May 2, 2024, 10:43 pm

Bộ đội thời bình…

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 vừa diễn ra tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội, là một trong những sự kiện quốc phòng nổi bật của quốc tế trong năm 2022, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với tư cách là quân đội nước chủ nhà, Triển lãm được Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch, làm công tác chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ từ mọi khâu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022

Hoạt động thu hút sự quan tâm của truyền thông và đông đảo người dân là màn trình diễn của các biên đội máy bay tiêm kích hiện đại Su30MK2 và trực thăng ở độ cao cực thấp trong lễ khai mạc. Màn biểu diễn hấp dẫn, mãn nhãn ấy là biểu hiện của tính chính quy, tinh nhuệ, hiện đại của Không quân nhân dân Việt Nam. Với bạn bè quốc tế, sự phô diễn các kỹ thuật bay khó đã khẳng định trình độ, kỹ năng của phi công Việt Nam. Với quân và dân cả nước, hình ảnh ấy góp phần tạo dựng lòng tin, niềm tự hào to lớn về tiềm lực quân sự, sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh đông đảo người dân kéo về, chen kín đường đê Long Biên để được chứng kiến máy bay hiện đại của quân đội ta luyện tập, bay biểu diễn, đã chứng minh điều ấy. Ngoài những người dân ở Hà Nội, còn có nhiều người đến từ các vùng quê khác, có người từ Nam Bộ ra. Lòng tin yêu, niềm tự hào của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ lúc nào, thời kỳ nào cũng dạt dào, ăm ắp…

Đây là lần đầu tiên, Quân đội ta trưng bày, giới thiệu nhiều loại vũ khí, khí tài trang bị hiện đại do ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, sản xuất. Khi được chứng kiến và biết được sự hiện diện của nhiều loại vũ khí tối tân, hiện đại do Quân đội nhân dân Việt Nam chế tạo, mua sắm và trình độ, kỹ năng khai thác, làm chủ các loại vũ khí, khí tài, trang bị ấy, nhân dân đặt trọn niềm tin vào Quân đội, lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Việc Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 với sự tham gia của hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia, là điều kiện để tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng vì mục tiêu hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Đây là dấu ấn tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến, nguy cơ phức tạp, khó lường. Phát biểu tại khai mạc triển lãm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bên cạnh xu thế lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng của những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt. Do đó, các nước cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia dựa trên công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế. Trong đó, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa các nước có vai trò rất quan trọng…

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra trong dịp chúng ta kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, sự kiện gây chấn động dư luận quốc tế thế kỷ 20, đặt dấu chấm hết cho sự thất bại toàn diện của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do đế quốc Mỹ thực hiện. Nửa thế kỷ đi qua, tiềm lực quân sự, sức mạnh quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Phòng không – Không quân, đã tiến những bước xa. Kinh nghiệm trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc của thế hệ cha anh là di sản vô giá, đã được đúc kết thành nghệ thuật quân sự Việt Nam, được các thế hệ đi sau kế thừa, phát huy trong tình hình mới…

*

Cùng với xu thế phát triển trong môi trường hội nhập quốc tế, đời sống vật chất tinh thần của bộ đội thời nay cũng đã được quan tâm, cải thiện hơn trước rất nhiều. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng… là một nghề trong môi trường lao động đặc biệt. Học viên tốt nghiệp các trường đào tạo trong quân đội được Nhà nước cấp bằng đại học, cao đẳng, trung cấp… Nhiều học viện, trường sĩ quan được đào tạo các cấp học thạc sĩ, tiến sĩ, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Quân đội ngày càng có nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… Những năm gần đây, tỉ lệ thanh niên có trình độ cử nhân, kỹ sư, cao đẳng… nhập ngũ ngày càng nhiều. Cán bộ Quân đội có mặt trong tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… Đó là những bước tiến quan trọng và tất yếu. Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tạo dựng hình ảnh mới trong xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế, kế thừa những nét đẹp truyền thống của thế hệ đi trước. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn chấp nhận gian khổ, hy sinh; là lực lượng nòng cốt đi đầu trong mọi khó khăn, thử thách, nhất là ứng phó sự cố thiên tai, dịch bệnh, làm nhiệm vụ đặc biệt nơi biên giới, hải đảo. Hình ảnh những người lính dầm mình trong mưa bão, lũ lụt cứu dân; tuần tra, canh gác, đẩy xe thồ, mang vác, đi chợ giúp dân trong các “vùng đỏ” của đại dịch Covid-19; làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan… đã chạm vào trái tim của hàng triệu đồng bào.

