May 2, 2024, 5:36 pm

Bản tính Nga. Truyện ngắn của Alexis Tolstoi

Alexis Tolstoi (1883 - 1945) là một bậc thầy của văn học Nga Xô viết. Là con một điền chủ và một phụ nữ trí thức thực thụ, suốt đời ông trăn trở về bản tính của người Nga. Vô hình trung, tới nay, trăn trở này vẫn là một vấn đề thời sự nóng hổi. Không ngẫu nhiên, sau Cách mạng Tháng Mười, ông đã đưa gia đình sang định cư ở Paris, nhưng ít lâu sau, lại nhất quyết trở về Tổ quốc, xây dựng văn nghiệp của mình.

“Bản tính Nga” - đó là nét đặc sắc của toàn bộ sự nghiệp của ông, thể hiện qua những tiểu thuyết lớn như Pierre Đại đế, Bánh mì, Ivan bạo chúa, Những con đường đau khổ… Bộ sau cùng, ông sáng tác trong hai mươi năm ròng, đã được chuyển thể thành phim. Những nhân vật trí thức tiến bộ trong Những con đường đau khổ dường như là hình mẫu con người tất yếu của tương lại, không chỉ ở quê hương của nhà văn trí thức trung thực với đời và với chính mình.

Truyện ngắn Bản tính Nga được giới thiệu sau đây thuộc số những truyện ngắn Nga được hâm mộ bậc nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới. Câu chuyện giản dị mà xúc động, nhân vật có tính điển hình, dù chỉ qua đôi nét tính cách, chi tiết chắt lọc mà tự nhiên, ngôn ngữ cô đúc, như ngôn ngữ đời thường… Truyện ngắn này ghi nhận vai trò lớn lao của tình yêu đôi lứa, lòng hiếu thảo, tình mẫu tử, tình phụ tử và tình cảm gia đình đối với sứ mệnh làm người và hạnh phúc của mỗi cá nhân; những tình cảm đó có cơ sở là tình đồng loại, tình nhân loại.

*

Bản tính Nga. Đó là đầu đề khá kêu cho một truyện ngắn nho nhỏ. Nhưng biết sao được, tôi muốn thưa với các bạn về bản tính Nga. Bản tính Nga! Xin miêu tả ra vậy… Có nên kể những chiến công anh hùng? Chiến công anh hùng thì quá nhiều rồi, đi vào e bị lạc, làm sao chọn nổi mà kể. Thật may, một người bạn giúp tôi thoát khỏi lúng túng, bằng cách thuật lại cho tôi nghe một chuyện của đời anh. Tôi sẽ không đả động đến việc anh đã chiến đấu với quân Đức như thế nào. Một ngôi sao trên mỗi ngù vai và huân chương lấp lánh trên nửa ngực đã nói lên quá đủ. Anh là một người bình thường, giản dị, hiền hậu, một nông trang viên, ở một làng bên bờ sông Volga, tỉnh Saratov. Điều khiến người ta chú ý đến anh là những đường nét thanh tú và dáng vẻ đĩnh đạc. Nhìn thấy anh ra khỏi tháp pháo xe tăng thì thích thú vô cùng. Lúc ấy, trông anh như một thiên thần, thần chiến tranh. Nhảy trên xe xuống, anh bỏ mũ ra, lấy khăn lau bộ mặt nhây dầu mỡ, và một nụ cười phúc hậu bừng sáng trên những đường nét cân đối mặn mà.

Trong chiến tranh, do luôn cận kề cái chết, con người trở nên tốt hơn. Họ rũ bỏ những chuyện nhỏ mọn, khác nào làn da chúng ta tươi tắn hồng hào lên, sau khi ta tắm nắng. Và chỉ còn lại tình người. Dĩ nhiên, tình ấy nồng nàn ở người này, thoang thoảng ở người kia. Thế nhưng, ngay những người, mà tình ấy không suôn sẻ, cũng luôn bộc lộ thiện ý. Như mọi người, họ vẫn muốn là đồng đội tốt và trung thành. Riêng bạn tôi, Légor  Lrémov, trước chiến tranh, đã là một người đúng mực. Anh yêu thương và kính trọng mẹ anh, bà Maria Polykarpovna, và bố anh, ông Légor Legorovitch. Anh nói: “Bố tôi là một người nghiêm cẩn. Trước hết, ông có lòng tự trọng. Ông thường bảo tôi: Con ạ, con sẽ thấy nhiều điều trên thế gian. Biết đâu, còn có dịp ra nước ngoài. Nhớ bao giờ cũng tự hào mình là người Nga…”.

