May 21, 2024, 9:14 am

Va chạm mở thiên hà sinh nở...

Thế giới văn chương rộng lớn đến mức vô cùng, vô tận và cũng như thế giới mà chúng ta đang sống, còn rất nhiều việc để làm, phải làm. Tất cả luôn là một hành trình tới đích. Đích đến ấy có thể là chân trời. Và trong văn chương, nói một cách chung nhất, ý nghĩa nhất - ấy là chân trời sáng tạo. Tôi đã từng cho là vậy và từng viết: Chúng ta đi về phía chân trời/ Chân trời không ở đấy/ Nhưng vẫn phải đi, đi mãi không thôi/ Vì tin, chân trời khác vẫn còn ở đấy.

Đối với người cầm bút, nhiều việc “để làm” và “phải làm” ấy là phải “để tiếng” qua văn chương. Muốn “để tiếng” trong văn chương, người viết phải có kiểu, có cách. Rồi nhờ kiểu và cách cộng với tài năng phần nhiều do thiên bẩm, mà tạo dựng được phong cách. Rốt cục, tác phẩm chính là kết quả và thước đo cuối cùng. Riêng đối với thơ, đơn vị thơ, theo tôi là rất quan trọng. Một một bài thơ, nhiều khi “đứng” được là nhờ nương vào một đơn vị thơ. Có khi một bài thơ đứng được là nhờ nương vào một câu thơ, một câu thơ đứng được là nhờ nương vào một từ, một chữ đặt đúng chỗ, sử dụng một cách linh hoạt. Có lẽ vì thế mà lúc sinh thời, nhà thơ Lê Đạt từng nói: Chữ bầu lên nhà thơ chăng?

Tôi đã nghĩ như thế về nhà thơ Ngô Thế Trường khi đọc những tập thơ: Sóng mặn, Mùa sương muối biển, Mặt trời đáy bể, Thơ biển, Những lỗ vuông của ông được xuất bản qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn vào các năm: 2012, 2013, 2014, 2016 và phát triển theo hướng ấy. Và cũng chẳng khó khăn gì, tôi đã tìm ra chữ bầu lên nhà thơ của Ngô Thế Trường theo tạng người và tạng thơ ông.

 Một ngư dân uống rượu là một tứ thơ giản dị ngỡ khó giản dị hơn, thế tục khó thế tục hơn, nhi nhiên khó nhiên hơn. Tác giả cứ lấy chuyện một ngư dân uống rượu ra mà kể: Nhỏ thì là thằng cu hay sờ ti mẹ trên mui thuyền, đói thì là kẻ ăn ăn vụng cơm dành cho vợ, thích thì vỗ trộm mông người đàn bà bạc hạ... nhưng khi chèo thuyền thì là thằng bơi mạn mũi, xuống biển thì thích lặn sâu, khi bực dọc điên điên thì cho vợ xuống biển... Rồi ngư dân tự nhận:

Nhưng chưa bao giờ tôi là người đàn ông xảo trá

Dễ quên những đêm nằm trên bụng vợ

Mụ đàn bà đã sinh cho tôi mấy đứa con...

Và đáng kể nhất là:

Tôi chỉ là ngư dân

Thích ra khơi đánh được nhiều cá

Gió ngược, tôi đè con nước...

Như vậy, ngư dân ấy đã sống thực với mình, bộc lộ hết bản chất của mình và là người đàn ông tử tế. Sự hết lòng của ngư dân thể hiện ở những câu: Khi chèo tôi là thằng bơi mạn mũi/ Xuống biển tôi là thằng thích lặn dưới đáy biển sâu; Thích ra khơi đánh được nhiều cá... Ngư dân ấy cũng không quên những đêm nằm trên bụng vợ. Dường như động từ đè được cất kỹ trong câu: Nằm trên bụng vợ. Nhưng chữ đè ở câu kết mới đắt: Gió ngược, tôi đè con nước...

Thơ ấy là thơ viết như không vậy!

Một ví dụ khác: Bài Quy Nhơn. Từ sự khởi động của:

Nắng ươm vàng Quy Nhơn

Biển liếm xanh Quy Nhơn

Núi dướn nghìn vú đất

Lay phay mấy tháp Chàm

rồi:

Ô Loan chợt thương cảm

Đã lịm vào tóc mây

mà dẫn đến như một tất nhiên:

Núi như người tình lớn

Đè nghiêng chiều Quy Nhơn.

Ở đây, động từ đè được đặt trong một không gian khác và xuất hiện bất ngờ, vừa rộng lớn, vừa khốc liệt, vừa khác thường, vừa ước lệ, mang một vẻ đẹp tình yêu và khát vọng thuộc về tự nhiên.

Thơ ấy là thơ viết mà như bắt được vậy!

Một ví dụ khác nữa: Những hạt sương trên cánh đồng. Bài thơ có câu: Cánh đồng như người đàn bà nằm im hứng chịu. Một người đàn bà phải nằm im hứng chịu, dứt khoát là bị cưỡng bức. Còn cả cánh đồng mà cũng như thế thì cũng là đang bị đè ngửa ra để người ta ra sức bóc lột tài nguyên không ngừng, không nghỉ. Sự bóc lột không từ đời này sang đời khác ấy khiến:

Giọt nước mắt đêm nào cũng nhỏ

Tội chi đêm khóc thầm

Tội chi dòng sông nghẹn nấc

Cánh đồng như người đàn bà nằm im hứng chịu...

