April 29, 2024, 6:26 am

Bản giao hưởng Đất Mũi

Mùa Xuân nào cũng vậy, với người Việt, không chỉ là đón thời khắc mới của đất trời, tri ân tổ tiên, đoàn viên sum họp, mong ước hạnh phúc; mà còn là dịp Mừng Đảng, mừng Xuân. Đó cũng là biểu hiện của văn hóa Việt “Uống nước nhớ nguồn”.

Nguồn chung của cách mạng và nguồn tiên tổ! Nguồn chung và nguồn riêng.

Tôi đã đến Đất Mũi nhiều lần. Đã từng đón Tết xa quê ở Cà Mau, Bạc Liêu. Thật sự mà nói, mỗi lần đến Cà Mau nói chung và Đất Mũi nói riêng, trong tôi đều có cảm xúc đặc biệt. Mỗi dịp xuân về, tôi đều nhớ thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ ở vùng đất xa xôi này. Cà Mau, tỉnh cực Nam, ba mặt giáp biển, ngực ưỡn về phía biển Đông, thật hùng vĩ.

Thời khắc đón năm mới ở Đất Mũi, ở Cà Mau luôn có những điều rất khác. Đó là nơi năm mới đến sớm nhất trên đất nước hình chữ S này, tính theo vòng quay Trái đất.

Thời khắc đó, tôi như được thầm thĩ cùng mình câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” và câu thơ của Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu / Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”. Trong tôi có âm hưởng của ngàn xưa nhắc nhở.

Minh hoạ: Lê Trí Dũng

Nghĩ đến mũi Cà Mau, tất thảy đều nghĩ đến nơi cuối cùng của Tổ quốc, ở đây có cột Mốc toạ độ quốc gia, ở đây có Km 2436 – cột cây số cuối cùng của đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa trườn dọc theo đất nước. Chỉ riêng, đường Hồ Chí Minh từ Km0 ở Pắc Bó đến Km2436 ở Đất Mũi đã chứa trong lòng nó thông điệp: lịch sử - hiện tại – tương lai. Đó là dòng chảy không ngưng nghỉ. Máu xương hôm qua, mồ hôi và trí tuệ hôm nay đã và đang thai nghén, kiến tạo ngày mai. Đất Mũi còn có Cột cờ Hà Nội, quà tặng của nhân dân Thủ đô dành cho nhân dân Cà Mau.

Mũi Cà Mau là mảnh đất thiêng liêng, nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Nơi này, từ lâu đã trở thành tâm thức người Việt.

Năm 2023, tôi có dịp trở lại Đất Mũi. Trời cao vời vợi, những đám mây lãng đãng xa xăm. Nắng và gió hào phóng. Đặt chân đến Đất Mũi, đúng vào lúc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển long trọng tổ chức lễ viếng và dâng hương tri ân công đức Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Sự kiện văn hóa tâm linh này diễn ra tại Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ (The Mother), đầu chân sóng.

Công trình này được khánh thành cách đây gần 4 năm. Í tai biết rằng, chiếc Trống đồng và và đặt 18 chân hương trong Đền Thờ được mang từ Đền thờ Hùng Vương ở Phú Thọ vào. Đó là tấm lòng của nhân dân vùng Đất Tổ tặng nhân dân Cà Mau, ủy quyền cho bà con Cà Mau dâng lên trước hương án thờ Lạc Long Quân.

Tôi kiểm tra qua Lịch Vạn niên, thì đó mgày Quý Hợi, tháng Ất Mão, Năm Quý Mão. Đó là ngày Nguyên Vũ Hắc Đạo, khởi công, tạo tác, trăm bề tốtSự kiện diễn ra trong “khung giờ” Hoàng đạo.

Lễ tri ân Quốc Tổ không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn là hoạt động giáo dục truyền thống tốt đẹp, lòng hiếu đạo, sự biết ơn của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi.

