May 5, 2024, 4:50 pm

AMRI 16 : Việt Nam sẵn sàng đóng góp, thúc đẩy hợp tác thông tin cùng Cộng đồng ASEAN

 

Chiều ngày 18/9 tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo về Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin (ASEAN’s Ministers Responsible for Information – AMRI) ASEAN lần thứ 16 (16th AMRI), Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 (7th AMRI+3), và các Hội nghị Quan chức cấp cao liên quan từ ngày 20 đến 23/9/2023.

Tham dự sự kiện, sẽ có gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Cộng hòa dân chủ Timor leste (Đông Timor) sẽ là Quan sát viên của sự kiện. Theo thông lệ ASEAN, hội nghị AMRI 16 sẽ diễn ra các hoạt động chính gồm: Hội nghị Quan chức phụ trách thông tin (SOMRI) ASEAN lần thứ 20 (SOMRI 20, ngày 20-21/9/2023); Hội nghị Bộ trưởng AMRI (AMRI 16 -chính thức khai mạc sáng 22/9/2023); Hội nghị SOMRI (Quan chức phụ trách thông tin)+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), lần thứ 7; Hội nghị SOMRI+Nhật Bản lần thứ 4, diễn ra trong các ngày 22-23/9/2023. Trong dịp này, Lãnh đạo Chính phủ sẽ tiếp xã giao các Trưởng đoàn (cấp Bộ trưởng).

Các sự kiện bên lề của hội nghị AMRI 16 (từ 19-23/9/2023), gồm: Trưng bày, triển lãm Tư liệu ASEAN và ra mắt triển lãm trực tuyến “Bản sắc ASEAN”, cùng không gian trải nghiệm triển lãm. Các cuộc làm việc song phương (cấp Bộ trưởng, cấp Cục/ Vụ, các Đài Phát thanh – Truyền hình, doanh nghiệp v.v.).

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ hợp tác quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ trì buổi họp báo (chiều ngày 18/9/2023)

 

ASEAN cùng bàn về ứng phó và xử lý tin giả, tin sai sự thật

Đặc biệt, vào sáng ngày 19/9/2023, sẽ có diễn đàn đầu tiên của AMRI 16. Đó là  diễn đàn ASEAN về Ứng phó và xử lý tin sai sự thật. Tại diễn đàn, Ban Thư ký ASEAN sẽ có bài trình bày, chủ đề các nước ASEAN chung tay đấu tranh và xử lý Tin giả, Tin sai: các nỗ lực, biện pháp, kết quả và triển vọng trong tương lai. Đại diện Bộ Truyền thông Indonesia sẽ đưa ra “Khuyến nghị ASEAN về một số biện pháp giảm thiểu tác hại và xử lý Tin giả, Tin sai trên Truyền thông”. Đại diện Google cũng sẽ công bố chính sách và cam kết của Google trong đấu tranh với tình trạng Tin giả, tin sai trực tuyến. Ngoài ra, đại diện các quốc gia Malaysia, Lao P.D.R, Myanmar chia sẻ  về các chính sách, biện pháp xử lý tin giả, tin sai; Thailand, Brunei Darussalam chia sẻ “Các biện pháp tăng cường nhận thức và sự tham gia của người dân trong giảm thiểu tác hại của Tin giả, tin sai trực tuyến”; Các diễn giả đến từ Philippines, Singapore, chia sẻ chính sách thúc đẩy Hiểu biết số và Truyền thông.

Đại diện chủ nhà Việt Nam tham gia diễn đàn với các tham luận: Tầm nhìn và Chính sách xử lý Tin giả, Tin sai của Việt Nam (ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng, Cục PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông ); Báo chí tham gia xử lý Tin giả, Tin sai – kinh nghiệm từ đại diện cơ quan báo chí truyền thông (đại diện Vietnamplus).

Trong khuôn khổ hội nghị, cũng sẽ diễn ra phiên tọa đàm chung (gồm đại diện trưởng đoàn các nước ASEAN) với chủ đề “Ứng phó và xử lý tin giả tin sai trực tuyến: thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, địa phương và các nền tảng mạng xã hội” sẽ diễn ra vào chiều 19/9. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm sẽ có bài phát biểu khai mạc và tổng kết, bế mạc diễn đàn.

