May 2, 2024, 11:40 am

Bang giao Việt Nhật - Những sử liệu mới của quá khứ, bồi đắp cảm xúc cho hiện tại

 

8 tháng kể từ khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt nam được ký kết (27/1/1973), ngày 21/9/1973, cũng tại Paris (Pháp), Đại sứ Võ Văn Sung, đại diện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại sứ Nakayama Yoshihiro, đại diện cho Chính phủ Nhật Bản, chính thức ký kết một văn bản, khai phá và mở đường cho quan hệ ngoại giao (cấp Nhà nước) giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Từ cột mốc ấy đến nay đã tròn 50 năm. Trong nửa thế kỷ, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng phát triển, từ quan hệ hữu nghị (1973), hai nước đã nâng tầm, đưa hợp tác song phương trở thành “đối tác chiến lược sâu rộng” của nhau (trong dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản tháng 3.2014), cùng hỗ trợ lẫn nhau,  cùng nâng cao ảnh hưởng, uy tín và vị thế của hai nước trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, trong chuỗi các sự kiện và quy mô tổ chức (từ địa phương, ngành, đến cấp quốc gia), một hội thảo vừa diễn ra tại Đà Nẵng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều giới, bởi lần đầu tiên, nhiều sử liệu mới, có giá trị, được công bố.

 

Ngài Yakabe Yoshinori - Tổng lãnh sự Nhật bản tại Đà Nẵng: Trong lịch sử, có rất nhiều người Nhật đã liều mạng đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam. Ảnh: T.Ngọc.

 

Hội thảo diễn ra ở một nơi đã “khai sinh mối bang giao Việt - Nhật”

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2023), do Đại học Đông Á khởi xướng và chủ trì ; ngày 1/7/2023, đã diễn ra hội thảo khoa học chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai”. Sự kiện diễn ra trực tiếp (tại Đà Nẵng) được kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu tại Nhật Bản, tại Việt Nam.

“Hội thảo lần này có sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu từ Nhật Bản và Việt Nam, với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở cả hai nước, nên có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành sự kiện học thuật có sức thu hút và được mong đợi nhất trong chuỗi các sự kiện. Hội thảo đã nhận được 36 tham luận của 48 học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, … từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, … ở Việt Nam và Nhật Bản gửi về. Đây là những tham luận, không chỉ tập trung đánh giá về thành tựu ngoại giao giữa hai nước trong 50 năm qua, mà còn là những nghiên cứu có giá trị học thuật cao, phân tích sâu sắc và toàn diện bối cảnh lịch sử của quan hệ Việt - Nhật từ trong quá khứ; hành trình thiết lập bang giao và trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, sự giao lưu văn hóa, tôn giáo giữa hai nước từ thời trung - cận đến nay; quá trình nhận chân giá trị của nhau và sự cần thiết phải thiết lập quan hệ ngoại giao thời hiện đại.

Và hội thảo đã diễn ra ở vùng đất được ghi nhận là “nơi khai sinh bang giao Việt - Nhật”, khởi đầu từ thế kỷ VIII, phát triển vào thế kỷ XVI – XVII và tiếp diễn cho đến đầu thế kỷ XX: Xứ Quảng. Hiểu biết sâu sắc và thấu đáo về mối quan hệ Việt – Nhật trong quá khứ, giúp chúng ta nhận diện chính xác hơn quan hệ trong hiện tại và định hướng phát triển mối quan hệ đó trong tương lai” - Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á, chia sẻ.

 

Trong phát biểu tại hội thảo “được kỳ vọng sẽ đúc kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về mối bang giao đến quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong hàng thế kỷ qua”, Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Đào đã nhấn mạnh thêm: Đà Nẵng là trái tim của miền Trung Việt Nam, là một phần của xứ Quảng, vùng đất trọng yếu trong phát triển kinh tế và giao thương của Đàng Trong (trước đây).

