May 5, 2024, 12:05 pm

Biết thua để khác…

Nhắc tới nhà thơ, họa sỹ - NSND Lê Huy Quang, có lẽ trong giới văn nghệ cả nước nói chung, cũng như trong “làng” văn nghệ Hà Nội nói riêng, không ai là không biết, với rất nhiều ấn tượng, rất nhiều những câu chuyện về đời, về nghề. Riêng tôi nhớ mãi chuyện này…

Ấy là vào thời bao cấp, ở Hà Nội mọi thứ nhu yếu phẩm đều được phân phối, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Bữa đó sau khi đi dựng vở cho một địa phương, Lê Huy Quang được “trả công” bằng một ít gạo. Ông gọi Tạ Vũ đến chia cho một phần. Tạ Vũ là nhà thơ, nhưng công việc chính hầu như là lao động chân tay, cuộc sống hết sức khó khăn, nên món quà thật quý. Nhận gạo từ chỗ Lê Huy Quang xong, Tạ Vũ xách thẳng xuống nhà Phùng Quán ở Hồ Tây để lại cho bạn. Phùng Quán ngày đó không có công ăn việc làm, cũng đồng nghĩa với việc không có sổ gạo, phải tá túc nhờ cơ quan vợ, ngày ngày câu cá ven hồ… Trong hoàn cảnh ấy số gạo mà Tạ Vũ mang đến không còn là quà nữa mà phải gọi là một nguồn cứu trợ thực sự. Phùng Quán nấu cơm xong, không hiểu sao lại nhớ đến Lê Huy Quang nên nhắn mời ông đến ăn cơm. Một gia đình như Phùng Quán khi ấy, một bữa cơm no cũng khó, nay mời bạn đến ăn cơm thì đúng là sự lạ. Ông Quang đến nhìn nồi cơm, hỏi - Hôm nay sao chơi sang thế?. Phùng Quán: - Tạ Vũ vừa qua chơi cho ít gạo… Lê Huy Quang cười vang: - Hóa ra là gạo của mình để đãi mình

Bây giờ thì cả 3 ông đã thành người thiên cổ. Không hiểu bữa cơm hôm đó ngon và vui đến mức nào, nhưng khi nghe Lê Huy Quang kể lại câu chuyện, tôi cười mà ứa nước mắt. Một Lê Huy Quang lãng tử suốt đời guốc mộc, nhẫn bạc, vòng tay bạc; quần áo rất nhiều túi các kiểu, nhưng thường xuyên chỉ 2 màu đen đỏ; thích rượu cuốc lủi hơn bia, và điếu thuốc luôn cháy đỏ trên tay, khói thuốc phả từng làn mờ ảo bên mái tóc dài bay xõa… thì nhiều người biết. Nhưng một Lê Huy Quang gắn với chuyện “gạo tiền” như thế này thì ít. Một Tạ Vũ nổi tiếng suốt ngày gặp bạn là xin tiền, mặc dù cách xin của ông cũng chẳng giống ai: - Này, đi uống rượu với tao, - Xin phép anh, em bận quá không đi được, anh để cho lúc khác, - Tao mời mà mày không đi à? - Dạ em nói thật, em đang có việc này, việc này… - À, thế là mày không đi được thật phải không? - Dạ anh thông cảm, hẹn anh hôm khác vậy, - Nếu mày không đi được thì đưa - tiền - đây - tao - đi - uống - rượu… Thế nhưng rồi số tiền mà bạn đưa những lần như thế không phải tất cả đều vào rượu, mà rất nhiều lần lại “sang tay” người khác giống như số gạo của Lê Huy Quang hôm đó… Những tình bạn, tình người hào sảng mà trĩu nặng ân tình của một thời nghèo khó mà trong sáng, vô tư…

Phùng Quán ra đi để lại những Vượt Côn ĐảoTuổi thơ dữ dộiLời mẹ dặn… và nụ cười kiêu bạc khi nỗi oan khuất còn chưa được cởi bỏ. Tạ Vũ ra đi để lại lời đề trên bìa gấp tập thơ thứ ba mang tên Lá cỏ: “Đã in: Những cánh chim trời, thơ, NXB Thanh Niên, 1974; Vầng sen Hàm Rồng, trường ca, NXB Lao Động, 1975; Lá cỏ, thơ, NXB Hội Nhà văn, 2001. Nếu - có - tiền - sẽ - in - tiếp: 1… 2… 3…” và những câu thơ nhói buốt nỗi buồn cô độc: nhà tôi/ mười người/ sống – cô – đơn – cùng - nhau... Hay Nỗi buồn vặt của anh từng ngày thả vào cốc rượu/ Quán đông hay quán vắng/ Ngồi với anh em/ Hay ngồi một mình/ Anh như người bị đánh rơi sổ gạo…

