May 4, 2024, 1:23 pm

Yếu tố quyết định không phải là tiền

Văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần còn lại sau thời gian, được cộng đồng xã hội tự nguyện lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua các chuỗi sự kiện hàng ngày.

Văn hoá liên kết với sự tiến hoá sinh học của loài người và nó đã vượt qua bản năng để trở thành văn hoá. Mỗi con người được lớn lên và trưởng thành trong môi trường văn hoá, tiếp thu, bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, nó tồn tại một cách bền bỉ dưới hai dạng là văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần (phi vật thể). Chính vì vậy mà văn hoá là một căn cứ quan trọng gần như có tính chất quyết định để xác định cộng đồng và xã hội mà các cá thể là thành viên.

Sở dĩ phải nhắc lại khái niệm văn hoá như vậy để chúng ta hiểu đúng, hiểu một cách đầy đủ về văn hoá để không bị nhầm hoặc hiểu sai văn hoá chỉ là những di tích lịch sử, văn hoá là các hoạt động biểu diễn, là các lễ hội, hoăc văn hoá là trình độ học vấn… và để chúng ta không đánh đồng giữa “làm văn hoá” và “quản lý văn hoá”.

Từ thuở lập nước cho đến nay dân tộc ta phải chống chọi với thiên tai và địch hoạ để trường tồn văn hoá. Kẻ thù xâm lược Phương Bắc đã tìm mọi cách hủy diệt văn hóa để “đồng hóa” dân tộc Việt Nam, nhưng văn hóa Việt vẫn được bảo tồn và phát triển. Gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp, văn hoá Việt Nam lại thêm một lần thử thách. Tuy nhiên người Việt đã chọn lọc những tinh hoa của phương Tây để hoà nhập với văn hoá bản địa để làm nên một nền văn hoá tiến bộ ở châu Á, tiếp cận và hoà nhập được với văn hoá nhân loại.

Tuy nhiên sau khi giành được độc lập năm 1945, đặc biệt từ sau khi thống nhất đất nước năm 1975, do bị ảnh hưởng của tư tưởng duy ý chí, chúng ta đã mắc phải những sai lầm tai hại. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước với khẩu hiệu bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng xã hội mới; chúng ta đã gần như xoá sổ toàn bộ cơ sở vật chất thiết chế văn hoá ở nông thôn. Đình chùa, đền miếu… bị phá huỷ, nhiều thuần phong mỹ tục bị loại trừ khỏi đời sống văn hoá, nhiều giá trị cốt lõi không được coi trọng, nhiều giá trị đích thực trong đời sống tinh thần của dân tộc bị lãng quên... Tiếp đến là thời kinh tế thị trường, bên cạnh những tiến bộ về kinh tế-xã hôi rất đáng tự hào, thì đã bộc lộ những tiêu cực trong đời sống văn hoá của người Việt hiện nay. Các mối quan hệ trong gia đình, họ tộc và xã hội trở lên phức tạp với đủ các biểu hiện trái với văn hoá truyền thống. Nạn tham nhũng tràn lan với nhiều hình thức phong phú như mua quan bán chức, thi cử, tuyển dụng và ăn hối lộ với danh nghĩa “hoa hồng”, “cảm ơn”... Tham nhũng đã thành nếp, thành lệ đến mức việc đề nghị một di tích lịch sử-văn hóa cũng phải “lót tay”. Nguy hiểm hơn một số việc làm trái với luân thường đạo lý lại được mặc nhiên công nhận. Sự tha hoá đạo đức đã đến mức báo động. Phải chăng văn hoá đã bị đảo lộn giá trị trong nếp sống, nếp nghĩ hôm nay?

Trong khi đó, lại có hiện tượng nghịch lý là chưa bao giờ trên đất nước chúng ta có nhiều công trình kiến trúc văn hoá như hiện nay. Đi đến đâu trong cả nước cũng có những công trình đồ sộ như chùa chiền, tượng đài, nhà hát, bảo tàng… được xây dựng. Các địa phương thi nhau, nhìn nhau và thậm chí cạnh tranh với nhau nơi làm sau phải bề thế hoành tráng hơn nơi làm trước. Tiền của đổ vào không phải là nhỏ. Dẫu đó là ngân sách Nhà nước hay huy động “xã hội hóa” thì đó cũng là tài sản của xã hội, công sức lao động của nhân dân. “Hoa hồng” trích từ những khoản tiền “dự toán” xây dựng đổ vào túi ai thì mọi người đều biết. Tuy nhiên chất lượng của các công trình kiến trúc này là điều đáng phải bàn. Nhiều công trình không có ý nghĩa về văn hoá, nhiều công trình vô cùng phản cảm về mỹ thuật và một điểm chung nhất là cực kỳ tốn kém nhưng hiệu quả sử dụng không nhiều. Việc tu sửa các di tích cũng đang có vấn đề vì đa số các công trình sau khi trùng tu tôn tạo trở thành xa lạ không còn diện mạo của di tích xưa…

Rõ ràng đang có báo động về sự xuống cấp của văn hoá Việt. Vì vậy việc chấn hưng văn hoá là việc cấp bách phải làm. Nhưng với số tiền 350 ngàn tỷ đồng (khoảng 15 tỉ USD) dự toán cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đang đề xuất, liệu có thể giải quyết bài toán chấn hưng văn hoá đang đặt ra?

