April 29, 2024, 6:50 pm

Văn học Nghệ thuật TPHCM: Nhìn lại và bước tiếp

Ngày 5-12, Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM (Liên hiệp) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Văn học, Nghệ thuật TPHCM: 60 năm xây dựng và phát triển”, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp (1963-2023). Đây là dịp để văn nghệ sĩ TPHCM và công chúng có dịp nhìn lại chặng đường 60 năm qua của văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM, đồng thời có những kiến nghị cho chặng đường sắp tới.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, chia sẻ: “Giá trị của những tác phẩm vô giá đó giúp cho các thế hệ sáng tạo đương thời và công chúng thưởng ngoạn VHNT không chỉ thưởng thức, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập ở chính tác phẩm, mà còn ở cốt cách của những con người trực tiếp làm nên tác phẩm có sức sống bền bỉ với thời gian và trở thành tài sản tinh thần của dân tộc”. Còn theo nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM:“VHNT TPHCM gần như có đủ các đặc tính văn hóa của mọi miền đất nước nhưng lại đa dạng hơn, hiện đại hơn và mang tính hướng ngoại, cởi mở, hào sảng”.

Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp, nhiều văn nghệ sĩ TPHCM đã đóng góp không chỉ trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết mà bằng cả tính mệnh của mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, như các soạn giả Trần Hữu Trang, Nguyễn Ngọc Cung, Phong Anh, Phạm Trần, nghệ sĩ Bảy Lương, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà thơ Trần Quang Long…

Dù chưa có một công trình thống kê chính xác về số lượng các tác phẩm mà đội ngũ văn nghệ sĩ TPHCM liên tục sáng tạo trong suốt 60 năm qua, nhưng có một điều chắc chắn, những tác phẩm này đã luôn đồng hành cùng lịch sử phát triển của TPHCM nói riêng, của cả nước nói chung. Điển hình như trong lĩnh vực điện ảnh, dù trong điều kiện khó khăn và khắc nghiệt, nhưng các văn nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo và cống hiến, cho ra đời những bộ phim thời sự, tài liệu chiến trường như Chiến thắng Tây Ninh, Đồng Xoài rực lửa, Du kích Củ Chi, Đội nữ pháo binh Long An… hay những bộ phim điện ảnh được xem là kinh điển của Việt Nam như Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Ván bài lật ngửa, Hòn Đất…

Cùng tại hội thảo, các nhà văn, đại biểu đã thống nhất một số nhiệm vụ cần triển khai trong chặng đường tiếp theo. Cụ thể:

- Đẩy mạnh quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật có giá trị cao ra nước ngoài. Để bạn bè thế giới hiểu được dân tộc ta qua những tác phẩm VHNT, thông qua công tác đối ngoại,

- Giới thiệu tác phẩm của những tài năng trẻ, những văn nghệ sĩ trẻ của Việt Nam ra nước ngoài.

- Đẩy mạnh công tác phát hiện, đào tạo đội ngũ kế cận không chỉ tại các cơ sở  trong nước mà cần phải vươn ra ngoài, tạo điều kiện lan tỏa, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Thảo Vy


Có thể bạn quan tâm