May 4, 2024, 6:10 pm

Kỷ niệm lần thứ 40 ngày mất của nhà văn Bruno Apitz (1979-2019): 30 NĂM “TRẦN TRỤI GIỮA BÂY SÓI”

 

Xin được nói ngay rằng, Bruno Apitz không thuộc trong số những nhà văn Đức có bề dày sáng tác đồ sộ, để lại những tác phẩm lẫy lừng. Nhưng, ông lại là một nhà văn có cuộc đời 79 năm hết sức hiếm hoi: 65 năm hoạt động cách mạng kiên cường, với 30 năm chiến đấu gan góc trong các nhà tù, các trại giam của phát xít, trong đó có 8 năm lao động khổ sai, bị hành hạ, tra tấn dã man trong trại tập trung khét tiếng Buchenwald.

Vì vậy, ông không thể để lại một số lượng lớn các tác phẩm văn học, nhưng toàn bộ cuộc đời ông, cuộc đời một người thợ, một người cộng sản, một chiến sĩ chống phát xít, là cả một tác phẩm vĩ đại mà nhân dân nước ông vô cùng trân trọng. Cuốn Trần trụi giữa bầy sói, tác phẩm xuất sắc nhất của ông ra đời 13 năm sau ngày giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít, trước hết là tấm gương phản chiếu sinh động chính cuộc đời ông, đồng thời phản chiếu đậm nét cuộc đấu tranh oanh liệt của các đồng chí ông, bạn bè ông, không riêng người Đức, mà cả những người đến từ hàng loạt nước của Châu Âu, chống lại ách áp bức tàn bạo của phát xít Đức, bảo vệ quyền sống, bảo vệ nhân phẩm, làm nên một bài ca bất diệt, có một không hai, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, vừa hiện thực vừa tràn đầy chất thơ.

Tính đến hôm nay, Trần trụi giữa bầy sói đã được dịch và công bố ở 35 nước trên thế giới. Riêng tại nước ta, nó được dịch và phát hành rộng rãi từ năm 1962, tức là chỉ 4 năm sau khi ra đời và sau đó được tái bản nhiều lần. Ngày ấy Bruno Apitz gửi cho độc giả Việt Nam một bức thư, trong đó nói rõ nội dung câu chuyện và mục đích của cuốn sách. Ông viết: “Cuốn sách của tôi kể lại cuộc đấu tranh của các tù nhân trong trại tập trung Buchen - wald để cứu một cháu bé Ba Lan; cháu bé đó được đưa vào trong trại, bất chấp muôn ngàn nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuốn sách còn nhằm xa hơn nữa: nó muốn nói lên cái đẹp về tinh thần của con người và làm nổi bật sự vĩ đại của con người… Nó cũng muốn kể lại sự chiến thắng của con người đối với cái thú vật của bọn phát xít”. Và cuối bức thư, ông tâm sự cùng chúng ta: “Hạt mầm của lòng bác ái mà hàng triệu con người khi chết xuống đã vùi theo họ trong mảnh đất đẫm máu ở Buchenwald, ngày nay lại bừng nở lên trong cuộc chiến đấu của các dân tộc chống kẻ thù, những kẻ mang thảm họa tới cho nhân loại”.

Tôi từng có những chuyến thăm khu di tích Buchenwald, nơi còn lưu giữ những vật chứng của một thời hết sức đau thương, từ mớ tóc, sọ người, những mảnh quần áo tù đẫm máu, rách bươm đến tháp canh và các lò thiêu xác người… Tôi cũng từng có những lần được gặp gỡ, trò truyện với nhà văn Bruno Apitz, nguyên là người mang số tù 2417 ở trại tập trung này…

Leipzig là nơi ông ra đời trong một gia đình nghèo, rất đông con (ông là con thứ 12). Cha làm thợ in vải sơn, mẹ ngày ngày đi giặt thuê. Hoàn cảnh khó khăn không cho phép ông học lên cao; 14 tuổi đi học nghề in và bắt đầu tham gia công tác chính trị ở cái thành phố vừa là trung tâm công nghiệp, vừa là nơi giàu truyền thống cách mạng này. 17 tuổi, ông bị phạt tù 19 tháng vì đã diễn thuyết hưởng ứng nồng nhiệt lời kêu gọi chống chiến tranh của Lãnh tụ Karl Liebknecht, tham gia cuộc biểu tình của công nhân nhà máy sản xuất vũ khí.

Được thả tù sớm trước thời hạn, Bruno Apitz lập tức năng nổ hoạt động trong cuộc Cách mạng tháng 11/1918. Một năm sau, ông trở thành đảng viên Đảng xã hội dân chủ (SPD) và học nghề buôn bán sách. Nhưng rồi lại bị bắt giam vì tích cực tham gia các cuộc biểu tình và đình công của giai cấp thợ thuyền. Ra tù, làm đủ nghề để kiếm sống, kể cả làm diễn viên sân khấu. Ông làm thơ, viết truyện ngắn cho Tạp chí Trào phúng (ra hàng tuần) và cho các báo của Đảng Cộng sản (KPD).

