April 30, 2024, 1:36 pm

Di cảo Nguyễn Huy Thiệp: Kho tàng còn ẩn giấu

Sinh thời, Nguyễn Huy Thiệp từng trả lời phỏng vấn cho biết những gì đã công bố của ông chỉ là 1/3 những gì ông viết. Lượng tác phẩm bị nhà văn xé và chưa được công bố chiếm tới 2/3.

Khi cuốn sách tạm gọi di cảo Nguyễn Huy Thiệp mang tên Anh hùng còn chi (Nxb Hội Nhà văn, Nhã Nam) ra mắt mới đây, những người yêu mến nhà văn này được biết thêm một Nguyễn Huy Thiệp nhà thơ. Nhưng đây chưa phải là toàn bộ di cảo của Nguyễn Huy Thiệp, còn rất nhiều tác phẩm bị thất lạc và cả những tác phẩm vẫn trong ngăn kéo của gia đình chưa được in, không kể những tác phẩm đã bị nhà văn xé, đốt.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phải) chụp cùng anh trai - Thiếu tướng Nguyễn Huy Thăng. Ảnh: Tư liệu gia đình

Nghiệp văn chương và chồng bản thảo bị đốt của Nguyễn Huy Thiệp

Một buổi sáng đầu hè còn nhiều dư vị nồm ẩm nơi mảnh vườn xưa xum xuê của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nay chỉ còn lại một góc nhỏ, họa sĩ Nguyễn Phan Bách - con trai cả của nhà văn - ngồi ôn lại những kỷ niệm về bố mình, khi cuốn di cảo đầu tiên của bố đã được hai anh em nỗ lực cho ra mắt và Không gian Nguyễn Huy Thiệp đang dần hoàn thiện. Bách bảo di cảo Nguyễn Huy Thiệp sẽ còn tiếp tục ra những cuốn mới, chứ không chỉ cuốn sách vừa rồi. Bởi ngoài những bản thảo mà gia đình đang giữ thì còn những bản thảo chưa công bố Nguyễn Huy Thiệp tặng cho bạn bè.

Ngồi dưới tán cây trong vườn, Bách bồi hồi nhớ lại hình ảnh của hơn 30 năm trước, ở chính khu vườn này, bố anh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đã ngồi đốt chồng bản thảo, giữa lúc tiếng tăm của ông đang nổi như cồn.

Đó là câu chuyện vào năm 1991. Nguyễn Huy Thiệp “sau một biến cố” thì một trong những việc đầu tiên ông làm khi được trở về nhà đó là ôm chồng bàn thảo ra góc vườn đốt. Ông không biết rằng chữ nghĩa của mình có thể gây phiền toái cho nhiều người và nhiều hệ lụy cho cá nhân ông. Hai con ông lúc ấy còn nhỏ. Vợ ông làm ở Nxb Giáo dục, phòng sửa bản in, hàng ngày đi làm không một ai trò chuyện cùng, chỉ lầm lũi đến rồi về như một cái bóng.

 Sau “cú sốc” ấy, đã có lúc tác giả Tướng về hưu tuyên bố gác bút. Ông mở nhà hàng Hoa Ban để mưu sinh.

Ấy là nhà văn đã thực hiện theo đúng lời căn dặn năm nào của ông ngoại, một người hay chữ, giỏi tử vi, rằng nghiệp văn nặng lắm, phải đợi qua ba giáp (qua 36 tuổi) mới được xuất hiện. Vậy mà “nghiệp” vẫn nặng chừng vậy.

Ngày Nguyễn Huy Thiệp ra đời, ông ngoại đã xem tử vi cho cậu cháu trai, như trước đó ông đã xem cho người anh trai của cậu. Nếu như anh trai được ông ngoại nhìn thấy một tương lai phát triển ở nghiệp võ, nên đặt tên Nguyễn Huy Thăng, thì cậu em trai được ông ngoại nhìn thấy khả năng trong văn chương, nên ông đặt tên Nguyễn Huy Thiệp, theo nghĩa là người hiểu biết rộng. Với cháu đầu dự là sẽ phát ở nghiệp võ, ông ngoại không lo lắng gì. Sau này cháu trai ấy làm tới chức Phó Tư lệnh Binh chủng Hải quân Việt Nam, được phong hàm Thiếu tướng.

Nhưng đứa cháu trai thứ hai dự báo là mang nghiệp văn chương khiến ông lo lắng. Nên ông căn dặn kỹ, nhất định phải sau ba giáp mới được xuất hiện trên văn đàn. Và Nguyễn Huy Thiệp đã thực hiện đúng như lời ông ngoại căn dặn.

