng, bông lục bình hái tại chỗ bốc hơi thơm phức…

Từ khi thực hiện việc di dời dân cư trên đảo đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị, nhiều dự án được triển khai nhưng không mang lại hiệu quả. Vài năm gần đây toàn bộ diện tích không ngập trên đảo được giao cho Tập đoàn Xuân Cầu, được hầu hết người dân đồng thuận. Tập đoàn này đã triển khai nhiều mô hình, khởi sự cho việc kiến tạo một hòn đảo xanh, đảo du lịch sinh thái, nơi nghỉ dưỡng, giải trí... Trang mạng xã hội của huyện Dương Minh Châu lấy tên: “Đảo Nhím quê hương”, hiện có hơn 17 nghìn thành viên tham gia. Qua trang mạng xã hội ấy, đảo Nhím trong hồ Dầu Tiếng, đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khám phá, trải nghiệm, hứa hẹn trở thành điểm đến “lí tưởng” cho du khách trong tương lai không xa.

Vợ chồng ông Tơ lưu luyến chia tay đoàn. Mùa nước nổi, mặt hồ mênh mang, sóng nước trắng xóa, ngồi trên tàu ghe bồng bềnh như đang ở giữa biển khơi bao la. Bầu trời trong xanh rực rỡ, mây đen bị gió thổi bay xa. Ngồi trên ghe nhìn rõ: Phía Đông dãy núi Cậu chạy dài thăm thẳm. Phía Tây ngọn núi Bà lừng lững uy nghi. Xa xa phía Bắc tấm gương mặt trời khổng lồ, chơi vơi tỏa sáng giữa hồ nước mênh mang.

Bút ký của Nguyễn Khắc Luân

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


Có thể bạn quan tâm