April 29, 2024, 9:10 am

Vùng không gian văn hóa Nam Mĩ mênh mông

 

Nằm trong nhóm những tác phẩm cố nhà văn Luis Sepúlveda viết cho thiếu nhi, Chuyện con chó tên là Trung thành bên cạnh thế giới loài vật được nhân hóa, tác giả Luis Sepúlveda đã còn dựng nên một vùng trầm tích không gian văn hóa miền Nam Mĩ mênh mông, hùng vĩ với những người da đỏ trọng tình, trọng nghĩa đã gửi gắm lời răn, lời gọi vào hệ thống ngôn ngữ cổ của họ.

Được chính nhà văn Luis Sepúlveda ví như “một món nợ cũ”, Chuyện con chó tên là Trung thành lấy bối cảnh một chú chó theo đoàn người da trắng săn đuổi một thổ dân da đỏ mà mở ra những kí ức về hương, về đất, về bầu trời, về con người đã sống trên mảnh đất Nam Mĩ hàng nghìn năm. Và cả hiện thực, sự xâm lấn của nền văn hóa phương Tây với văn hóa bản địa, từ đó, Luis Sepúlveda khẳng định những giá trị chân văn hóa luôn bất diệt, bất kể trước súng đạn, hung bạo hay cường quyền.

Nhà văn Luis Sepúlveda.

Câu chuyện được kể từ điểm nhìn một chú chó

Trước hết, cần khẳng định một điều rằng, sự nhân hóa và đặt điểm nhìn trần thuật vào thế giới những loài động vật là đặc trưng hết sức cơ bản đã trở đi trở lại trong sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi của tác giả Luis Sepúlveda. Như những chú mèo đã hợp sức lại dạy chú hải âu nhỏ cách bay trên bầu trời để hoàn thành lời hứa với người mẹ hải âu xấu số. Hay một con mèo già, đánh bạn với một con chuột. Hoặc một chú ốc sên không tên, lên đường tìm kiếm lí do tại sao nó lại chậm chạp.

Nhưng tiểu thuyết Chuyện con chó có tên Trung thành lại có những khía cạnh riêng, khác biệt với những tác phẩm trước đó Luis Sepúlveda viết lên. Ấy là khi, ông để cho chính nhân vật trung tâm, chú chó trên trang văn tên Afmau, tức Trung thành xưng tôi và toàn bộ câu chuyện được kể từ chính ánh nhìn, sự cảm nhận mùi hương, con người của chú chó ấy. Một câu chuyện có chiều rộng về mặt không gian, chiều dài về mặt thời gian, chiều sâu về mặt tinh thần, văn hóa.

Ở đó, trong cuộc săn đuổi của một nhóm người da trắng với một thổ dân da đỏ, không gian mỗi lúc một mở rộng về phía rừng già Nam Mĩ với bầu trời đêm thăm thẳm, cơn mưa rừng, vạt tre, con suối, dãy núi... Tất thảy, bao lấy chủ thể tự sự, bao lấy con người lẩn trốn trong cánh rừng lẫn những kẻ ngoại lai, từng bước từng bước, tiến sâu vào cánh rừng. Đấy là hiện thực. Và song hành cùng hiện thực ấy, dòng chảy thời gian quá khứ dần hiện lên qua hồi ức Afmau khi chú chó, trở lại mảnh đất của người Mapuche, những con người của đất. Nơi từng cưu mang Afmau vào một ngày đông tuyết phủ, nơi đã dưỡng thành, đặt cho chú cái tên Afmau, và là nơi, chú chó ấy có những người thân, những người bạn.

Afmau, qua từng dòng văn của Luis Sepúlveda, không đơn thuần chỉ là một sinh vật được nhân hóa mà chú chó đó, như đã thực sự trở thành một cá nhân, một cá tính thấm đẫm tình cảm, suy tưởng con người cùng một nền văn hóa xưa cổ lấy đất mẹ làm trung tâm. Afmau, hiện thân cho sự trung thành, đúng với bản chất vẫn đi liền với loài chó. Nhưng Afmau, với nghĩa Trung thành, cũng là một tên riêng chuyên chở trầm tích văn hóa đại ngàn Nam Mĩ và là hiện thân, của sự va đập, xâm lấn, xung đột văn hóa giữa một bên là người bản địa, với một bên là những kẻ ngoại lai đặt chân đến mảnh đất thiêng người ta truyền đời gìn giữ, tôn thờ.

