April 29, 2024, 1:06 pm

Ứng xử với lễ hội “ngoại lai”

Giao thoa và tiếp biến là quy luật phát triển của mọi nền văn hóa trên thế giới, nên Việt Nam không là ngoại lệ, nhất là trong thời đại toàn cầu hoá và công cuộc hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tiếp biến văn hoá là quá trình tiếp xúc, sàng lọc và biến đổi (cải biên) các giá trị văn hoá của các dân tộc vào đời sống văn hoá Việt Nam, chứ không phải bê nguyên xi, thậm chí bê nguyên xi trong nhiều trường hợp trở nên lố bịch, nhưng lại “được” một số người hăm hở đón nhận, trong khi cơ quan có trách nhiệm hoặc như không biết, hoặc như “chuyện đã rồi” …

Ví dụ về lễ hội “ngoại lai”

Ở khu vực Hà Nội, mấy năm nay hầu hết các trường từ tiểu học trở lên đều tổ chức ngày Halloween. Học sinh tiểu học, cứ nghe theo nhà trường mà mua sắm quần áo dị dạng và mặt nạ quái nhân, không có không được. Một số cơ sở giáo dục đại học cũng nhen nhóm từ năm 2008 và bùng nổ trong vài năm nay…

Liên quan đến các hoạt động tâm linh, ở Việt Nam có những ngày ý nghĩa hay ho hơn nhiều, như rằm Tháng bảy, tiết Thanh minh tháng ba… Có người nêu vấn đề, tại sao ở Việt Nam có nhiều ngày lễ ý nghĩa sát sườn mà chưa được tổ chức cho cộng đồng, nhất là thu hút giới trẻ cùng tham gia để gia tăng ý nghĩa giáo dục? Ngay cả Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm, việc tổ chức cũng đơn điệu, sáo mòn; chưa có chương trình và kịch bản để tổ chức phong phú, đa dạng các hình thức, phương thức để ý nghĩa của nó ngày càng thấm sâu vào thế hệ trẻ học đường?...

Tiếp biến là quá trình sàng lọc, biến đổi….

Trên hành tinh của chúng ta, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có đời sống văn hoá của mình, với bản sắc riêng, với quan niệm thẩm mỹ, giá trị, và tồn tại với những cách thức của riêng mình. Hệ giá trị văn hoá của các dân tộc có những điểm chung, nhưng cũng có nhiều điểm riêng; và những điểm riêng tạo nên bản sắc riêng có của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chính bản sắc, quan niệm hệ giá trị văn hoá riêng ấy đã và đang không chỉ định vị “chỗ đứng” trong chiều dài lịch sử, mà còn tạo nên sức mạnh tinh thần vô song của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nó tạo nên đạo lý dân tộc, hồn cốt quốc gia; và từ đấy, như vườn ươm và dung dưỡng nhân cách mỗi công dân, nhất là lớp công dân trẻ. Vậy nên, văn hoá là những gì còn lại sau khi tất cả đã mất đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm văn hoá, đại ý rằng, văn hoá là toàn bộ những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, và cách thức tiêu dùng chúng. Có thể nói, khó có quan niệm nào đầy đủ hơn thế. Bởi vì, rất có thể tiêu dùng sản phẩm vật chất và tinh thần theo kiểu “vô văn hoá”. Với mỗi người, văn hoá tiêu dùng, tiêu thụ văn hoá thể hiện hàm lượng và đẳng cấp văn hoá của mình.

Và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa các cộng đồng dân tộc, các quốc gia là quá trình tất yếu và cần thiết. Nhưng cũng nên nhớ rằng, quá trình toàn cầu hoá cũng đồng thời là quá trình xâm lăng văn hoá. Đó là quá trình làn sóng văn hoá từ các nước giàu tràn sang và càn quét giá trị văn hoá các nước nghèo, các nước đang phát triển. Ngày nay, tốc độ giao lưu, tiếp biến văn hoá với tốc độ và biên độ gày càng lớn, không chỉ trên truyền thông đại chúng, mà quá trình này trực tiếp ngay với các nhóm người, từ đó lan ra cộng đồng. Thế nên, các quốc gia, các dân tộc không thể làm ngơ, mà cần chủ động “tiếp biến văn hoá” để vừa sàng lọc thu nạp tinh hoa văn hoá các nước, vừa chọn lọc và bảo vệ hệ giá trị văn hoá bản địa.

Định vị giá trị cho lễ hội cộng đồng

Trong các dạng thức sinh hoạt văn hoá thì lễ hội là phương thức thu hút đông đảo người nhất; nó là tiêu điểm có sức hút nhất. Và vì thế, lễ hội là nơi lan toả giá trị và có ý nghĩa giáo dục lớn nhất có thể. Lễ hội được tổ chức trong hệ thống học đường thì sự lan toả và ý nghĩa giáo dục (kể cả tích cực hay tiêu cực) của nó nhân lên gấp bội lần. Do đó, chúng ta, nhất là những cơ quan có trách nhiệm không thể thờ ơ. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu trách, đặc biệt là ngành văn hoá và giáo dục - đào tạo, cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá lại các lễ hội truyền thống với tinh thần sáng lọc lại để định vị hệ giá trị các lễ hội truyền thống, từ cấp địa phương đến toàn quốc. Bởi trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, không phải lễ hội nào cũng giữ được ý nghĩ tích cực của nó, nhất là sự phù hợp, tương thích với quá trình hội nhập quốc tế. Chẳng hạn, ngày hội chém lợn hoặc ngày hội đâm trâu ở một vài địa phương gần đây cũng đã bị loại bỏ do không phù hợp trong quá trình phát triển văn hoá. Đồng thời, với những lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian tiếp tục được bảo tồn, thì cần có kịch bản tổ chức thế nào cho hấp dẫn, có thể phải tổ chức cuộc thì lên kịch bản cho các lễ hội này; làm thế nào để ngày càng hấp dẫn cộng đồng và lan tỏa sâu rộng hơn nữa các giá trị văn hóa của nó.

Riêng với những lễ hội “nhập ngoại” thì cần nghiên cứu, đánh giá để sàng lọc, lựa chọn nghiêm túc với tinh thần tiếp biến văn hoá; làm thế nào để vừa tiếp thu, tiếp nhận những tinh hoa văn hoá các dân tộc trên thế giới, làm phong phú thêm kho tàng văn hoá Việt Nam, vừa ngăn chặn “làn sóng xâm lăng văn hoá” từ bên ngoài rất dễ làm “biến dạng” kho tàng văn hoá dân tộc của chúng ta, thậm chí là tấn công thẳng vào hệ giá trị của chúng ta.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục – đào tạo không nên quá dễ dãi đối với các sinh hoạt văn hoá học đường, nhất là các lễ hội “nhập ngoại”. Vì tất cả các hoạt động trong nhà trường, từ tiểu học đến đại học, đều phải mang đậm chất văn hoá dân tộc và có ý nghĩa giáo dục thiết thực. Mặt khác, các cơ quan báo chí – truyền thông cũng cần tỉnh táo nhìn nhận, phân tích các sự kiện mới liên quan đến sinh hoạt văn hoá của cộng đồng, nhất là những sự kiện liên quan đến giới trẻ, để có thể thể hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội vì lợi ích công – lợi ích cộng đồng. Bởi vì trong mọi hoạt động báo chí – truyền thông, thì vai trò quan trọng nhất, tác động chính yếu nhất, hiệu ứng xã hội xuyên suốt… là gây dựng niềm tin xã hội và góp phần giáo dục nhân cách cho giới trẻ.

Chúng ta hay được nhắc về đấu tranh tư tưởng, mà cuộc đấu tranh này ngày càng phức tạp, với nhiều biến tấu với những dạng thức bất ngờ; nhưng mỗi khi hệ giá trị văn hoá dân tộc bị xói mòn, bị gạt sang một bên, thì tư tưởng hay nhân cách lớp trẻ sẽ bị ảnh hưởng từ những nguy cơ ẩn nấp đằng sau các sinh hoạt văn hoá vui vẻ, thậm chí chỉ là một trò chơi trẻ con.

Nguyễn Văn Dững

Nguồn Văn nghệ số 50/2022

 

Có thể bạn quan tâm