April 30, 2024, 3:01 pm

Xa xa một tiếng còi tàu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Khánh Liên

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
 

Một người mang trong mình một nỗi đau đã là quá sức, vậy mà anh có những hai.

Mẹ anh bị mù, do tuổi già mà cũng do anh, một đứa con bất hiếu. Mười tám năm anh bỏ nhà ra đi thì ngần ấy năm mẹ anh khóc vì lo lắng và thương nhớ. Anh đi đâu? Tứ xứ.

Mọi nguồn cơn bắt đầu từ việc mất một con dê, ban đầu anh nghĩ vậy. Cái nắng chát chúa trên vùng đất xương rồng khi anh hai mươi hai tuổi, đảm nhiệm việc chăn bầy dê- tài sản lớn của gia đình. Anh có cha nhưng có cũng như không, có như không giống như là không có. Cha anh luôn đi đâu đó bên ngoài ngôi nhà. Anh chỉ biết cha qua những câu chuyện kể. Càng ngày những câu chuyện càng mơ hồ, đến mức nó không còn những hình ảnh lúc ban đầu, người kể phải thêm thắt và chính anh- người chưa từng thấy cha- phải tưởng tượng thêm. Rồi hình ảnh cha trở thành một ảo ảnh. Cái nắng của vùng đất bán sa mạc, những bụi xương rồng mọc ngút ngàn, bầy dê đi trong nắng đổ, tiếng còi tàu hai lần một ngày, kéo còi chạy ngang qua làng anh…lại là những hình ảnh thực. Anh lầm lũi đi trong nắng nóng, tưởng rằng hạn hán là số phận của vùng đất này, cũng là số phận của anh.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Con dê lạc bầy vào một buổi trưa nắng đổ lửa. Chẳng có thức ăn trên cánh đồng khô hay trong những bụi gai cháy nắng. Nhưng bầy dê vẫn phải lùa ra đồng, ngày càng đi xa hơn, tìm kiếm thức ăn và nước uống. Khi gom bầy dê lại trong cái nắng chát chúa, đếm đi đếm lại, thiếu mất một con.

Con dê đó có một miếng rách ở tai. Anh luôn nghĩ về cái tai rách khi đi khắp nơi tìm kiếm con dê lạc. Nhưng anh không thể nhìn thấy cái tai rách đó nữa.

Lùa bầy dê về chuồng anh chần chừ không muốn vào nhà. Tiếng chửi mắng của người chị gái làm anh buồn và thương tổn. Bầy dê là tài sản để chị đi lấy chồng. Người Chăm của anh, con gái phải mang sính lễ cưới con trai. Chị gái tiếc con dê vừa mất, chửi rủa, kết tội anh.

Anh đi dọc đường tàu, ban đầu là tìm con dê nhưng sau đó anh muốn rời khỏi ngôi nhà, ngôi làng và vùng đất của mình. Cảm giác anh đang sống những ngày vô nghĩa, làm công việc vô nghĩa khiến anh tổn thương và nhục nhã. Anh không có quyền đi tìm một công việc. Từ nhỏ tới lớn việc của anh chỉ là chăn gia súc, khi bò, khi cừu, khi dê cho người chị gái.

Một chuyến tàu chạy qua, kéo hồi còi dài gay gắt. Trong cơn uất ức, anh đã nhảy lên một toa tàu. Anh đã nghĩ nhiều về mẹ trên chuyến tàu định mệnh ấy.

Nhưng đó không phải là vì con dê. Sau mười tám năm, ở tuổi bốn mươi, anh mới hiểu rằng như vậy. Có một cái gì đó nhen nhóm nẩy mầm trong anh, một hạt mầm, nhỏ như hột lúa, hột đậu, nó ở đó, bên trong. Anh ra đi vì sự mơ hồ, thôi thúc bên trong mình.

Anh không phải là một người đàn ông. Đó là điều mà anh không thể nói với ai. Chị gái, người hay chửi mắng anh, là người anh không thể nói. Mẹ người yêu anh và anh yêu, anh càng không thể nói. Mẹ sẽ khóc. Trái tim người mẹ không thể chịu đựng được sự lệch lạc giới tính của con trai mình. Không có ai để anh nói. Bạn của anh chỉ là những con dê.

Anh đã sống cô đơn đến mức vô nghĩa ở làng mình. Cái nắng chát chúa chỉ hun nóng thêm nỗi cô đơn cùng cực của anh. Trước giờ tàu tới, anh đã từng nằm xuống hai hàng ray, giang hai tay và nhắm mắt. Nhưng nỗi sợ chết đã khiến anh không dám chết.