Cho nên, để một chú chó xưng tôi, kể lại câu chuyện nặng cả về mặt tình cảm lẫn khía cạnh văn hóa, vừa là cách đưa câu chuyện vốn đong đầy kiến thức, cả nỗi đau bi kịch đến gần hơn với người đọc; vừa là cách tiếp cận đầy trân quý, tác giả Luis Sepúlveda đến chính “thiên hướng viết lách của bản thân.” Một nhà văn người Chi Lê, ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa bản địa, đã dành trọn cuộc đời cho quê hương ông.

Trầm tích văn hóa bản địa

Bìa tác phẩm.

“Từ trước tới nay, tôi vẫn luôn khẳng định rằng thiên hướng viết lách của bản thân phần lớn xuất phát từ việc tôi từng được ông bà mình kể cho nghe những truyện cổ ở một vùng xa xôi nơi miền Nam Chi Lê, vùng mà người ta gọi là Araucania hay Wallmapu…” Nhưng có lẽ, phải tới tiểu thuyết Chuyện con chó có tên Trung thành, “Araucania, vùng Wallmapu, ở xứ sở những con người của đất” ấy mới thật sự hiện hình rõ nét trên trang văn của tác giả Luis Sepúlveda. Trong lớp trầm tích văn hóa bản địa, dần trở về nơi kí ức chú chó săn Afmau, theo từng bước chân Afmau đi trên mảnh đất linh thiêng đấy, để đuổi theo chính con người, cũng đã trở thành một phần kí ức của chú ta.

Bề dày văn hóa bản địa đó, tái hiện qua dòng hồi tưởng Afmau, được thể hiện bằng điểm nhìn trần thuật cái “tôi” cùng phương thức tự sự đầy độc đáo. Quả tình, hiếm có tác phẩm nào mà đan xen tự nhiên với lời văn, ngôn ngữ thông thường là những từ ngữ, thuật ngữ, danh từ trong hiện hình hệ thống ngôn ngữ riêng của một cộng đồng riêng biệt như vậy. “Tiếng ộp oạp của llüngki, con ếch núp giữa khe đá ở bờ bên kia leufü, con sông chảy từ trên núi xuống, vọng đến tai tôi như lời cảnh báo.”

Sự quyện hòa tự nhiên trong câu văn, như chính những người Mapuche - con người của đất đã sống hòa mình vào với thiên nhiên vậy. Thiên nhiên, con người nơi đây, như một sự cộng sinh hòa hợp mà đến những loài thú dữ như nawel - con báo đốm, cũng có thể tin tưởng con người. Và thậm chí, ngay chính tên gọi chung của họ - con người của đất, cũng cho thấy sự gắn bó mật thiết cùng lòng thành kính tôn thờ mà những người trong cộng đồng dành cho đất mẹ.

Họ trồng những loài cây riêng để bảo vệ bộ tộc và hệ ngôn ngữ riêng của họ, không chỉ để giao tiếp mà còn chuyển tải nếp sống nề nếp giữa con người với con người, những câu chuyện về tự nhiên cùng sự sống. Họ có nghi thức với những vật dụng riêng dành cho nghi thức đó như chiếc trống kultrun. Họ sống hòa mình vào thiên nhiên đến mức có thể phân biệt các sắc độ khác nhau của màu xanh và những con người ấy yêu mến sinh mệnh, yêu mến cuộc sống xiết bao tới mức, Wenchulaf, người thấu hiểu hết thảy, được ngưỡng vọng, cũng mang ý nghĩa là người hạnh phúc. Họ thuận theo tự nhiên, theo dòng chảy sự sống song đồng thời đề cao sự kiên cường, dám sống, dám chiến đấu giành lấy sự sống đó.