 

Việt Nam đề xuất định hướng phát triển lĩnh vực thông tin, báo chí và truyền thông ASEAN

Trong vai trò nước Chủ tịch, Việt Nam đã lựa chọn và đưa ra chủ đề Hội nghị là “Truyền thông: Từ Thông tin tới Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng -  Media: From Information to Knowledge for a Resilient and Responsive ASEAN”. “Trong đó, Media: From Information to Knowledge (Truyền thông: Từ Thông tin tới Tri thức), là chủ đề nhằm nêu bật được vai trò, sứ mệnh của Media trong giai đoạn mới, đưa thông tin trở thành động lực của phát triển, truyền thông, báo chí và truyền thông không chỉ cung cấp thông tin, mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ Thông tin thành Tri thức, từ đó đem lại các giá trị gia tăng cho xã hội để xây dựng một ASEAN tự cường và có trách nhiệm; và  “A Resilient and Responsive ASEAN”, được hiểu là chúng ta phải xây dựng một ASEAN Tự cường (Resilient), tức là củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu, Thích ứng (Responsive), trong tình hình quốc tế biến động và phức tạp, khó lường như hiện nay.

Đề xuất của Việt Nam không ngoài mục đích khẳng định vai trò, vị thế của ASEAN không chỉ hướng nội, mà còn  sẵn sàng ứng phó với những biến động trước tình hình thế giới hiện nay. Chủ đề nêu trên sẽ là nội dung chính, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung nghị sự của hội nghị, cũng như các hội thảo, diễn đàn bên lề, để các Bộ trưởng thảo luận quan điểm, đưa ra định hướng tầm nhìn, nhằm thúc đẩy và định hướng phát triển cho lĩnh vực thông tin, báo chí và truyền thông của ASEAN”, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

 

Tuyên bố Đà Nẵng – Việt Nam về hợp tác thông tin ASEAN

Tại Hội nghị AMRI 16, Việt Nam không chỉ thực hiện nghĩa vụ Chủ nhà tổ chức Hội nghị tại Việt Nam theo thông lệ ASEAN mà còn đóng vai trò Chủ trì dẫn dắt chương trình nội dung nghị sự của Hội nghị, khẳng định vị thế của thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch điều hành thảo luận của Hội nghị cùng với Bộ trưởng phụ trách thông tin của Brunei Darussalam. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm sẽ đảm nhận vai trò Trưởng BTC sự kiện AMRI 16, cùng với Trưởng đoàn các nước ASEAN và đối thoại với ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận về các trọng tâm và định hướng thúc đẩy hợp tác ASEAN (trong lĩnh vực) thông tin báo chí và truyền thông trong giai đoạn tới.

Các nội dung bàn thảo gồm cung cấp định hướng, kế hoạch triển khai các chủ trương hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin (đã được các Lãnh đạo Cấp cao ASEAN ban hành); Cập nhật kết quả, thành tựu hợp tác khu vực về thông tin; - Xem xét thông qua các sáng kiến, đề xuất báo cáo do SOMRI đệ trình; Thảo luận các vấn đề ưu tiên mới trong lĩnh vực thông tin cần xem xét thúc đẩy hợp tác khu vực và hợp tác với các nước đối thoại với AMRI, nhằm thống nhất và thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN + 3 lần thứ 7. Đặc biệt, thông qua các Tuyên bố chính sách, kế hoạch tổng thể về các chiến lược, định hướng ưu tiên trong lĩnh vực thông tin của ASEAN và đề xuất, báo cáo lên lãnh đạo cấp cao ASEAN ghi nhận và phê duyệt, làm cơ sở để các nước phối hợp triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Trong chương trình làm việc, AMRI 16 sẽ thảo luận, xây dựng và ban hành các văn kiện với các chủ đề: Tầm nhìn 2030 của lĩnh vực thông tin ASEAN; Tuyên bố Đà Nẵng về hợp tác thông tin ASEAN;  Hướng dẫn xử lý tin giả và tin sai trong ASEAN; Kế hoạch hành động của Nhóm đặc trách về Tin giả ASEAN; Chương trình hành động thúc đẩy hợp tác thông tin và truyền thông giữa ASEAN và Trung Quốc; Chương trình hành động thúc đẩy hợp tác thông tin và truyền thông trong cơ chế ASEAN + 3. Thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị AMRI.

