May 5, 2024, 8:26 pm

10 Sự kiện Văn hóa - Nghệ thuật nổi bật năm 2023

 

Năm 2023 được ghi nhận là năm đánh dấu sự sôi động trở lại của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19. Nhiều hoạt động kết nối văn hóa và các cuộc thi mang tính chất tổng kết, tìm kiếm tài năng trẻ, vinh danh các nghệ sĩ, diễn viên… được tổ chức ở hầu hết các loại hình nghệ thuật. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu diễn ra trong năm, do Báo Văn nghệ bình chọn. 

VĂN HÓA

1. Hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo

 

Sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã được chuyển giao cho Việt Nam chiều 16/11 (giờ Pháp) tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) được chọn là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng Hoàng đế chi bảo theo pháp luật của Cộng hòa Pháp và thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Việc hồi hương ấn vàng được cho là sẽ tạo tiền đề để Cục Di sản văn hóa tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp các ban ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật Việt bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp, đồng thời tham vấn Ban Thư ký Công ước 1970 của UNESCO về danh mục, xây dựng cơ sở tìm kiếm, hồi hương cổ vật trong thời gian tới.

2. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời đề cương văn hóa. Cụ thể, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Văn hóa Việt Nam - Cội nguồn và động lực phát triển”; chương trình nghệ thuật đặc biệt về chủ đề “Văn hóa - hội tụ - bản sắc và phát triển”; tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; sơ kết triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện một tầm nhìn xa rộng, tư duy lý luận sắc bén, sự đúc kết thực tiễn sâu sát của Đảng ta trong những năm đầu lãnh đạo cách mạng. Cho đến nay, nhiều luận điểm, nguyên tắc và tinh thần chính của bản Đề cương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới liên tỉnh

 

Ngày16/9/2023 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới  được tổ chức tại thủ đô Riyadh, nước Cộng hoà Ả rập Xê út, Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới liên tỉnh. Việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung ở Việt Nam trong những năm tới.

Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới; trong đó, có 5 Di sản Văn hóa, 3 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản hỗn hợp.

4. Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 2027

 

Ngày 22-11, tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với 121/171 phiếu hợp lệ, cao nhất trong nhóm 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và  đứng thứ 3 trong tổng số 9 nước được bầu ở 5 khu vực. Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào tổ chức uy tín hàng đầu thế giới nói trên.

Việc trúng cử với số phiếu cao đã thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu; ghi nhận đóng góp thiết thực của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam và trên thế giới.

5. Đà Lạt, Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN)

 

Trong dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố Thế giới (31/10/2023), Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố khác trên toàn thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Cụ thể, Đà Lạt, trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Sự kiện được coi là động lực quan trọng để thành phố đẩy mạnh các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi cùng với du lịch góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hội An được coi là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Việc gia nhập thành phố sáng tạo, Hội An có cơ hội trở thành một trong những tiêu điểm ở châu Á. Đồng thời, phát huy truyền thống kết nối Đông -Tây, tích cực sử dụng các giải pháp sáng tạo nhằm định vị thương hiệu quốc tế của thành phố sáng tạo UNESCO

Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm một Thành phố sáng sáng tạo âm nhạc và một Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian.

 

NGHỆ THUẬT

 

6. Cuộc thi và Triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc

 

Diễn ra tháng 9/2023 và được xem là cuộc tề tựu của giới nghệ thuật tạo hình, đồng thời còn là cơ hội nhận diện diện mạo điêu khắc Việt Nam.

Theo đó, đã có 536 tác phẩm của 285 tác giả sáng tác từ năm 2013 đến 2023, được gửi tới tham dự cuộc thi và triển lãm. BTC đã chọn 225 tác phẩm của 164 tác giả tham gia triển lãm. Đây là những tác phẩm được sáng tác theo xu hướng đến gần thiên nhiên, phù hợp với kiến trúc và cảnh quan, chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm của các nghệ sĩ về cuộc sống đương đại, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc. Cũng tại cuộc thi và triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện 5 năm/lần (từ năm 2023), thay vì 10 năm/ lần như trước đây.

Cũng trong năm 2023, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2023 với 27 tác phẩm xuất sắc được chọn và trao giải thưởng.

 

7. Giải thưởng Cánh diều vàng 2023

 

Với chủ đề “Ngân hà rực rỡ” Giải thưởng Cánh diều vàng 2023 đã diễn ra tại Nhà hát Đó của tỉnh Khánh Hòa với sự tham gia tranh giải của 157 bộ phim. Đây là sự kiện đánh dấu chặng đường 20 năm giải thưởng Cánh diều vàng đồng hành cùng sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Đồng thời từ năm 2023 giải sẽ  được nâng tầm trở thành Festival Điện ảnh - Du lịch mang tầm quốc gia và hướng đến tầm quốc tế. Bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã được vinh danh Giải thưởng Cánh diều vàng 2023 hạng mục phim truyện điện ảnh. Cũng trong năm 2023, “ Tro tàn rực rỡ” tiếp tục giành giải Bông Sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2023.

8. Sự tỏa sáng của âm nhạc vì “cộng đồng”

 

MV Nấu ăn cho em, của Đen Vâu đã đưa ca sĩ lọt top 10 cá nhân và 10 tập thể được trao Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023

Đây là giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2011 nhân kỷ niệm Ngày Tình nguyện Quốc tế, nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể đã có những cống hiến và đóng góp xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng. Rapper Đen vâu là nghệ sĩ đầu tiền, duy nhất đoạt gải thưởng này cho đến thời điểm hiện tại..

Bằng MV Nấu ăn cho em, Đen Vâu đã lan tỏa thông tin về dự án Nuôi em, giúp 30.000 học sinh vùng cao được nhận nuôi cơm bán trú. Toàn bộ doanh thu đến từ sản phẩm âm nhạc nói trên đã được Rapper Đen vâu chuyển đến các đơn vị, trung tâm hỗ trợ cho trẻ em vùng cao, giúp các em được tiếp cận giáo dục với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng.

 

9.  Rực rỡ “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”

 

Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” nhằm xây dựng một bộ ảnh đẹp, tiêu biểu, đặc sắc về 54 dân tộc Việt Nam phục vụ cho công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá của nhà nước trong các dịp lễ hội, các sự kiện lớn, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước đã được diễn ra từ ngày 17-23/11/2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Triển lãm giới thiệu 160 tác phẩm thể hiện những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo trong đời sống, tập quán sinh hoạt, trang phục truyền thống, hoạt động tín ngưỡng, lễ hội… của 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

 

10. Năm của những cuộc thi và vinh danh tài năng trẻ

 

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 10 cuộc thi và liên hoan diễn ra ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như: Liên hoan Ảo thuật toàn quốc; Cuộc thi tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc;  Cuộc thi“ Múa rối”; “ Múa” và “ Kịch nói” quy mô toàn quốc; Liên hoan các trích đoạn hay của sân khấu… Những cuộc thi và liên hoan nói trên không chỉ là hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, giúp các nhà quản lý, nghiên cứu có thêm căn cứ để đánh giá thực trạng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn từ đó đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong bồi dưỡng, đào tạo, phát triển tài năng mà còn là dịp để khán giả, công chúng yêu nghệ thuật được thưởng thức những màn trình diễn đỉnh cao của nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Phạm Hà Nguyễn Phương (thực hiện)

 


Có thể bạn quan tâm