Cũng từ xứ Quảng, vào đầu thế kỷ XX, phong trào Đông Du được khai sinh và lãnh đạo bởi các chí sĩ yêu nước như Nguyễn Thành và Phan Bội Châu, với mục tiêu chọn lựa nhưng thanh niên ưu tú của nước Việt, gửi đến Nhật Bản học tập, để họ có cơ hội tiếp cận và học hỏi những tư tưởng tiến bộ, công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, để khi trở về Việt Nam sẽ góp phần “nâng dân trí, chấn dân khí” người dân nước Việt, chuẩn bị cho công cuộc chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Xứ Quảng chính là nơi “khai sinh bang giao Việt - Nhật”.

“Ngoại giao nhân dân” Việt-Nhật đã khởi đầu tự bao giờ ?    

Thạc sỹ Onishi Kazuhiko - Quỹ học bổng giao lưu quốc tế châu Á, khẳng định rằng: Các nhà sư gốc miền Trung Việt Nam đóng vai to lớn trong (truyền bá), giao lưu văn hóa ngôn ngữ Phật giáo đến những vùng xa xôi ở phía Đông. Vào nửa đầu thế kỷ thứ VIII, cụ thể hơn là vào năm 736 (Tenpyo năm thứ VIII, Đường Khai Nguyên năm XXIV), chính nhà sư Phật Triết (người Lâm Ấp, một vương quốc cổ ở miền Trung Việt Nam hiện nay) đã đến chùa Đại An (Daian-ji) ở Nara, Nhật Bản. Tại chùa Đại An ở Nara, chính nhà sư Phật Triết đã truyền dạy hệ thống chữ Sittan (Tất Đàm), điều này đã khiến người Nhật Bản nhận thức về âm tiết của tiếng Nhật, về sau trở thành những chữ cơ bản để thành lập 50 âm của chữ Nhật.

“Điều quan trọng là miền Trung Việt Nam, nơi đặt khu trung tâm của vương quốc cổ Lâm Ấp, có địa lý tương ứng với phần bờ biển phía Đông của bán đảo Đông Dương, uốn cong theo hình chữ S và nhô ra Biển Đông. Theo mùa gió và các dòng hải lưu, miền Trung Việt Nam ngày nay (từng là) một điểm quan trọng của “Con đường tơ lụa trên biển” - Thạc sỹ Onishi Kazuhiko phân tích.

Đến đây, có thể xem chuyến đi của nhà sư Phật Triết vào năm 736, là hoạt động ngoại giao nhân dân (theo cách diễn đạt của chúng ta ngày nay) sớm, và buổi khởi thủy bang giao Việt – Nhật được bắt đầu bằng việc “Các nhà sư gốc miền Trung Việt Nam đã học Phật giáo và ngôn ngữ của cả Ấn Độ và Trung Quốc. Họ đã tận dụng hết kiến thức đó của mình, bằng con đường trên biển, truyền đạt đến những vùng cực kỳ xa xôi”. Không chỉ phương Đông, lịch sử phương Tây, cũng đã ghi nhận những chuyến đi “truyền bá tín ngưỡng”, từ đó, mở ra những cơ hội và môi trường cho nhiều quan hệ bang giao khác giữa các vùng đất.

Vậy, với người Nhật, vào thời điểm nào, người Nhật đã có mặt ở những vùng đất ngày nay là cương thổ của Việt Nam ? Câu trả lời thú vị được PGS.TS Phan Hải Linh (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội) đưa ra, không chỉ hồi đáp mong đợi về thời gian mà con cả không gian mà “người Nhật đã hiện diện”.