Anh có vợ chưa cưới ở một làng quê bên sông Volga. Cánh lính chúng tôi hay trò chuyện về phụ nữ, tình nhân và vợ chưa cưới. Nhất là khi mặt trận yên tĩnh và do trời xấu, ăn chiều xong, chúng tôi ngồi trong hầm hào mờ mờ tỏ tỏ trong ánh lửa chập chờn, xung quanh đống củi nổ reo tí tách. Chúng tôi kháo nhau những chuyện ai cũng phải dỏng tai lên nghe. Một cuộc bàn cãi chẳng hạn được khởi đầu như sau: “Tình yêu là gì?” Một bạn đáp: “Sự tôn trọng là cơ sở của tình yêu…” Một bạn khác: “Không phải. Tình yêu là một thói quen. Người ta không chỉ yêu vợ. Người ta còn yêu cha mẹ và cả súc vật…” “Nhảm nhí cả… - bạn thứ ba chen vào - Yêu là người ta cảm thấy sôi sục trong lòng, yêu là lúc người đàn ông như say…” Chúng tôi cứ triết lý như vậy, một giờ, hai giờ, mãi tới khi thủ trưởng đanh giọng như ra lệnh quay về thực tại… Chắc Légor Lrémov khó chịu về những cuộc trò chuyện kiểu ấy. Chỉ khi đi cùng tôi, anh mới nói về vợ chưa cưới của anh: “Em là một cô gái rất dễ thương. Ngay từ lúc em bảo em sẽ chờ tôi, tôi đã tin em nhất định chờ, dù khi trở về, tôi mất một chân chẳng hạn…”.

Anh cũng không thích đả động đến các thành tích chiến đấu của mình. “Các chuyện đó, mình không muốn nhắc lại…” Anh cau có và châm một điếu thuốc. Chúng tôi biết chuyện chiến sa của anh, là nhờ nhóm bạn chiến đấu của anh, những người bạn chân thật. Chủ yếu là người lái chiếc xe đó, Tchouvilev - thường khiến người nghe ngớ người, khi kể chuyện.

Cậu biết đấy, chúng tớ vừa dàn quân xong, tớ đã thấy nó xuật hiện trên cao, ở sườn dốc…Tớ hô: “Đồng chí trung úy, một con cọp!” Đồng chí ấy hét với tớ: “Tiến lên, hết tốc lực!...” Trong khi cho xe phóng nhanh nhất có thể, tớ cố tránh đạn cho nó, hết bên trái lại sang bên phải… Con cọp chỉnh súng và bắn một phát vu vơ. A ha, trật rồi!… Đúng lúc này, đồng chí trung úy “phang” trúng sườn nó, sườn này liền bị thương. Phát thứ hai trúng tháp pháo. Nó lại giương nòng pháo lên. Đến phát thứ ba của chúng tôi, con cọp bắt đầu phụt khói ở mọi lỗ của nó và những cột lửa cao bùng lên trời. Bọn lính bên trong thoát ra qua một cửa dự bị. Tức thì, Vanka Lapchine chĩa thẳng súng tiểu liên của cậu ấy vào bọn chúng. Chúng liền ngã gục và giãy dụa. Thế là đường thông. Năm phút sau, chúng tớ đã vào làng… Cứ như vậy, trung úy Légor Lrémov tham chiến cho tới một ngày, anh gặp một bất hạnh. Trong trận Kursk, khi quân Đức, vốn đã kiệt quệ, phải tháo lui, thì xe tăng của anh, đang trên đỉnh một gò đất giữa đồng lúa mì, bị trúng một quả pháo. Hai đồng đội của anh chết ngay. Đến quả pháo thứ hai, xe tăng của anh bốc lửa dữ dội. Đồng chí lái xe Tchouvilev, thoát ra qua cửa trước, trườn trên vỏ xe và lôi được trung úy ra ngoài. Trung úy đã ngất đi, quân phục bắt lửa. Tchouvilev kéo trung úy chưa được bao xa, thì chiếc xe tăng nổ tung, tháp pháo văng xa vài chục mét. Để dập lửa, Tchouvilev ném nhẹ nhiều nắm đất ướt dẻo lên mặt trung úy, lên đầu, lên quân phục của anh. Rồi ì ạch di chuyển anh hết hố bom lại đến hố mìn, đoạn đường khá xa, Tchouvilev đưa được anh tới trạm quân y lưu động. Sao tớ đưa anh ấy đi ư? Tchouvilev tự hỏi và tự trả lời - Vì tớ nghe tim anh vẫn đập…

