April 29, 2024, 1:29 am

10 SỰ KIỆN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU NĂM 2023

 

Năm 2023 là năm ghi dấu nhiều sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật. Thời báo Văn học nghệ thuật phối hợp với Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật tổ chức bình chọn và công bố 10 sự kiện văn học nghệ thuật tiêu biểu năm 2023.

 

1.Chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023)

Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Hà Nội). Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Các hoạt động gồm: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. Các hoạt động như Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; Chiếu phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam… được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, tiết kiệm lan tỏa sâu rộng vai trò, ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

2.Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu quan trọng

Sáng 25/7/2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập (25/7/1948 / 25/7/2023). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo.

Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò của văn nghệ sĩ với các kết quả đã đạt được của văn học nghệ thuật. Đồng thời ông mong muốn, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và sự nghiệp chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

 

Đây là sự kiện vừa mang ý nghĩa chính trị vừa mang ý nghĩa văn hóa. Đảng luôn coi văn hóa, văn học nghệ thuật là một sức mạnh chính trị có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước. Đây cũng là dịp để giới văn nghệ sĩ cả nước ôn lại truyền thống trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước. Từ đó, phát huy những thành quả văn học, nghệ thuật 75 năm qua.

Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Liên hiệp đã triển khai sôi nổi nhiều hoạt động như: tổ chức “Cuộc thi Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam”, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ của đất nước”; động thổ xây dựng 2 nhà bia lưu Nhà bia Lưu niệm do nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội tại xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; Công trình Nhà bia Lưu niệm nơi diễn ra Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam tại thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tài trợ; phối hợp với địa phương tổ chức nhiều trại sáng tác cho các văn nghệ sĩ…

3.Lễ Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2022

Ngày 19/5/2023, tại Nhà hát Lớn - Thủ đô Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức trọng thể Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Lễ trao tặng.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn họ

 

c nghệ thuật được tổ chức 5 năm một lần, là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với văn nghệ sỹ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Qua các lần trao giải đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm, cụm tác phẩm của các tác giả, những tên tuổi đã có nhiều cống hiến.

Trong đợt này, có 128 tác giả, đồng tác giả được trao, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; trong đó, có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 112 tác giả, đồng tác giả được trao, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

4.Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Từ đó đã tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa của Việt Nam phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.

Phân tích những tồn tại, hạn chế, chỉ ra các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lên 6 quan điểm trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trọng tâm là bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; phát triển có trọng tâm, trọng điểm và theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa như hợp tác công – tư, thuế, tiếp cận vốn tín dụng; Mở rộng không gian sáng tạo và sáng tạo không có giới hạn; Lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững.

5.Các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023)

Văn Cao là một chiến sĩ cách mạng, là một nghệ sĩ lớn. Ông có đóng góp lớn lao trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật nước nhà, từ âm nhạc đến hội họa, thơ ca, lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, để lại dấu ấn sâu đậm. Ông được Nhà nước trao tặng các Huân chương cao quý, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

 

Các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Văn Cao tiêu biểu có Hội thảo với chủ đề “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao” do Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 8/11; Hội thảo “Văn Cao mùa chữ, mùa người” và ra mắt cuốn sách cùng tên diễn ra sáng 14/11, tại Hà Nội, tập trung tôn vinh những đóng góp của người nghệ sĩ tài danh Văn Cao ở mảng thơ ca; Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa Văn Cao và hội thảo về thân thế, sự nghiệp Văn Cao do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức; Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” tôn vinh nhạc sĩ “Tiến quân ca” diễn ra ngày 20/8 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

6.Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất

Được tổ chức từ ngày 29/9-1/10/2023 tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Hội nghị đại biểu Nhà văn lão

thành Việt Nam lần thứ nhất có 300 đại biểu nhà văn của nhiều thế hệ từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến nay tham dự. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Hội nghị được tổ chức để nhìn lại những thành tựu và bài học kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới văn học nước nhà; tăng cường đoàn kết, động viên toàn thể đội ngũ nhà văn phát huy trách nhiệm, mạnh mẽ đi vào đời sống, phấn đấu sáng tạo những tác phẩm lớn, có sức khái quát cao phản ánh sinh động, tầm cỡ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có tác dụng sâu sắc xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Đặc biệt xác lập sứ mệnh của Văn học trong việc giáo dục lịch sử dân tộc, gìn giữ và phát huy những vẻ đẹp văn hóa truyền thống góp phần làm ra phẩm giá con người Việt Nam.

Hội nghị đánh giá những thành tựu to lớn của các nhà văn lão thành đối với nền văn học Việt Nam trong 50 năm qua. Đồng thời nhằm tôn vinh các thế hệ nhà văn đã cả đời đi theo Đảng trên con đường giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường trên mọi mặt cũng như xây dựng một nền văn học, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng thời, tiếp tục khẳng định con đường văn hóa văn nghệ của Đảng trong từng giai đoạn của lịch sử đất nước và đặc biệt trong một thời đại mới. Từ đó xác lập con đường đi tới tương lai của các nhà văn ở các thế hệ tiếp theo và của nền văn học Việt Nam trong thời đại mới...

