April 29, 2024, 6:22 am

Bạn hiền gặp nhau

(Tặng bạn hiền Ba Khanh, Trần Bảo Định và Thái Bá Lợi)

 

Rượu ngon không uống thì thôi

Bạn hiền chơi tốt ta mơi bạn hiền

Ở đời thêm một chữ duyên

Bạn như suối mát cam tuyền trong tôi

 

Mới vào Sài Gòn dự tọa đàm về thơ của người bạn hiền đã khuất - Đỗ Nam Cao, bèn mượn câu thơ bạn dắt sang câu thơ mình. Câu thơ Đỗ Nam Cao là “Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi”. Khi chuyển qua thơ tôi, có một chữ tôi viết mà chưa thật hiểu nghĩa.

Lại phải tra Google xem chữ “cam tuyền” có nghĩa gì. Hóa ra, đó là “suối ngọt”. Vậy thì đúng chữ rồi.

Gặp anh Trần Bảo Định ngay buổi chiều mới vào Sài Gòn. Anh từ quê lên, mang hai bao gạo nếp “nhà giồng được”. Một cho tôi, một cho nhà văn Thái Bá Lợi. Anh Bảo Định cách đây mấy năm đã tổ chức cho vợ chồng tôi lên thăm anh Ba Khanh tận khu dân cư giáp Long An. Trong kháng chiến, anh Ba Khanh là trợ lý của Thủ tướng Chính phủ Cách mạng lâm thời Huỳnh Tấn Phát. Chúng tôi đã thân thiết với nhau từ ngày anh Ba còn ở bên Chính phủ.

Mấy năm trước ấy, chúng tôi cũng đã trò chuyện ấm áp trong nhà anh Ba tận khuya mới chịu đi nằm. Còn nhớ, anh Ba Khanh và anh Bảo Định nằm với nhau ở tầng trệt, nhường cho hai vợ chồng tôi ngủ ở giường rộng tầng hai. Mới đó mà đã mấy năm rồi. Lần gặp này, vợ tôi không còn nữa để đi thăm anh Ba Khanh và hàn huyên với anh Bảo Định cùng tôi. Anh Ba Khanh và tôi đã chịu nỗi đau mồ côi vợ, một nỗi đau mà tôi chưa thể chịu nổi. Nhìn bức tượng chị vợ anh Ba Khanh đã qua đời nhiều năm trước, tôi lại muốn trào nước mắt. Anh Ba Khanh bây giờ sống một mình, con trai anh ở tận trung tâm Sài Gòn, lâu lâu mới về thăm bố. Tối đó, chúng tôi thức khuya trò chuyện, 4 anh bạn già (anh Ba, anh Bảo Định, anh Thái Bá Lợi và tôi) lại chuyện đông chuyện tây, thoắt về ký ức thoắt lại hôm nay, buồn vui lẫn lộn. Buổi chiều ăn cơm, tôi có mang từ Quảng Ngãi vào một chai vang ngon, nhưng hai anh Ba Khanh và anh Bảo Định do bệnh tật, do tuổi già đều chỉ uống “lấy thảo”, chai vang gần như còn nguyên. “Rượu ngon không uống thì thôi/ Bạn hiền chơi tốt ta mơi bạn hiền”. Đúng là bạn hiền còn quý hơn rượu ngon rất nhiều. Anh Bảo Định gọi đây là cuộc hội ngộ mang tính kỳ ngộ » giữa 4 anh em. Thằng con Nhật Thảo của tôi đã chụp mấy pô ảnh làm kỷ niệm. Ai biết ngày mai sẽ thế nào? Nhưng nay mình còn gặp được nhau là còn hạnh ngộ. Buổi sáng hôm sau, anh Ba Khanh nhất trí với chúng tôi là sẽ cho thuê căn hộ rất đẹp này, rồi về Sài Gòn thuê lại một căn hộ nhỏ ở gần vợ chồng thằng con trai, để có lỡ ốm đau gì thì còn ới kịp. Đời những người già khổ thế đấy. Nhưng may còn có con, còn nhờ cậy được. Như tôi vậy thôi. Chưa biết lúc nào buồn khổ sẽ nguôi ngoai, nhưng có vợ chồng đứa con trai bên cạnh, lại thêm hai đứa cháu nội nhỏ nhít, vậy cũng là chỗ dựa và niềm an ủi cho bớt cô đơn.

Lại nhớ, mấy ngày trước tôi và Thái Bá Lợi vừa xuống Hải Phòng dự cuộc hội nghị những nhà văn lão thành, tôi nói với chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi không phải lão thành gì, chỉ là mấy gã già nua, gặp nhau là mừng hết lớn, nên cảm ơn Chủ tịch đã có sáng kiến nhân ái này cho chúng tôi có cơ hội gặp nhau.

Thì cuộc tọa đàm về thơ Đỗ Nam Cao cũng là cơ hội cho bố con tôi và anh Thái Bá Lợi vào Sài Gòn, gặp hai người bạn già thân thiết. Bây giờ đi lại khó khăn do đau ốm, lúc nào gặp được nhau là mừng lúc ấy, chứ “biết sau thế nào”.

Trong câu chuyện của 4 anh em tôi ở nhà anh Ba Khanh, lại nhắc về hồi kháng chiến, trung đoàn của anh Bảo Định vào năm 1972 từng bảo vệ vòng ngoài cho những đoàn công tác từ trên R xuống chiến trường Mỹ Tho. Trong những đoàn ấy, có anh Phạm Quang Nghị ở đoàn Tuyên huấn, còn tôi ở đoàn Binh vận. Bốn anh em già chúng tôi là những người kháng chiến cũ, trong đó anh Bảo Định và anh Thái Bá Lợi là lính chiến, còn tôi với anh Ba Khanh là “lính dự bị”. Anh Thái Bá Lợi đã từng chiến đấu trong thành nội Huế vào Tết Mậu Thân năm 1968.

Những năm tháng tuổi thanh xuân của chúng tôi đã dâng hiến ở chiến trường là những năm tháng đẹp nhất trong đời chúng tôi. Bây giờ già rồi, cứ nhắc chuyện cũ ở chiến trường là xúc động.

Lúc chia tay vào buổi sáng, anh Bảo Định nói: “Không biết cuộc gặp này có là cuộc gặp cuối cùng, hay còn cơ hội gặp nhau nữa, nhưng với 4 anh em mình, đêm hôm qua thật đáng nhớ. Đó là hạnh ngộ”.

Thanh Thảo

Nguồn Văn nghệ số 51/2023


Có thể bạn quan tâm