April 27, 2024, 8:00 pm

Bài thơ ngày ấy

Tưởng anh đã quên chữ nghĩa vì mãi mê bận rộn lo làm ăn nào ngờ anh vẫn nhớ và nói là viết cho vui… Có lẽ vậy trên tờ Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh thỉnh thoảng xuất hiện cái truyện với tên Văn Định. Vì lâu lâu xuất hiện nên nhiều bạn đọc không biết tưởng Văn Định là tên tuổi mới. Riêng những ai dõi theo phong trào văn nghệ từ buổi đầu miền Nam giải phóng đến nay thì vui lắm như gặp người bạn lâu ngày. Bởi Văn Định trước hết là nhà văn xếp hàng đầu bảng nổi tiếng của miền Tây. Chưa kể những ngày hòa bình. Nguyễn Bá, Lê Chí, Văn Định, Nguyễn Thanh, Anh Động, lại là những nhà văn của R từ rừng U Minh ra xây dựng nền móng thành lập các Hội Văn nghệ miền Tây. Văn Định là Chủ tịch Hội văn nghệ An Giang khóa đầu tiên. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng vì sinh hoạt ở thành phố Hồ Chí Minh nên làm chủ tịch danh dự.

Phải nói nhờ có Văn Định, Hội văn nghệ An Giang khi ấy nổi lên đứng đầu khu vực quy tụ nhiều cây viết sau này hầu hết và được kết nạp vô Hội Nhà văn Việt Nam. Anh tạo ra bầu không khí vui gây cảm hứng sáng tác. Đặc biệt không uống một giọt rượu nhưng lại hay làm mồi màng rất ngon rủ anh em nhâm nhi. Anh em chưa kịp say, Văn Định kẻ ngồi phá mồi tà tà không có rượu lại say trước mặt mũi đỏ ké kể chuyện vui, ôm đàn hát nghêu ngao. Hồi đó tiếp khách không kéo ra quán, cơ quan sống tập thể, căn phòng của Văn Định là nơi thường xuyên tiếp khách trong Nam ngoài Bắc vui vẻ thân tình. Các nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng và nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo anh Sáng về An Giang chơi. Nhìn Văn Định ôm đàn ghi ta chơi điệu Tango hát nghêu ngao – Trong vườn chiều êm nắng tươi. Đàn bướm rộn bay tưng bừng, ai cũng khen – tiếng đàn lẳng lơ mà mùi. Tôi thấy đúng vậy người ngồi đàn với tiếng đàn rất lẳng mà giọng ca lại mùi mẩn.