“Con chó nhỏ đã chứng tỏ được lòng trung thành đối với monwen, sự sống, nó đã không nhường bước trước lời mời dễ dãi của lakonn, cái chết, và chính vì thế, nó sẽ được đặt tên là Afmau, nghĩa là trung thành, chung thủy trong ngôn ngữ của bộ tộc chúng ta.”

Nên, tôi - Afmau, chính là kết tinh cho trầm tích văn hóa bản địa, cho lối sống, cho tinh thần sống của Mapuche, con người của đất là vì thế. Chú chó, vẫn luôn ý thức bản thân “chỉ là một con chó” song với người Mapuche, Afmau như đã trở thành một người bạn, người sẻ chia sự sống và là một cá nhân, ngang hàng với họ trong bộ tộc những con người của đất.

Sự xâm lăng văn hóa và chân giá trị văn hóa còn mãi

Tuy nhiên, dù là câu chuyện hư cấu hay nhân hóa theo điểm nhìn trần thuật từ một chú chó đã được những con người của đất cưu mang, nuôi dưỡng thì tới tận cùng, tác giả Luis Sepúlveda cũng không hề né tránh một phần sự thật lịch sử đầy bi kịch đã diễn ra trên mảnh đất này. Khi cuộc xâm lăng văn hóa diễn ra, lũ wingka - những kẻ ngoại lai đặt chân vào cộng đồng những con người của đất - người bản địa.

Nói rằng “xâm lăng”, bởi đây không đơn thuần chỉ là sự xung đột giữa hai cộng đồng người mà đây như đã trở thành cuộc đánh chiếm, thậm chí thanh trừng giữa một bên trang bị “vũ khí chết chóc” với một bên, vẫn luôn chan hòa với thiên nhiên. Và lối dựng truyện, để cuộc đổ bộ bắt đầu cho tấn bi kịch kia cắt ngang nghi lễ của bộ tộc người Mapuche hiện lên qua kí ức chú chó Afmau, cũng là sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của tác giả Luis Sepúlveda.

Rằng Afmau trung thành, chung thủy với sự sống và lần nữa, Afmau như đóng vai trò đôi mắt, trung thành với hiện thực. Thứ hiện thực bi kịch, tan vỡ, đổ máu và chết chóc. Wenchulaf, longko, người hạnh phúc, tộc trưởng, người lãnh đạo và đưa ra lời khuyên ngã xuống. Ngôi làng bị đốt cháy. Con người rời đi còn chú chó Afmau bị bắt giữ. “Tất cả đều đổ rạp.” Tất cả bị phá hủy. Và tất cả, dường như biến mất.

Nhưng, sau tất cả, dẫu bị tận diệt, vẫn có những chân giá trị trường tồn mặc cho, phải gầy dựng lại từ đốm tro tàn. Như Wenchulaf ngã xuống thì tư tưởng của ông, vẫn được người cháu Aukamañ - chú kền kền tự do kế thừa. Như kí ức, Afmau chưa khi nào “đánh mất”, mà hoài ức đó vẫn luôn âm ỉ, đợi chờ một ngày trở lại mảnh đất năm nao của người Mapuche, sẽ dần trở về. Cả như tình bạn giữa Aukamañ với Afmau dù xa cách, vẫn luôn hiện hữu, như chính lòng trung thành của Afmau với sự sống và với con người. Dẫu rằng, phải đánh đổi hay hi sinh.

Dù mang bút pháp đặc trưng của dòng truyện dành cho thiếu nhi thì những bi kịch, những lớp trầm tích xưa cổ, chân giá trị nhân bản trường tồn mãi hiện hữu kể cả trong sự xâm lăng, xung đột của các nền văn hóa đã đưa tiểu thuyết Chuyện con chó có tên Trung thành, trở thành tác phẩm dành cho mọi lứa tuổi. Những ai nặng lòng với văn hóa và với sự sống này.

Đồng thời, cũng là một sáng tác, với vị trí của một tác phẩm viết sau trong nhóm những cuốn sách viết cho thiếu nhi, đã kết tinh đặc trưng phong cách văn chương cùng cái tôi nhà văn Luis Sepúlveda.

MỌT MỌT

Nguồn VNQD


Có thể bạn quan tâm