May 1, 2024, 11:07 pm

75 năm xây dựng và phát triển nền Văn nghệ cách mạng Việt Nam*

 

Tháng 3 - 1948, Hội Nghị Văn nghệ kháng chiến được triệu tập tại chiến khu Phú Thọ với quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam hôm nay. Để tạo một diễn đàn cho Văn nghệ kháng chiến, tờ Tạp chí Văn Nghệ đã được ra đời với một Ban biên tập gồm nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp nơi trong cả nước hội tụ về. Từ đó đến nay, Văn nghệ đã trải qua 75 năm trưởng thành và phát triển. 

 

 

Trong tiến trình xây dựng và trưởng thành, Văn nghệ là một tờ báo có chức năng đấu tranh, bảo vệ những quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước  trong sự  nghiệp xây dựng nền văn hoá mới tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; ngoài việc tuyên truyền quảng bá góp phần đưa các chủ trương chính sách về văn hoá của Đảng đi vào cuộc sống, báo Văn Nghệ cũng đã từng trải qua những cuộc thảo luận, tranh luận, đấu tranh tư tưởng rất nghiêm túc và quyết liệt về cả tư tưởng chính trị, lí tưởng xã hội và các xu hướng trào lưu văn hoá nghệ thuật khác nhau trên thế giới. Trong các cuộc tranh luận, đấu tranh tư tưởng đó, báo Văn Nghệ luôn nhận được sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các học giả, các nhà nghiên cứu về tư tưởng, triết học về văn hoá và văn học Nghệ thuật; được sự sự ủng hộ rộng rãi của các văn nghệ sĩ và bạn viết, bạn đọc trong và ngoài nước.Chính vì vậy, tờ báo thực sự đã trở thành một diễn đàn rất quan trọng của đất nước về về văn hoá, văn học nghệ thuật,về lí tưởng xã hội và nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam...

Ngoài việc luôn giữ vững định hướng, tôn chỉ mục đích, Báo Văn Nghệ còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là nơi tập hợp đội ngũ các văn nghệ sĩ trong cả nước, tuyển chọn và công bố các tác phẩm chất lượng cao, những tác phẩm có xu hướng đổi mới sang tạo, để hỗ trợ khích lệ đội ngũ những nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ nhà nghiên cứu văn hoá văn học nghệ thuật trên con đường tìm tòi sáng tạo của họ. Sức hấp dẫn của tờ báo đã được khởi phát ngay từ những số đầu tiên với sự hội tụ của hàng loạt những tên tuổi lớn trong nền văn học nghệ thuật nước nhà, những người đã tự nguyện đi theo tiếng gọi của non sông, tập hợp dưới lá cờ kháng chiến kiến quốc của dân tộc do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu.

Với phương châm đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước Báo Văn Nghệ đã bước vào cuộc Kháng chiến chống Mỹ với tư thế những người chiến sỹ. Tại toà soạn báo Văn Nghệ trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng có không khí sục sôi như tại trụ sở đầu tiên ở làng Gia Điền trong những ngày diễn ra chiến dịch Sông Lô. Mọi người đều sẵn sàng lên đường, đến với đồng bào chiến sỹ nơi tiền tuyến. Những cuộc tiễn đưa các nhà văn nhà thơ đi tuyến lửa quân khu 4 hoặc đi chiến trường Miền Nam diễn ra thường xuyên. Ngược lại, toà soạn cũng không thiếu những cuộc hội ngộ cảm động khi các nhà văn nhà thơ, các bạn viết của mình từ tiền tuyến trở về thăm toà soạn với những món quà vô giá là những trang viết còn nóng bỏng hơi thở của cuộc chiến đấu ở phía trước... 

 Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc thống nhất, Báo Văn Nghệ luôn bám sát thực tiễn để tờ báo luôn giữ được vị trí tiên phong trong việc phản ánh cuộc sống rất đa dạng sinh động và không kém phần quyết liệt trong công cuộc xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh và chiến đấu bảo vệ sự linh thiêng, toàn vẹn lãnh thổ cương vực  của Tổ Quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và trên những vùng biển đảo đầy sóng gió Hoàng Sa - Trường Sa...