Légor Lrémov thoát chết, thậm chí mắt không bị hỏng. Nhưng mặt anh bị cháy đen, đôi chỗ trơ xương. Trong tám tháng, anh phải nằm lì ở bệnh viện và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tạo hình liên tiếp. Người ta làm lại cho anh mũi, môi, thái dương và tai. Sau thời gian đằng đẵng ấy, khi được tháo băng, anh nhìn và không nhận ra mặt mình nữa. Cô y tá giơ cho anh mượn chiếc gương, rồi vội quay mặt đi, khóc òa. Anh trả ngay gương cho cô:

- Không có gì ghê gớm lắm đâu - Anh an ủi cô gái - Với chuyện này, người ta vẫn sống được mà!

Từ hôm đó, anh không mượn gương cô y tá, nhưng thường sờ mó mặt mình, như để làm quen với nó vậy. Hội đồng phục viên tuyên bố rằng anh có thể đảm nhận công việc trợ lý ở tuyến sau. Cho nên, anh tới gặp vị tướng chỉ huy:

- Tôi xin đồng chí cho phép tôi trở lại trung đoàn.

-  Nhưng đồng chí là thương binh… - Vị tướng đáp ngay.

- Báo cáo, không phải vậy. Mặt tôi như của quái vật, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì. Khả năng chiến đấu của tôi sẽ hoàn toàn hồi phục.           

Légor Lrémov không phải không nhận thấy rằng trong thời gian hai người trao đổi, viên tướng tránh nhìn mặt anh, và một nụ cười khó hiểu hiện trên đôi môi tim tím của ông, đôi môi mím chặt, làm nổi lên trên mặt ông một vết nứt căng thẳng… Cuối cùng nguyện vọng trở về chiến đấu của anh được chấp thuận. Cấp trên cho anh nghỉ an dưỡng hai mươi ngày và anh lên đường về thăm bố mẹ. Chuyện này diễn ra vào tháng ba năm đó.    

Anh hy vọng tìm được ở nhà ga xe lửa một chiếc xe nhỏ để đi về nhà. Nhưng rút cuộc, anh phải cuốc bộ khoảng mười cây số. Tuyết chưa tan và trời còn ẩm ướt, dễ khiến người đi lại e ngại. Xung quanh không một bóng nhà. Gió lạnh ngắt vừa thổi tung vạt áo ca pốt của anh, vừa rú rít bên tai anh một điệu nhạc cứ thổn thức bất tận nỗi thê lương của mênh mông hiu quạnh. Anh về đến làng, hoàng hôn đã buông. Đây là cái giếng làng, cây cao bên cạnh vẫn vừa đu đưa vừa kêu kẽo kẹt. Căn nhà gỗ thứ sáu tính từ đây là nhà bố mẹ anh, tổ ấm của tuổi thơ anh thiên thần. Anh đột ngột dừng lại, hai tay đút túi. Anh lắc đầu. Nghiêng liêu xiêu, anh đi về phía ngôi nhà. Chân ngập trong tuyết tới tận đầu gối, anh dán mắt vào khe cửa sổ. Anh thoáng thấy mẹ. Trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn mờ đục chiếu lên bàn, mẹ đang chuẩn bị bữa chiều. Mẹ vẫn quàng chiếc khăn san thẫm màu như mọi khi. Mẹ vẫn hiền lành, chậm chạp và nhân hậu. Mẹ đã già, đôi vai gầy đã nhô hẳn ra, anh nhìn thấy rõ. “Ôi giá như làm được vậy, đáng lẽ ngày nào cũng phải báo tin cho mẹ, dù chỉ đôi lời”. Mẹ đang sắp ra bàn bữa ăn đạm bạc, một bình sữa, một tảng nhỏ bánh mì, hai cái cùi dìa, một lọ muối… Rồi khoanh tay trên ngực, mẹ đứng trước bàn và bắt đầu nghĩ ngợi. Nhìn mẹ qua khe cửa, Légor Lrémov hiểu rằng anh không được khiến cho mẹ sợ, không được làm cho bộ mặt già nua của mẹ run lên vì thất vọng.

