April 29, 2024, 4:29 pm

Văn hóa sáng tạo: Cần chính sách chuyên biệt

 

Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong khoảng chục năm trở lại đây, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã và đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia. Cụ thể, số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, lĩnh vực này đóng góp 6,02% tổng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế.

 

Sau hai năm có sự suy giảm (2020-2021), các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang có xu hướng phát triển tốt trở lại với đóng góp 4,04% tổng giá trị gia tăng vào năm 2022. Trong giai đoạn 2018-2022, các ngành này đã thu hút lực lượng lao động trung bình khoảng 2,9 triệu đến 3,8 triệu người (chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm) của cả nước. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, số lượng cơ sở kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa khoảng 70.321 cơ sở. Như vậy, lĩnh vực văn hóa đang có những bước phát triển vượt bậc. Theo PGS, TS, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong những năm vừa qua, nhất là kể từ khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban chấp hành Trung ương khóa VIII) về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, chúng ta đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa, thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư cũng đã nêu lên 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc:

6 nhiệm vụ trọng tâm

Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người VN, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người VN thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình VN, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình VN với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người VN. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh./.

Nỗ lực đánh thức tiềm năng

Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới, tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá.

Trước đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong chiến lược này, có nhiệm vụ quan trọng là cần xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trước đó, vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 33- NQ/TW tại Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, cụ thể là cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn.

 

 

Không dùng lại ở những nỗ lực trong thay đổi chính sách, tiệm cận với xu hướng phát triển thế giới, ngành công nghiệp văn hóa của chúng tacòn nhận được chủ trương về xã hội hóa từ những năm 2008, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với một số loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong ngành văn hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế và năng lực thực thi các chính sách đó vẫn chưa thực sự hiệu quả. Một mặt mô hình này đảm bảo rằng ngành Văn hóa không chỉ phụ thuộc vào nguồn tài chính công cộng, mà còn có sự đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân. Điều này giúp tạo nền tảng bền vững cho phát triển văn hóa trong tương lai. Trong khi các nguồn tài chính công vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào các dự án văn hóa lớn của quốc gia, như xây dựng và duy trì các di sản văn hóa, bảo tàng, nhà hát, thư viện, công viên, trung tâm biểu diễn nghệ thuật và các tổ chức giáo dục, đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Mặt khác, việc xã hội hóa cho phép cá nhân, tổ chức quản trị đầu tư, đóng góp tài chính và nhân lực để phát triển văn hóa, nghệ thuật thông qua việc tài trợ các chương trình nghệ thuật, tài trợ cho các dự án văn hóa bổ ích hoặc tham gia tổ chức các hoạt động, dịch vụ cho các  thiết chế văn hóa. Mô hình này tạo ra sự đa dạng và sự ổn định tài chính, nhân sự cho ngành văn hóa, giúp tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều Nhà nước. Ngoài ra, sự tham gia của đối tác quản trị tư còn giúp tăng cường sự đa dạng, linh hoạt và khả năng thích ứng với các yếu tố thị trường và xu hướng đầu tư vào các dự án mới và thể nghiệm nghệ thuật, cũng như sự biến đổi liên tục và nhanh chóng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Trong giai đoạn hiện nay, nhận thức rõ được những bất cập và hạn chế trong việc cập nhật chính sách và hiệu quả thực thi chính sách ưu đãi đối với các ngành văn hóa và sáng tạo, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan đã đang nỗ lực để điều chỉnh và cập nhật. Cụ thể, Bộ VHTTDL hiện nay đang thực hiện nghiên cứu để đề xuất những cơ chế huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển CCIs, cụ thể là ưu đãi thuế và đặc biệt là áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo ở một số địa phương như Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... Hiện nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng đang thực hiện một đề tài nghiên cứu về mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở trường hợp Tp. Hà Nội. Vụ Kế hoạch Tài chính cũng đang thực hiện một nhiệm vụ về xây dựng cơ chế ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa.

