May 14, 2024, 1:09 am

Vươn lên thoát nghèo nhờ “bà đỡ” mát tay

THÔNG TIN – TUYÊN TRUYỀN

 

 

Chúng tôi lên huyện vùng cao Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình khi cơn bão số 6 (Hato) vừa đổ bộ vào đất liền, gây những trận mưa lớn như trút xuống các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Chiếc xe chở chúng tôi bò chậm chạp trên những cung đường ngoằn ngoèo, trơn trượt và đầy ổ... voi, dẫn lên thị trấn Đà Bắc, thủ phủ của huyện Đà Bắc.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ bò trên quãng đường khoảng 15km, chiếc xe đã đưa chúng tôi đến thị trấn Đà Bắc. Nguyễn Bình Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc (NHCSXH), là người lái xe kiêm “hướng dẫn viên”. Khi cho xe dừng ở trung tâm huyện, Nam mới nở được nụ cười và nói: “Đến nơi rồi anh à”! Thú thực, lúc xe di chuyển trên đường, tôi cũng không dám hỏi chuyện Nam nhiều, vì đường thì trơn trượt, lại khó đi, một bên là núi, bên kia là suối sâu… Có lúc Nam bảo: “Không còn chỗ để đặt bánh xe rồi anh ơi!!!”. Vì vậy, chúng tôi ngồi yên để Nam tập trung điều khiển xe. Giờ mới thở phào nhẹ nhõm.

Đàn trâu nhà chị Bùi Thị Hằng có được nhờ vốn Ngân hàng CSXH

Đà Bắc là huyện thuộc khu vực vùng cao của tỉnh Hòa Bình. Diện tích tự nhiên khoảng 77.796 ha, dân số trên 53.000 người, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Tày, Mường, Dao... Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhỏ lẻ, lâm nghiệp ít phát triển do là vùng đầu nguồn lòng hồ thủy điện Hòa Bình, công nghiệp thì chưa phát triển. Vì vậy Đà Bắc là huyện có thể gọi là rất khó khăn và nghèo nhất của tỉnh Hòa Bình, với tỷ lệ hộ nghèo tính tới thời điểm hiện tại có 6.505 hộ, chiếm tỷ lệ 46,97% toàn huyện.

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến chính sách xóa đói giảm nghèo. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, trong 5 năm qua, chúng ta đã tạo ra thành quả rất to lớn trên lĩnh vực giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 (theo chuẩn nghèo 2011-2015).

Xã Tu Lý, huyện Đà Bắc có thể nói là đang dẫn đầu toàn huyện về kết quả thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí về nông thôn mới. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, đã đạt được 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Song, mặc dù vậy, như lời đồng chí Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch UBND xã Tu Lý tâm sự: Toàn xã vẫn còn khoảng 21% hộ nghèo, so với năm ngoái đã giảm được hơn 17%, nhưng đa số nhân dân, cơ bản vẫn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu thu nhập trông chờ vào trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy mục tiêu phấn đấu tới năm 2018 hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của xã còn gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Vướng mắc lớn nhất đó là: Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% và nâng thu nhập cho nhân dân đạt bình quân 29 triệu đồng/người/năm hoàn toàn không hề dễ. Song, với tinh thần quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, phong trào “Đà Bắc chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được phát động rộng khắp trong toàn huyện, nhằm đưa Tu Lý trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện vào năm 2018.