“Nào can đảm lên !” - Anh mở cổng, đi vào khoảng sân be bé, gõ vào bên trái cửa ra vào. Mẹ anh hỏi sau cửa: “Ai đấy?” Anh trả lời: “Trung úy Gromov, anh hùng Liên Xô!”.

Tim anh bắt đầu đập nhanh và anh tỳ tay vào cái thanh ngang trên của cửa. Mẹ anh không nhận ra tiếng anh. Dường như chính anh cũng nghe nó lần đầu. Giọng anh thay đổi hẳn sau bấy nhiêu cuộc phẫu thuật, hóa ra khàn khàn, yêu yếu và đùng đục.

- Chuyện gì khiến đồng chí đến đây? - Mẹ anh hỏi.

- Cháu chuyển tới bác Maria Polykarpovna lời thăm hỏi của con trai bác, trung úy Lrémov.

Bà mở cửa, hấp tấp nắm lấy hai bàn tay anh:

- Thằng Légor nhà tôi còn sống chứ? Khỏe mạnh chứ? Chào đồng chí. Mời đồng chí quá bộ vào nhà đã.

Légor Lrémov ngồi xuống một chiếc ghế dài bên bàn, đúng chỗ trước đây anh, còn nhỏ lắm, vẫn ngồi, khi bàn chân bé xíu chưa chạm tới nền, và khi mẹ anh vừa xoa mái tóc xoăn của anh vừa nựng: “Ăn đi con…” Anh bắt đầu nói với bà về con trai của bà, tức là về chính anh, một cách tỉ mỉ và chi tiết. Anh kể con trai bà ăn uống ra sao, rằng anh ấy chẳng thiếu thốn gì, rằng anh ấy luôn khỏe mạnh và vui vẻ. Anh kể vắn tắt cho bà nghe về những trận mà con trai bà tham gia với chiếc xe tăng của anh ấy.

- Đồng chí hãy bảo xem, ngoài mặt trận kinh khủng lắm à? - Bất thình lình, bà cắt ngang câu chuyện của anh, nhìn anh bằng đôi mắt thẫm màu, nhìn đăm đăm mà không thấy.

- Dạ đúng vậy, kinh khủng lắm, nhưng chúng cháu quen đi ạ...

Ông bố ra rồi, ông Légor Legorovicth cũng già đi theo thời gian. Râu cằm của ông đã lốm đốm bạc. Mắt chăm chú nhìn khách, ông chùi đôi bốt vẹt gót ở ngưỡng cửa, từ từ tháo chiếc khăn quàng, cởi áo khoác lông và vừa lại gần vừa giơ tay cho khách. Chào! anh quen thuộc biết bao bàn tay này của bố, rộng và chuẩn biết chừng nào! Ông chẳng hỏi han gì, vì chẳng cần nêu câu hỏi, ông cũng đã biết điều mà người lính được thưởng huân chương muốn làm ở đây. Ông ngồi xuống và bắt đầu lắng nghe, mắt lim dim.

