April 28, 2024, 6:31 pm

Bài thơ Cúc ơi! Thơ Yến Thanh - Lời bình của Phan Thế Cải

Cúc ơi!

 

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về đây tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ mặt:

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

(Chín bỏ làm mười răng được!)

*

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc.

Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

*

Cúc ơi! Em ở đâu?

Đất nâu lạnh lắm

Da em thì xanh

Áo em thì mỏng

Cúc ơi! Em ở đâu?

Về với bọn anh tắm nước trong Ngàn Phố

Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

Chăn trâu cắt cỏ

*

Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ

Gối còn thêu dở

Cơm chiều chưa ăn.

*

Em ở đâu hỡi Cúc

Đồng đội tìm em đũa găm, cơm úp

Gọi em!

Gào em!

Cúc ơi… ời… ơi!

Ngã ba Đồng Lộc 25/7/1968

 

Lời bình của Phan Thế Cải

Bài thơ viết trong nước mắt đau thương

Đây là một bài thơ được viết trong nước mắt, bởi tác giả Yến Thanh là người đồng đội của Hồ Thị Cúc. Tôi một lần gặp gỡ nhà thơ Yến Thanh ở Trại viết văn Tam Đảo, đã được nghe tác giả kể về xuất xứ ra đời bài thơ Cúc ơi!. Câu chuyện đầy xúc động.

Hồ Thị Cúc sinh năm 1944 quê ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tuổi thơ của cô là một chuỗi “mưa dầm nước mắt”. Mồ côi cha từ lúc lên Một tuổi, Cúc được ông nội đưa hai mẹ con về ở nhà ông và chăm sóc, dạy dỗ. Năm lên bốn tuổi, mẹ Cúc đi bước nữa, nên Cúc thiếu hơi ấm tình thương cả bố lẫn mẹ từ đó. Lớn lên Hồ Thị Cúc gia nhập Thanh niên xung phong, ở trong tiểu đội 10 cô gái do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng và đã hy sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc.

Trong một dịp gặp nhà tại trại viết văn Tam Đảo, nhà thơ Yến Thanh kể lại với tôi rằng: “Một quả bom tấn rơi trúng cả ba hầm nơi mười cô gái ẩn nấp. Hàng trăm khối đất đá đã chôn sống cả tiểu đội. Lúc đó đúng 16 giờ ngày 24 tháng 7 năm 1968. Gọi mãi không thấy ai thưa, ban chỉ huy đại đội ra lệnh cho mọi người đào bới. Sau hai tiếng đồng hồ, đã tìm thấy thi thể 9 cô gái trong hai hầm dài. Vì bị chết ngạt, nên sắc mặt các cô vẫn hồng hào như người đang ngủ. Thi thể 9 cô được đặt lên cáng, xếp thành hàng ngang như khi còn sống tiểu đội tập hợp. Riêng Hồ Thị Cúc, tiểu đội Phó không thấy đâu. Đồng đội tiếp tục đào tìm suốt đêm 24/7 đến 25/7 vẫn vô vọng. Mười hòm, mười huyệt sau eo núi Bãi Dịa thì 9 huyệt đã có chủ, chỉ còn thiếu lại mình Cúc. Tôi ngậm ngùi xúc động ra vườn tro, ngồi cầm sổ tay kê đầu gối cầm bút viết. Bài thơ ra đời khi chưa tìm thấy Cúc. Trưa hôm sau (26/7/1968) mội người đã tìm thấy Cúc đang ngồi trong một hầm tròn cách xa nơi 9 cô ẩn nấp. Trên đầu Cúc còn đội nón, vai Cúc tựa vào cán cuốc, thi thể vẫn còn nguyên vẹn…” 

Qua lời anh Yến Thanh tâm sự tôi mới thực sự hiểu rõ xuất xứ bài thơ Cúc ơi! ra đời trong hoàn cảnh lịch sử như vậy đấy. Bài thơ viết trong đau thương, viết trong nước mắt của sự âu lo cả tập thể:

Tiểu đội đã xếp thành hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về đây tập hợp?