Anh đã bỏ lại ngôi nhà nhỏ không có hàng rào, mảnh sân rộng nhìn thẳng ra đường tàu đơn điệu, chuồng dê cũ kỹ, mùi gia súc nồng nặc, người chị hay chửi rủa và người mẹ già tội nghiệp. Những hình ảnh đó nhức buốt trong anh trong những năm tháng đầu lưu lạc, cho tới khi đầu óc anh quen dần với sự nhức buốt ấy.

Tân là một thằng khốn nhưng ai cũng yêu hắn cùng cực, trong đó có anh. Tân tham lam, tạp nham với cái gọi là tình yêu. Con gái mới lớn, đàn bà chưa chồng, có chồng, li hôn, gãy gánh, chồng chết, ái nam ái nữ gì hễ yêu Tân là Tân yêu lại, hễ dâng hiến là Tân hưởng thụ. Tân đẹp, vẻ đẹp của sự hoang đàng. Không có cái gì mà Tân không dám thử hay không dám làm. Người sống bạt mạng, không cần biết tới ngày mai lại là đống lửa thu hút những con thiêu thân khát yêu. Tân là tình yêu của anh, là niềm vui, hạnh phúc, hi vọng nhưng cũng là đau khổ, thương tổn, bị phản bội và nhục nhã.

Trôi dạt đoàn lô tô này cho tới đoàn lô tô khác, anh nhận ra những kẻ sống không gia đình thèm khát tình yêu quá mạnh. Không có gì neo giữ, không có bờ vai, người ta càng thèm khát một bờ vai. Ở nơi chốn không gì neo giữ này, tình yêu trở thành thứ hỗn loạn. Có lúc anh muốn thoát ra, có lúc anh lại đắm chìm, lúc hối hận, sỉ vả, lúc buông xuôi, hưởng lạc, thèm khát…

Tân chưa từng hối tiếc gì trong cuộc đời hoang đàng của mình. Lúc nào Tân cũng cười khẩy, vô cảm. Nhưng tạo hóa quá ưu ái để Tân có một gương mặt và cơ thể quá đẹp nên sự vô cảm đó càng khiến người ta si mê điên dại.

Trên một bờ kinh của một miền sông nước, một người đàn ông địa phương, đã có vợ con, đi tìm anh trong bóng đêm, thổ lộ rằng ông ta yêu anh. Dưới ánh sáng hiu hắt của những dãy đèn lô tô chập chờn, chớp nhoáng, ánh mắt người đàn ông đó chân thành biết bao nhiêu. Anh nhìn ông ta với một sự tội nghiệp. Anh cũng nhận ra hình ảnh tội nghiệp này là anh, trước Tân, bao lần van xin tình yêu đoái hoài trở lại.

Một nỗi buồn tràn ngập lòng anh, nhiều như con nước trong kinh. Tình yêu thật là thảm hại. Không có sự tự nguyện mà là sự van xin, một kẻ vô tâm, một kẻ ăn mày.

Nhưng nỗi buồn thấm thía tận gan ruột khi anh biết mẹ anh bị mù.

Một quãng thời gian dài cho hành trình lưu lạc của anh là nước mắt của người mẹ. Anh chỉ biết qua đêm với những người đàn ông và đuổi theo Tân. Còn mẹ anh, thăm thẳm với nỗi buồn của bà. Ngày nào, đêm nào bà cũng khóc vì lo lắng cho đứa con trai lưu lạc.

Anh trở về vì muốn chăm sóc mẹ, làm tròn đạo hiếu và cũng vì anh muốn thoát khỏi mạng nhện tình yêu với Tân. Anh muốn quên đi một người tình xấu.

Trở về làng, việc đầu tiên anh làm là đứng bên đường tàu, ngó lại vị trí mình đã từng muốn chết. Mười tám năm ra đi, nỗi buồn tưởng rằng sẽ mất, nhưng không, nó vẫn ở trong anh. Vẫn là nỗi buồn đó, sự cô đơn đó, khuyến mãi thêm sự nhơ nhớp, hoang đàng. Càng muốn thoát khỏi Tân, anh càng thấy mình yêu Tân điên dại. Nếu mẹ anh không bị mù, nếu mẹ anh có người chăm sóc, nếu chị anh chịu khó qua nấu cơm cho mẹ, chứ không phải ẵm hết tiền của hồi môn rồi bỏ mặc mẹ già…chắc anh đã nhảy lên một chuyến tàu, mặc kệ mọi thứ để ôm Tân cho đỡ nhớ. Nỗi hận sự phản bội của người tình cũng nhiều như nỗi thèm khát được yêu người tình. Tình yêu làm anh quằn quại và khổ sở.

