April 26, 2024, 8:38 am

"Vỡ nợ tin yêu"

Lâu nay trên báo chính thống, cùng với mạng xã hội, thấy thường xuyên có những cái tít (title) “… và cái kết bất ngờ”. Chuyện một em bé bị xâm hại tình dục, thủ phạm là… bố đẻ và ông nội. Đọc tá hỏa lên. Nhưng “cái kết bất ngờ” lại được gắn với rất nhiều chủ đề/tình huống không liên quan đến nội dung tương tự. Vậy thì, “trung tâm” và “ngoại biên”, ai chính thống?

 

Tôi hành nghề chữ nghĩa, cũng viết được đến chục cuốn sách, được bạn đọc gần xa biết đến. Nhưng nhiều khi đọc/xem báo/đài của ta lại thấy có phần giông giống… đài địch. Dường như sự việc gì cũng dính dáng ít nhiều đến chuyện nhạy cảm, nên thông tin thường chậm. Đã chậm lại không đầy đủ. Không đọc/xem lại sợ thành người vô cảm. Nhưng khi tiếp nhận thông tin thì lại rất khó khăn hoặc không đủ khả năng biểu đạt cảm xúc của mình.

Ví như trong “cuộc chơi” BOT, Thanh tra Chính phủ cho biết, 100% các dự án về giao thông có chữ “bót” trên cả nước là chỉ định thầu. Nói không công bằng hay tham nhũng chính sách cũng chỉ là một khía cạnh. Trớ trêu hơn phải là chuyện người dân đang tìm ai để bảo vệ mình, khi BOT giao thông đang thực hiện bẻ đũa từng chiếc. Có người còn đặt vấn đề: Rồi sẽ thế nào, nếu cơ chế bảo vệ người dân cũng vì một lý do nào đó, đã quyết định không hoạt động kể từ lúc lập dự án khả thi? 

Bàn cãi mãi về tấm bằng khen ghi ca sĩ nọ là giáo sư âm nhạc, người đứng vai Chủ tịch là ông TS nọ, kèm theo chức danh là Uỷ viên UB TW MTTQ Việt Nam đã hất hàm theo kiểu rất giống nhiều người có trách nhiệm: Người ta khai thì người ta chịu trách nhiệm chứ liên quan đến chúng tôi đâu (!). Còn phía tự khai thì không ngại ngần to tiếng: Ai không phục thì đến gặp tôi, xem tài năng âm nhạc của tôi thì khỏi phải bàn cãi… Thì có ai muốn bàn cãi gì đâu. Chỉ có điều khi nghe đến đấy, người viết mới liên tưởng hình thức bán hàng thời bao cấp: Phân phối và tự do.Giờ có lao động tự do, nhà báo tự do, nghệ sĩ tự do, đến giáo sư tự do…

Sau khi đã đạt được nhiều kết quả tốt của một nền giáo dục thường xuyên đổi mới những năm qua, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Nhưng cảm thấy chưa thể dừng lại ở đó, cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, vì theo yêu cầu, đặc thù của mình mà các trường đại học có cách tuyển riêng, nên mới lại có ý kiến đề xuất tách thi đại học và thi tốt nghiệp THPT. Người có ý kiến, đương nhiên không phải vô danh tiểu tốt mà là “đại cử tri”, thậm chí có quyền rất quan trọng trong việc quyết định để chuyển sự “đổi mới”thành hiện thực.

Chính quyền nợ dân thì được, nhưng người dân thì không được nợ ngược lại. Lại thêm một chủ tịch xã có bút phê xấu vào lý lịch… Lại thêm, lại thêm… cái sự biết rồi nhưng vẫn làm. Làm xong rồi thì chuẩn bị tinh thần xin lỗi và rút kinh nghiệm sâu sắc. Như thế, cũng đủ khó để quy kết trình độ, sự máy móc hay vô cảm của cán bộ công quyền. Chín bỏ làm mười, đều máu đỏ da vàng, chưa nói đến toàn anh em phi nội tắc ngoại.

Vì “vốn liếng” ngôn từ có hạn, không dám “điểm” đến những hãi hùng khủng bố, sự “nóng” trong quan hệ Mỹ - Triều, cũng chẳng kể thêm về những bộ bikini bé xíu khó tin của “hot girl” hút hồn các đại gia nhiều tiền như bắt được, hay là những dự án ngàn tỷ phó mặc cho nắng mưa, hay những người dân sống sót sau những trận bão lũ kinh hoàng chưa lấy lại được đủ ba hồn bảy/chín vía… Nó không chỉ đau đầu mà có khi còn gây hoang mang cho người khác.Có khi còn bị ném đá tơi bời, chưa nói bị a-dua quy chụp thì khốn nạn hơn rất nhiều.

Nghĩ thế, nhưng những thông tin cứ ập đến, giằng xé tâm can như xiết nợ. Nó hài huớc? Không. Nó ngô nghê? Cũng không. Nó lưu manh, xảo trá? Đâu hẳn thế. Thần kinh à? Điều này thì có khi… Là vì, cái tượng đài tiền tỷ bị đổ sập là do trẻ con nó nghịch. Là nỗi phải tăng VAT theo “thông lệ quốc tế” để giảm gánh nặng nợ công. Rồi ở nơi nhân văn nhất lại giương cái khẩu hiệu to tướng tự bao giờ: Thuốc ung thư giả là bình thường, có gì mà ầm ĩ…

Cứ thế, mỗi ngày, tôi thành người vỡ nợ tin yêu.

 

Nguồn Văn nghệ số 38/2017

* Tên bài viết do Vannghe online đặt


Có thể bạn quan tâm