Riêng nhà văn Lê Văn Thảo thì như mê Văn Định phong cách hài hước mà tỉnh queo, điều này còn thể hiện qua những tác phẩm của anh có nhận xét – Văn Định là người kể chuyện hay nhất miền Tây. Điều này cũng rất đúng. Văn Định có đời sống phong phú, sinh ra và lớn lên ở rừng U Minh làm diễn viên đoàn Văn công. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng về U Minh mở trại sáng tác phát hiện ra Nguyễn Thanh một thầy giáo, Anh Động làm bảo vệ chuyên làm hò ve. Phát hiện ra Văn Định trong đoàn văn công có biệt tài kể chuyện những ai buồn nghe Văn Định ít phút sau sẽ hết buồn. Để rồi như học trò tìm được thầy như có sứ mệnh các anh chuyển qua viết lách rồi tất cả trở thành nhà văn. Những năm đầu hòa bình tôi còn nhớ rất rõ. Dân như chưa quen cái gọi là nhạc đỏ, nhạc cách mạng với tiết tấu nhanh hát giọng Bắc sôi nổi. Nhưng nhờ mấy bản Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Lá đỏ, Lên ngàn, Tình ca… người bắt đầu quen dần phong cách âm nhạc mới mẻ với người. Riêng giới viết lách anh em của chế độ cũ cũng vậy. Buổi ban đầu họ bở ngỡ ngơ ngác không biết mình sẽ gặp mấy ông cách mạng hồi đó gọi là Việt Cộng như thế nào. Người ở ngoài thành chưa biết gì cuộc sống bên trong. Nhưng rồi sau những phút đầu tiên gặp nhau hai bên thật nhanh xóa đi khoảng ngăn cách lâu nay. Thật bất ngờ người ở ngoài thành không biết gì bên trong người bên trong lại biết rất rõ về cuộc sống của anh em bên ngoài. Chẳng những vậy mà các tạp chí văn học, các nhà văn ở ngoài các anh đều có đọc. Và cái anh tỏ ra hâm mộ Khánh Ly, Lệ Thu, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân chẳng khác gì người ở ngoài thành. Rồi cũng qua các anh, mọi người hiểu ra khâm phục cuộc sống trong rừng chiến đấu gian khổ như thế nào. Những trận càn quét, Mỹ dội bom gây ra những cái chết nhất là cái chết tập thể đau xót nghe kể mà không ngủ được. Đồng thời cuộc sống bên trong có những chuyện vui gọi là chuyện vui kháng chiến qua lời kể của các ông anh Lê Chí, Nguyễn Thanh, Anh Động, nhất là với Văn Định. Xung quanh Văn Định vô vàn những câu chuyện vui như vậy. Tưởng như Văn Định nói cho vui nhưng chuyện lại hoàn toàn có thật, chuyện của chính anh, sau anh kể lại nó trong cuốn truyện đầu tay Người Đồng Năn. Thí dụ như cơ quan phân công anh đi kiếm cá về ăn. Anh vác tay lưới ra ruộng thấy lưới của một nông dân dính nhiều cá anh bỏ lưới mình nhảy xuống nhảy trộm. Đang lui cui gở bị chủ bắt gặp, lập tức anh giả bộ làm một đứa vừa câm vừa điếc đưa tay chỉ trỏ lung tung, còn đưa cá lên miệng ngậm. Chủ thấy vậy thương hại không bắt tội còn cho cá mang về. Một lần anh đang diễn kịch cái quần ngâm nước lâu ngày nhè rách ngay chỗ kín mà anh không mặc quần trong. Lập tức anh đưa tay nắm quần mặt nhăn nhó giả bộ lên cơn suyễn được dìu ra phía sau nằm nghỉ. Tài đến nổi không ai biết đó là đóng kịch, sau đó thay quần đứng dậy tiếp tục ra sân khấu khiến cho mọi người xúc động… để rồi được tặng bằng khen. Như đã quen tính khí trời đã sinh, với cương vị Chủ tịch hội văn nghệ, Văn Định không quan chức như những cán bộ khác mà rất vui, tếu táo. Cái vui thường chia sẽ với mọi người hơn ra vẻ nghiêm nghị nên qua đó nó quy tụ các anh em văn nghệ sĩ. Mười lăm năm sau giải phóng, Văn nghệ An Giang đứng đầu miền Tây với những tên tuổi sau trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam: Trịnh Bửu Hoài, Phạm Nguyên Thạch, Hồ Thanh Điền, Phạm Hữu Quang, Nguyễn Trọng Nghĩa, Trần Thế Vinh, Nguyễn Thị Trà Giang, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Phạm Thường Gia. Nhớ Văn Định mặc dù viết không nhiều, nhất là từ năm 2000. Nặng gánh gia đình một đứa con và 4 người em còn đi học, nhưng khi nói tới Văn Định, giới viết lách phải nhớ đến qua những tác phẩm Người Đồng Năn, Như giấc mơ dài, Trăng tháng chạp, Câu chuyện chú tre gai (thiếu nhi), Chiếc cầu, Tuyển tập truyện ngắn… Hình ảnh xóm làng rừng U Minh một thời chiến tranh, tình người hiện ra sống động. Đặc biệt truyện Chiếc cầu với tâm trạng buồn vui của ông lão chèo đò khi chiếc cầu bắc qua sông như là dự báo cho mấy cây cầu Mỹ Thuận, Cầu Vàm Cống sau này…

Một điều đặc biệt Văn Định không làm thơ, nhưng lại có bài thơ duy nhất nhiều người nhớ. Những điều ba nói với con. Bài thơ tâm huyết viết nhân dịp đầy tháng của đứa con trai.

Viết xong gởi báo, không báo nào đăng đành phải đăng báo nhà. Lúc đó bài đăng báo phải gởi qua ban Tuyên huấn kiểm duyệt nên hết ban Tuyên huấn, đến Công An mời anh lên. Suýt chút nữa anh mất chức Tổng thư ký văn nghệ An Giang. May sao đến năm 82 nhờ có chủ trương mở cửa nên bài thơ được dịp trình làng. Nghiệp viết văn, làm thơ sợ nhứt là bị người đời quên lảng, được người nhớ đó là hạnh phúc, niềm vui. Tên tuổi Văn Định gắn với ký ức nhiều người qua bài thơ Những điều ba nói với con. Theo tôi bài thơ thật tình cũng bình thường, không hay lắm, nhưng nó trở nên hay vì được viết vào những năm 1979-1980, đến năm nay đã 45 năm trôi qua… vẫn còn giữ nguyên tính thời sự, nghe buồn làm sao. Vào năm 1979, điện thoại, internet chưa phổ biến mà viết như vậy, coi như Văn Định giống như gã ngang như cua lại có suy nghĩ, thấy trước nhiều người. Và đứa con ngày đó mới đầy tháng tuổi kia, biết có phải nhờ bài thơ mà trở nên người tử tế, giờ đang làm Giám đốc Resort Xóm Chài tỉnh Phan Thiết. Khách đến đây nghỉ và đi đều vui lòng, đặc biệt đây còn là địa chỉ ưu ái cho khách là giới văn nghệ sĩ gặp nhau để hàn huyên…

