May 13, 2024, 5:24 pm

Xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch

 

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

1. TIÊU CHÍ XÂY DỰNG “NƠI LÀM VIỆC KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ”

Có niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại trong cơ quan.

Có treo biển báo cấm hút thuốc lá trong phòng họp, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng  khác trong cơ quan có quy định câm hút thuốc lá. Biển báo cấm hút thuốc cần rõ ràng, được treo hoặc đặt ở những vị trí dễ quan sát.

Có kế hoạch hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.

Có tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.

Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên cơ quan.

Không có các vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn, bật lửa trong phòng họp, phòng làm việc...

Không nhận sự hỗ trợ hoặc tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.

Đưa nội dung không hút thuốc lá vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức. Không có hiện tượng hút thuốc, đầu mẩu thuốc lá tại các khu vực cấm hút thuốc của cơ quan, đơn vị.

2. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN NƠI LÀM VIỆC KHÔNG THUỐC LÁ

Bước 1: Thành lập Ban chỉ đạo

Ban chỉ đạo được thành lập nhằm đưa ra định hướng và chỉ đạo thực hiện xây dựng môi trường không có khói thuốc lá tại cơ quan, đơn vị.

Thành phần:

- Đại diện lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các phòng ban, đại diện các tổ chức đoàn thể...

Nhiệm vụ:

Xây dựng nội qui về việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá trong cơ quan, đơn vị.

Xây dựng kế hoạch thực hiện môi trường không khói thuốc lá, phổ biến nội qui đến toàn thể cán bộ, nhân viên cơ quan, đơn vị.

Tổ chức triển khai  các hoạt động thực hiện môi trường không khói thuốc lá. Khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt và có biện pháp xử lý theo quy định với những trường hợp vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị.

Bước 2: Khảo sát tình hình hút thuốc và thực trạng hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trước khi triển khai hoạt động.

Việc khảo sát nhằm xác định tình hình sử dụng thuốc lá, hiểu biết về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thái độ đối với hành vi hút thuốc của cán bộ nhân viên đối với quy định thực hiện môi trường không khói thuốc. Kết quả khảo sát là cơ sở quan trọng giúp các đơn vị lập kế hoạch hoạt động phù hợp, giúp hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc đạt hiệu quả cao.

Nội dung chính của khảo sát:

Thực trạng sử dụng thuốc lá trong cán bộ nhân viên.

Thực trạng sử dụng thuốc lá của khách.

Nhận thức của cán bộ, viên chức về tác hại của thuốc lá.

Ý kiến của cán bộ nhân viên về việc xây dựng nơi làm việc không có khói thuốc lá.

Thực trạng hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại cơ quan, đơn vị. (cơ quan đã ban hành quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc chưa? Đã có hệ thống biển báo cấm hút thuốc chưa? Biển báo có được treo tại những nơi phù hợp, nhiều người qua lại, dễ quan sát hay không?...)

Bước 3: Xây dựng nội quy và kế hoạch thực hiện môi trường không khói thuốc lá

Nội quy và kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị góp phần quyết định thành công của hoạt động. Việc xây dựng nội quy cần căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành và kết quả khảo sát thực trạng đã được tiến hành ở bước 2.

Nội quy cần có một số nội dung cơ bản sau:

Cấm hút thuốc hoàn toàn tại các khu vực trong nhà  của cơ quan, đơn vị. Các  hình thức xử lý đối với người vi phạm. (ví dụ: đưa vào  tiêu chuẩn bình xét thi đua của cá nhân, tập thể).

Tổ chức/cá nhân chịu trách nhiệm giám sát thực hiện nội qui. Thời gian bắt đầu có hiệu lực của nội qui.

Bước 4: Phổ biến nội qui

Việc phổ biến nội qui nhằm thông báo rộng rãi đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị nội dung của nội qui xây dựng môi trường không thuốc lá.  

Phương pháp phổ biến nội qui: 

Thông báo tại cuộc họp cơ quan.

Gửi văn bản tới các phòng ban.

Niêm yết nội qui tại cổng bảo vệ, phòng khách hoặc những nơi có đông người qua lại.

Bước 5: Triển khai các hoạt động hỗ trợ việc thực hiện thực hiện môi trường không khói thuốc lá

Tuỳ vào điều kiện nhân lực và kinh phí của mỗi cơ quan, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ có thể theo các nội dung sau:

Tổ chức lễ phát động hưởng ứng xây dựng môi trường không khói thuốc lá nhằm mục tiêu:

Cung cấp tới toàn thể cán bộ, nhân viên, khách những thông tin về lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá.

Phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, nội qui/quy định của cơ quan, đơn vị về quy định cấm hút thuốc. 

Kêu gọi mọi người hưởng ứng xây dựng môi trường không thuốc lá.

- Gắn biển báo cấm hút thuốc tại những địa điểm cấm hút thuốc trong cơ quan, đơn vị

- Tập huấn cho các cán bộ về kỹ năng truyền thông và giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc. Nội dung tập huấn gồm:

Thông tin về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động thuốc lá. Các kỹ năng cơ bản về truyền thông vận động cán bộ hạn chế và tiến tới bỏ thuốc.

Kỹ năng theo dõi, giám sát, viết báo cáo hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Bước 6: Giám sát, đánh giá hoạt động thực hiện môi trường không khói thuốc lá.

Giám sát,  đánh giá việc thực thi quy định không hút thuốc là hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. Việc giám sát được thực hiện bởi tổ giám sát theo sự phân công của ban chỉ đạo. Nội dung giám sát gồm:

Có hệ thống biển báo cấm hút thuốc, nội quy cấm hút thuốc  tại các khu vực cấm hút thuốc trong cơ quan, đơn vị không?

Biển báo cấm hút thuốc có được gắn tại các vị trí dễ thấy không?

Có gạt tàn thuốc lá và đầu mẩu thuốc lá trong cơ sở không?

Có hiện tượng hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc không?

Những trường hợp vi phạm đó được xử lý như thế nào?

Trong quá trình giám sát, các cán bộ giám sát cần có sổ tay theo dõi, ghi chép ngày giờ và kết quả giám sát. Các cán bộ này cũng đồng thời là cán bộ tuyên truyền về tác hại thuốc lá, nhắc nhở cán bộ nhân viên và khách không hút thuốc.

Tổ giám sát viết báo cáo đánh giá hoạt động xây dựng cơ sở du lịch không khói thuốc theo giai đoạn 6 tháng gửi ban chỉ đạo. Kết quả đánh giá giám sát sẽ giúp cho ban chỉ đạo kịp thời điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp và tổng kết các hoạt động đã đạt được, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai và kế hoạch trong thời gian tiếp theo. Báo cáo này được trình bày tại buổi họp sơ kết, tổng kết  của các cơ quan đơn vị.

P.V

Nguồn Văn nghệ số 30/2017


Có thể bạn quan tâm