Chị Xa Thị Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tu Lý là người được UBND xã cử dẫn chúng tôi xuống các xóm. Để tận mắt chứng kiến quá trình thoát nghèo vươn lên của bà con. Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Bùi Thị Hằng (dân tộc Dao), 56 tuổi, ở xóm Mạ, xã Tu Lý. Vợ chồng xây dựng với nhau được 30 năm. Chồng chị là Dương Kim Quý, làm ở Ban chỉ huy quân sự huyện Đà Bắc đã phục viên, giờ đang bệnh tật hành hạ. Chị kể: “Lúc đầu xây dựng gia đình, hai vợ chồng chỉ có 2 bàn tay trắng. Những ngày đầu lập nghiệp, NHCSXH huyện cho vay 3 triệu đồng. Vợ chồng mua được 2.000m2 đất vườn tạp và mua thêm ít ruộng. Sau đó, vợ chồng chị vay thêm Ngân hàng chính sách 10 triệu đồng nữa, mua được cặp trâu mẹ con. Nhờ may mắn, vả lại cũng mát tay, con trâu mẹ mắn đẻ, cứ khoảng hơn một năm đẻ một con, nên tới nay, bán được một cặp trâu, xây xong cái nhà mà vẫn còn giữ được một cặp trâu mẹ con, và còn cũng đang sắp đẻ”. Tôi hỏi: “Vậy với số tiền đó, chị có nghĩ là trả được nợ ngân hàng không?”. Chị nói: “Lúc đầu vợ chồng tôi rất lo, ở nông thôn chưa bao giờ nghĩ tới món tiền to như thế. Nếu nuôi lợn thì không đáng bao nhiêu vốn. Hai vợ chồng bàn nhau vay xong lại lo trả lãi ra làm sao, làm ăn thế nào có hiệu quả để trả ngân hàng không? Vả lại, giờ trâu đang xuống giá. Một cặp trâu đẹp, cả mẹ lẫn con, con bé khoảng 1 tuổi, con mẹ thì đang có chửa mà thương lái chỉ trả 36 triệu đồng. Trước đây cặp như vậy 7-8 chục triệu không có mà mua. Gia đình đang rất cần vốn để mở rộng sản xuất. Vợ chồng đang tính mở rộng rừng keo tai tượng. Ngày đó, 10 triệu là số tiền lớn, giờ đây không giải quyết được vấn đề gì. Chúng tôi muốn vay thêm khoảng 4-5 chục triệu nữa mà không biết phải vay ở đâu?...” Lập tức, với sự quyết đoán của một lãnh đạo trẻ và uy tín ở huyện, Nguyễn Bình Nam, Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc, người dẫn tôi trong chuyến đi này lên tiếng: “Nhìn cơ ngơi của chị, em biết chị sử dụng vốn của ngân hàng rất đúng mục đích. Vậy sang đầu tuần tới, chị đến NHCSXH huyện gặp em, em sẽ giải quyết và hướng dẫn thủ tục vay thêm”. Quả gặp được một “bà đỡ” mát tay, chị Hằng vui sướng đến nghẹn ngào “Vợ chồng chị không biết phải nói sao đây, nếu không gặp các em hôm nay, thì vợ chồng chị đã định chiều nay… bán cặp trâu này đi để lấy vốn trồng rừng rồi. Chị luôn tâm niệm “Đảng viên không được phép nghèo, hai vợ chồng đều là đảng viên, mà nghèo thì ăn nói sao với bà con? Gia đình mình phải gương mẫu, vượt khó, tiên phong làm giàu để bà con nhìn vào mà theo chứ!”. Tạm biệt gia đình chị Hằng, với cái bắt tay thật chặt, chân tình, chị nói “Cám ơn các chú nhiều, nhất định tuần tới tôi sẽ lên huyện để vay thêm tiền để mở mang sản xuất”.

Anh Triệu Văn Đông đang chăm đàn bò có được từ vốn Ngân hàng CSXH

Chúng tôi sang nhà anh Triệu Văn Đông, cũng là một gia đình người Dao, nhờ NHCSXH huyện Đà Bắc cho vay vốn đã thoát nghèo. Đến một ngôi nhà mái bằng khang trang đang xây dở, anh Nam chỉ vào một người đàn ông trung tuổi đứng chỉ đạo thợ thuyền trộn xi măng, vận chuyển gạch và nói: “Chủ nhà đó anh!”. Cũng như gia đình chị Hằng, gia đình anh Đông trước đây cũng được NHCSXH huyện Đà Bắc cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo. Hiện gia đình anh Đông cũng đã có chuồng bò với 4-5 con bò đang độ lớn. Ngoài ra, gia đình còn có 2 ha trồng cây bơ sắp tới kỳ thu hoạch. Ước tính sẽ thu hơn trăm triệu đồng. Anh phấn chấn tâm sự: “Tất cả là nhờ vốn của NHCSXH cả đó các anh à!”.

Với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận và cho vay theo chỉ định của Chính phủ, NHCSXH huyện Đà Bắc luôn đồng hành với các gia đình chính sách và các hộ nghèo, giúp cho người dân vay vốn, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thời gian đầu, với số vốn trên 10 tỷ đồng nhận bàn giao từ Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và Kho bạc, với 2 chương trình cho vay, đến nay, số dư nợ đã đạt con số khoảng 290 tỷ đồng với 15 chương trình cho vay. Chỉ có 9 biên chế, song để tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi, NHCSXH huyện đã thành lập 20 điểm giao dịch tại 20 xã và thị trấn của huyện, có lịch hoạt động vào một ngày cố định trong tháng, kể cả thứ bẩy, chủ nhật, để giúp bà con thuận tiện, không phải đi xa mà vẫn vay được vốn. Nhằm đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới tươi đẹp, qua 15 năm hoạt động và phát triển, NHCSXH huyện Đà Bắc đã giúp đỡ, cho vay vốn ưu đãi được 35.830 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, và có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Mặc dù công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của Đà Bắc trước mắt còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, song, với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã, cùng với sự đồng hành, luôn như một “bà đỡ” mát tay của NHCSXH huyện, hy vọng xã Tu Lý, huyện Đà Bắc sẽ về đích hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 và xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, đúng với mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện. Trước mắt, con đường huyết mạch từ thành phố Hòa Bình vào tới trung tâm huyện khoảng 15 km đang thi công vài năm nay phải hoàn thành sớm để việc giao thương, buôn bán của bà con được thuận lợi, giúp cho kinh tế phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định rõ: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số; Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”...

Với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, dành 80% ngân sách trong tổng kinh phí hơn 41 nghìn tỷ đồng dành cho vùng “lõi” nghèo với mục tiêu kiên quyết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đang được triển khai, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng những hiệu quả tích cực về phong trào xóa đói giảm nghèo của cả nước nói chung, cũng như huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nói riêng sẽ sớm trở thành hiện thực. 


Có thể bạn quan tâm