Biết bao nhiêu xe ô tô, chung, riêng....đậu kín bãi gửi. Biết bao đoàn người từ nhân dân địa phương lẫn khách thập phương có mặt. Tất nhiên, lãnh đạo cao nhất của tỉnh Cà Mau, các sở, ban, ngành, các huyện thị trong tỉnh đến sớm. Tất cả trang trọng trong bộ quần áo quốc lễ. “Khăn xếp áo the” toát lên tâm thế thành kính. Hoạt cảnh Cội nguồn dân tộc Việt Nam do Đoàn Cải lương Hương Tràm của địa phương thực hiện, quan sát từng mâm cỗ dâng lên Quốc Tổ..., xác tín tấm lòng trăm họ, muôn dân.

Đối với người dân vùng đất mũi Cà Mau, nơi đầu sóng, ngọn gió thì Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ lâu nay và mãi về sau là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ. Nơi đây mãi mãi lưu giữ tình yêu giống nòi, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc cũng như ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nền độc lập, sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải vung lên 3 hồi trống khai lễ. Lần đầu tiêng tôi được nghe tiếng trống ở Đất Mũi, trong ngày thiêng liêng tri ân Quốc Tổ. Tiếng trống dội vào vách ngực. Tất cả im phăng phắc chỉ còn tiếng trống. Dường như sóng biển ngay ở chân ngôi Đền này cũng có khác. Tôi miên man, suy nghĩ, hình như biển Đông ngoài kia cũng muốn dâng lễ vật. Trên khuôn mặt từ quan chức đến người dân đều thành kính.

Từ bé, qua lớp mầm, lớp lá rồi lên tiểu học....cho đến lúc già, con người có biết bao lần được đứng dưới lá cờ Tổ quốc để làm nghi lễ “Chào cờ”. Biết bao lần trong đời người được đặt tay lên ngực trái, nơi có trái tim đập nhịp vì sự sống, biết bao lần được hát Quốc ca? Tôi từng được hát Quốc ca trên tàu Kiểm ngư khi ra quần đảo Trường Sa; hát Quốc ca nơi Đất Mũi.

Nếu như Cà Mau là vùng đất đặc biệt thì Đất Mũi là thớ đất vạm vỡ, thiêng liêng. Đây là nơi “đất biết nở”, “rừng biết đi” và “biển sinh sôi”. Tạo hóa thật mầu nhiệm. Có lẽ, bất cứ ai đến với vùng đất này đều phải suy nghĩ về sứ mệnh tạo hóa giao cho cây Mắm và cây Đước. Mắm đi trước, Đước đi sau, như cặp “chiến binh” ngàn đời nay cùng nhau lấn biển.

Nhìn xa, bộ rễ Đước như nhịp chân của đoàn lính rầm rập xung trận, hướng thẳng ra biển, trông thật hào hùng. Tôi đã từng nán lại trước khi vào cột mốc GPS 0001, tôi từng ngẩn ngơ khi ngồi trên chiếc vỏ lãi trên đường ra bãi bồi chỉ để ngắm bộ rễ Đước.

Cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu mới biết câu ca đầy đủ phải là “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát”. Có nghĩa là thêm “chiến binh” Tràm, công lao không thua kém.

Những hàng Mắm, Đước, cao vút, ken dày phía trước, hai bên dòng kinh đập vào mắt tôi, lao qua vun vút như những bức tường thành. Từng chùm rễ của Đước hay còn gọi là chang đước như chân nơm, mọc tua tủa quanh gốc, bám sâu vào lòng đất nhão. Đước không ngại giông bão. Trái đước khi chín cắm thẳng xuống đất bùn rồi mới nở ra, mọc dần thành cây. Năm đầu tiên chỉ cao 40 - 50cm nhưng khi rễ xuống sâu thì phát triển nhanh, mạnh lắm. Đước có đứng kề nhau thì thân mới lớn, mới thẳng, cô hướng dẫn viên du lịch người Đất Mũi giới thiệu. Theo cô gái, cây Đước trưởng thành, cái gì của Đước cũng đều ra tiền: làm đũa, làm giá võng, đồ mỹ nghệ, cột nhà, đóng móng, lấy than…

Công đầu để Đước bám rễ, sinh sôi thuộc về Mắm. Mắm và Đước “lĩnh ấn” tiên phong lấn biển, tạo nên sự kỳ thú, đặc trưng vùng đất Cà Mau. Để vinh danh, có lần TS. Huỳnh Công Tín - giảng viên bộ môn Ngữ văn ở trường Đại học Cần Thơ, tác giả cuốn sách Từ điển Từ ngữ Nam Bộ ví von “tam vị” (Mắm, Đước, Tràm) được tôn thờ như 3 vị “tam công”, 3 ông “phúc, lộc, thọ” bởi công mở đất. Vạm vỡ, khỏe khắn, dứt khoát thay cho lời thề Đất Mũi.