Những ngày không Tân vô nghĩa trong anh nhưng có ý nghĩa với mẹ anh. Anh tắm cho mẹ, gội đầu cho mẹ, bế cơ thể nhỏ bé của bà lên nhà trên, xuống nhà dưới. Anh nấu cơm cho mẹ, làm đủ thứ việc trong nhà, kể cả việc nặng nhọc và vặt vãnh. Nhưng ôi chao là nhớ. Cơ thể đẹp như tạc của gã đàn ông vô tâm đó. Mùi mồ hôi khó quên đó. Anh chống chọi rồi buông xuôi đầu hàng.

Trên những con đường mà đoàn lô tô đi qua, Tân đang làm gì? Chắc chắn hắn không nhớ anh. Hắn không có thời gian để nhớ ai cả. Bên hắn luôn có người sẵn sàng yêu và dâng hiến. Đêm nào với Tân cũng là đêm hội. Tân không có thời gian để buồn hay hối tiếc. Hơn nữa, hắn không biết hối tiếc.

Không còn con dê nào trong chuồng nên anh đã mua lại một cặp dê, sửa sang lại chuồng. Với một sự ảo tưởng mơ hồ, anh tưởng tượng về bầy dê sẽ có trong tương lai. Anh sẽ đi chăn chúng- một tài sản lớn. Anh muốn tìm lại cảm giác anh đã từng có. Không hẳn là hạnh phúc mà là quen thuộc.

Những ngày bên mẹ là những ngày ý nghĩa, làm tròn đạo hiếu nhưng cũng đầy buồn chán. Người chị gái ích kỉ, yên bề với chồng con, không còn muốn qua thăm mẹ. Cả gia đình người chị trốn tránh mẹ như sợ phải liên lụy, sợ phải chăm sóc. Anh và mẹ lủi thủi cùng nhau. Những đồng mót còn sót lại của những năm tháng anh theo đoàn lô tô, rồi anh làm thuê làm mướn, ai kêu gì cũng làm, hai mẹ con anh rau cháo có nhau. Nhưng như một con nghiện ái tình, nỗi nhớ lại đến vò nát trái tim anh. Tân, lúc nào cũng là hình ảnh ấy.

Tân xuất hiện trước mặt anh như một cơn mưa mùa hạn. Vắt trên vai cái túi da lộn, Tân đẹp một cách hoang dã. Chào mẹ rồi, Tân cứ tự nhiên ở nhà anh như thể đó là nhà mình.

Lúc này, anh mới thấy sự thiện lương trong con người của Tân. Coi mẹ anh như mẹ mình, Tân chăm sóc bà còn khéo hơn cả anh. Nhìn cách Tân chăm sóc mẹ, anh còn thấy xấu hổ cho chính mình. Tính ra anh còn vô tâm hơn Tân.

Mẹ anh cũng vui khi Tân đến. Bà nhoẻn cười trong bóng tối, gương mặt rạng rỡ.

Những đêm có Tân là những đêm vui bất tận. Khi mẹ già đã ngủ, anh và Tân như hai con cú đêm, lẻn ra khỏi nhà, chạy long rong trên những con đường đêm lộng gió. Trên một con đường hẹp, hẹp tới nỗi chỉ đủ một chiếc xe máy chạy một chiều, cát lún dưới chân, hai bên chi chít xương rồng, anh và Tân đã nằm đó, vồ vập nhau trong thương nhớ. Gai xương rồng đâm tua tủa vào người cả hai. Họ cười trong kích thích và điên dại.

Những đêm trăng trên đồi cát, một vùng tĩnh mịch, chỉ có gió xạc xào, hai người đàn ông nắm tay nhau, cát dưới chân, trên đầu là ánh trăng, mây trắng, sao trời. Họ làm tình trên cát, lăn lộn, cấu xé nhau trong cát. Bầy dông đi ăn đêm cũng bị họ làm giật mình, hoảng hốt chui lại vào hang. Trăng, cát chảy trên hai cơ thể tràn đầy của họ.

Nhiều lần cùng nhau nằm trên cát hay đi bên Tân, anh đã ước giá như thời gian này là bất tận.

Nhưng không có gì bất tận trong cuộc đời này, nhất là với một người không chung thủy như Tân. Tân thích làm tình, thích đổi khẩu vị, đến và đi. Tân không có nghĩa vụ phải gắn kết lâu dài với ai. Hơn nữa còn nhiều người đang chờ Tân, ở đâu đó, lúc nào cũng có người chờ.

