May 5, 2024, 8:26 pm

Bao mảnh phiêu bồng dắt nhau đi

Sau bốn tập thơ Em hãy cho anh vội (2018, Em tôi (2019), và Díu dan với núi sông (2020), Ngàn tiếng đời ấp ủ (2022) đã ra mắt công chúng, Đinh Nho Tuấn dần dần tìm được mạch nguồn cảm hứng thi ca đích thực của đời mình trong tập thơ thứ năm Lời phả hương do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa ấn hành.

Ông không cần dựa dẫm những câu chữ liêu xiêu, và ông cũng không cần bám víu những hình ảnh diêm dúa. Ông ung dung dắt thơ đi con đường trực diện đến tri âm, bằng những xao xác khôn nguôi về quê hương và thân phận. 

Nhịp sống bận bịu và lo toan, thơ không gõ cửa bất kỳ trái tim biếng lười và dửng dưng nào. Nhà thơ Đinh Nho Tuấn căng rộng tâm hồn mình như một cánh buồm mỏng mảnh trìu mến để đón đợi bao vần điệu xa xôi chợt ẩn chợt hiện giữa chốc lát rối bời nhân gian. Từ những khoảnh khắc “Gió mùa thu cuộn tròn trong lồng ngực/ Biết bao giờ mới thôi phả hương”, ông tiếp cận được sự thật hữu duyên của kẻ đèo bồng ngổn ngang: “Trời ban chúng ta quyền thương quyền tiếc”. Vì vậy, ông tự tin khởi động hành trình “Lời phả hương” ở cột mốc tự chủ sáng tạo: 

Những bài thơ của anh

muôn đời của anh

Nếu anh không viết chúng ra

thì không ai sẽ viết

Anh cặm cụi những ngày thường

Để nuôi ngày mai bằng niềm

vui riêng biệt”.

Khi đã bước vào độ tri thiên mệnh, Đinh Nho Tuấn mới công khai trình diện độc giả. Cuộc maraton thi ca bất tận, đâu phân biệt người đến sớm và người đến muộn, miễn sao đối tượng dự phần biết mang đến một tiếng nói riêng tư. Đã có được sự trải nghiệm đầy đặn qua chuỗi ngày thanh xuân tha phương, Đinh Nho Tuấn có hẳn một vòm trời cố hương để gửi gắm xao xuyến bất tận. Ông thoáng nghe thảng thốt “Bao năm thịt da mòn cát sỏi/ Phố xá trăm đường nuốt hồn ta/ Ánh đèn vàng đêm là trăng lạ/ Gió về réo gọi tiếng đồng xa” và ông biết cách an ủi “Thật kỳ lạ khi u buồn, mệt mỏi/ Tôi hướng về quê hương/ Giấc ngủ tôi sẽ ấm êm rơm rạ/ Tôi quên đi bao đau khổ, chán chường”, để nối dài suy ngẫm “Thời gian âm thầm giăng dải lụa/ Quấn lấy lòng ta nỗi nhớ nhà/ Có cơn bão xa là thanh kiếm/ Bất ngờ hướng mũi vào tim ta”.

Mảnh đất Hà Tĩnh ôm ấp thời trẻ dại cứ giăng mắc, cứ day dứt, cứ diệu vợi trong thơ Đinh Nho Tuấn. Dằng dặc sương mờ lối cũ, vằng vặc sao khuya cảnh xưa, khiến ông bồn chồn “Hồng Lĩnh đàn con ngày thức ngủ/ Tay Kiều vun vén giấc Nguyễn Du”. Và đôi lần được trở lại tắm gội trong không gian tuổi nhỏ, ông cũng bần thần đến tê buốt “Anh về cúi xuống nhành hoa mua/ đâu nỡ ngắt/ sợ triền đê bật máu”.

Dẫu đi dọc buổi sáng với nắng trên sông Ngàn Sâu hay đi ngược buổi chiều với sóng trên sông Ngàn Phố, thì âm thanh chốn chôn nhau cắt rốn vẫn réo rắt trong thơ Đinh Nho Tuấn. Những câu thơ xuất hiện theo niềm mong ngóng chơi vơi “Cúc hoạ mi tuyết trắng ngẩn ngơ/ Cánh đồng buông cơn mưa ngái ngủ/ Ngày quê hương bồn chồn giông gió/ Ghé vai anh, em nhắc khẽ mùa sang”. Lẽ thường, kẻ đắm đuối hướng về cội nguồn thì bao giờ cũng trân trọng mỗi mệnh kiếp đồng loại. Lắm phen, Đinh Nho Tuấn chột dạ: “Thả trăm năm xuống cõi không/ Vốc lên một nắm, mở lòng có chi/ Tung mình thân xác thiên di/ Hạt mưa rơi xuống còn gì hỡi em”.

Tín hiệu thẩm mỹ nổi bật trong tập thơ Lời phả hương của Đinh Nho Tuấn, là khả năng gọi tên những cảm giác mơ hồ. Thường trực ở ông là nỗi bâng khuâng nghìn trùng hạnh ngộ “Nhiều khi ta thấy ta là một/ Ta là trăm mảnh, lại nhiều khi/ Mảnh này theo ta cùng đứng lại/ Bao mảnh phiêu bồng em dắt đi”. Cho nên, ông bái vọng ân tình mù khơi “Chợt như gặp người năm cũ/ Mắt môi chưa dám hẹn hò” và ông san sẻ xót xa gần gũi “Còi ca ba trói em vào đêm/ Đời công nhân ai mà không giãy giụa”.

Khả năng gọi tên những cảm giác mơ hồ giúp ý thức xã hội trong thơ Đinh Nho Tuấn được bồi đắp. Ông bày biện cả sự dự báo âu lo “Nghe tiếng rao khuya mòn khắc khoải/ Tiếng vườn thao thức đón trăng rơi/ Hay tiếng thạch sùng xưa chép miệng/ Ăn cả phố phường cho đêm vơi” lẫn sự nâng niu sợ hãi “Tôi bỗng nhận ra rằng với tờ lịch đâu tồn tại thời gian/ với vô tri cái chết bao giờ là khái niệm/ chính linh hồn của chúng ta được treo trên tường trắng/ chúng ta tự xé mình thả theo gió bay đi”.

So với tập thơ Ngàn tiếng đời ấp ủ được trao tặng thưởng Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh năm 2022, thì tập thơ Lời phả hương có thể xem như một chỉ dấu đột phá của Đinh Nho Tuấn. Thơ ông chín muồi hơn và khắc khoải hơn, với nhiều bài thơ để lại dư vị đắng đót và bùi ngùi “Ta về xót thương giàn thiên lý/ Lặng lẽ hương nồng theo trăng đi”.

Đinh Nho Tuấn cầm tinh Bính Ngọ, đã cầm lấy những “lời phả hương” của chính mình để tri ân từng kỷ niệm chênh chao được làm người lương thiện và thong dong: “Nuôi sống ta sự vụng về chấp nhận/ Những ngày xanh lầm lũi thương yêu”.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn Văn nghệ số 37/2023


Có thể bạn quan tâm