Nhưng để đất nước vững bền, nhân dân hạnh phúc thì con đương xây dựng CNXH là con đường tất yếu mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đó không là một con đường phẳng lặng êm ái mà phải trải qua nhiều gian lao thử thách. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước là một cuộc cách mạng lớn do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhằm tới mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, báo Văn Nghệ là một trong những tờ báo lớn của đất nước đã sớm có tiếng nói và tạo được âm vang sâu rộng trong những năm đầu thời kì đổi mới, đã tác động ít nhiều đến việc điều chỉnh hoạch định các chính sách để sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước nhanh chóng đi vào đúng quỹ đạo.Từ những đột phá này, văn nghệ sĩ như đã được giải phóng về tư tưởng, những tác phẩm xuất hiện trên báo Văn Nghệ ngày càng thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Đúng thời điểm này, báo Văn Nghệ cho xuất bản thêm tờ phụ san Văn Nghệ Trẻ mở rộng diễn đàn, có thêm không gian cho các cây bút, nhất là các cây bút trẻ với những bài bút kí phóng sự phản ánh hiện thực sôi động của công cuộc đổi mới trên khắp đất nước, trong đó có không ít những tiếng nói phản biện phản ánh những tiêu cực, những lực cản đang còn tồn tại đâu đó trong xã hội, cản trở sự phát triển lành mạnh của sự nghiệp đổi mới.

Từ năm 2016 Báo Văn Nghệ đã xây dựng nền tảng của mình trên không gian mạng bằng việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công Báo Văn Nghệ điện tử và Phụ trang Văn nghệ Trẻ điện tử tại địa chỉ Baovannghe.com.vn & Vannghetre.com.vn, nhằm hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm mà Báo Văn Nghệ đang tiến hành, kiên quyết không bị “bỏ lại phía sau “ trong một cuộc cách mạng mới đang diễn ra trên đất nước

Một trong những nguyên dân đẫn đến những thành công và một vị thế, thương hiệu vững bền của Báo Văn Nghệ trong suốt 75 năm qua là do Đảng, Nhà nước ta đã dày công đào tạo và rèn luyện được một đội ngũ văn nghệ sĩ vững vàng về lí tưởng và tài năng trong nghệ thuật để chèo lái con thuyền Văn Nghệ qua bao chặng đường sóng gió, gian nan. Nhân dịp này chúng tôi muốn được nhắc tới và tri ân những vị thuyền trưởng rất nổi tiếng như: Tố Hữu,Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh, Hà Xuân Trường, Vũ Tú Nam, Bảo Định Giang, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam, Đào Vũ, Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân… Bên cạnh những vị thuyền trưởng tài ba đó, toà soạn báo Văn Nghệ thời điểm nào cũng có những trợ thủ đắc lực và tài năng gồm các nhà văn nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà lí luận phê bình văn học như: Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Tú Mỡ, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Phạm Hổ, Ngọc Trai, Từ Sơn, Hoàng Minh Châu, Hoài Vũ , Võ Văn Trực, Ngô Ngọc Bội, Phạm Hữu Nhuận, Nguyễn Khắc Trường, Trương Vĩnh Tuấn, Trung Trung Đỉnh, Thành Đức Trinh Bảo, Lã Thanh Tùng … những tài năng trên đã thực sự là những thanh nam châm để thu hút hội tụ trí tuệ, tài năng của đất nước, tạo nên sức ảnh hưởng lớn trong xã hội và trong giới văn nghệ sĩ, trí thức, khiến báo Văn Nghệ thực sự trở thành một diễn đàn lớn, một sân chơi lớn của văn nghệ nước nhà.

Với tôn chỉ mục đích đã được xác định từ khi ra đời, đồng hành cùng dân tộc và đất nước ,với những thành tựu xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước của dân tộc, báo Văn Nghệ xứng đáng với những tấm Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước có Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng, cùng với lời tuyên dươngĐã nhiều thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, phản ánh cuộc sống mới con người mới, góp phần xây dựng và phát triển nền Văn nghệ cách mạng Việt Nam”... 

------------------------

* Trích diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm  75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên

* Tên bài viết do Vannghe đặt

                                  TBTKhuất Quang Thụy                 

 

 


Có thể bạn quan tâm