Cuộc thăm càng kéo dài, trung úy Lrémov càng chuyện trò với họ về anh và đồng ngũ, thì anh càng cảm thấy anh không nên lộ diện, rằng anh không thể đứng lên, kêu với hai ông bà; “Bố mẹ ơi, hãy nhận ra con trong bộ mặt quái vật này đi!” Anh thấy thật dễ chịu bên chiếc bàn ăn gia đình, nhưng không sao nén được buồn khổ.

- Này, ăn tối đi bà. Hãy mời khách chút gì nhỉ.

Ông Légor Legorovitch mở cửa một tủ hốc tường tỏa mùi ruột bánh mì và vỏ hành. Trước kia trong một góc bên trái tủ, có một hộp vỏ diêm đựng lưỡi câu. Bây giờ, lưỡi câu vẫn còn. Ở chỗ ấy, còn một chiếc ấm pha trà sứt vòi, bây giờ nó vẫn nguyên như cũ. Légor Legorovitch lôi từ trong tủ ra một bình thủy tinh rượu vodka. Chén uống rượu, chỉ còn hai chiếc nhỏ.

- Chúng tôi chỉ còn bây nhiêu ! – Ông lão vừa ca cẩm vừa thở dài.

Ba người bắt đầu ăn như ngày trước. Trong khi ăn, chàng trung úy nhận thấy mẹ anh rất chú ý đến cử động của bàn tay cầm thìa của anh. Anh mỉm cười. Mẹ anh ngước mắt lên và mặt bà nhăn nhúm một cách đau đớn.

Họ nói đủ thứ chuyện. Nào mùa xuân sẽ thế nào? Nào liệu có gieo hạt được không? Nào hè này, chiến tranh đã kết thúc được chưa?

- Thưa bác Légor Legorovitch, căn cứ vào đâu, bác bảo rằng chiến tranh kết thúc vào hè này?

- Nhân dân đã phẫn nộ - Ông lão đáp - Nhân dân đã quen với chết chóc. Giờ thì người ta không ngăn cản họ được nữa. Nước Đức đã suy sụp.

Bà Maria Polykarpovna hỏi:

- Đồng chí chưa nói chừng nào cháu được phép về thăm hai thân già này. Chúng tôi không được nhìn cháu đã ba năm. Bây giờ hẳn cháu đã lớn. Chắc nó có ria mép rồi. Lúc nào cũng hút chết, tiếng cháu nghe chối lắm hẳn?

-  Nhất định anh ấy sẽ về. Nhưng có thể hai bác không nhận ra anh ấy đâu.

Bà dọn giường ngủ cho anh trên nóc cái lò sưởi mà anh nhớ từng viên gạch, từng khe hở giữa các trụ tường, từng đầu mối rầm trần. Mùi mỡ lông cừu và mùi bánh mì thoang thoảng thân thương. Anh hít ngửi cái mùi thân thuộc mà người ta không quên ngay cả khi ốm sắp chết. Trên nóc nhà, gió tháng ba vi vu thổi. Anh nghe bố ngáy bên kia vách ngăn. Mẹ thì trở mình và thở dài liên tục.

Chàng trung úy nằm sấp, hai tay ôm mặt.

- Lẽ nào mẹ không nhận ra con? - Anh trăn trở -  Có thể thế được chăng, mẹ? Mẹ, mẹ…

Sớm mai, anh tỉnh giấc trong tiếng củi nổ lốp đốp. Mẹ anh đang lúi húi quanh lò sưởi. Đôi tất của anh được giặt sạch sẽ và treo trên một sợi dây căng mảnh. Trước cửa ra vào là đôi ủng của anh đã được lau chùi tinh tươm.

-  Đồng chí có thích ăn bánh crếp kê không? - Mẹ anh hỏi.

Anh không đáp lời liền. Anh xuống khỏi lò sưởi, cuộn áo va rơi lại, thít chặt dây lưng, rồi cứ để chân trần, ngồi xuống ghế băng.

- Thưa bác, làng ta có cô nào tên là Katia Malychev, con ông Alexis Stépanovitch Malychev không ạ?

