May 4, 2024, 4:08 pm

Từ một đặc điểm của trí thức Việt Nam

Do luôn phải thường xuyên đối diện với những hiểm họa “thủy, hỏa, đạo, tặc”mà diện mạo của nền văn hoá Việt Nam có những nét độc đáo riêng.

Ở nước ta cho đến hiện nay, số trí thức tinh hoa thuộc diện “trâm anh thế phiệt”, xuất thân từ những gia đình trí thức nhiều đời, hay những danh gia vọng tộc, được đào tạo hệ thống, có bề dày văn hóa lớn như Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Ngọc Hân công chúa, Mai Am nữ sĩ, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh… chỉ là số ít, còn chủ yếu là trí thức bình dân. Mô hình trí thức bình dân vừa nói lên ưu thế vừa cho thấy giới hạn của phần đông trí thức Việt Nam. Đó là lớp người không chỉ gần gũi với nhân dân về tình cảm mà còn có sự gần gũi cả về khoảng cách trí tuệ và mặt bằng văn hóa.

...Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, nhờ sự quan tâm chăm sóc của Đảng và nhà nước, nhờ sự nỗ lực vươn lên, nên chúng ta nhanh chóng có được một đội ngũ trí thức hết sức hùng hậu... 
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3/1964) Nguồn: TTXVN

Có thể nói đa số trí thức Việt Nam là những trí thức thuộc đời thứ nhất. Phần lớn các nho sinh xưa đều xuất thân từ các gia đình bình dân. Nhiều người là những bậc hàn sĩ, thậm chí trạng Gầu Tống Trân (trong truyện Nôm Tống Trân Cúc Hoa) còn phải làm nghề hành khất để có tiền ăn học. Song nhờ có chí thì nên. Từ nước lã mà vã nên hồ, họ đã gắng sức vượt vũ môn rồi đổi thành phần từ bình dân thành trí thức. Tuy nhiên, việc học gạo cũng sẽ làm cho kiến thức nền tảng của trí thức bình dân những khoảng thiếu hụt, nhưng  lại rất dễ bằng lòng với mình, vì thế mà tầm vóc của họ thường bị hạn chế, khó chiếm lĩnh được những đỉnh cao khoa học.

Trong xã hội phong kiến, trí thức bình dân chính là những thầy đồ, thầy thuốc, thầy địa lý. Và những người tuy không trực tiếp làm thầy nhưng đã được học hành, lều chõng đi thi mà không đỗ đạt, hoặc chỉ làng nhàng ở bậc tú tài. Những vị quan tại gia này ở nhà “ăn lương vợ” rồi khi làm thơ, khi sáng tác ca dao tục ngữ, truyện cười… để góp phần tích cực vào hoạt động sáng tạo, gìn giữ, truyền bá văn hoá trong cộng đồng.

Vẫn biết: “Khi xã hội đã phân chia giai cấp, thì trong một nền văn hoá dân tộc luôn có hai nền văn hoá, một nền văn hoá của nhân dân lao động và một nền văn hoá của giai cấp thống trị” (V. Lênin). Nhưng, khác với các nước trên thế giới, là những mô hình văn hoá lưỡng cực, trí thức bình dân Việt Nam mang trong mình hai mã di truyền văn hoá - dân gian và bác học. Từ thuở ấu thơ họ đã được sống dưới bầu khí quyển trong lành của nền văn hoá dân gian, đã được nghe những khúc hát ru dịu ngọt thấm đẫm tình mẫu tử, được nghe những câu chuyện cổ tích của bà. Trưởng thành họ cùng bạn bè tích cực tham gia vào những cuộc hát đối đáp giao duyên tình tứ… Trước khi đến với Kinh ThiĐường ThiTống Từ, người trí thức bình dân đã thuộc rất nhiều tục ngữ ca dao đất Việt. Trước khi đến với Bắc sử, với Tam quốcThủy hửTây duTùy Đường diễn nghĩa… họ đã nằm lòng kho tàng truyền thuyết dân gian về những anh hùng dân tộc, về chiến tích oai hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… Như vậy, trước khi đến với văn hoá bác học, những trí thức bình dân đã tắm mình trong ánh sáng của nền văn hoá dân gian đất Việt. Mà những dấu ấn đầu đời bao giờ cũng khảm sâu trong trí nhớ, tạo nên những trầm tích văn hoá, thắp lên những đốm sáng không bao giờ tàn phai trong tâm trí mỗi con người.

Sau thập niên đăng hoả, các khóa sinh lều chõng đi thi nhưng sẽ chỉ một phân số nhỏ đỗ đạt (từ cử nhân trở lên) được bổ nhiệm làm quan và ra nhập đội ngũ những người thuộc tầng lớp trên. Lâu dần, mã văn hoá bác học sẽ trở thành gien trội, giúp họ trút lốt để trở thành các trí thức thực thụ. Còn đa số những nho sinh đi thi không đỗ (hay đỗ thấp ở mức tú tài) theo quy luật “tiến vi quan đạt vi sư” những người này trở về nhập vào đội ngũ trí thức bình dân. Sống với nhân dân, cùng ăn cùng ở với những người bình dân, lâu dần gien trội của họ thuộc về văn hoá mẹ và tất yếu tư tưởng của họ cơ bản là mang tư tưởng tiến bộ của nhân dân. Là con đẻ của nhân dân lao động, lại được học hành nên những trí thức bình dân không chỉ có hiểu biết về văn hóa bác học mà còn thu hút và phát huy mạnh mẽ được những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân dân.