Năm 1924, Bruno Apitz soạn vở kịch đầu tay Con người trong sự trần trụi, tiếp đó viết tiểu thuyết Vết bẩn và kẻ mọi rợ, vở kịch Những người không cạo râu và một số tác phẩm nữa. Song, không một vở kịch nào được trình diễn, không một tiểu thuyết nào được xuất bản. Không có bản thảo nào được lưu giữ đến ngày nay.

Năm 1927, Apitz gia nhập Đảng Cộng sản, được giao nhiệm vụ phụ trách Nhà xuất bản Cứu tế đỏ của Đảng. Ba năm liền, từ 1930 đến 1933, ông là Chủ tịch Hội nhà văn vô sản cách mạng của thành phố Leipzig.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, xen giữa các hoạt động nói trên, ông nhiều lần bị kết án vì thường xuyên tuyên truyền chống chiến tranh. Ông đã trải qua nhiều nhà tù và trại giam của phát xít: 1933 trong trại giam Colditz; 1934-1937: trại giam Sachsenburg; sau đó bị giam trong nhà tù Waldheim về “tội phản quốc” vì đã hoạt động nhằm phục hồi Đảng bộ Đảng Cộng sản của thành phố Leipzig. Cuối cùng là 8 năm liền bị giam, hành hạ trong trại tập trung Buchenwald. Như vậy là Apitz đã trải qua ngót 30 năm tù ngục phát xít - nơi trở thành trường học cách mạng, đã rèn luyện ông về ý chí, về bản lĩnh của một người cộng sản chân chính. Ông cũng được biết đến là một nhà thơ, một nghệ sĩ khắc gỗ trong nhà tù, trong trại giam, nhằm khích lệ, động viên tinh thần chiến đấu của các bạn tù.

Cũng như phần lớn các tù chính trị khác, sau ngày giải phóng, ông hăm hở bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Thành phố quê hương Leipzig đón ông như đón một đứa con thân yêu trở về, giao cho ông nhiều công việc ngay từ buổi đầu như: Biên tập viên báo Nhân dân Leipzig của Đảng bộ thành phố, Giám đốc Nhà hát, thành viên sáng lập Đảng bộ Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED). Ông còn viết kịch bản cho các xưởng phim và sáng tác nhiều vở kịch sân khấu truyền thanh.

Ngay từ buổi đầu sau giải phóng, ông có ý định viết một cuốn truyện về trại tập trung Buchenwald. Vừa công tác xã hội, ông vừa suy nghĩ, hồi tưởng, ghi chép không mệt mỏi cho tác phẩm của mình. Trong vòng 10 năm sau giải phóng, ở Cộng hòa Dân chủ Đức đã xuất bản hàng chục tiểu thuyết phản ánh tội ác của phát xít trong các nhà tù, trong đó có cuốn “Rừng chết” của Ernst Wiechert. Những tác phẩm này góp phần tích cực vào việc giáo dục tư tưởng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Nhưng nhìn chung, các tác giả mới tập trung lên án sự dã man, thâm độc của kẻ thù, chưa làm rõ nét sự quật khởi của tù nhân. Ngay cuốn “Tia lửa sống” của E. M. Remarqué cũng vậy: mới thấy sự chịu đựng và sự đấu tranh riêng lẻ của họ. Bruno Apitz không dừng ở câu chuyện cứu cháu bé, ở cuộc sống vô cùng nguy hiểm, ác liệt trong trại tập trung. Chuyện cứu cháu bé như là cái cớ, qua đó nêu bật tấm lòng hy sinh cao cả của những con người chân chính, từ việc tìm kiếm cho cháu bé một chén nước, một bát cháo, một thìa đường, một ngụm sữa…Và lớn hơn nữa là thấy cả một tập thể đông 5 vạn con người tôn trọng kỷ luật, có sự chỉ đạo sáng suốt của Ủy ban lãnh đạo quốc tế các trại giam. Và đó là hiện thân của tô chức Đảng, được cụ thể hóa ở hàng loạt nhân vật mà Bruno Apitz cho biết là ông vẫn giữ nguyên tên tuổi của họ. Đó là Herbert Bochow một trong những hình tượng tiêu biểu nhất, được tin cậy nhất: “Cái gì Bochow đưa tới tức là Đảng đưa tới”; Kramer, vốn làm nghề xoong chảo ở Hamburg, thân hình vạm vỡ, đôi vai rộng, luôn luôn toát ra sự bình thản, đầu óc sáng suốt - “đủ sức che chở cho toàn trại”. Pippig, vốn là thợ xếp chữ ở Dresden, người nhỏ bé, chân khuỳnh khuỳnh, một tấm gương anh dũng tuyệt vời; Höfer, trẻ hơn Bochow 10 tuổi, một huấn luyện viên quân sự tài ba của các nhóm kháng chiến, bị tra tấn hết sức dã man trong boong - ke vẫn giữ vững lòng trung kiên vô hạn, mọi người nhắc nhở nhau: “Chúng ta phải khỏe như Höfer”, và nếu có ai đó nghi ngờ Höfer thì sẽ được đáp lại “hóa ra nghi ngờ chính mình sao?” Leonid Bogorski, một người cộng sản Nga, luôn vui vẻ, tươi cười trong những lúc khó khăn nhất. Trong việc cứu cháu bé, Bochow muốn đưa cháu đi nơi khác, Höfer muốn giữ lại, giấu kín trong trại, gây ra sự tranh cãi quyết liệt, bởi vì giấu cháu bé là vi phạm nguyên tắc của trại, gây sự đe dọa đến tính mạng của cả 5 vạn tù nhân. Vì sự sống còn của cháu bé mà Höfer bị giam và tra tấn hết sức dã man trong boongke; Pippig phải trả giá bằng cả cuộc đời mình. Bochow đã phàn nàn Höfer trong nhiều ngày. Nhưng Bogorski cau trán lại có vẻ bức bội với Bokhow.