Một tiếng gọi thân thương, cả đại đội đang nóng ruột, xót gan chờ đợi Cúc, khi tự nhiên Cúc vắng đội hình. Đọc hai câu thơ này, tôi nghĩ bạn đọc chắc cảm nhận được tâm trạng âu lo sau vụ nổ bom kinh hoàng ấy. Một câu hỏi lớn đang đặt ra lúc này “Liệu thi thể Cúc còn nguyên vẹn nữa hay không?”. Nhưng dầu có xương tan thịt nát, vẫn phải nhặt nhạnh thu gom thi thể Cúc đưa về cùng với chị em. Bởi cuộc đời của tuổi xuân phơi phới sống thủy chung, thì đoàn kết chết cũng thủy chung đoàn kết “Chín bỏ làm mười răng được”…

Đã hai ngày trôi qua, không tìm được dấu vết Cúc, nhưng tất cả mọi người vẫn nuôi hy vọng, Cúc vẫn ở quanh đây. Cúc sẽ không nỡ nào bỏ đồng đội, bởi đồng đội là ngôi nhà chung. Ở đấy “Sự sống chẳng bao giờ chán nản. Mười cô gái Thanh niên xung phong ngày đi san lấp hố bom, tối chị em lại ôm vai bá cổ tập hát, tập múa, tập thêu… Tuổi thơ Cúc đã bị thiếu thốn tình cảm gia đình, giờ đây Cúc được sưởi ấm tình thương sâu sắc của đồng đội. Sống trong ngôi nhà chung, Cúc còn được anh chị dạy cho mình học văn hóa.

Khi một linh hồn chưa nhập cuộc với chín linh hồn, đồng đội vẫn sắp lễ cúng bằng “Đũa găm, cơm úp” và lớn tiếng gọi Cúc về. Cuộc tìm Cúc lúc này không phải là mệnh lệnh hành chính mà mệnh lệnh trái tim. Khi mệnh lệnh trái tim gõ cửa, thì sức mạnh của đồng đội sẽ trở thành sức mạnh vô biên, đào bới xuyên núi xuyên đất, để tìm bằng được Cúc về. Tuy vô cùng đau thương mất mát, nhưng cuộc tìm kiếm phải hết sức bình tĩnh và thận trọng, vì nếu phát hiện được đúng chỗ Cúc hy sinh thì phải khéo léo lựa chiều lưỡi cuốc, lưỡi ven để thi thể Cúc không bị tổn thương thêm lần nữa. 

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”. Đọc giả không ai không xúc động và bàng hoàng trước câu thơ này.

Quy luật cuộc đời, nước vẫn nhớ nguồn, cây vẫn nhớ về cội, con người vẫn dù ở đâu vẫn nhớ về hình bóng quê hương, xứ sở mình sinh ra. Bài thơ gọi Cúc, nhà thơ Yến Thanh không quên điều đó “Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố/ Ăn quýt đỏ Sơn Bằng”.

Đọc bài thơ Cúc ơi! bỗng dưng tôi lại nhớ tới câu nói của nhà thơ Tố Hữu “Thơ là tiếng nói tri âm của đồng bào, đồng chí”. Khi viết bài thơ này, Yến Thanh không nén nổi xúc động, để bộc lộ cảm xúc của mình một trang nhật ký bằng thơ. Bài thơ ấy nằm trong sổ tay, dần dần lưu truyền trong đồng đội anh. Chính bản thân anh cũng không ngờ, bài thơ Cúc ơi lại trở thành “tiếng nói tri âm” của nhân dân, khi bài thơ được đăng trên sách báo. Đặc biệt sau khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát.

 Theo tôi nghĩ điều sâu sắc hơn của bài thơ, nó còn có tác dụng giáo dục tình yêu đồng đội, tình yêu Tổ quốc cho nhiều thế hệ khi đến với địa chỉ Ngã ba Đồng Lộc “Máu và Hoa”.

Nguồn Văn nghệ số 40/2023


Có thể bạn quan tâm