"Tập Anh hùng còn chi trong lần tái bản tới, gia đình sẽ đưa thêm những bài viết mà Nguyễn Huy Thiệp đã viết về bạn bè là họa sĩ khi họ làm triển lãm, và những tư liệu mới được tìm thấy. Sách của lần in đầu tiên hiện đã bán hết trên thị trường nên nó sẽ sớm được tái bản. Ngoài ra, trong chồng bản thảo chưa công bố của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà gia đình đang lưu giữ còn có vở kịch Mổ nhà văn và tiểu thuyết Bên rìa nước nhiều năm chưa in được".

Cho nên, những năm tháng “úp mặt vào núi đọc sách” ở Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp đã giữ thói quen viết hàng ngày như người ta viết nhật ký, nhưng ông không gửi tác phẩm đi đâu cả, dù có lẽ ngay từ đầu ông đã ý thức được rằng rồi mình sẽ trở thành một tác giả. Thời kỳ này ông viết một tập thơ, như những trang nhật ký về những yêu thương lẫn giằng xé của một người trẻ nhìn đời còn nhiều chông chênh. Ông đem trình bày như một cuốn sách thơ nhỏ, với dòng đề từ: “Tặng Trang yêu dấu!”

Ngày tìm thấy tập thơ dưới đáy hòm của mẹ, người phụ nữ tần tảo, dịu hiền của bố mình, hai anh em Bách, Khoa (Nguyễn Phan Khoa, con trai út của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) đã xúc động khôn xiết trước tập thơ bố làm tặng mẹ. Khi chưa thể in sách cho đông đảo bạn đọc thì Nguyễn Huy Thiệp đã tự “chế bản” một tập thơ cho độc giả lớn nhất và trung thành nhất đời mình - người vợ tào khang. Trong ấy có những bài thơ ông viết tặng vợ, viết tặng con, và viết trải nỗi lòng đã nhiều day dứt của một người sinh ra để viết văn.

Và không chỉ tập thơ này, ở bản Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp cũng đã viết những truyện ngắn. Đó là lý do Nguyễn Huy Thiệp công bố dồn dập nhiều tác phẩm như vậy sau khi chính thức ra mắt làng văn vào năm 1987 với các truyện ngắn Cô Mỵ, Vết trượt và sau đó là Tướng về hưu đưa tên tuổi nhà văn nhanh chóng vào tâm bão dư luận.

Một trang viết, vẽ tay của nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp

Mong cuộc trở về của những bản thảo “thất lạc”

Bách bảo những gì công chúng được đọc cho tới lúc này mới chỉ là một phần nhỏ trong những gì nhà văn đã viết ra. Khi chuẩn bị làm tập di cảo cho cha mình, Bách và Khoa đã liên hệ với nhiều người để xin bản thảo. Nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã trao lại cho gia đình toàn bộ bản thảo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gửi cho ông khi ông còn làm Thư ký tòa soạn của báo Tuổi trẻ cuối tuần. Từ đống bản thảo ấy, những bài viết vì một số lý do chưa được in ở thời điểm đó, hoặc bị cắt xén khi in trước đây, được in lại trọn vẹn trong tập Anh hùng còn chi.

Nhưng Bách tin rằng bản thảo của bố mình vẫn còn “lạc” rất nhiều trong chốn nhân gian. Một số bạn bè thân thiết còn giữ những bản thảo chưa in của nhà văn. Lý do là Nguyễn Huy Thiệp không có thói quen lưu giữ bản thảo. Ông thường tặng bản thảo cho những người bạn thân thiết mến tài ông, có cả những bản thảo ông không in. Ông “Bổng Hàng Buồm” (tên thân mật các văn nghệ sĩ gọi nhà sưu tập Phạm Văn Bổng nhà trên phố Hàng Buồm, nay đã mất) có lẽ cũng lưu giữ không ít bản thảo chưa ưng ý mà Nguyễn Huy Thiệp bỏ vào sọt rác.

Sinh thời Nguyễn Huy Thiệp từng nói với các con nguyện vọng làm tập di cảo những bài ông viết đâu đó còn chưa được xuất bản. Nhớ lời bố, Bách, Khoa có nguyện vọng xin lại những bản thảo của Nguyễn Huy Thiệp chưa được công bố mà bạn bè bố mình đang lưu giữ để có thể tập hợp lại trong một tập di cảo mới. Bách tin rằng dù những bản thảo trước đây bố mình chưa hài lòng nên không công bố thì nay vẫn nên được đưa vào di cảo. Để bạn đọc thấy được hành trình nhiều giai đoạn, nhiều trăn trở, giằng xé của lao động nhà văn để có được một tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp còn ở lại dài lâu với bạn đọc.

Vô Úy

Nguồn Văn nghệ số 15/2024


Có thể bạn quan tâm