April 29, 2024, 1:19 pm

Vườn xuân, vườn nghệ thuật

Mùa xuân là khu vườn nghệ thuật. Mùa xuân mang biết bao nguồn cảm hứng sáng tạo tới các nghệ sĩ, dù cho là ở địa hạt thi ca, văn xuôi, hội họa hay âm nhạc. Đặc biệt ở hội họa, mùa xuân được biểu kiến thông qua màu sắc và các biểu tượng đặc trưng.

Đầu tiên có lẽ chẳng thể nào không nhắc tới Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), một trong bộ tứ đại thụ trứ danh của hội họa Việt tân thời (“Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Tuyệt tác sơn mài gồm chín tấm được họa sĩ thai nghén ý tưởng và phác thảo từ năm 1969. Đây đồng thời là bức tranh cuối cùng của bậc thầy sơn mài Việt Nam và khiến ông mất đến hai mươi năm để hoàn thành, vượt qua những vất vả khó khăn, kỳ khu trắc trở của ngoại cảnh thời đại lẫn hoàn cảnh cá nhân.

Tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí

Vườn xuân Trung Nam Bắc được Nguyễn Gia Trí trình hiện theo phong cách sơn mài cổ điển đồng nhất (laque unie), như một tổng phổ của bản hoan ca mùa xuân, với những hình tượng phụ nữ tươi trẻ trong trang phục truyền thống đại diện cho ba miền đất nước đang hòa vào một bầu sinh quyển ngập tràn niềm vui phấn khởi, tô điểm thêm bởi thiên nhiên thực vật xen kẽ. Bố cục của bức tranh cũng cân đối hài hòa, với thấp thoáng những điểm nhấn mang kiến trúc tín ngưỡng tâm linh điển hình. Dọc theo hai đường viền bên trái và phải là hai câu thơ chữ Hán của Đào Duy Từ đầy ưu nhã: Hương hoa phức uất phong tiền chuyển/ Nguyệt ảnh đăng huy thủy thượng phù (Bóng trăng như đèn tỏa sáng trên mặt nước/ Hương hoa thoang thoảng bay theo gió đưa). Bởi vậy, bức tranh vượt lên ngôn ngữ hội họa thuần túy thị giác, lay động rung cảm người xem bởi cảm hứng thi vị văn chương lẫn ám gợi thính giác đến từ những chuyển động mang tính vũ điệu mời gọi.

Câu chuyện về thân phận bức tranh cũng là minh chứng cho giá trị vượt thời gian và phi thời gian của một tác phẩm nghệ thuật. Vào năm 1996, UBND TP.HCM đã trích ngân sách 600 triệu đồng để mua tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc và chuyển giao cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trưng bày và bảo quản. Đó là một quyết định gây nhiều tranh cãi trong dư luận bởi đây là một số tiền rất lớn, tương đương khoảng 100 nghìn đô la ở thời điểm bấy giờ, trong khi người ta có thể dễ dàng quy đổi con số này ra rất nhiều việc khác mang tính thực tiễn/ thực dụng hơn. Song, đâu phải ai cũng biết rằng, một di sản văn hóa đâu chỉ có riêng mỗi giá trị sử dụng, mà tích lũy trong nó cả giá trị phi sử dụng mới là lớn lao nhất - giá trị tồn tại, giá trị lưu truyền, giá trị lịch sử, giá trị tinh thần, giá trị bản sắc, giá trị thẩm mỹ... Ngày nay, giá trị của kiệt tác này là không thể đong đếm, khi được xếp hạng là 1 trong 7 bảo vật quốc gia vào năm 2013, còn nếu căn cứ theo giá thị trường, thì gần đây bức bình phong sơn mài Làng quê giữa rặng chuối cũng của Nguyễn Gia Trí đã được bán với giá 1,08 triệu USD (25,5 tỷ đồng) tại Drouot Estimations.

Cùng dựa trên chất liệu sơn mài, nhưng Giao thừa bên hồ Gươm (1957) của Nguyễn Tư Nghiêm (1918 - 2016) đưa người thưởng ngoạn tới một không gian cụ thể và bầu không khí gần gũi hơn nhiều. Rõ ràng là một khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, với người người nô nức trên đường, phía xa là mặt hồ Gươm lung linh và tháp Rùa ngự ở vị trí trung tâm. Cách họa sĩ xử lý mảng màu và hiệu ứng ánh sáng rất điêu luyện, tạo cho bức tranh một cảm giác ấm cúng. Nhưng sự ấm cúng còn đến từ nội tâm, từ sự thân thuộc trong mỗi chúng ta, bởi giao thừa hay Tết luôn là một cảm giác hay ký ức về sự sum vầy. Trong tổng thể bức tranh không hề có một hình tượng nào cô đơn. Đón giao thừa (1958) của Lê Quốc Lộc (1918 - 1987), mang âm hưởng tương tự, cũng là một tác phẩm điển hình cho phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn này.