- Cô học xong năm ngoái. Đó là cô giáo của làng chúng tôi. Đồng chí muốn thăm cô ấy à?

- Con trai bác nhờ cháu thế nào cũng chuyển tới cô lời thăm của anh.

Để mời cô giáo đến, bà lão nhờ một cô bé láng giềng. Trung úy vừa đi giầy xong thì Katia Malychev đã chạy tới. Đôi mắt xám to của cô sáng lên long lanh, đôi má ửng hồng vì mừng, rồi cô dướn lông mày, kinh ngạc. Khi cô kéo từ trên đầu xuống đôi vai rộng chiếc khăn san dệt, chàng trung úy nén một tiếng thở dài - Được ôm hôn bộ tóc sáng màu và ấm nóng này thì hạnh phúc xiết bao! - Anh hình dung vợ mình: tươi tắn, hiền dịu, xinh đẹp và tốt bụng. Cô vừa bước vào, cả căn nhà gỗ Nga đã như bừng lên vàng rực óng ả.

- Anh chuyển lời thăm của Légor đến cho tôi ạ? (Anh né ngồi sấp bóng, và hơi cúi đầu, vì không thốt nên lời). Tôi mong ngóng anh ấy từng ngày. Anh nói giùm với anh ấy…

Cô bước lại gần. Vừa nhìn rõ anh, cô đã lùi lại, hoảng hốt, tưởng như bị giáng mạnh vào ngực. (Anh liền quyết định phải đi ngay).

Bà mẹ làm bánh crếp tẩm bơ. Anh lại thủ thỉ chuyện chàng trung úy. Lần này, anh kể những chiến công của chàng. Anh kể một cách tức giận, không ngước nhìn Katia, để không phải nhìn thấy nét không vui do bộ mặt gớm ghiếc của anh gợi ra trên bộ mặt xinh xắn của cô.

Ông Légor Legorovitch vất vả lắm mới mượn được một con ngựa của nông trang. Nhưng để trở lại nhà ga xe lửa, Légor Lrémov xin được đi bộ như lúc trở về. Anh xọp hẳn vì những chuyện xảy ra. Anh vừa chầm chậm dừng lại bên đường, vừa tát vào mặt mình, bằng cả hai tay, và nhắc đi nhắc lại, bằng một giọng khản đặc: “Làm sao đây… Làm sao đây… Làm sao bây giờ...”

Đó là anh trở về trung đoàn đang tổ chức lại ở hậu phương. Các bạn chiến đấu nao nức đón tiếp anh với niềm vui thật sự, cho nên anh thấy vợi hẳn gánh nặng khiến anh mất ăn mất ngủ và nhiều lúc nghẹt thở. Anh tự nhủ: Tốt hơn cả là không cho mẹ biết về bất hạnh của mình, mẹ không biết càng lâu càng tốt. Đối với Katia, anh nhất thiết phải rút khỏi tim cô cái giằm này.    

Chừng nửa tháng sau, anh nhận được một bức thư của mẹ:

“Chào con trai yêu quý của mẹ

Mẹ gần như không dám viết thư cho con, bởi dầu óc mẹ cứ rối bời bời. Một chàng trai đã thay mặt con đến thăm bố mẹ. Cậu ta tử tế vô cùng, nhưng mặt mày biến dạng, trông phát sợ. Cậu ta định ở lại với bố mẹ một thời gian, nhưng bỗng dưng đổi ý và đã chia tay bố mẹ. Con ơi, từ hôm đó, đêm đêm, mẹ không sao ngủ được. Mẹ cứ nghĩ hình như chính con về thăm. Ông Légor Legorovitch cứ mắng mẹ: “Mụ mất trí rồi. Nếu là con trai chúng ta, việc gì nó phải giấu? Một bộ mặt như vậy, chỉ đáng tự hào, nó giấu chuyện đó làm gì?” Bố con đã thuyết phục được mẹ. Nhưng ngay lập tức, trái tim người mẹ nhắc mẹ rằng: “Chính nó về thăm chúng ta!” Cậu đó đã ngủ trên nóc lò sưởi nhà ta, mẹ đã mang áo ca pốt của cậu ấy ra sân chải, mẹ đã ấp nó vào ngực mẹ mà siết chặt, và nước mắt mẹ trào ra: “Nó là của con, nó là của con, chiếc áo ca pốt!” Hãy viết thư cho mẹ, Legorouchka*. Vì lòng kính Chúa, hãy nói cho mẹ biết sự thật. Người về thăm bố mẹ là ai? Hay quả thật, mẹ điên mất rồi...”