Những cuộc cãi vã càng ngày càng lớn, làm tình nhiều hơn, rồi cãi vã cũng nhiều hơn. Anh bất lực nhìn tình yêu trêu đùa với mình. Nhiều đêm anh khóc, cố không để mẹ già nghe thấy.

Mẹ anh mất vào một ngày mùa đông. Trước ngày hôm đó, trong lúc tắm cho mẹ, bà sờ vào gương mặt anh. “Nếu mẹ đi, con đừng buồn nhé”- mẹ móm mém bảo. “Mẹ không thể nào đi được, mẹ phải sống cùng con nhiều năm nữa”- anh bảo. Mẹ lại sờ vào gương mặt anh, đôi mắt, sóng mũi, bờ môi, cằm…thở dài và nhoẻn cười.

Tân mất hút suốt một tuần khiến anh buồn đến mức bỏ ăn. Lồng lộn đi tìm Tân, vội vàng về chăm mẹ, anh như bị căng ra giữa hai thái cực, muốn chết vì tình yêu nhưng cũng muốn làm tròn đạo hiếu. Tân đã đi xa chưa hay vẫn còn ở trong làng? Anh phát điên lên vì nhớ.

Mẹ mất khi anh tim anh đã chai sạn với thứ tình yêu độc hại ấy. Chu toàn lo đám tang mẹ, mời thầy cúng, đốt quần áo của mẹ…anh làm mọi nghi thức với một sự bình tĩnh lạ lùng. Anh nhìn hòn đá trên mộ mẹ, xếp hàng một dãy dài với những hòn đá khác, cảm nhận sự vô nghĩa của kiếp người. Ráng chiều đã tắt những sợi nắng cuối cùng, anh vẫn quỳ trước mộ.

Thời gian sau ngày mẹ mất là thời gian cô đơn vô cùng tận của anh. Không ngủ suốt một tháng trời, hai mắt anh thâm quầng và trắng dã. Anh thấy mình là một đứa con bất hiếu. Sao mẹ lại đẻ ra anh? Một người đàn bà Chăm hiền lành sao lại đẻ ra thứ quái thai giới tính là anh? Trong nỗi đau khổ, dằn vặt vì bất hiếu, anh lại mặc váy, đi lang thang khắp nhà như một bóng ma điên loạn. Rồi anh khóc như mưa gió, trong ngôi nhà đâu đâu cũng thấy hình bóng người mẹ mù của anh.

Đêm trăng đầu tiên không còn mẹ, anh trang điểm, mặc váy, đi bộ một quãng đường dài ra trước mộ bà. Trong đêm trăng hoang lạnh, anh ngồi trước mộ mẹ, xung quanh anh những hòn đá mộ thì thầm. “Về đi con”- anh nghe như giọng mẹ nói. Anh không còn khóc nức nở. Những dòng nước mắt anh chỉ lặng lẽ chảy. Anh không chỉ khóc cho mẹ mà khóc cả cho mình.

Con chó nhà anh cũng đi theo anh trong những đêm trăng lạnh. Một người, một chó và những linh hồn ẩn nấp. Ban đầu con chó sủa như điên khi nhìn thấy những bóng hình mờ ảo. Sau nó cũng chẳng buồn sủa, chỉ nằm trước mộ cùng anh.

Xung quanh là trăng và nỗi buồn.

Bỗng nhiên một ngày thức giấc, nhìn ánh nắng mai rọi qua ô cửa, anh cảm thấy mình phải sống đàng hoàng để linh hồn mẹ được vui. Anh trở lại là một người bình thường, đi chăn dê, làm mướn…Anh đang sống một cuộc đời không trăng sao, miễn nó không điên dại.

Tân xuất hiện khi cuộc sống của anh đã là một hồ nước phẳng lặng. Đúng là loài quỷ dữ, Tân vẫn đẹp hoang dại như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Nhưng mọi chuyện đã khác, anh không còn là anh ngày trước.

Từ lúc là một hạt bụi được cơn gió vũ trụ thổi đến cuộc đời vui buồn lẫn lộn này, làm bao nhiêu người lên bờ xuống ruộng, chết đi sống lại vì mình, hôm nay Tân mới biết thế nào là nỗi cay đắng trong tình yêu. Tân đứng trước mặt anh, cười khiêu khích. Người vợ Chăm của anh bồng đứa con trai trên tay từ nhà bếp bước ra đã khiến Tân rơi xuống vực thẳm.

Mãi mãi sau này anh không thể quên cái nhìn đó. Ánh mắt ngỡ ngàng, sốc nặng, đắng cay và thất vọng, Tân nhìn anh như một người bị rơi xuống vực sâu nhìn kẻ đạp mình xuống. Trên và dưới bụng anh, tim anh…thốc lên một nỗi xót xa. Tân là nạn nhân, anh là thủ phạm. Anh cụp mắt xuống.