Chấp nhận hy sinh, gian khổ, hiểm nguy… là những đặc tính văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ qua các thế hệ. Nhưng, khi đời sống xã hội đã tiến những bước rất nhanh, rất xa so với cái thời bộ đội phải “nuôi con bằng kẹo, nuôi vợ bằng thư”, nếu trong tư duy xã hội vẫn còn quan niệm “bộ đội thì phải thế”, là trái quy luật. Thời chiến tranh, hoàn cảnh xã hội tất cả đều gian khổ, mọi thành phần đều khó khăn. Sự hy sinh của người lính được điểm tô bằng sắc màu đồng cảm, đồng điệu, chia sẻ mọi mặt từ hậu phương. Ngày nay, khái niệm hậu phương người lính đã thay đổi căn bản. Trước mặt, sau lưng, xung quanh… người lính là muôn mặt đời sống xã hội, tốt xấu đan xen, cơ hội và cạm bẫy khó phân định. Ra khỏi doanh trại, họ là một công dân bình đẳng trước pháp luật, phải đối mặt với bao lo toan cơm áo gạo tiền. Mọi khoản thu nhập đều tính vào tiền lương. Bộ đội không còn được hưởng những chế độ ưu tiên, ưu đãi như thời bao cấp. Môi trường làm việc 24/24 gắn với thao trường, bãi tập, doanh trại; cán bộ chiến sĩ không có cơ hội làm thêm, cải thiện thu nhập. Nuôi cá, trồng rau trong doanh trại chỉ đủ để đưa vào bữa ăn hàng ngày. Lương của một sĩ quan cấp úy, trừ tiền ăn, chỉ ở mức 6-9 triệu đồng. Với mức thu nhập đó, cộng với thời gian, môi trường lao động đặc biệt, cán bộ sĩ quan rất khó để lo cho gia đình. Nhiều sĩ quan các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa không lấy được vợ; con cái hư hỏng do không được giáo dục, dạy dỗ… Hạnh phúc gia đình, hậu phương chiến sĩ đứng trước những thử thách cam go, không dễ gì vượt qua được. Đó là những góc khuất vô cùng nan giải của môi trường quân ngũ hiện nay.

 “Bộ đội thời bình sướng lắm”, “Bộ đội bây giờ lương cao”… Những cảm nhận ấy không chỉ có trong đời sống xã hội mà nó còn xuất hiện cả trong phát ngôn của một số ít Đại biểu quốc hội. Vì nghĩ rằng, bộ đội thời bình là “sướng”, mức lương so với công chức, viên chức, người lao động… được coi là “cao”, nên những mảng tối, góc khuất trong đời sống bộ đội, hậu phương chiến sĩ không phải lúc nào và ở đâu cũng có cơ hội được tỏ bày. Đại dịch Covid-19 vừa qua là một cuộc “sát hạch” lớn, làm lộ ra những bất cập, hạn chế trong chính sách xã hội. Khi hàng vạn công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, nhất là trong ngành Y xin thôi việc, nghỉ việc thì trong môi trường quân ngũ, nhiều gia đình quân nhân phải li tán, đổ vỡ hạnh phúc. Nguyên nhân do áp lực công việc, thu nhập thấp, môi trường công tác không có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình.

Thời chiến tranh và khi đất nước còn khó khăn, bộ đội phải “nuôi con bằng kẹo, nuôi vợ bằng thư”! Ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Trong xu thế phát triển của đời sống xã hội, điều kiện đảm bảo cuộc sống bộ đội và công tác hậu phương quân đội không thể chỉ có “kẹo” và “thư”. Cách tốt nhất và duy nhất vẫn là cải tiến chế độ chính sách tiền lương, điều kiện làm việc của bộ đội; bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với công tác hậu phương quân đội. Có như vậy, bộ đội mới yên tâm công tác, cống hiến. Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại phải lấy xây dựng nguồn nhân lực làm trung tâm. Bây giờ, “kẹo” và “thư “chỉ nên là chất liệu thi vị hóa đời sống quân ngũ, chứ không thể là phương tiện của cuộc sống bộ đội.

Phan Tùng Sơn

Nguồn Văn nghệ số 52/2022


Có thể bạn quan tâm