Những chuyển động về văn hóa trong thời gian vừa qua đã được minh chứng bằng những kết quả, con số cụ thể, sinh động. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “thời gian qua Nhà nước đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư phát triển văn hóa, phát triển con người cả từ Trung ương đến địa phương với mức đầu tư được xác định khoảng 1,6-1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, và tăng dần theo từng giai đoạn. Đến giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư phát triển văn hóa từ ngân sách nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể”. Theo đó, năm 2021-2025 số vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các bộ, cơ quan trung ương là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương là 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đã dự kiến bố trí 2.233 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án số 6: bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch… Như vậy, để đánh thức tiềm năng về công nghiệp Văn hóa, gia tăng giá trị kinh tế của lĩnh vực trong nền kinh tế quốc gia nói chung, nhiều cơ chế, chính sách đã được thay đổi, vận dụng linh hoạt đông đời sống thực tiễn nhằm đạt mục tiêu đặt ra.

Xây dựng chính sách chuyên biệt

Miễn giảm thuế thu nhập cho những nhà sáng tạo văn hóa và các tổ chức văn hóa; Khấu trừ thuế các khoản đóng góp bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho văn hóa từ thu nhập hoặc thuế của cá nhân hoặc doanh nghiệp/tổ chức. Đồng thời có xem xét đến khả năng phân bổ một phần số tiền thuế cho một mục tiêu văn hóa được xác định bởi người nộp thuế; thậm chí có thể tính đến việc khấu trừ chi phí cho hàng hóa hoặc dịch vụ văn hóa đã mua như chi phí được trừ khi tính thuế hoặc các khoản khấu trừ khác từ thu nhập. Đồng thời. miễn giảm về các loại thuế trực tiếp khác. Cụ thể là thuế chuyển nhượng, thuế thừa kế và thuế tài sản liên quan đến việc sở hữu hàng hóa văn hóa. Miễn và giảm thuế gián tiếp (Thuế giá trị gia tăng, thuế bán hàng) và các nghĩa vụ thuế liên quan đến việc buôn bán hàng hóa văn hóa cũng như cung cấp dịch vụ văn hoá... là những đề xuất được đặt ra tại Hội thảo  "Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả phối hợp tổ chức, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, người thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo. Đây cũng là hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo ra được những đột phá mới cho ngành công nghiệ văn hóa.

Theo các nhà nghiên cứu, khu vực nhà nước nên tìm cách tạo ra một khung tài chính hỗn hợp, bởi trên thực tế, từ kết quả của các chương trình nghiên cứu và tư vấn chính sách về phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam nói riêng đã cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo có nhiều tiềm năng để có thể phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, vừa cần sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, vừa phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đơn cử như hiện nay, phân bổ ngân sách văn hóa - thông tin cho các địa phương theo đầu dân nên dù mức chi phí văn hóa cho người dân ở miền núi cao hơn đồng bằng (do điều kiện dân cư không tập trung, điều kiện địa hình cư trú của đồng bào miền núi phức tạp) nhưng ngân sách cấp cho hoạt động văn hóa ở đồng bằng vẫn được ưu tiên hơn. Mặc dù Nhà nước đã có định mức chi thường xuyên cho văn hóa - thông tin ở vùng đặc biệt khó khăn (trong đó có dân số khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn) cao hơn gần gấp 2 lần so với vùng khác “nhưng trong thực tiễn vùng đặc biệt khó khăn phải chi phí cho hoạt động văn hóa cao gấp 3-5 lần so với vùng khác”. Chính vì vậy, Nhà nước cần xem xét, có sự điều chỉnh về định mức phân bổ chi thường xuyên sự nghiệp văn hóa - thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Hiện, Bộ VHTTDL đã xây dựng và sẽ  trình Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tạo cơ sở nền tảng cho các lĩnh vực của ngành văn hóa, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, để văn hóa phát huy sức mạnh mềm, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước. Hy vọng rằng với những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, những người làm công tác văn hóa, văn hóa sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia trong một tương lai gần.

Hà An


Có thể bạn quan tâm