Tranh Ba cô gái của Lương Xuân Nhị

Dường như đã là một quy luật phổ quát có thể bắt gặp ở trong cả đời sống tín ngưỡng và nghệ thuật phương Tây lẫn phương Đông, rằng ý niệm về mùa xuân luôn được gắn liền với những phụ nữ trong độ tuổi đẹp nhất. Từ thời cổ đại, Persephone vừa là nữ thần mùa xuân vừa là bà hoàng âm phủ trong thần thoại Hy Lạp, còn Flora là nữ thần hoa, tuổi trẻ và sự sinh sản của người La Mã - biểu tượng cho thiên nhiên và các loài hoa, do đó hiển nhiên là hiện thân của mùa xuân, trong khi người Tây German có nữ thần mùa xuân - ostre. Sang phương Đông, Konohanasakuya-hime (Mộc Hoa Khai Da Cơ) là nữ thần hiệu triệu hoa anh đào và do đó là mùa xuân ở Nhật Bản, còn Saraswati là nữ thần của trí tuệ, âm nhạc và mùa xuân. Cho tới thời trung đại và hiện đại, người thiếu nữ xuân thì luôn là một hình tượng bất hủ để ẩn dụ về mùa xuân.

Các họa sĩ Việt cũng ưa chọn hình tượng phụ nữ để minh họa hoặc khơi gợi mùa xuân. Họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2016), vốn nổi tiếng với những bức họa chân dung phái đẹp, có ba bức tranh lụa Ba cô gái, Chợ hoa đàoThiếu nữ đi chơi chợ hoa khắc họa những thiếu nữ Hà thành ngày Tết trong trang phục áo dài truyền thống thướt tha, dáng điệu thanh tú, cử chi e ấp và dung nhan thùy mị. Cả ba tác phẩm kể trên, cùng với Đi chợ Tết (1940) của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914 - 1976), ngoài nhân vật chủ đạo là những thiếu nữ mang vẻ đẹp đài các, tinh tế, còn có một điểm chung đó là cùng trình hiện một không gian điển hình ngày Tết - chợ, cụ thể hơn, chợ Tết. Chợ đã trở thành một khía cạnh thường hằng trong đời sống người Việt; còn chợ Tết, vượt ra khỏi khuôn khổ là nơi trao đổi giao lưu buôn bán đơn thuần, mang một hằng số tâm linh thiêng liêng và đặc trưng đa sắc, đa thanh, nơi người mua và bán trao nhau niềm vui hạnh ngộ, sự ấm áp, chân thành. Ngoài khoái cảm về thẩm mỹ, điều các tác phẩm mang lại là một tiệm cận thế giới sinh động nhất có thể thông qua tái hiện các hoạt cảnh quen thuộc sống động bằng ngôn ngữ hội họa.

Xuân ở Việt Nam gắn với Tết, tức lễ hội “ánh dương nguyên thủy” và “bình minh hé rạng” đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp giữa hai mùa đông - xuân. Tranh về mùa xuân của các họa sĩ Việt, do đó, cũng đặc tả những nét văn hóa Tết cổ truyền, như hội hè lễ tết, hoạt cảnh sinh hoạt hay những vật phẩm đặc trưng chuẩn bị cho ngày Tết sum vầy, với khát vọng năm mới sung túc, ấm no. Ẩn sau cũng là cả một hệ thống biểu tượng tinh tế, đến từ màu sắc (bánh chưng xanh, câu đối đỏ), con số (mâm ngũ quả, sự tích Táo quân hai ông một bà), rồi hình dạng (bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh giầy tương ứng cho vòm trời)… Bên cạnh đó, tranh Tết ở Việt Nam trở thành một dòng tranh riêng đáp ứng cho một thú chơi quan trọng hàng đầu của người Việt, như câu nói “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, từ tranh dân gian (tranh Đông Hồ, Hàng Trống) với các motif biểu tượng truyền thống, loại hình tích hợp chữ và tranh - tranh thư pháp, cho tới tranh vẽ các con giáp (Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Phạm Viết Hồng Lam, Lê Trí Dũng, Tào Linh…) mang đậm chất đương đại.

Mùa xuân trong hội họa, qua những tác phẩm của các họa sĩ Việt, đã trở thành kinh điển, bởi ngoài hướng đến giá trị thẩm mỹ trác tuyệt của nghệ thuật, còn bảo lưu và khuếch xạ truyền thống văn hóa muôn đời của dân tộc..

Phạm Minh Quân

Nguồn Văn nghệ số 10/2024


Có thể bạn quan tâm