Còn Lê Huy Quang thì bề bộn những “dị biệt” vô cùng nghệ sỹ không thể lẫn vào ai…

*

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật sân khấu, cụ thân sinh của Lê Huy Quang là một nghệ nhân tuồng cổ, nghệ nhân hát ví dặm, phường vải, quê Thạch Hà (Hà Tĩnh). Nhưng ông lại gắn bó nhiều hơn với quê mẹ, Đô Lương (Nghệ An). Lên 5, 6 tuổi, Lê Huy Quang đã thích thú với những vở tuồng cổ. Sân khấu với những sắc màu lung linh lôi cuốn cậu bé. Truyền thống nghệ thuật của gia đình đã giúp cho ba anh em ông vươn lên rở thành những tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Anh ruột Lê Huy Hòa (1932-1997) là họa sỹ của khóa Mỹ thuật kháng chiến được đào tạo tại chiến khu Việt Bắc, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Người em út Lê Huy Hạnh, vốn là một người lính chiến trường Tây Nguyên, nay là họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà thơ của Hội VHNT Đà Nẵng. Còn Lê Huy Quang, ngay từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã đi vào hội họa tự nhiên như chính đời sống. Và hội họa đã đưa ông đến vị trí một họa sĩ trang trí sân khấu của Nhà hát Tuồng Trung ương. Ông được xem như “đại ca” của làng trang trí sân khấu. Vừa làm trang trí, vừa vẽ, vừa mê mãi sáng tạo. Mặc dù đi đâu, ngồi đâu, ông vẫn luôn tự nhận mình là “gã nhà quê xứ Nghệ”. Nhưng nhìn vào gia tài sáng tác của ông thì thực sự là không hề “nhà quê” chút nào, nếu không muốn nói rằng ông là một “tay chơi” có tiếng trong giới văn nghệ. Với hơn 300 vở diễn cho khắp các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước do ông thiết kế, ông đã có hơn 20 Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội diễn sân khấu toàn quốc, cùng nhiều giải thưởng về hội họa, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ ca,… thì quả thật sức lao động của ông khiến cho nhiều người phải vị nể. Từ năm 1976, bước sang công việc làm báo, bắt đầu với Tạp chí Sân khấu, ông trở thành người viết phê bình sân khấu với nhiều phát hiện đáng kể. “Hội họa cho tôi trí tuệ, lý trí; thơ cho tâm hồn bay bổng, trữ tình; sân khấu - loại hình nghệ thuật tổng hợp - cho tôi một cái nhìn đầy đủ về cuộc sống, cái đẹp, cùng những nhân vật của xã hội; công việc làm báo cho tôi tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh với tư cách của một công dân. Tất cả công việc tôi làm quy tụ lại chỉ ở hai phương tiện: bút lông và bút sắt. Tôi hình như sinh ra để yêu nghệ thuật và làm nghệ thuật” - Lê Huy Quang tâm sự.

Song hành với tất cả những công việc vừa là đam mê, vừa mang tính “hành chính” ấy, Lê Huy Quang có thêm những hoạt động nghệ thuật khác, trong đó thứ mà ông đầu tư nhiều thời gian và sự đam mê nhất là làm thơ và vẽ. Ở cả 2 lĩnh vực này ông đều có những thành công mang dấu ấn riêng, Ông lần lượt trở thành hội viên của các Hội chuyên ngành như Hội Mỹ Thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo Việt Nam; và là Hội viên ba Hội Mỹ thuật, Sân khấu và Hội Nhà văn Hà Nội. Cho đến trước khi qua đời, Lê Huy Quang đang đảm nhiệm các vị trí Phó Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Trang trí - Hội Mỹ thuật Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Hà Nội