PGS.TS Phan Hải Linh cho biết, chuyến đi điền dã gần đây nhất (vào tháng 11/2022) tại các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã khẳng định, củng cố thêm sử liệu “Trong các thế kỷ XVII - XIX, người Nhật đã hiện diện ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là lưu vực sông Tiền, và tham gia các hoạt động kinh tế như khẩn hoang, sản xuất, thương mại,… - Vai trò của người Nhật trong thương mại và lưu thông đường thủy được các thương nhân phương Tây, đặc biệt là Hà Lan chú ý. Đối với chính quyền địa phương, sự hiện diện của cộng đồng cư dân Nhật gắn liền với các địa danh (Sông Nhật Bản - Châu Nhật Bản - Giồng Nhật Bản) là đối tượng quản lý hành chính. - Vai trò trong đời sống kinh tế địa phương của người Nhật và sự giao lưu (giữa người Nhật Bản) với các cộng đồng người Kinh, Khmer… còn được phản ánh gián tiếp thông qua các công cụ sản xuất đặc trưng (Cộ ván – Mong) của khu vực (sông Tiền - Đảo Cua).

Công chúng trẻ tìm hiểu Búp bê Nhật Bản tại triển lãm Búp bê Nhật Bản quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng (kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản). Ảnh: T.Ngọc

Việt Nam và Nhật Bản (đã và đang) có nhiều hoạt động, sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (cấp Nhà nước) giữa hai quốc gia, song, với những nghiên cứu (của giới khoa học hai nước), cách ngày nay gần 1.300 năm, và có thể nhiều hơn con số này, người Việt Nam và người Nhật Bản, trên hành trình đến những vùng đất mới, với nhiều lý do và động cơ khác nhau, đã đặt dấu chân mình lên một nơi như là cơ duyên tiền định. Tinh thần “tìm đến với nhau” một cách tự nhiên của nhà sư Phật Triết, của những người Nhật ở sông Tiền - Đảo Cua, là những dòng ghi chép mở đầu trang sử bang giao. Người dân hai nước đã khởi đầu cho một mối quan hệ dựa trên nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có thể chia sẻ nhiều lợi ích chung, bởi mối quan hệ luôn được sự ủng hộ rộng rãi của lãnh đạo và người dân hai nước từ xa xưa đến nay.

Theo dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, mối bang giao Việt – Nhật cũng đã từng được “nâng  cấp”. Từ giao thương, ngoại giao nhân dân, đã đưa đến sự kiện chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, liên tiếp gửi quốc thư cho Mạc phủ Tokugawa đang cầm quyền ở Nhật Bản đề nghị thiếp lập bang giao. Đề nghị đó đã được chính quyền Mạc phủ Tokugawa hưởng ứng. Hai nước đã kết nối bang giao, tạo điều kiện để thương nhân Nhật Bản đến Hội An giao thương, mở ra thời kỳ hải thương “Châu ấn thuyền” trong quan hệ thương mại Nhật Bản - Đàng Trong, thành lập “phố Nhật Bản” ở Hội An để các thương nhân Nhật Bản định cư, hình thành các mối quan hệ hôn nhân Nhật - Việt, mà tiêu biểu là cuộc hôn nhân của hào thương Araki Sotaro với một người con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1675 - 1725) vào đầu thế kỷ XVII.

 

Từ bên phải sang: GS Trần Văn Thọ - Nhà kinh tế học, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản; Ngài Yakabe Yoshinori - Tổng lãnh sự Nhật bản tại Đà Nẵng; Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh; Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng; Thầy Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học Đông Á, … Ảnh: T.Ngọc.

 

Có đến 700 cựu quân nhân Nhật Bản, từng chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh

“Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam cần phát triển theo định hướng tương lai, và cũng vì lý do đó, tôi nghĩ rằng cần phải sắp xếp (trật tự và sự thật của) lịch sử (của) quá khứ, đặc biệt, là lịch sử hiện đại của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam. Tôi cũng hy vọng rằng, thông qua việc nhìn lại lịch sử như vậy, mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam sẽ được phát triển lên một tầm cao mới  hơn nữa, trong tương lai” - Tổng lãnh sự Nhật bản tại Đà Nẵng, Ngài Yakabe Yoshinori dẫn dắt câu chuyện, thực sự, còn ít người biết đến.