Tân bỏ đi ngay khi chuyến tàu trưa chạy qua nhà anh, kéo tu tu hồi còi ầm ĩ. Anh đuổi theo Tân. Thần giao cách cảm, anh biết Tân sẽ chạy con đường nào. Họ chui vô rừng, họ chạy lên núi, băng qua đồi hoa Taligau, chạy qua con đường chi chít gai xương rồng, rồi thở hổn hển trên đồi cát. Cát bỏng bàn chân nhưng họ không quan tâm tới điều đó nữa. Đang trưa nắng, chẳng có một bóng người trên đồi cát. Họ lại lao vào nhau, cắn rách quần áo và cấu xé nhau. Lần đầu tiên Tân khóc trong uất hận và anh hôn những giọt nước mắt.

Một chuyến tàu nữa sắp chạy qua làng. Đã ở nhà anh một tháng trời, Tân biết giờ tàu chạy. Khi tiếng còi tàu vừa kéo trong linh cảm, Tân trần truồng chạy qua đồi cát, cười điên dại, giơ tay đứng giữa đoàn tàu.

Kiểu chết như vậy là kiểu chết của một người điên, nhất là khi người ta không mặc quần áo. Công an xác nhận người chết là một người điên, hơn nữa là một người vô gia cư. Vũ trụ đưa Tân đến trái đất nhưng chẳng giữ cho Tân giấy tờ gì. Hắn ta chỉ đẹp, gien của cha hay của mẹ, và cứ thế mà sống, không giấy tờ.

Giá như cuộc đời nó chỉ có vậy thì hay biết mấy. Nhưng anh lại là người ở lại. Trái tim, trên và dưới bụng anh lại là Tân nắm giữ. Vì vong linh mẹ, anh đã sống cuộc đời còn lại bình thường nhưng anh không thể bình thường. Những đêm trăng, anh đi săn dông, nhìn chúng làm tình, anh hú lên rồi khóc. Tuyệt vọng với thế giới không còn mẹ và cũng không còn Tân, anh biết mình không làm điều ngu ngốc nhưng sống như anh cũng như đã chết rồi. Cái còn lại của anh là xác. Hồn đã lưu lạc qua thế giới kia, theo tiếng còi tàu.

Anh sẽ sống như vậy suốt cuộc đời còn lại, cho tới khi, trong vạn điều bất ngờ của cuộc sống, vợ anh tìm thấy cái hộp gỗ nhỏ của mẹ anh. Lúc đốt đồ cho mẹ, mọi người đã đốt sót.

Buổi trưa tĩnh lặng, một mình giữa hư vô, anh mở hộp gỗ. Những chiếc kẹp tóc Tân làm tóc cho anh, khi anh trang điểm làm con gái lúc mẹ anh đã ngủ, được mẹ anh giữ cẩn thận trong hộp. Mẹ anh mù, bà không thấy gì. Nhưng không, bà đã biết.

Bà đã im lặng để anh có được hạnh phúc dù đó là hạnh phúc ngắn ngủi, vay mượn, chập chờn và xa rời đạo lý ở xứ này. Trái tim người mẹ làm anh xót xa.

Sau này anh luôn nghe thấy ai đó gọi anh, khi anh đi chăn dê, đi săn dông, trên cánh đồng khô, trên đồi cát, khi làm gốm, đi đốt rơm, đi lấy đất, khi đêm xuống, khi trăng lên… Tiếng gọi ấy cứ dắt anh chạy ngược về thời gian, vượt qua chuyến tàu, chạy đến bên Tân vào phút giây sinh tử. Tiếng còi tàu cất lên trong linh cảm cũng là lúc anh đẩy Tân ra khỏi đường ray định mệnh.

Trong cơn mơ hàng đêm, anh luôn thấy Tân đánh thức anh. Anh và Tân rón rén như những ngày còn mẹ. Cả hai bước ra thềm, khép nhẹ cánh cửa, đuổi nhau trên con đường đầy trăng. Khi thì anh và Tân đứng trên một vùng sa mạc. Bầy dông chạo rạo đi kiếm ăn.

Hai người mộng du lang thang cùng nhau trong một vùng ảo mộng. Ngược chiều gió thổi, cả hai rượt đuổi nhau trong tiếng cười. Họ chạy mãi cho đến khi cả hai biến thành hai hạt cát, ngọn gió vũ trụ thổi bay trong đám hỗn mang.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Khánh Liên

Nguồn Văn nghệ số 41/2023


Có thể bạn quan tâm