Anh phạm sai lầm với cái đầu, Höfer sai lầm với trái tim. Hai cái đều cô độc, cái đầu của Bochow cũng như trái tim của Höfer. Lỗi này của ai? Ai đã mắc sai lầm? Chẳng riêng ai cả! mà tất cả mọi người!” Bochow nhìn thẳng vào mắt bạn… Mắt một con người! Trong ánh sáng của nó cũng như dưới bề mặt của biển sâu vô tận, giấu kín tất cả bí mật của cái biết và cái không biết, tất cả hiểu biết và trực giác, tất cả tình yêu. Và Bochow cảm thấy một nỗi xúc động sâu xa trong lồng ngực”.

Đúng như nhận xét của các dịch giả trong lời nói đầu: thời gian trong Trần trụi giữa bầy sói là thời gian của một vở kịch. Đó là Buchenwald ở giai đoạn những ngày cuối cùng của chiến tranh. Các sự việc xảy ra trên dưới một tháng. Càng gần chiến thắng, con người càng bộc lộ rõ bản chất của mình. Bọn phát xít càng điên cuồng, lồng lộn, tàn ác, nhưng cũng vô cùng hốt hoảng, hèn nhát. Trái lại, những người cộng sản càng nêu cao tính kỷ luật, tính tổ chức kiên quyết và đưa ra những quyết định sáng suốt kịp thời. Với tình yêu thương giữa những người đồng chí càng sâu nặng. Lời tâm sự của Bochow về những tấm gương của các chiến sĩ kiên cường rằng họ “còn khỏe hơn cái chết”, gây xúc động mạnh mẽ. Pripula ôm chầm lấy Bochow và khóc trên vai anh. Bochow khẳng định: “Chúng ta đã và sẽ không bỏ sót một người nào cả. Nếu như kẻ địch bắt được một người của chúng ta, thì người đó phải được bảo vệ bằng vũ khí, nếu cần! Cái đó phải là một quyết định. Nhưng rồi sau đó cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu! Tự do hay là chết! Lịch sử đã hơn một lần chứng minh lòng tự hào và sự vĩ đại của con người từ thời đại của Spartakus!”

Ở trường hợp khác, Bochow cũng nói như tiếp lửa vào tâm hồn, ý chí của mọi người: “Những người còn sống đằng sau những hàng dây thép gai của trại tập trung sẽ là đội tiên phong của một thế giới công bằng hơn. Cho dù thế giới sau này ra sao, nó sẽ là một thế giới công bằng hơn, nếu không chúng ta phải mất cả lòng tin vào lẽ phải của nhân loại. Chúng ta không phải là những đồ rơm rác, không phải là những nạn nhân. Chúng ta là những người gánh vác nhiệm vụ cao cả nhất!”.

Lời của nhân vật Bochow trong cuốn truyện chính là tiếng nói từ trái tim mà Bruno Apitz muốn ủy thác, muốn gửi đến độc giá chúng ta. Điều ấy chứng minh ở tất cả những gì mà Bruno Apitz đã hiến dâng cho đất nước ông, nhân dân ông.

Năm 1979, chỉ ít ngày trước khi kỷ niệm tròn 79 năm sinh của mình, trái tim Bruno Apitz đã ngừng đập. Cái tin ông qua đời gây xúc động và niềm thương tiếc trong triệu triệu người. Trân trọng những cống hiến của Bruno Apitz, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức quyết định mai táng hài cốt của ông tại “Đài kỷ niệm các chiến sĩ chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt, đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội” ở nghĩa trang trung tâm Berlin. Ông được tôn vinh là công dân danh dự của thành phố Leipzig. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố và trường học. Nhà nước trao tặng ông những huân chương và phần thưởng cao quý nhất, trong đó có Giải thưởng Quốc gia về văn học nghệ thuật. Tác phẩm Trần trụi giữa bầy sói đã hai lần được dựng thành phim - lần thứ nhất là vào năm 1963, chỉ 5 năm sau khi cuốn sách ra đời, do chính ông tham gia viết kịch bản, diễn xuất và được Frank Beyer, nhà điện ảnh nổi tiếng trực tiếp đạo diễn./.

Nguồn Văn nghệ số 50/2019


Có thể bạn quan tâm