May 2, 2024, 6:43 am

Bắc Hà nghiêng

Hết địa phận xã Bảo Nhai, bất kỳ người bộ hành nào cũng phải ngước nhìn lên sườn núi phía đối diện mà con đường vòng vèo uốn khúc lúc ẩn lúc hiện. Xưa kia tôi đã cuốc bộ theo con đường này lên Bắc Hà, rồi từ Bắc Hà cuốc tiếp lên Sin Ma Cai. Con đường hồi ấy lổn nhổn những cù đá to đá nhỏ, cái tròn cái nhọn lúp xúp dưới lùm cỏ. Nay đường đã êm ru chênh vênh men theo sườn dốc Trung Đô, qua Nậm Mòn vào huyện lỵ Bắc Hà, có tên nguyên bản là Pa Kha được người dân địa phương giải nghĩa theo tiếng Nùng là trăm bó gianh mà huyền tích kể rằng những người lập làng đầu tiên ở đây phải hợp sức lại đốt cả hàng trăm bó gianh để xua đuổi đàn ong dữ, chính là quân của thần Thổ địa; nhưng xem cái dịa danh ấy phải giải nghĩa theo tiếng Hmông, nghĩa là Bãi cạn, Bãi cằn khô thì chính xác hơn thì phải. Qua cổng trời nơi núi khép hẹp, nhìn phía trước mở ra một vùng trời đất với những trái núi tròn nhọn nhưng dường như tất cả đều nghiêng về một phía, lưng tựa vào những dãy đá, mặt ngóng về phương Nam. Nghiêng thật! Những quả núi tròn nghiêng. Những sườn núi nghiêng. Những dãy núi đá đều nghiêng. Thế là những ngôi nhà, những xóm làng, những vườn mận tam hoa, những cánh đồng, những mảnh nương đều nghiêng. Đến cả cái hồ Na Cồ vừa mới bắt đầu khởi công xây dựng - một trong số những công trình trọng điểm của huyện Bắc Hà năm 2006 chắc rồi cũng nghiêng. Khu công viên Na Cồ được quy hoạch rộng gần 20 ha, riêng mặt nước hồ gần 10 ha. Đây thực sự là một thiết chế phục vụ du lịch có sự đầu tư của Nhà nước với số kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Na Cồ vốn là một cánh đồng của người Tả Chải, Na Hối cày cấy muôn ngàn năm nay. Na Cồ - ruộng cổ; Tả Chải - làng lớn... Tất thảy các địa danh nơi đây đều có thần tích gắn với Rồng - Tiên - Thần. Chả thế mà dinh thự Hoàng A Tưởng đặt ngay bên cạnh núi Cô Tiên. Dinh thự miền sơn cước bề thế là thế mà cũng nghiêng nghiêng. Núi nghiêng, nên người đứng trên núi phải choạng chân, thế mà thế đứng vẫn nghiêng. Muôn ngàn đời người Bắc Hà vốn choạng chân trên núi nghiêng. Đến con ngựa phải choãi chân đứng nghiêng nghiêng khi chủ đặt thồ lên lưng hoặc nhấc thồ xuống, còn khi đi trên đường cũng nghiêng nghiêng bởi khối nặng đè chặt. Con gà trống đứng trên bờ rào cũng dạng chân mà vẫn nghiêng. Và những con người lam lũ nhưng hồn nhiên đã gặp nhau ở phố chợ là thể nào cũng phải kéo nhau vào quán thắng cố làm một chầu với những bát rượu ngô sủi bọt mở hết tâm can, để rồi bìu ríu nhau đi ngật ngưỡng nghiêng nghiêng bóng khuất dần vào những làng thôn trong núi trong mây lúc hoàng hôn buông, khi ấy cả bầu trời đều nghiêng ngả.