Và câu chuyện (như một dẫn chứng cho lịch sử hiện đại của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam), đó là trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (chiến tranh giành độc lập từ Pháp), đã có khoảng 700 cựu quân nhân Nhật Bản ở lại Việt Nam, không trở về Nhật Bản (sau thế chiến thứ  II). Họ đã tham gia cùng Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (thường được gọi tắt là lực lượng Việt  Minh), cùng tham gia đấu tranh giành độc lập với (những người yêu nước) Việt Nam. Nhiều người trong số họ (lúc đó), đang hoạt động ở miền Trung Việt Nam, họ đã trở thành giảng viên tại Trường Trung cấp Quân sự Quảng Ngãi, đó là “Học viện Quân sự đầu tiên của Việt Nam”; và Trường Quản lý Quân sự Quảng Ngãi, đây là trường đào tạo Chỉ huy, (xây dựng và) phát triển nguồn nhân lực (quân sự). Họ (những cựu quân nhân Nhật) đã tham gia và góp phần vào cuộc chiến đấu, cùng giành cho được nền độc lập…

Một số nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng đã biên soạn các báo cáo, nghiên cứu xuất sắc về vấn đề này. Nhưng thực tế là người Việt Nam nói chung và đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng, vẫn  không được biết nhiều về sự hợp tác này: Có những người lính Nhật tự nguyện rút lui khỏi quân đội Nhật, từ bỏ việc trở về Nhật, bỏ tên Nhật, tự gọi mình theo tên Việt Nam, và họ được gọi là "người Việt Nam mới". Những người lính Nhật ngày nào (đã) trở thành người Việt Nam và tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam. Sau chiến tranh, chính phủ Việt Nam đã trao tặng huy chương và (có) thư cảm ơn, cho một số cựu quân nhân Nhật Bản, đã tham gia cuộc chiến giành độc lập từ Pháp (còn sống sót). Qua đó, đã chính thức công nhận thành tích của họ.

“… Có rất nhiều người Nhật đã liều mạng đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam, tôi nghĩ điều đó cần được ghi nhận là một sự thật lịch sử (như sách giáo khoa lịch sử của Myanmar, có câu chuyện về những người lính Nhật Bản, đã đóng góp cho nền độc lập của đất nước mình). Tôi hy vọng rằng, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam (lần này) sẽ (là dịp) làm sáng tỏ lịch sử hữu nghị và hợp tác  đã từng bị lãng quên giữa Nhật Bản và Việt Nam”, Ngài Yakabe Yoshinori - Tổng lãnh sự Nhật bản tại Đà Nẵng, tha thiết bày tỏ.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á, trong 50 năm qua, từ chỗ là những người bạn láng giềng của nhau, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành “đồng minh tự nhiên” như nhận định rất sâu sắc của ngài Umeda Kunio, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Còn theo GS Trần Văn Thọ - Nhà kinh tế học, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản, trên bình diện quốc gia, hai nước (Việt Nam – Nhật Bản) có độ tin cậy, liên đới với nhau rất cao đến nỗi ông Umeda Kunio, nguyên đại sứ Nhật tại Việt Nam, hình dung quan hệ Nhật - Việt như là một “đồng minh tự nhiên”.

50 năm nữa, sẽ kỷ niệm 1 thế kỷ quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản, và 100 năm sau đó, 200 năm sau nữa, hai đất nước – hai dân tộc, cũng sẽ luôn nhìn về tương lai với tinh thần đã là “đồng minh” của nhau từ rất lâu. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không đơn thuần chỉ là hợp tác kinh tế, thương mại mà còn là một tình bạn chân thành được xây dựng dựa trên lòng tin, hiểu biết và sự tôn trọng. Do vậy, những hiện thực  đã diễn ra trong lịch sử (qua sử liệu mới được công bố), cũng sẽ được tôn trọng, bởi  giá trị hiện thực của quá khứ có khả năng đánh thức và bồi đắp cảm xúc dài lâu cho hiện tại /.

Trần Ngọc

 

 


Có thể bạn quan tâm