7.Lễ trao giải và khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 năm 2023 tại Việt Nam (VN-23)

Chiều ngày 13/3/2023, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Trao giải và

khai mạc Triển lãm Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 12 năm 2023 tại Việt Nam (VN-23) tại sân Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cuộc thi được bảo trợ bởi Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), Hiệp hội Hình ảnh không biên giới Pháp (ISF).

Lễ trao giải và khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 ảnh 1

Cuộc thi được phát động từ ngày 12/9/2022 và kết thúc nhận ảnh ngày 10/1/2023. Với 4 chủ đề: Tự do Màu, Tự do Đơn sắc, Trẻ em và Ý tưởng, VN-23 đã thu hút 10.330 tác phẩm của 1.079 tác giả tham dự của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban Tổ chức đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tác giả. Điều đó đã tiếp tục khẳng định các cuộc thi “VN” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức là sân chơi ảnh nghệ thuật lớn, rất được mong đợi không chỉ đối với nhiếp ảnh trong nước, mà cả với bạn bè nhiếp ảnh thế giới.

Được thẩm định theo phương thức online độc lập bởi 04 Hội đồng Giám khảo có uy tín, có tước hiệu cao của Việt Nam và quốc tế. Mỗi hội đồng có 2 giám khảo quốc tế và một giám khảo Việt Nam, đảm bảo tính khách quan. Nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu nhiếp ảnh quốc tế, đồng thời bảo đảm các tiêu chí của VAPA, Hội đồng Giám khảo đã tiến hành chọn ra bộ ảnh accept theo 2 tiêu chí, trong đó bộ 1.155 ảnh được accept ban đầu theo tiêu chí quốc tế (áp dụng với 2 tổ chức: FIAP và ISF); sau đó, tiếp tục rà soát theo tiêu chí VAPA, chọn ra bộ 499 ảnh triển lãm VAPA (được VAPA tính điểm đỏ), bao gồm 71 giải thưởng cho cả 03 hệ thống VAPA, FIAP và ISF. 

8.Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển

Ngày 12/12/2023, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển.

Hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các chuyên gia trong nước và quốc tế, văn nghệ sĩ...

 

Đây là một Hội thảo mang tầm vóc quốc gia, qua Hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.

9. Lễ trao giải Cánh diều 2023

Nhất quán với tiêu chí "Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu  giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực"; Giải thưởng Cánh diều - thuộc hệ thống giải thưởng thường niên của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, đã được Hội Điện ảnh Việt Nam hàng thập kỷ nay vượt lên những khó khăn về nguồn lực tổ chức rộng ra ngoài khuôn khổ hoạt động nghề nghiệp để đến với đông đảo công chúng, khán giả qua đó tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Với sự phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban nhân dân Khánh Hòa và các đơn vị chức năng, Công ty CP Vega City tỉnh Khánh Hòa; trong tuần đầu tháng 9/2023 Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức thành công Giải thưởng Cánh diều 2023 tại Nha Trang - Khánh Hòa với nhiều hoạt động có tính tương tác sâu rộng với công chúng nơi nghệ sĩ, người làm phim đã tích cực phát huy trách nhiệm xã hội, lan tỏa đi những hình ảnh đẹp của nghệ thuật điện ảnh. Đặc biệt sự kiện Thảm đỏ và Lễ trao Giải thưởng Cánh diều Vàng 2023 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, nghệ sĩ, người làm phim, khách mời từ mọi miền đất nước được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và KTV, livestream trên các nền tảng mạng xã hội đã tạo hiệu ứng truyền thông hết sức tích cực…

Nhân dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao Bằng khen cho Hội Điện ảnh Việt Nam để ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Hội và nghệ sĩ, hội viên trong việc tham gia tích cực và hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh.

10. Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam 2023

“Tuần lễ kiến trúc Việt Nam” là sự kiện nhân kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4) và 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Tuần lễ bao gồm chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 22-27/4/2023, là dịp đặc biệt để giới chuyên môn và những người yêu thích kiến trúc cùng nhìn lại lịch sử hình thành và chặng đường 75 năm phát triển của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Sự kiện đồng thời góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của một ngành nghề sáng tạo đã góp công lớn trong công cuộc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước.

 

Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam bao gồm nhiều hoạt động phong phú: Chương trình khai mạc “Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam” với không gian triển lãm kiến trúc độc đáo, giới thiệu các hoạt động của Hội KTSVN, các tác giả - tác phẩm đạt Giải thưởng và Chương trình Nhà ở nông thôn tại Vườn hoa Diên Hồng; Hội thảo “Vai trò của kiến trúc trong phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội” tại Bảo tàng gốm Bát Tràng (ngày 22/4); Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 - 2023 (ngày 25/4) cùng hàng loạt chương trình, sự kiện hưởng ứng của các Hội Kiến trúc sư cơ sở trên cả nước.

TBVHNT


Có thể bạn quan tâm