April 29, 2024, 2:27 am

Bài học quản trị từ một cuộc “khủng hoảng”

Tình trạng các bệnh viện đầu ngành khan hiếm thuốc và thuốc chữa bệnh tăng giá do thiếu nguồn cung đã diễn ra từ đầu quý 3/2022, gần đây được chính lãnh đạo ngành Y tế thừa nhận là “nghiêm trọng”. Chẳng hạn: Bệnh viện Bạch Mai là trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu của cả nước, là cơ sở đào tạo cán bộ y tế trọng điểm của ngành Y tế Việt Nam, là tuyến cao nhất trong bậc thang điều trị của ngành Y tế Việt Nam, mỗi ngày tiếp nhận đến 5.000 người bệnh… Thế nhưng, thiếu nhiều loại thuốc giải độc, thuốc điều trị tuyến thượng thận, tim mạch và đường hô hấp… đến mức đầu đầu tháng 3 vừa rồi lãnh đạo bênh viện thông báo khẩn là một số khoa sắp phải đóng cửa. Tương tự, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương thiếu thuốc gây tê, là loại được dùng rất nhiều và cần thiết với chuyên ngành răng hàm mặt. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng thiếu hóa chất....

Không chỉ thiếu thuốc mà nhiều vật tư y tế quan trọng cũng trong tình trạng thiếu hụt, khan hiếm. Nói chung là thiếu thuốc, vật tư y tế... trở thành bức tranh toàn cảnh cả nước, từ miền Bắc đến miền Nam. Trước tình trạng đó, ngay từ đầu tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 778/CĐ-TTg về “Bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh”. Công điện gửi tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện theo thẩm quyền. Đối với Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về công tác khám chữa bệnh, Thủ tướng Chính phủ nêu 3 nhiệm vụ quan trọng: Một là khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hai là rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật. Ba là kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh không dám chịu trách nhiệm.

Công điện trên đây đã cho thấy nguyên nhân nằm trong các văn bản, trong thủ tục hành chính, vốn rất rườm rà và nhiêu khê ở chính ngành Y tế và nhiều ngành hữu quan. Đáng tiếc, quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm thủ tục... khởi động đã lâu, nhưng công việc khắc phục vẫn càng gỡ càng rối. Phải chờ đến khi Chính phủ có Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 “Về đảm thuốc, trang thiết bị y tế” thì mới gỡ được “nút thắt”. Nghị quyết 30/NQ-CP có 2 nội dung quan trọng, đó là: Sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đồng thời cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Theo Giám đốc các Bệnh viện lớn đánh giá, Nghị quyết 30/NQ-CP đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, những bất cập trong các văn bản qui phạm pháp luật trước đó, như: Nghị quyết 144/NQ-CP; Nghị định 98/2021/NĐ-CP; các thông tư của Bộ Y tế như Thông tư 14/2020/TT-BYT; Thông tư 15/2019/TT-BYT do chậm được khắc phục nên đã gây cuộc khủng hoảng thuốc chữa bệnh và vật tư y tế trong thời gian qua. Qua cuộc khủng hoảng này cho thấy, tính “đồng bộ” của hệ thống văn bản qui phạm pháp luật đang tiếp tục là một vấn nạn. Đồng thời, cho thấy “tuổi thọ” của nhiều văn bản qui phạm pháp luật cũng là một thực trạng nhỡn tiền. Chẳng hạn: Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 đã kịp thời sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP là Nghị quyết mới ban hành ngày 05/11/2022, nghĩa là “tuổi thọ” mới được hơn 4 tháng.

Chính vì sự bất vập của các văn bản qui phạm pháp luật, Bộ Y tế đang tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cụ thể là xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật trang thiết bị y tế…; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Giá, Luật Đấu thầu với nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế.

Chính vì những vướng mắc, bất cập, chồng chéo về trong các văn bản qui phạm pháp luật mà mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có 3 cuộc làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Tại buổi làm việc ngày 25/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý: “Y tế là lĩnh vực đặc biệt, vì vậy, Bộ Y tế phải chủ động đề xuất chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt; chủ động tham gia trực trực tiếp vào xây dựng các quy định có liên quan đến lĩnh vực y tế cả các bộ, ngành khác”. Trong Công điện số 72 ngày 25/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao cho lãnh đạo các Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tình trạng để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Ngoài việc yêu cầu sửa đổi văn bản qui phạm pháp luật, Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm... Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm. Tất nhiên, phải công khai, minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực.

Tiếp cận pháp luật từ góc độ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có thể nhận diện được một số yêu cầu đối với hệ thống pháp luật: tính quy phạm của pháp luật; tính ổn định của pháp luật; tính nhất quán, tính hệ thống của pháp luật, tính minh bạch, không hồi tố. Ngạn ngữ Anh có câu: “Pháp luật thay đổi thường xuyên thì tệ hơn là không có pháp luật”, đáng tiếc, hệ thống luật pháp ở nước ta hiện nay, vẫn còn nhiều điều khoản “sáng đúng, chiều sai”. Đã có lần Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương điều tra và chỉ ra rằng, thực trạng kém chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành có thể gói gọn trong “chín không”: Không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực. Đi liền với những quy định chồng chéo, mâu thuẫn là sự thường xuyên thay đổi, tính ổn định không cao của hệ thống văn bản dưới luật đã làm giảm hiệu lực của văn bản luật, dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện và tác động xấu đến sự ổn định chính trị xã hội, nhất là quan hệ kinh tế. Đồng thời, rất nhiều văn bản pháp luật có tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể mà chủ thể phải thực hiện. Còn tồn tại những luật “khung”, luật “ống” trong khi đó nhiều lĩnh vực như đất đai, thủy sản, lao động… đòi hỏi phải được điều chỉnh cụ thể và chi tiết.

Hiện nay, Luật Đất đai (năm 2013) đang được lấy ý kiến toàn dân về việc sửa đổi. Nghị quyết 18-NQ/TW (TW5, Khóa 13), ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, xác định “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất”. Cuộc sống đang đòi hỏi Nhà nước phải có tư duy, quan điểm, chủ trương, chính sách mới trong quản lý đất đai; bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” về đất đai; thực hiện tốt cải cách hành chính, bảo đảm bình đẳng, công bằng, tiến bộ. Thước đo về năng lực thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đất đai của Nhà nước, cũng chính nằm ở đây.

Từ vấn đề khủng hoảng thuốc chữa bệnh và vật tư y tế, đến những hệ lụy của việc chậm sửa đổi những khe hở và bất cập của luật Đất đai hiện hành, nhìn rộng ra ở tất cả các lĩnh vực khác cho thấy cần phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản qui phạm pháp luật lạc hậu; đặc biệt, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, mới đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Nguồn Văn nghệ số 11/2023


Có thể bạn quan tâm