April 27, 2024, 8:46 pm

20 tác phẩm của nhà thơ đến từ Đắk Lắk được đưa vào sách thực hành tiếng Việt

 

Nhà thơ Đỗ Toàn Diện, hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, có đến gần hai mươi tác phẩm thơ được đưa vào sách giáo khoa (SGK) và sách thực hành tiếng Việt cho học sinh tiểu học.

Nhà thơ Đỗ Toàn Diện (sinh năm 1957) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học và Nghệ thuật Đắk Lắk. Đến nay, nhà thơ đã xuất bản 16 tập thơ và văn xuôi.

Ngoài ra, ông có nhiều tác phẩm được chọn in trong SGK và sách thực hành cho học sinh tiểu học, đặc biệt là SGK Cánh Diều. Trong đó, bài thơ “Lên rẫy” được đưa vào sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 4, tập 1 thuộc bộ sách “Cánh Diều” là bài thơ ông rất tâm đắc. Số tác phẩm còn lại được đưa vào sách thực hành Tiếng Việt lớp 3 và lớp 4.

“Lên rẫy” miêu tả cuộc sống các em nhỏ vùng đất Tây Nguyên nắng gió. Bài thơ không chỉ thể hiện được đời sống thường nhật của trẻ em Tây Nguyên, mà còn thể hiện sự trìu mến, yêu thương của tác giả với các em. Nên việc tác phẩm được đưa vào SGK Tiếng Việt 4 bộ Cánh Diều được coi như là món quà tặng cho thiếu nhi vùng đất cao nguyên, nơi tác giả đã gắn bó một thời gian dài.

Khi nhận được thông tin tác phẩm của mình được đưa vào SGK, nhà thơ Đỗ Toàn Diện không giấu được niềm vui và sự xúc động: “Tôi rất vui khi thơ thiếu nhi của mình từ nay được các cháu học sinh biết đến nhiều hơn”.

 

Nhà thơ Đỗ Toàn Diện là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đắk Lắk (Ảnh: NVCC).

 

Sinh ra và lớn lên ở miền núi Thanh Hóa, rồi chuyển công tác về Đắk Lắk, ông tự nhận mối quan hệ quen biết của bản thân rất hạn chế. Sau nhiều lần đi dự các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng viết văn ở Hà Nội, ông có dịp làm quen với nhiều bạn văn chung đam mê, sở thích. Mỗi lần có tác phẩm văn thơ được xuất bản, ông lại gửi tặng những người bạn trong giới của mình.

Cũng chính nhờ những món quà gửi tặng và những lần tham dự trại sáng tác, những tác phẩm của nhà thơ Đỗ Toàn Diện có cơ duyên được đưa vào trong sách giáo khoa. Qua một người bạn, nhà thơ Đỗ Toàn Diện được giới thiệu với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt bộ Cánh Diều). Những cuộc trao đổi giữa nhà thơ và các chủ biên của hai bộ SGK đều diễn ra qua điện thoại chứ chưa một lần gặp mặt.

Khi chọn thơ thiếu nhi của tôi, nếu có những câu, từ không phù hợp với chủ đề của sách, các chủ biên lại gọi điện trao đổi với tôi. Trong quá trình sửa bài, họ luôn tôn trọng để tác giả tự sửa”, nhà thơ kể lại.

Với cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nhà thơ Đỗ Toàn Diện gửi cho vị Tổng Chủ biên ba tập thơ. Kết quả, bài thơ “Lên rẫy” được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 4, tập 1 nhờ nội dung phù hợp với chủ đề chăm học, chăm làm.

Trong quá trình chỉnh sửa lại tác phẩm, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết luôn cùng tôi sửa. Nếu ai đưa ra đáp án phù hợp thì sẽ chọn của người đó, không câu nệ là tác giả hay người biên tập”, nhà thơ cho hay.

 

Bài thơ “Lên rẫy” được tuyển chọn vào SGK Cánh Diều Tiếng Việt lớp 4, tập 1.

 

Trong số những bài thơ được đưa vào sách giáo khoa và sách thực hành của mình, bài thơ “Thư viện trường em” là tác phẩm được sáng tác theo đơn đặt hàng và được chọn vào sách thực hành.