Ôi có một thời trai trẻ, một thời đẹp làm sao và cũng có một thời chả ra làm sao…

 

Những điều ba nói

với con

                          (Tặng T.V thân yêu)

Khi con lớn lên bằng ba bây giờ

Có thể cuộc đời và bầu trời đổi khác

Có thể suốt ngày con ca, con hát

Loài người vui như một giấc mơ

Con sẽ viết văn và làm thơ

Chung quanh là điện tử

Nếu đói chỉ cần nhấn nút, có món ngon vật lạ

Nếu buồn thì niềm vui hiện ra

Nhưng chừng ấy làm sao có nỗi buồn và giận dữ

 

Thế giới huy hoàng chỉ có hoa

Không có tiếng khóc tiếng la

Người ta nói với nhau bằng thơ bằng nhạc

Nguyên tử để làm cho tàu xe chạy nhanh

Chở con đi chơi vòng quanh trái đất

Nguyên tử làm mượt mái tóc xanh

Biến những cô gái xấu thành tiên trong tranh

Tha hồ con yêu mến!

Nhưng con ơi

Có những con đường đi hoài chưa đến…

 

Ngày xưa ông nội nói với ba

“Khi lớn lên con sẽ thấy hoa muôn màu,

tranh trăm sắc

Bắc Nam không còn chia cắt

Con người không còn xấu xa!”

Cái thế giới đầy hoa

Ông nội dành cho ba nên ba mươi năm trời

dầm bom đội đạn

Ngủ rừng, nằm bụi, ăn rau

Cho đến sức cùng, lực kiệt…

 

Mười lăm năm ba ngập mình trong chiến tranh

Nửa phần đời lửa đạn vây quanh

Làm người lính vào ra sống chết

Mười lăm năm ba không mỏi mệt

dành cho con cái thế giới đầy hoa

Cõi thiên đường, ông nội hằng ao ước cho ba!

 

- Con có thể không tin là sự thật

Chuyện của ba của mẹ bây giờ

Nhưng con ơi, đừng bao giờ đánh mất

Những sự thật phủ phàng như một giấc mơ

Ba không muốn sống như kẻ cầu cơ

Không muốn như con mèo muốn ăn cơm

phải nằm canh bồ lúa

Như con chó giữ nhà phải sủa để được no

Đất nước nghèo ăn cơm trộn bo bo

Lương mỗi ngày mua tròn trứng vịt

Xẻ làm tư để con còn có thịt

Để lớn lên con hiểu được bây giờ!

 

Những đồng tiền ít ỏi chỉ để dành mơ ước

Chợ đỏ chợ đen thịt cá không mua được

Con đừng lầm, chợ cũng có bán hoa

Bán chim én, kẻ có tiền mua thả ra làm phước

Chợ để dành cho kẻ ăn trên ngồi trước

Để dành cho những tên hay nói, ít làm

Để dành cho những tên ăn cắp, gian tham

Những kẻ không muốn xây trường học

Không muốn có nhà thương để trẻ em nằm!

 

Đất nước về đâu khi còn những con nòng nọc

Sống nhờ cái đuôi chỉ biết lừa biết lọc

Cái đầu chỉ để dạo chơi…

Đất nước bao giờ mới hết nổi xót xa

Hết những kẻ ăn mày nằm bên vườn hoa

Hết những loài sâu bọ

Gặm nhắm tan hoang xứ sở, xóm làng!

 

Nói cho con nghe mà lòng ba nhức nhối

Thà làm con người còn hơn lũ dơi ăn tối

Ba cũng muốn sống có đầy đủ tiện nghi

Nhưng phải bằng đôi tay với sức lực mình tạo lấy!

 

Bởi làm người nên ba có niềm tin

Phải bước khác đi những luân lý cũ mòn

Dẫu có phải dầm mình trong lửa

Mới có mặt trời mọc giữa bình minh

Khi con lớn lên bằng ba bây giờ

Có thể cuộc đời và bầu trời đổi khác

Có thể suốt ngày con ca, con hát…

Tháng 4 năm 1980

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022


Có thể bạn quan tâm