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, một người bạn của ông, đã phác thảo một bức chân dung đầy ấn tượng về Lê Huy Quang “Có những năm tháng dài, hành trang của Quang chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo. Một mặc trên người. Một trong túi vải. Kèm thêm ở túi vải còn một bàn chải và một khăn mặt. Đó là ấn tượng về một “Quang độc thân”, “Quang bụi” quăng quật rong chơi một thời… Ngay từ khi bước vào tuổi thanh xuân, Quang đã lao vào sống, đắm chìm và mê mải, không biết sợ, không ngại đố kỵ. Vượt qua mọi rào cản, bản thảo thơ của Quang trong 1/4 thế kỷ đã lên tới cả ngàn trang. Và tuyệt nhiên không in. Duy nhất khi ấy, chỉ có một bài thơ về Khúc hát văn được Nguyễn Cường phổ nhạc. Mãi tới một ngày đầy giông gió của mùa thu Hà Nội, thơ Quang mới lần đầu tiên in trên báo Văn nghệ. Đó là năm 1988, bài thơ tưởng niệm danh họa Bùi Xuân Phái vừa qua đời: “Những bức tranh phố/ nằm nghiêng/ cùng tôi/ người họa sĩ Phố - Phái/ cùng tôi/ đi/ và cùng tôi/ có-cả-đường-công-tua-đen-bức-tranh-phố-xám”... Ai hỏi Quang làm thơ thế nào, anh chỉ cười lắc lắc mái tóc dài ngang vai và đáp gọn: “Cứ em mà giã”. Nghe có vẻ thô, nhưng ý thì rất trong. Quang muốn lấy cảm hứng thơ từ tình yêu - một tình cảm vĩnh hằng của loài người. Nói rồi Quang lại xê dịch. Một bộ quần áo chàm. Một túi thổ cẩm và một đôi guốc. Nhìn Quang những năm tháng ấy, người nghiêm túc không ai tin lại có một Nghệ sĩ Ưu tú Lê Huy Quang của ngày hôm nay bởi chất tự do phóng khoáng và bụi bặm của anh…”

*

Sinh thời, nhà thơ Lê Huy Quang từng tâm niệm: “Thơ, bất chợt những vui, buồn; mà ở đó, vĩnh viễn sinh sôi trong sạch nhất tình yêu…”.  Tất nhiên theo ông, đó là tình yêu với mọi trạng thái tinh thần của con người, chứ không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ. Và cái “bất chợt” mà ông nói đến, chính là sản phẩm càm xúc của một tâm hồn nhạy cảm. Ông nói thêm: “Khi không còn cảm xúc rung động gì nữa, đó là nỗi sợ kinh khủng và bi đát nhất…”. Là một nghệ sỹ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ông tuyên bố: “Tôi vẽ cho tôi. Tôi làm thơ cho tôi. Không cầu danh lợi, không cầu nổi tiếng. Cái nhu cầu “triển lãm” và “in ấn”, phải đi sau nhu cầu sáng tạo tự do của cá nhân…”. Với ông, cái đáng sợ nhất chính là sự mờ nhạt, khuất lấp. “Không sợ làm thơ dở hơn người khác, cũng không cố gắng để hay hơn người khác, mà bao giờ cũng chỉ cố gắng phải - khác - người - khácCái đáng sợ nhất trên đời này, là ta đã bị lẫn vào người khác, nằm trong cái bóng của người khác…”. Khác người nhưng lại biết rộng lượng và yêu thương con người “Khắt khe bao nhiêu với bản thân, lại phải rộng lượng bấy nhiêu cho mọi người…”. Đó không chỉ là một quan điểm sống, mà thực sự phải là một trải nghiệm sâu sắc. Ông lý giải: “Ở đời phải biết thua người khác. Biết thua người khác chính là đã thắng được bản thân mình. Phải biết sức, tài mình đến đâu để sống đúng với mình. Ngay cả một dân tộc cũng phải sống đúng cội nguồn và văn hóa của mình. Cuộc đời nếu không biết thua thì không làm được gì. Biết thua không phải là “mất”, mà đó chính là cái “được” vô hình mà không phải ai cũng ý thức được”.

Và đó cũng là một trong những hành xử “rất khác” của Lê Huy Quang. Cuộc đời ông giống như một vở diễn trên sân khấu, mà ở đó, ông sắm vai một kẻ sĩ ngang tàng “bốn mùa quăng quật những rong chơi”. Nhưng là sự rong chơi để trọng hơn cái đẹp, để yêu hơn cuộc đời, để sống hết mình với nghệ thuật, trong quỹ thời gian hữu hạn của cõi người. Và trên sân khấu của cuộc đời mình, Lê Huy Quang đã tô đậm lên hai chữ viết hoa PHẢI KHÁC như tuyên ngôn cho lẽ sống và cho cả cuộc đời đầy cá tính và cảm xúc, thanh thản và nồng nhiệt, với nghệ thuật, với bạn bè, như chính câu thơ của ông: “Cuộc đời ai nhớ ai quên/ Nhưng mà phải khác mới nên chữ người!..

Ông ra đi vào một ngày thu tháng 8 năm 2023. Sự ra đi không có gì khác, nhưng những gì ông để lại, bằng sự nghiệp, và bằng tình cảm trong lòng người ở lại, thì đương nhiên, vẫn luôn khác(*)

______

* Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp.

Lương Ngọc An

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023


Có thể bạn quan tâm