May 3, 2024, 9:22 am

Bán buồn mua vui

anh như chàng đánh cá trong ca dao

biết bán nỗi buồn mua lấy niềm vui

Thật không anh? Vì khó lắm. Tự nhiên mình buồn, rồi tự nhiên mình lại “bán buồn mua vui”. Vậy nỗi buồn mình bán cho ai? Ai khờ dại tới mức bỏ tiền ra mua nỗi buồn của mình? Mua để làm gì? Trả bằng tiền mặt, tiền ngân hàng hay tiền ảo bitcoin? Trả ngay hay trả góp? Cứ cho là mình “bán buồn” được tiền đi, thì mình mua vui thế nào? Dĩ nhiên, mua vui bao giờ cũng dễ hơn bán buồn, nhưng mua vui không khéo, lại buồn thêm.

Một người nói: anh khéo lo, có cung ắt có cầu, buồn vui là câu chuyện của đời người, đã làm người thì không ai thoát được, không chấp nhận nó vẫn tới, nhiều khi muốn xua đuổi nó cũng không được. Có thể coi đây cũng là một sự bất toàn mà một định lý toán học nổi tiếng, “Định lý toán học bất toàn” đã chứng minh? Bán buồn mua vui là một câu chuyện không thể xác định, bởi ngay từ khởi điểm, buồn hay vui cũng đều không thể xác định. “Khi vui anh phải bán buồn mua vui”, nhưng làm sao biết khi nào anh vui, còn khi anh buồn thì làm sao biết khi nào anh muốn “bán buồn”, còn khi nào thì anh muốn giữ nỗi buồn ấy lại cho mình? Những khoảng bất định chính là một đặc chất của Thơ, nó nhiều như lời chữ, và cũng bất định như chính lời chữ. Tôi nhớ GS Nguyễn Hoàng Phương, một nhà vật lý tiên phong ở Việt Nam, đã nêu ra thuyết “Tập mờ” kết hợp với Kinh Dịch, tiến trình của lý thuyết này, dù tác giả không nói rõ ra, nhưng nó dẫn tới thuyết hữu thần, dẫn tới Đức tin, dẫn tới những khoảng - rỗng - chứa - đầy – bí - ẩn. Tôi không phải nhà toán học không phải nhà vật lý, nhưng tôi cảm nhận theo kiểu một con người bình thường, nếu thêm một chút xíu, thì của một nhà thơ cảm nhận. Từ lâu rồi tôi đã rất ấn tượng với đầu đề một trường ca nổi tiếng của nhà thơ Nga xô viết Vasili Tvardovsky “Ngoài xa, còn xa nữa” (Za Daliu, Dali), chữ Dal (Xa) có dấu mềm trong tiếng Nga mang một hơi thở nhẹ nào đó. Thở dài chăng? Hay thở nhẹ vì cố ghìm hơi trong chờ đợi? Vì “ngoài xa” vẫn còn một cái gì đó, xa lắc, cái ấy đơn giản, là “còn xa nữa”, nên đừng bao giờ nguôi hy vọng. Những khoảng rỗng trong thơ bao giờ cũng là cơ hội cho nhà thơ viết được những đoạn thơ mờ, những đoạn thơ không xác định. Người ta gọi đĩa bay là “vật thể bay không xác định” gọi tắt là UFO. Nhưng ngoài cái UFO ấy, còn cái gì nữa? Vẫn là không xác định. Vậy thì sự không xác định đã được xác định, nó cũng là một thực thể không xác định (Unidentified flying object). Những nhà thơ thường nghĩ mông lung. Nhưng bên ngoài cái mông lung ấy vẫn còn vô vàn mông lung nữa. Vì thế, đừng vội xác định một điều gì. Một con người cũng như vậy. Nhiều khi, bên ngoài cái ta biết về họ, còn nhiều cái ta chưa biết nữa. Tôi nhớ nhà thơ Đặng Đình Hưng. Nếu không bị khổ lụy bao nhiêu năm trời, có lẽ chúng ta chỉ có một Đặng Đình Hưng trưởng đoàn văn công, rồi lên quản lý văn nghệ chẳng hạn, cùng lắm thì thêm cái nhạc sĩ. Nhưng tai họa đã khiến Đặng Đình Hưng bật sáng năng lượng thi sĩ. Mà thi sĩ thứ xịn, thi sĩ cách tân, thi sĩ đi lại dễ dàng giữa hai bờ thực - ảo, thi sĩ tụng ca về thân phận bi thảm của con người. Tụng ca bi thảm ư? Đúng như thế.

Có phải Đặng Đình Hưng đã “bán buồn mua vui”? Dù cái buồn ấy vô cùng khắc nghiệt, rất khó bán, rất kén người mua, nhưng rồi, vẫn có người mua. Những người đọc thơ Đặng Đình Hưng chính là những người đã mua nỗi buồn sắt đá của ông. Họ mua để thân phận làm người được chia sẻ. Họ mua để chính họ vơi đi những nhọc nhằn của kiếp người. Đó là giao thoa giữa bán và mua, giữa buồn và buồn hơn, giữa vui mới nhú và vui đã lá vàng. Đúng là “ngoài xa, còn xa nữa”.

Trở lại với câu ca dao: “Khi vui anh phải bán buồn mua vui”. Người nông dân chúng ta chính là tác giả câu ca dao này, họ ở vào miền đất hàng năm gánh chịu rất nhiều tai họa từ những “đổ vỡ” của thiên nhiên, như lũ lụt, bão bùng, nắng hạn… Hết El Nino rồi tới La Nina. Bây giờ, sự đổ vỡ khốn khổ ấy không hoàn toàn của thiên nhiên, mà một phần không nhỏ là do con người, từ con người xúc phạm đến thiên nhiên mà ra. Người nông dân ở miền Trung Việt Nam ấy, trải qua quá nhiều chuyện buồn, lại chẳng có nhiều chuyện vui, nên họ thèm vui, ưng vui là vậy. Nhưng làm sao có vui bây giờ? Họ không biết. Hay là ta “bán buồn” (vì buồn nhiều quá) để “mua vui” (vui một chút xíu thử xem). Người nông dân miền Trung chính là người đề xuất câu chuyện bán mua hơi kỳ lạ này. Thông cảm cho họ, vì họ cũng “nói chơi thôi mà!”, nói chơi cho đỡ buồn, chứ đâu muốn trút nỗi buồn của mình cho ai. Chứ đừng nói họ muốn bán cho ai.   

Thanh Thảo

Nguồn Văn nghệ số 24/2023


Có thể bạn quan tâm