Légor Lrémov cho tôi xem bức thư ấy, vâng, tôi, Ivan Soudarev. Lấy vạt áo dụi mắt, anh kể tôi nghe câu chuyện. Tôi bảo anh: “Cách nghĩ của cậu và bố mẹ cậu quả là trái ngược. Viết ngay thư xin lỗi mẹ, đồ ngốc ạ. Đừng để bà phát điên phát cuồng như thế… Mặt cậu như vầy thì đã làm sao. Mẹ sẽ yêu thương cậu gấp vạn lần!”.

Ngay hôm ấy, anh viết thư cho mẹ: “Bố mẹ yêu quý, xin bố mẹ tha lỗi cho con, chính con đã về thăm bố mẹ.” Cứ vậy, cứ vậy, cho đến đặc kín bốn trang chữ nhỏ. Nếu điều kiện cho phép, hẳn anh viết đến hai mươi trang.

Mấy hôm sau, tôi đang trên thao trường cùng anh, thì một người lính tới nói với Légor Lrémov:

- Báo cáo đồng chí đại úy, có người chờ đồng chí…

Giọng người lính hân hoan đến mức, dù anh đang phiên trực, người ta vẫn tưởng anh sắp chạm cốc chúc mừng điều gì. Ấy là một người lính làng bên làng của Légor Lrémov, trả phép ở một đơn vị gần chỗ anh, ghé qua nhắn rằng bố mẹ anh muốn anh về nhà càng sớm càng tốt…Thế là chúng tôi về quê của Légor Lrémov. Gần tới căn nhà gỗ của gia đình anh mà chúng tôi sẽ ở cùng nhau. Tôi nhận thấy anh không giữ được vẻ điềm tĩnh quen thuộc. Anh luôn ho húng hắng. Tôi tự nhủ: Chiến sỹ xe tăng đấy, phải, anh là bộ đội xe tăng, nhưng vẫn bồn chồn, nôn nóng như thường. Chúng tôi vào nhà. Anh vượt lên trước và tôi nghe rõ:

- Chào mẹ, con đây ạ...

Và tôi thấy một bà già bé nhỏ ôm riết lấy anh. Tôi quay lại và thấy ở kia một phụ nữ. Có rất nhiều người đẹp trên đời, không phải chỉ mình cô, nhưng với riêng tôi, tôi thề chưa thấy ai đẹp đến thế.

Anh gỡ tay mẹ và tới gần cô gái. Tôi đã thưa với các bạn rằng với dáng vẻ đường bệ của một anh hùng, Légor Lrémov khiến ta liên tưởng đến một vị thần, thần chiến tranh:

- Katia, Katia,… cô vẫn tới đây ư?... Cô hứa chờ một người khác… chứ không phải người này…

Dù đã bước ra phòng ngoài, tôi vẫn nghe được câu đáp của Katia xinh đẹp:

- Légor, em đã thề gắn bó với anh trọn đời…Em yêu anh chung thủy… Em yêu anh vô cùng…Đừng xua đuổi em…

Người Nga là như vậy! Một người bình thường, khi gặp một bất hạnh khủng khiếp, dù luôn luôn cố tỏ ra bình thường, vẫn không che giấu nổi, trong mọi hành động lớn nhỏ, một sức mạnh kỳ diệu: sự cao quý đích thực của tâm hồn…

________

* Légorouchka: Tên thân mật của Légor Lrémov

Truyện ngắn của Alexis Tolstoi (Nga)

Phương Thảo Xuân dịch

Nguồn Văn nghệ số 8/2024


Có thể bạn quan tâm