Đó cũng là sự bóc lột mang tình truyền kiếp và sự hành xử quen thuộc của con người trước thiên nhiên.

Còn trong Nhai lại cỏ để Cỏ thành máu/ Thành cơ đỏ/ Thành sữa thơm/ Thành những cuộn tinh trùng khoái lạc/ Sinh chú bê có đôi gót nhỏ... Để rồi Ưỡn mùa tung tẩy xanh. Mấy từ Ưỡn mùa tung tẩy xanh vừa rất động và cũng rất gợi, trong đó tung tẩy xanh là một chi tiết đắt.

Trong những tập thơ đã công bố, độc giả còn bắt gặp nhiều câu thơ tình tứ cho thấy sự gặp gỡ nhau, tiếp xúc nhau nhiều chiều, trong nhiều tình huống, trạng thái ở nhiều mức độ khác nhau, tầng nấc khác nhau. Có thể thống kê mà không cần nói thêm. Đó là: Trời đất giao nhau cũng nghẹn mùa trong Vắng. Đó là:  Biển trải cánh đồng ươm đẻ/ Đàn dugong tung tăng gọi bạn/ Sục sôi mùa sinh trong Tiếng gọi dugong. Đó là: Con sông cong chảy từ ruột phố/ Chảy từ tình yêu mỗi con người/ Sông đắm mình ôm phố ngàn năm trong Tam Bạc. Đó là: Trời vẫn xanh tận cùng trong suốt đáy/ Biển mênh mông thăm thẳm cũng một màu/ Thái Bình Dương xoắn lõm từ vũ trụ/ Mỗi mùa thu xúc ổ lại xoay mùa trong Mùa bão đẻ. Đó là: Sông Đà ùn lên Ba Vì/ Mấy núm vú của trời cong biếc/ Sữa mây trôi nắng vắt xa trong Những người đội đá chiều sông Đà. Đó là: Lý Sơn nghiêng năm hòn đảo chắn/ Biển cũng giao tình! Ta nợ một đêm trăng trong Nợ một đêm trăng. Đó là: Nắng thả vàng lấp lánh trên cao/ Tháp Rùa run giống em trong áo mỏng/ Hôn muốn cháy đôi lá bàng chín mọng/ Mưa chợt về đọng ướt mấy vì sao trong Hồ Gươm. Đó là: Giao phối cùng đất đai tràn nước/ Sẽ úa vàng đêm trở dạ heo may trong Cỏ... Đó là Một Phú Quốc cởi trần trên sóng/ Núi Trường Sơn dằng dặc đến đây nằm trong Phú Quốc...

Theo tôi, chỉ có người có xuất phát điểm: Va chạm kinh hoàng si mê tình ái cùng với Chúng ta yêu nhau cuồn cuộn bão từ/ Va chạm mở thiên hà sinh nở (Va chạm) và Anh biết mình đang ôm cả một thời xa lắc/ Và một thời đang đến mai sau (Hạt quắc) mới sở hữu được những câu thơ như thế! Xa xưa, các cụ nhà ta dạy Nước nào thì sông ấy/ Cây nào thì rừng ấy... quả không sai!

Xét cho cùng, những câu thơ trên thiên về tính dục, mang dáng dấp tính dục. Tính dục ở đây là ham muốn, là hướng tới, là động lực hấp dẫn nhau từ hai phía âm - dương, có sắc màu và vẻ đẹp của sự nảy nở, sinh sôi.

Kinh Phật Thủ lăng nghiêm viết: “Vọng sinh dục, dục sinh thập nhị nhân duyên”. Có thể hiểu: Thập nhị nhân duyên là mười hai căn nguyên dẫn đến cái khổ ải của loài người. Khi đọc những dòng này, sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật có bàn thêm: “Về đời người thì lại là chuyện khác, nhưng với thơ, tôi nghĩ rằng: Chính vọng sinh dục, rồi dục lại sinh thi ca. Không có lòng ham muốn, không có sự ấm nóng trong lòng người viết, sẽ không có thơ”.

Vậy thì dục trong thơ Ngô Thế Trường cũng sinh từ vọng vậy và  cũng nhờ dục mà mới có thơ!

Nhưng thơ Ngô Thế Trường không chỉ có thế! Ông tự nhận bất ngờ mình là người của biển/ Biển ở trong mình, trong máu chảy, mồ hôi/ là con tàu thả chiếc neo yêu Máu trong ta có muối khơi xa (Đêm Rạch Giá). Và phải trải nghiệm như thế nào, Ngô Thế Trường có một phát hiện thật sâu sắc về cõi người, cõi đời như thế này: Mặt đất đo chính xác người nằm (Màu đêm). Và nhiều, nhiều nữa... Tôi sẽ trở lại với thơ Ngô Thế Trường ở những mảng đáng kể, ấn tượng khác, nhưng không ở trong phạm vi bài viết này.

Tôi đã từng viết: “Thơ Ngô Thế Trường vạm vỡ với những va chạm, đứt gẫy, chuyển động, vừa đột khởi, vừa dữ dằn”, nay lại viết thêm: “Thơ Ngô Thế Trường như những viên đá luôn va đập vào nhau, tạo ra ngồn ngộn hình ảnh, tạo ra những luồng lạch âm thanh trong một nhịp điệu khác lạ, khiến người ta hình dung ra những khám phá cũng rất khác lạ và mới mẻ của một cây bút có cá tính.

Đặng Huy Giang

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Có thể bạn quan tâm