Được đưa tác phẩm vào chương trình dạy học, nhà thơ Đỗ Toàn Diện nhận thấy quy trình đặt ra chặt chẽ và có những tiêu chuẩn cao, bởi SGK được dạy trên phạm vi toàn quốc. Theo ông, đằng sau một tác phẩm được đưa vào sách là cả một hội đồng khoa học thẩm định, bình phẩm, mổ xẻ, phân tích rất kỹ để cân nhắc mức độ phù hợp với tiêu chí đề ra.

Bài thơ phải đúng với chủ đề SGK cần chọn, nội dung không giáo điều, dạy dỗ và áp đặt học sinh phải làm thế này, thế kia. Ngoài ra, giọng thơ cũng phải hồn nhiên, trong sáng”, nhà thơ Đỗ Toàn Diện cho hay.

 

Bài thơ “Thư viện trường em” của nhà thơ Đỗ Toàn Diện trong sách thực hành (Ảnh: NVCC).

 

Có gần 20 tác phẩm được tuyển chọn đưa vào chương trình giáo dục, tuy nhiên, nhà thơ Đỗ Toàn Diện mới gắn bó với thể loại thơ thiếu nhi trong gần 5 năm trở lại đây, kể từ thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát vào cuối năm 2019.

Thời điểm nghỉ dịch, tôi có điều kiện gần gũi với các cháu ngoại nên tôi đã viết một số bài thơ thiếu nhi cho các cháu đọc”, nhà thơ kể.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá về các tác phẩm được đưa vào SGK của nhà thơ Đỗ Toàn Diện: “Các chủ đề trong các bài thơ của tác giả Đỗ Toàn Diện đều rất gần gũi với các bạn học sinh như: gia đình, nhà trường, học tập,… Mỗi bài thơ đều có sự tìm tòi, khám phá về đời sống học trò, cùng với đó là văn phong gần gũi, dễ hiểu phù hợp với đối tượng thiếu nhi. Đây cũng là những tiêu chí mà chúng tôi đặt ra khi lựa chọn những tác phẩm thơ văn vào SGK cho học sinh tiểu học”.

Cũng trong năm 2019, nhà thơ Đỗ Toàn Diện xuất bản tập thơ “Khúc đồng ca mùa hạ” và gửi tặng một số nhà thơ. Trong số đó, nhà thơ Mai Văn Phấn đọc và nhận xét: “Thơ của anh viết được đấy!” và gửi cho ông năm bài để giới thiệu trên báo Hải Phòng. Sau đó, báo Hải Phòng đã dành một trang để đăng thơ thiếu nhi của nhà thơ Đỗ Toàn Diện. Nhờ sự động viên, khích lệ của nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã sáng tác thơ thiếu nhi nhiều hơn.

Chia sẻ về những bài thơ được tuyển chọn vào sách giáo khoa, nhà thơ Đỗ Toàn Diện cho biết: “Đối với tôi, chỉ cần có 1 tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong SGK đã là một vinh dự. Vậy mà có tới 20 tác phẩm đã được chọn lựa. Đó là niềm tự hào lớn với bản thân tôi. Khi được đưa vào những trang sách, các tác phẩm được lan tỏa đến nhiều bạn đọc hơn, tuyệt vời hơn đó là các cháu thiếu nhi”. Đồng thời ông cũng đánh giá cao GS.TS Nguyễn Minh Thuyết và đội ngũ biên soạn SGK Cánh Diều trong thời gian qua đã luôn hỗ trợ, tương tác với ông nói riêng và các tác giả có tác phẩm trong SGK Tiếng Việt bộ Cánh Diều để có những bài học như ý, đúng đề tài dành cho học sinh.

Nhà thơ quê Đắk Lắk khẳng định, việc có những tác phẩm được đưa vào SKG là nguồn động lực để ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn thơ, sáng tác thêm những tác phẩm hay, chủ đề đa dạng hơn để phục vụ bạn đọc và những người yêu thơ.

Tuyết Mai


Có thể bạn quan tâm