 

Một hệ sinh thái thông tin trên không gian mạng đầy đủ, độ tin cậy cao và lành mạnh thông tin

Tình hình hợp tác, các ưu tiên của lĩnh vực thông tin Cộng đồng ASEAN đang ngày càng phát triển, đoàn kết, thống nhất và trở thành một Cộng đồng lớn mạnh. Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, mỗi nước thành viên đều có trách nhiệm tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm nhằm đóng góp cho sự phát triển của khu vực. Trong bối cảnh đó, thông tin và truyền thông đóng vai trò nhằm hỗ trợ truyền thông cho 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN; thúc đẩy thực hiện các chính sách và sáng kiến của ASEAN; và giao tiếp với người dân thông qua các cơ chế khác nhau nhằm tuyên truyền những lợi ích phát triển của ASEAN.

Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông là một trong 15 lĩnh vực hợp tác của Việt Nam trong Trụ cột Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN, do cơ chế Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN (AMRI) điều hành và chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, cho biết: “Trong vai trò Chủ tịch luân phiên của kênh chuyên ngành hợp tác về thông tin ASEAN, Việt Nam sẽ có những đề xuất góp phần bảo vệ cộng đồng Asean an toàn hơn trên không gian mạng, bảo đảm mỗi một công dân Asean được thụ hưởng một hệ sinh thái thông tin trên không gian mạng đầy đủ, độ tin cậy cao và lành mạnh thông tin“.

Được biết, Việt Nam với vai trò là Chủ tịch (thực hiện nghĩa vụ thành viên và quy tắc luân phiên trong ASEAN, Việt Nam tiếp quản vị trí Chủ tịch AMRI từ Thái Lan trong giai đoạn 2023 - 2025), sẽ chủ trì xây dựng dự thảo nội dung các văn kiện hội nghị, để các nước ASEAN có cơ sở thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng và thống nhất thông qua; làm cơ sở ghi nhận các kết quả mà AMRI đã đạt được, định hướng chỉ đạo triển khai hợp tác trong giai đoạn tiếp theo để báo cáo lên Cấp cao ASEAN.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, đăng cai tổ chức Hội nghị AMRI 16 và các hội nghị liên quan tại Việt Nam, thể hiện trách nhiệm sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong vai trò Chủ tịch luân phiên của kênh chuyên ngành hợp tác về thông tin ASEAN. Đặc biệt, là Việt Nam chủ động đóng góp, lồng ghép và thúc đẩy hợp tác trong khu vực về thông tin; tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác quốc tế để phục vụ phát triển thông tin tại Việt Nam. Và đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và vị thế của Việt Nam, đóng góp của Việt Nam trong hợp tác thông tin khu vực ASEAN và Cộng đồng ASEAN thông qua dự thảo các sáng kiến sẽ thông qua (Tầm nhìn hợp tác thông tin ASEAN đến năm 2030, Tuyên bố Đà Nẵng về thông tin…).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cũng khẳng định, Việt Nam chúng ta và cộng đồng Asean đang cùng nhau giải những bài toán có yếu tố toàn cầu. Truyền thông đã thay đổi rất nhiều, không chỉ có truyền thông chính thống, mà có cả truyền thông xã hội, và không chỉ là truyền thông qua một không gian mạng, còn có cả yếu tố kinh doanh song hành với sản phẩm truyền thông. Tác động thay đổi này đang làm khó cho vấn đề báo chí làm kinh tế.

 

Hình ảnh tại buổi họp báo

 

Hiện truyền thông đã thay đổi, một thế hệ người tiêu dùng sản phẩm truyền thông mới, có trải nghiệm rất khác xa với độc giả xem – nghe – đọc truyền thống, và thế hệ này chỉ sống với không gian mạng. Câu chuyện chống tin giả, tin sai sự thật, hay những mô hình làm kinh tế theo phương thức truyền thông hiện đại, kể cả khẳng định vai trò, vị trí của báo chí và truyền thông chính thống, rất cần một tiếng nói chung, một tầm nhìn chung ở cấp khu vực. Ở đó, cộng đồng Asean cùng chia sẻ những sáng kiến, đóng góp cho nhau kinh nghiệm, để có một không gian mạng đầy thông tin, nhưng an toàn và lành mạnh. Trong thách thức, luôn có những cơ hội phát triển, cộng đồng Asean cũng sẽ cùng nhau tìm ra cơ hội để mỗi quốc gia thành viên đều có lời giải hợp lý cho bài toán chung./.

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm