May 18, 2024, 11:00 am

Về đề xuất của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

 

*Nghệ sĩ nhân dân tham gia giảng dạy bậc đại học ( hoặc đang giảng dậy) nên chăng cần được công nhận tương đương Tiến sĩ là đề xuất của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ngay lập tức, đề xuất này đã tạo nên những ồn ào không chỉ trong giới biểu diễn nghệ thuật mà dư luận xã hội cũng có nhưng ý kiến trái chiều

* Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã có Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18-1-2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; trong đó đã hướng dẫn để nghệ sĩ nhân dân có bằng thạc sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học).

*Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  cũng đang phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng xét trong bối cảnh mới, việc xây dựng nghị định mới cũng đang được đặt ra nhằm tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế.

Khi Tiến sĩ là nghệ sĩ nhân dân

Trước ồn ào của dư luận xã hội và cả những người hiện đang hoạt động trong giới nghệ thuật. Tường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khẳng định, đây không phải đề xuất cho tất cả nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương với tiến sĩ mà chỉ với nghệ sĩ nhân dân có bằng thạc sĩ đang giảng dạy tại trường thì được tính tương đương tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí mở mã ngành. Bởi, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi mở mã ngành mới, cần 5 tiến sĩ tham gia giảng dạy để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, do đào tạo nghệ thuật - nhất là nghệ thuật truyền thống mang tính chuyên sâu và đặc thù - rất khó để đáp ứng có 5 tiến sĩ trong một ngành tại nhà trường. Đây chính là lý do Trường đề xuất chính sách đặc thù này để đảm bảo công tác giảng dạy cũng như việc đãi ngộ cho giảng viên một cách thỏa đáng.

Xét ở góc độ giảng dạy, trong một chừng cụ thể đề xuất hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi nếu không có những đãi ngộ thỏa đáng rất khó giữ chân được đội ngũ giáo viên giảng dạy, chưa kể ở những lĩnh vực đặc thù. Nhưng khi xét trên bình diện chung việc có những chính sách đặc thù ở những lĩnh vực này mà lĩnh vực khác không có sẽ tạo ra sự bất bình đẳng và rất dễ nảy sinh cơ chế xin cho (PV) một xuất giảng dạy ở một trường đại học, hay cơ sở giáo dục tương đương bất kỳ. Chưa kể, chỉ tính riêng lĩnh vực nghệ thuật, những ngành nghệ thuật đặc thù chưa chắc đã có học sinh theo học, hoặc có cũng rất thấp. Đã có ý kiến cho rằng, những ngành đặc thù có thể ghép với những chuyên ngành khác và tăng tiết đặc thù chứ không nhất thiết phải mở riêng chuyên ngành đào tạo, khoa riêng... để tránh tình trạng " trắng" học viên. Song cũng lại có ý kiến cho rằng, nếu cứ máy móc chờ có đủ giảng viên mới mở ngành đào tạo... thì lĩnh vực nghệ thuật, ngành đó sẽ không có người kế cận và cái kết thì ai cũng biết.

Đại diện Trường sân khấu cho rằng, họ chỉ đề xuất ở những ngành đặc thù, và căn cứ vào số nghệ sĩ nhân dân của họ đang tham gia giảng dạy có bằng thạc sỹ và đề nghị này hoàn toàn thỏa đáng . Trước đó,  Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2663/VPCP-KGVX về việc kiến nghị của Bộ VHTTDL đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Bộ VHTTDL đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.

 

Ở góc độ thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, mọi ưu tiên cho văn hóa, nghệ thuật trong bối cạnh hiện tại là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới . Ttrong đó nhấn mạnh "Nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật; hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình... rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách đối với công tác đào tạo... Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật..."; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: "Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ...". Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa…". Nhưng lý thuyết là vậy, thực tế hoạt động nghệ thuật lại khác, không phải việc trao truyền của nghệ sĩ nhân dân trình độ thạc sĩ, sẽ rất khác với Tiến sĩ, bởi giữa họ có những khác biệt về trình độ. Không phải ngâu nhiên mà nấc thang đo trình độ học vấn lại tuần tự từ Đại học- Thạc sỹ- Tiến sỹ. Môi một sự chuyển tiếp về trình độ cần một khoảng thời gian nhất định và có những quy định bắt buộc đã được Luật hóa mà các cá nhân buộc phải tuân thủ. Hay nói đúng hơn, danh hiệu nghệ sĩ nhân dân là sự ghi nhận của Đảng Nhà nước về những đóng góp đặc biệt xuất sắc của cá nhân trong lĩnh vực mình hoạt động, còn Tiến sĩ là người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phải có những công trình nghiên cứu được đánh giá phù hợp với quy định chung.