Trong bài thơ “Nếu có nắm đất trong tay”, tôi có viết rằng: “Nơi cây Mắm mọc lên / phía sau bước chân của Đước / Tổ quốc vươn vai về phía ước mơ / nâng bàn chân xứ sở”. Cây Mắm, cây Đước vùng bãi bồi Đất Mũi có “sứ mệnh” của nó. Tôi viết bài thơ cũng là vì vậy.

Bây giờ xe ô tô đã đi thẳng tới Đất Mũi, tuy nhiên, ngồi tàu hơn 60 km từ thị trấn Năm Căn ra Đất Mũi, mới cảm nhận sự kỳ diệu của rừng đước Cà Mau. Nói theo từ ngữ Nam Bộ, mới đã.

Hôm cùng ra Đất Mũi, Đoàn chúng tôi có ông Sáu Đức – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông vận tải, người đi cùng. Tôi nhận ra sự xúc động trong đôi mắt giấu sau mục kỉnh của ông. Ông là “Anh Hai” Nam Bộ đúng nghĩa- sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, có công rất lớn, không chỉ với quê hương Cà Mau mà cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong việc phát triển hạ tầng giao thông. Để Cà Mau và Đất Mũi ngày càng gần lại, gần lại...

Cuối tháng 12 năm 2023, niềm vui lớn đến với bà con Đất Mũi cũng ở con đường. Thủ tướng Phạm Minh Chính khi khảo sát công trường thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, đã đề nghị tiếp tục triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam tới tận Đất Mũi thay vì đến TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay. Nay mai, đường bộ cao tốc phía Đông sẽ đến tận Đất Mũi. Đến năm 2030, tức là cuối nhiệm kỳ tới, sân bay Cà Mau cũng sẽ được nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu để khai thác 1 triệu khách mỗi năm.

Con đường đến với Đất Mũi sẽ gần hơn. Cơ hội đến với Đất Mũi đối với người dân cả nước, trong đó có người dân Hà Tĩnh quê nhà sẽ lớn hơn nhiều.

Tôi biết, cách đây 10 năm Vườn quốc gia mũi Cà Mau (thuộc các xã Đất Mũi, Viên An, Đất Mới và Lâm Hải của huyện Ngọc Hiển) được Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới trao bằng chứng nhận vườn quốc gia Mũi Cà Mau chính thức trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới. Đây cũng là khu Ramsa thứ 2 tại Đồng bằng sông Cửu Long và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.

Công ước Ramsar chính là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước.

Lạc Long Quân, là nhân vật huyền sử, được xem là thuỷ tổ của dân tộc Việt. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân tên là Nguyễn Lâm, tên huý là Sùng Lãm, tự là Phúc Thọ, thụy là Hùng Hiền Vương, con trai của Kinh Dương Vương. Lạc Long Quân lấy Tiên nữ Âu Cơ, đẻ ra bọc 100 trứng, ấp ủ lâu ngày đẻ ra 100 con.

Đến Đất Mũi, tôi cứ miên man suy nghĩ, có phải một phần hồn Lạc Long Quân và 50 người con theo Ngài xuống biển, hiển linh mà thành cây Mắm, cây Đước? Không giải thích được, cũng không bác bỏ được. Đức Tổ từ trong huyền sử đã và đang bước ra.

Tôi thổn thức cùng tiếng trống trong Lễ giỗ Đức Quốc Tổ, rưng rưng trước màu xanh của Mắm, của Đước...Tất cả hòa quyện trong bản giao hưởng hùng vĩ, trước thiên nhiên xanh, thiên nhiên rạo rực mùa xuân.

Tùy bút của Ngô Đức Hành

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm