May 18, 2024, 2:12 am

Từ Tình thơ đến Tài thơ

Năm 2022 chúng ta vừa kỷ niệm 50 năm chiến dịch lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, một chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta, đánh bại cuộc tấn công vào Hà Nội của máy bay B52 của giặc Mỹ. Trong cuộc chiến đấu oanh liệt đó, nhiều chiến sĩ phòng không của chúng ta đã hy sinh anh dũng để lại muôn vàn tình thương tiếc và tưởng nhớ trong lòng chúng ta. Và trong số các liệt sĩ ấy, có một nhà thơ trẻ, chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội, đấy là nhà thơ trẻ Vũ Đình Văn, lúc ấy mới tròn 21 tuổi. Để tưởng nhớ nhà thơ – liệt sĩ Vũ Đình Văn và cũng là tưởng nhớ các liệt sĩ của chúng ta, những người đã lấy máu xương mình để bảo vệ Thủ đô, làm nên chiến công lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, xin được gửi đến các bạn một bài thơ rất hay của liệt sĩ – nhà thơ Vũ Đình Văn, cùng với lời bình của nhà thơ Anh Ngọc.

 

Vũ Đình Văn

Nửa sau khoảng đời

 

Cùng một dòng thư - mà hai khoảng đời

Khoảng trước xa rồi. Ai còn nhớ nữa

Cái khoảng có những người đồng đội của tôi

Là khoảng đời đêm nay tôi nhớ

 

Nếu phải chia cho người yêu một nửa

Thì em ơi, nhận lấy khoảng đời đầu

Cái khoảng đầu vời vợi nhìn nhau

Đằm thắm thời gian không mùa ranh giới

 

Ôi cái đêm hành quân rất vội

Mắt em, mắt anh ngần ấy vì sao

Còi lên đường. Những vì sao xôn xao

- Thôi về đi em. Hai đứa cười nóng mặt

 

Đêm hành quân anh nhớ em quá thể

Khoảng đời đầu có nhớ khoảng đời sau

Ở đây núi rừng xanh, lại nghe xanh sóng bể

Đố em tìm, em chẳng thấy anh đâu

 

Điếu thuốc Sầm Sơn bảo rằng đêm rất sâu

Người Hà Trung bảo anh đừng sợ lạc

Ai gọi dải núi trước nhà là Giăng Hạc1

Để ấm lưng mình một dải Cù Êu2

 

Ôi cái khoảng đời sau đáng yêu

Có những đêm miền trong đầm đậm

Biển Nga Sơn vỗ vào rất ấm

- Bọn mi lên đường, rau nhớ mần răng!

 

Những ngày xưa, một nửa của chúng mình

 Đằng trước đằng sau Cù Êu, Giăng Hạc

Ước gì những lá thư đừng thất lạc

Nối khoảng đời này với khoảng đời xưa

 

Đêm miền trong là đêm của dừa

Dừa vỗ lòng anh ngủ như vậy đó

Ôi cái khoảng đời đêm nay cháy đỏ

Đợi ngày về anh chia lửa cho em.

_____

(1,2) Giăng Hạc – Cù Êu: Hai dải núi trước và sau làng làng Tam Thắng, Hà Trung, Thanh Hóa.

Đêm Hà Trung

 

Lời bình của Anh Ngọc

Với tôi, một bài thơ hay trước hết phải làm người đọc, người nghe xúc động bởi tình thơ, sau đó mới thích thú hoặc khâm phục tài thơ, chứ không phải là ngược lại. Ngay từ lúc bài thơ này mới ra đời, tôi đã thấy nó quá gần gũi với tâm thế của mình và có lẽ cả những người cùng hoàn cảnh với mình. Và bây giờ, sau ba mươi năm đọc lại, bài thơ vẫn giữ nguyên đến tươi rói cái hồn vía của tuổi trẻ chúng tôi, một thế hệ thanh niên đã bước vào đội ngũ những người lính chiến khi vừa rời ghế nhà trường, chia tay với cuộc sống êm đềm của tuổi thơ và tuổi mới lớn, chia tay với mối tình đầu nồng nàn, mơ mộng. .

Theo tác giả, cuộc chia tay ấy quyết liệt đến nỗi nó chia đôi cuộc đời ra làm hai nửa. Phải, những ai đã có một cuộc sống tương đối êm đềm, ấm áp cả về vật chất cũng như tinh thần - như thế hệ chúng tôi lớn lên ở miền Bắc sau hòa bình 1954, những năm trước sau năm 1960 “đỉnh cao muôn trượng” như trong thơ Tố Hữu, với cái tâm thế của những cậu học sinh, sinh viên bắt đầu có cuộc sống nội tâm phong phú của người trí thức trẻ thành thị - cái mà hồi chống Pháp gọi là “chất tiểu tư sản” - và tất nhiên không thể thiếu một mối tình mới nhóm cũng với một cô gái mà tâm hồn không còn mộc mạc thô sơ nữa, những ai ở vào hoàn cảnh ấy sẽ thấy hết cái việc chia cuộc đời ra làm hai nửa trước và sau khi nhập ngũ như cách của nhà thơ trẻ Vũ Đình Văn ở đây là diễn tả rất đúng tâm thế của mình. Người viết đã không giấu được trong lời thơ một sự hụt hẫng, một cú sốc thực sự:

Cùng một dòng thư mà hai khoảng đời

Khoảng trước xa rồi. Ai còn nhớ nữa…

Chiến tranh, sự lên đường làm người lính chiến dường như đã cắt rời thực tại với quá khứ, một quá khứ vừa mới trở thành dĩ vãng chỉ đâu có một ngày, một giờ trước đó. Những tâm trạng như thế không thiếu trong bất cứ cuộc chiến tranh nào Đông Tây kim cổ, và hình ảnh con người trong những phút giây đảo lộn ấy thường hoang mang, sụp đổ, như trong thơ Chinh phụ ngâm chẳng hạn, nhưng người lính ở đây đã kịp thổi vào không khí bi kịch cái ngọn gió của ý thức thời đại: tính lý tưởng của cuộc ra đi. Ngay lập tức, hai câu tiếp theo đã là nhận thức chững chạc của một cựu binh:

Cái khoảng có những người đồng đội của tôi

Là khoảng đời đêm nay tôi nhớ

Chiến tranh khốc liệt làm con người già dặn đi rất nhanh, đánh ba trận tân binh thành lính cũ (Nguyễn Đức Mậu), ta thấy ở đây hai tiếng đồng đội đã vang lên kịp thời để thế chỗ cho hai tiếng người yêu vừa hụt hẫng trong ta. Liệu nó có thay thế được không? Và liệu có cần một sự thay thế?  Ở tâm thế này đã từng có một Thế Lữ dịu dàng, buồn bã:

Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng

Gác tình duyên cũ thẳng đường trông

Song le hương khói yêu đương vẫn

Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng

                          (Giây phút chạnh lòng)

Một Thâm Tâm cố gắng để quyết liệt:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say

                               (Tống biệt hành)

Hoặc có cái gì hiu hắt buồn tủi như Hồng Nguyên trong “Nhớ”: 

Ba năm rồi gửi lại quê hương...

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya...

Tình huống giống nhau nhưng cuộc đời đã khác và lòng người cũng không hẳn còn như cũ. Dứt khoát với cuộc ra đi, nhưng chàng trai của những năm đánh Mỹ không quay lưng với kỷ niệm:

Cái khoảng đầu vời vợi nhìn nhau

Đằm thắm thời gian không mùa ranh giới. ..

Đêm hành quân anh nhớ em quá thể

Khoảng đời đầu có nhớ khoảng đời sau...

Cùng với thời gian, cú sốc, nếu như có một cú sốc như thế, sẽ qua đi, và con người vốn quen với mọi thích nghi, dần dà liền thu xếp một cuộc sống chung giữa hiện tại và quá khứ - cái ranh giới ngăn cách giữa hai phần đời cứ mờ dần, ở trong tâm tưởng thì nhờ vào một nỗi nhớ không cùng, còn trong đời thực, thì cái gạch nối nhãn tiền chính là những lá thư:

Ước gì những lá thư đừng thất lạc

Nối khoảng đời này với khoảng đời xưa

Cũng dần dà, cuộc sống mới của người lính thực sự chiếm chỗ trong tâm hồn chàng trai. Đó là cuộc sống sôi động, to lớn, gắn bó anh với bao nhiêu con người cũng đang sống một cách gian lao mà anh dũng như anh, một cuộc sống chan hòa giữa núi rộng sông dài như tầm vóc của cuộc chiến đấu của cả dân tộc:

Ôi cái khoảng đời nửa sau đáng yêu

Có những đêm miền trong đầm đậm

Biển ở Nga Sơn vỗ vào rất ấm

- Bọn mi lên đường, tau nhớ mần răng!

Đã vào trong anh những địa danh xa xôi Hà Trung, Nga Sơn, Cù Êu, Giăng Hạc… đã vào trong anh cái giọng trọ trẹ mà vô hạn thân thương của Miền Trung mi, tau, răng, rứa..., ngỡ như anh đã giẫm lên đúng dấu chân của thế hệ những người lính năm xưa:

Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni

Dân chúng cầm tay lắc lắc:

- Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc.

                            (“Nhớ” - Hồng Nguyên)

Đối với tâm hồn mỗi con người trong thế hệ chúng tôi, đó thực sự là cuộc hành trình từ suối sông ra tới bể. Cái môtíp này của thơ chống Mỹ rất quen thuộc với chúng tôi, đó là những Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Nước vối quê hương của Nguyễn Trọng Định, Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ, vv và vv…, tất cả đều mang dấu ấn của thế hệ thanh niên miền Bắc khi bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ, một thế hệ vừa giữ được chất hồn nhiên tươi tắn của tuổi trẻ, vừa có thêm cái già dặn, tỉnh táo mà nhà trường và xã hội mới kịp thời bổ sung cho. Ngã xuống trong một trận chiến đấu ác liệt với máy bay B52 của giặc Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972, khi tuổi đời vừa tròn hai mươi mốt, nhà thơ liệt sĩ Vũ Đình Văn là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ ấy. Với tâm thế gần gũi như một người bạn cùng trang lứa, một người đồng đội cùng chiến hào, hôm nay ngồi đọc lại những dòng anh viết cách đây ba mươi năm, tôi chợt như bắt gặp lại tuổi trẻ của mình đã đi qua, một nỗi gì vừa nhớ nhung, vừa bùi ngùi, vừa man mác . . . tất, tất cả như đang cựa quậy, đang sống lại theo từng con chữ, từng dòng chữ của anh. Với riêng tôi, ấn tượng về một bài thơ như vậy là đã quá đủ để nó sống mãi với thời gian.

Nguồn Văn nghệ số 5/2023


Có thể bạn quan tâm