Được mất của Giảm chuẩn

Ở những chuyên ngành đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung, việc xây dựng giáo trình đào tạo qua các công trình nghiên cứu còn hạn chế, thậm chí ở nhiều lĩnh vực ngành việc giảng dạy chỉ mang tính thức hành " trao truyền"  theo kinh nghiệm biểu diễn, không có giáo trình, không có nhiều công trình nghiên cứu để báo cáo, thẩm định thậm chí là phản biện vì vậy rất khó để có được Tiến sĩ ở những lĩnh vực này.

Còn về góc độ quản lý, nếu chiếu theo quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ Tiến sĩ, yêu cầu tiêu chuẩn của người hướng dẫn là tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá tới 0,75 điểm trở lên mới đủ điều kiện để nghiên cứu và hoàn thiện quy trình bảo vệ  Tiến sĩ quy định được xem là quá cao và chỉ nên dừng lại ở ngưỡng 0,5 điểm. Do đó, phần lớn các trường nghệ thuật đều chưa có giảng viên trình độ Tiến sĩ. Để lâp khoảng trống, nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đã được các cơ sở giáo dục đào tạo mời trở thành giảng viên thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo. Việc mời giáo viên thỉnh giảng ngoài việc trang bị cho các em kinh nghiệm biểu diễn,tình yêu nghề, thì những kỹ năng, quy chuẩn khắt khe của lĩnh vực theo học không được truyền thụ một cách khoa học, bài bản, dẫn đến hiệu quả đào tạo không cao.

 

Theo ghi nhận từ những kỳ tuyển sinh gần đây cho thấy, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, nhiều khối ngành đào tạo nói riêng rất khát sinh viên. Một phần lý do có thể hiểu đây là ngành học chi phí cao, khả năng có việc làm thấp, cũng còn một lý do là xã hội vẫn chưa thực sự giành một phần quan tâm xứng đáng cho lĩnh vực này. Vì thế, nếu những quy chuẩn được hạ thấp, những tôn vinh, ghi nhận cũng vì thế sẽ tỷ lệ nghịch với những gì chúng ta mong muốn. Chính vì vậy, những gì đã là thước đo, được xã hội ghi nhận và đồng thuận, có lễ cần được tôn trọng.

Sẽ có những chính sách đãi ngộ, khuyến khích riêng được áp dụng cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhưng trước hết phải " ghi điểm" và nhận được sự đồng thuận của xã hội. Sự tôn vinh của công chúng mới là thước đo giá trị của nghệ thuật và người nghệ sĩ. Chỉ khi những người hoạt động nghệ thuật khẳng định được giá trị của mình, lĩnh vực mình theo đuổi trong dòng chảy văn hóa thì lĩnh vực đó, người thầy đó sẽ có được vị trí xứng đáng, được học viên và được xã hội tôn vinh. Làm được điều này sẽ không còn ngành học khát sinh viên và lĩnh vực đào tạo thiếu những người thầy xứng đáng đủ tâm, đủ tầm.

Những chính sách cho phát triển văn hóa, nghệ thuật đã có, sự thay đổi trong nhận thức của xã hội đang  theo chiều hướng tích cực, và để tận dụng được những lợi thế này, các trường khối ngành nghệ thuật và bản thân mỗi nghệ sĩ dù đứng lớp hay đang hoạt động trong môi trường nghệ thuật cần trở thành tấm gương phù hợp với quy chuẩn đạo đức nghề để xứng đáng với trọng trách chèo lái con thuyền " Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"


Có thể bạn quan tâm