May 5, 2024, 5:05 pm

Bảo tàng Văn học Việt Nam – Lễ tri ân và Hiến tặng hiện vật năm 2023

Chiều ngày 12.4.2023, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tổ chức “Lễ tri ân và Hiến tặng hiện vật” của gần 30 nhà văn và gia đình các nhà văn Việt Nam.

Chủ tich Nguyễn Quang Thiều tặng các gia đình Bằng khen ghi công của Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Ủy viên Ban Thường vụ – Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà thơ Hữu Việt – Uỷ viên BCH cùng đông đảo nhà văn, các thành viên trong gia đình các nhà văn đến dự và hiến tặng hiện vật.

Bảo tàng Văn học Việt Nam được thành lập ngày 8.11.2011, trải qua quá trình sưu tầm và trưng bày đến ngày 26.6.2015 thì chính thức mở của đón khách. Trước đó, Ban Quản lý Dự án đã nhận được sự ủng hộ hết lòng của các cấp, ngành, các gia đình nhà văn, nhà thơ. Hiện Bảo tàng lưu giữ hơn 6000 hiện vật, tư liệu quý đã được tập hợp, để phục vụ trưng bày.

Tại Lễ hiến tặng hiện vật lần này bảo tàng nhận được của  27 gia đình và cá nhân. Đó là gia đình các nhà thơ, nhà văn: Quang Dũng, Lưu Trọng Lư, Ngô Văn Phú, Dương Thị Xuân Quý, Hữu Mai, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Phạm Hổ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Triệu Bôn, Phong Thu,… và cá nhân các nhà thơ, nhà  văn Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Thảo, Thanh Quế, Lại Hồng Khánh….

Việc gặp mặt, trò chuyện với các gia đình nhà văn là hành động giàu tính nhân văn, thể hiện được sự biết ơn to lớn của lãnh đạo Bảo tàng đến những gia đình, và các nhà văn đã hiến tặng hiện vật.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ thay mặt BCH Hội Nhà văn, cùng tập thể cán bộ bảo tàng bày tỏ sự tri ân, và ghi nhận những đóng góp của lãnh đạo BCH nhiệm kỳ trước.

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, bảo tàng là một loại hình văn hóa được đặc biệt chú trọng phát triển nhằm quảng bá những giá trị văn học, là niềm tự hào của mỗi nhà văn.

Trên thực tế, sau đại dich Covid-19 Bảo tàng đã làm rất tốt và hiệu quả về công tác truyền thông, lượng khánh đến thăm quan ngày càng nhiều, đặc biệt là các bạn học sinh đến thăm quan và trải nghiệm tour đêm, chủ đề Du lịch văn học Chữ tâm chữ tài.

Tại buổi lễ Bảo tàng Văn học Việt Nam rất vui mừng khi nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp ý kiến của các nhà văn Hữu Việt, Yên Ba, Bắc Sơn, Hoàng Việt Hằng, Như Phong….

Chị Bùi Phương Thảo, con gái cố nhà thơ Quang Dũng

Đến với buổi hiến tặng, chị Bùi Phương Thảo, con gái cố nhà thơ Quang Dũng đã thay mặt cha mình tặng cho Bảo tàng nhiều tài liệu, hiện vật mà nhà thơ để lại, trong đó có bức tranh vẽ hoa đào Nhật Tân, bức tượng của ông….

Bà xúc động bày tỏ về công tác tổ chức, cũng như sự tận tụy, tận tâm của các cán bộ bảo tàng trong việc sưu tầm và lưu giữ các kỷ vật của gia đình bà, cùng nhiều nhà văn khác. Bà Thảo thay mặt gia đình trao tặng nhiều hiện vật của nhà thơ, đặc biệt là bức tranh vẽ hoa đào Nhật Tân.

Nhà văn Lê Phương Liên đến dự buổi lễ chia sẻ: “Đó đều là những kỷ vật tôi đã lưu giữ hàng chục năm, qua mấy lần chuyển nơi ở, bao phen ngồi chọn lọc giữ lại cái gì, bỏ đi cái gì. Những tấm ảnh, những cuốn sách, những tư liệu đã gắn bó với cuộc đời tôi, bắt đầu từ khi cầm bút viết cuốn Những tia nắng đầu tiên (cách đây hơn 50 năm). Không thể nói hết được những cảm xúc lưu luyến khi chia tay các kỷ vật đó. Nhưng rồi, tôi nghĩ trước sau sẽ đến ngày tôi từ giã tất cả. Tôi gửi đến Bảo tàng Văn học, đó là nơi lưu giữ tốt nhất các kỷ vật gắn liền với sự nghiệp sáng tác của tôi”.

Nhà thơ Hữu Việt thay mặt gia đình trao tặng bản thảo viết tay của nhà văn Chúc Ngưỡng Tu dịch tiểu thuyết Ông Cố Vấn của cố nhà văn Hữu Mai. Tiểu thuyết tư liệu Người lữ hành lặng lẽ, Không phải huyền thoại đã được NXB Trẻ tái bản 16 lần, nhà thơ đã cho biết mong muốn của nhà văn Hữu Mai khi xuất bản hoặc tái bản các tác phẩm của ông phải ưu tiên Nhà xuất bản Quân đội trước tiên.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu những kỷ vật gắn bó với mình

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng hiến tặng bức tranh chân dung ông do một nhà thơ Hàn Quốc vẽ, bức tranh Người thổi sáo, đồng hồ, cây sáo của ông, cùng nhiều hiện vật giá trị khác. Đây là những hiện vật rất gắn bó, gần gũi với đời sống hàng ngày của ông.

Tại buổi lễ ông cũng bày tỏ những suy nghĩ của mình về giá trị của những hiện vật đã gắn bó với mỗi nhà văn. Mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn với quá trình sáng tạo, kỷ niệm cá nhân. Chia tay những đồ vật đã gắn bó với mình, với những người thân của mình tuy có phần luyến tiếc, nhưng việc hiến tặng sẽ tạo sự lan tỏa, để có thêm nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ biết đến những vật dụng đã gắn bó với đời sống tác phẩm của nhà văn hay một giai đoạn lịch sử, một giá trị văn hóa của cộng đồng, từ đó thêm trân quý những giá trị lịch sử văn học, truyền thống của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu, hiện vật cho bảo tàng.

Ông cũng cho biết thêm khi Trung tâm quảng bá phát triển văn học Việt Nam ở 65 Nguyễn Du đi vào hoạt động, ở đó hàng tuần sẽ tổ chức giao lưu bạn đọc với các nhà văn, nhà thơ, ra mắt sách, ….

Kết thúc buổi lễ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ phát biểu: Bảo tàng Văn học Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, động viên vô cùng to lớn của các nhà văn, gia đình nhà văn. Mỗi hiện vật, tư liệu nhận được, vốn dĩ là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn trong các gia đình, trong các bộ sưu tập cá nhân, nay chính thức được trao gửi cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Những người làm Bảo tàng Văn học Việt Nam luôn coi đó là những tình cảm hết sức quý giá, xin hứa sẽ giữ gìn và giới thiệu rộng rãi nhất các di sản, tác phẩm đó đến với công chúng. Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ là nơi giữ gìn, bảo tồn, phát huy và quảng bá nền văn học, hứa hẹn sẽ là điểm tham quan hấp dẫn thu hút được đông đảo công chúng yêu di sản văn chương nước nhà.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng tặng lại các gia đình Bằng khen ghi công của Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Nguồn VANVN


Có thể bạn quan tâm