Đi chợ Bắc Hà

Chính cái thế nghiêng nghiêng của Đất núi - Trời mây - Con người Bắc Hà ấy đã là một tiềm năng kinh tế - văn hóa du lịch. Người trong nội tỉnh còn muốn đến Bắc Hà, huống hồ người ở nơi xa, người ở tận phương Tây, phương Bắc. Những con số khách du lịch đến với Bắc Hà những năm gần đây tôi không rành và thấy cũng không cần thiết trương ra. Song biết rằng du khách nay nườm nượp lên trẩy hội Bắc Hà để ngắm nhìn cả bầy ngựa đứng nghiêng nghiêng lim dim mắt ngày chợ phiên trên sườn núi nghiêng, để tâm tình trò chuyện cùng những người dân thoạt trông thì có vẻ đen đúa nhưng lại thật vô tư, hồn nhiên phóng khoáng mà đến như cả lời nói cũng nghiêng:

- Con lợn này tôi nuôi vất vả từ khi còn bé tí, nay thịt ăn không hết, mang ra chợ bán, sao tự nhiên lại đánh thuế thu tiền của tôi?

- Ba chúng tôi là bạn thân, đi chợ thì cùng nhau cưỡi con xe, sao lại bắt chúng tôi tách nhau ra?

- Thồ mận này á, 25 nghìn đồng thôi, không mua thì tôi mang đổ xuống suối!

- Gặp nhau ở chợ đây mà không uống với nhau vài bát rượu thì khinh nhau lắm á!

- Rượu tôi cất lấy, ngon như thế này mà còn kỳ kèo bớt giá á. Này, uống nếm cả bát đi xem đất trời có nghiêng ngửa không?

...

Bắc Hà xưa đìu hiu. Bắc Hà nay thời gian không gian đều là hội; không phải chỉ những dịp hội hè được dân gian quy ước. Đi chợ là đi trẩy hội. Đi học là đi hội. Đi họp là đi hội. Đi nương đi ruộng, đi mở con đường, làm con mương, thu hoạch mận, ngô lúa, đi nghe tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách, đi hội thảo khuyến nông khuyến lâm... đều là đi trẩy hội.

Khách Tây vào Bản Phố, ngồi nghiêng nghiêng mắt nhìn dòng rượu chảy theo cái máng nghiêng nghiêng mà trầm trồ thán phục: “Đất nước chúng tôi, chưng cất rượu là cả một công nghệ phức tạp với những chuỗi dây chuyền nhiều công đoạn cầu kỳ cùng những máy móc đồ sộ. Rượu này uống ở phố, thơm ngon đến tận gan ruột, không ngờ việc chưng cất ở đây lại đơn sơ giản dị như thế này!”.

Một tốp khách rẽ vào một nhà trình tường tất cả đều ám khói vì thấy mấy phụ nữ đang thêu thùa, vẽ sáp. Tốp khách đứng lặng nhìn cung kính. Mặc dù họ không nói ra nhưng cũng có thể biết được lòng họ chộn rộn bao ý nghĩ khâm phục, ngưỡng mộ những chủ nhân trên miền sơn cước còn hoang sơ nghiêng nghiêng này.

Khách Tây phong tục tập quán, nếp sống, sinh hoạt khác ta, lại vốn quen với đời sống công nghiệp. Họ đến Bắc Hà thấy cái gì cũng lạ, cũng hay, cũng thích thú. Không gì ở Bắc Hà là không hấp dẫn khách du lịch từ tấm thổ cẩm, đồ trang sức, vật dùng thường ngày, bếp lửa, bếp lò, cối xay, cối giã, vườn rau cải xếp đá bao quanh, đến luống cày xoe xóe trên nương, lời ăn tiếng nói, giao tiếp chân thành tận tình..., chứ đâu như mấy vị khách phố xá miền xuôi lên, thấy đôi bàn tay đàn bà nhuộm chàm xanh thẫm là chê bẩn, chê hôi; thấy người ta uống những bát rượu tâm giao là liếng mắt khinh bỉ; thấy người ta đi chân đất là bĩu môi trẹo miệng dè bỉu.

Mỗi năm tôi không đến Bắc Hà một đôi lần là nhớ lắm bởi cái dáng nghiêng nghiêng ấy. Dù chẳng ai đón đợi thì cứ hễ mùa xuân tới là tôi vẫn cứ độc hành lên như một kẻ bất đắc chí vậy. Lên để nhìn ngắm lại một vùng Cao nguyên trắng mà nếu ai nhắc tới Bắc Hà, đều không thể không nhắc tới cái tên của một bài bút ký của tôi khi mận tam hoa phủ màu trắng tinh khôi hòa lẫn với màn mây trắng xốp giăng mỏng lên những trái núi nghiêng nghiêng vừa trưng diện, vừa e ấp.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 


Có thể bạn quan tâm