Về lý thuyết thì khoản tiền trên đây chưa phải là quá lớn đối với một sự nghiệp quan trọng có sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” và so với kế hoạch phân bổ ngân sách qua các năm thì số tiền này cũng chưa đến 2% GDP, như tỉ lệ phổ biến đầu tư cho văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Nhưng điều đáng nói là hình như việc xác định trọng tâm trọng điểm chỉ là rải đều cho việc xây dựng thiết chế văn hoá ở các địa phương với phương châm “tất cả mọi người dân đều được thụ hưởng”. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây không phải cứ xây dựng thiết chế văn hoá là ta sẽ chấn hưng được văn hoá. Rõ ràng ta đang lúng túng chưa phân định được hai chức năng “làm văn hoá” và “quản lý văn hoá”.

Sở dĩ phải trình bày khá dài như trên đây là vì văn hoá phi vật thể được hình thành, chọn lọc và phát triển trong một quá trình rất dài tới hàng trăm năm, hàng ngàn năm. Nó gắn với kinh nghiệm sống, cách ứng xử trong quan hệ người với người trong môi trường sống thông qua gia đình, nhà trường và cộng đồng. Nó gắn với từng con người cụ thể và chỉ từng con người cụ thể làm nên văn hoá của chính mình. Nhiều người có văn hóa làm nên văn hoá cộng đồng. Vì vậy văn hoá tinh thần rất bền bỉ trường tồn. Nhưng khi đã bị mất đi hoặc bị biến dạng thì rất khó để khôi phục lại như trước. Tiền không thể khôi phục lại được và hơn nữa tiền lại chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển càng làm cho văn hoá xuống cấp. Ngược lại, văn hoá vật thể (như các thiết chế văn hóa) dễ hình thành nhưng chúng chỉ tồn tại có thời hạn. Để phục dựng tôn tạo cũng không quá khó khăn. Nhưng nếu không có con người văn hoá thì ngay việc xây dựng, tôn tạo các công trình cũng không thể làm được một cách hiệu quả. Nếu ngay bây giờ tập trung tiền của vào xây dựng các công trình văn hoá như đề án, thì chắc chắc sẽ tiếp tục có tham nhũng và kết quả sẽ là có nhiều công trình phản văn hoá ra đời.

Vì vậy, trước mắt cần có sự đánh giá cụ thể hiệu quả các thiết chế văn hoá, rà soát xem bao nhiêu công trình đang không có hiệu quả, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp và tổng thiệt hại lãng phí là bao nhiêu? Từ đó có các kế hoạch cụ thể, ưu tiên cho việc chấn hưng văn hoá phi vật thể, chấn hưng văn hoá cho mỗi con người. Trước hết cần xây dựng một cơ chế đủ mạnh để ngăn ngừa sự tha hoá trong mỗi con người để có sự lành mạnh trong văn hoá của toàn xã hội. Cùng một lúc phải cải tiến cơ chế để không còn tham nhũng tha hoá và xây dựng một nền giáo dục khai phóng, khoa học và cởi mở đảm bảo mục tiêu đào tạo. Từng bước khôi phục lại những nét văn hoá tốt đẹp trong con người Việt Nam và hội nhập sâu rộng có chọn lọc với văn hoá nhân loại để tạo nên một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Điểm mấu chốt mà ngay trong phương hướng dự thảo đề án của Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch chưa đưa ra bàn, đó là phải xây dựng cho được văn hoá lãnh đạo của người quản lý văn hoá. Đây là nhân tố có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chấn hưng văn hoá. “Chấn hưng văn hoá” là một chủ trương đúng đắn và là yêu cầu cấp thiết. Để làm được việc này không chỉ có tiền là giải quyết được. Cũng không thể nôn nóng đốt cháy giai đoạn. “Làm văn hoá” là công việc của toàn Đảng và toàn dân, nhưng những người quản lý văn hoá cần phải có Tâm và đủ Tầm để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện sự nghiệp chấn hưng văn hoá thành công!

Nhà văn Mai Tiến Nghị

Nguồn Văn nghệ số 38/2023


Có thể bạn quan tâm