Như một ban biên tập lành nghề, đội ngũ trí thức bình dân đã có công lớn trên cả hai phương diện: sáng tạo và năng cao chất lượng của những tác phẩm văn học dân gian. Họ chau chuốt ngôn từ để những câu ca dao thêm ngọt ngào, sâu lắng; uốn nắn những làn điệu dân ca sao cho mượt mà, duyên dáng; sắp xếp lại tình tiết cho những câu chuyện cổ trở nên hàm súc, cô đọng, hợp lý, hợp tình. Họ còn là tác giả chủ chốt của những thể loại truyện dân gian mang chất triết lý cao như truyện cười, truyện ngụ ngôn và là linh hồn của những đám hát giao duyên… Họ cũng là người hướng đạo cho nền văn hoá dân gian, là tác giả của nhiều truyện Nôm để đời như Thạch SanhLưu Bình Dương LễTống Trân Cúc HoaPhạm Tải Ngọc HoaThoại Khanh Châu Tuấn

Trong lịch sử, người trí thức Nam Bộ điển hình nửa cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là gương mặt trí thức bình dân tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Không phải vô cớ mà ngày cụ mất, cả cánh đồng Ba Tri rợp trắng khăn tang. Đó chính là phần thưởng cao quý nhất mà toàn thể các thế hệ học trò và nhân dân lục tỉnh Nam kỳ dành cho nhà văn hóa lớn xứ Đồng Nai đáng kính. Bởi mặc dù bị tước vũ khí từ khi 27 tuổi, nhưng một mình Nguyễn Đình Chiểu đã tự nguyện gánh ba trọng trách: người thầy giáo, thầy thuốc, thầy địa lý. Mà ở cương vị nào Cụ Đồ cũng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Với tinh thần Hối nhân bất quyện (dạy người không biết mỏi) người thầy cao quý ấy đã đào tạo được bao học trò thành danh cho đất nước. Với phương châm: đứa ăn mày cũng trời sinh, người thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu hết lòng trị bệnh cứu người, năng cao y đức. Cụ cũng là người nghệ sỹ với những tác phẩm nổi tiếng như: Lục Vân Tiên, Ngóng gió Đông, Chạy Tây, đặc biệt là Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc - một kiệt tác đã đưa thi nhân trở thành lá cờ đầu của nền thơ ca yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX và góp phần quan trọng vào việc đưa văn chương Nam Bộ từ bộ phận văn học khu vực lên vị trí toàn quốc. Tư tưởng nhân dân làm nên lịch sử mà Nguyễn Đình Chiểu đã tiếp nhận từ truyền thuyết dân gian luôn toả sáng trong từng trang viết của ông, đã giúp người trí thức bình dân ấy tạo ra một bước đột phá bất ngờ để có đươc Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc, một tác phẩm vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn tế Việt Nam.

Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, nhờ sự quan tâm chăm sóc của Đảng và nhà nước, nhờ sự nỗ lực vươn lên biết bao “kẻ quê mùa nay thành trí thức” (Chế Lan Viên), nên chúng ta nhanh chóng có được một đội ngũ trí thức hết sức hùng hậu. Do điều kiện chiến tranh, quá trình đào tạo trí thức ở Việt Nam khó tránh khỏi chắp vá, thiếu hệ thống. Vì thế, bên cạnh những đóng góp lớn, những phẩm chất đáng quý: cần cù, thông minh, sáng tạo, nhiệt huyết, dám vượt khó vượt khổ, dễ dàng liên minh với công nông… ta còn nhận thấy ở đội ngũ trí thức nước nhà không ít những khiếm khuyết, hạn chế do lịch sử để lại.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, đội ngũ trí thức Việt Nam (mà số đông là trí thức bình dân) đã góp phần quan trọng làm nên nhiều kỳ tích, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó, đã đáp ứng được những yêu cầu bức xúc của lịch sử. Trí thức Việt Nam đã thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận, văn hóa văn nghệ đầy thử thách cam go. Nhiều người đã dũng cảm hy sinh vì đất nước không hề tiếc máu xương. Giờ đây, nhiều người vẫn ngày đêm say mê nghiên cứu, rèn luyện và sau quá trình tích tụ, tài năng ở không ít người đã bùng nổ, giúp họ trở thành những chuyên gia giỏi, những cán bộ giảng dạy xuất sắc ở các trường đại học, những nhà khoa học lớn, những trí thức tinh hoa ở các lĩnh vực khác nhau.

 Nhưng trong giai đoạn hoà bình và hội nhập hiện nay, trước đòi hỏi của nền kinh tế 4.0 , trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mô hình trí thức bình dân vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện tại và đã bộc lộ khá nhiều bất cập.

Ở độ tuổi trên dưới 60, là những người đang nắm giữ nhiều cương vị chủ chốt của đất nước, họ có thể giỏi về chuyên môn nghiệp vụ nhưng nhiều người còn yếu về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngoài ra, cũng có người chưa thành thạo về tin học và nhiều người có những lỗ hổng về văn hóa nền tảng, kiến thức về âm nhạc, hội họa, múa... thiếu hệ thống. Số người hiểu biết về cầm, kỳ, thi, họa… thưa thớt. Rào cản này hạn chế việc giao lưu trực tiếp với bè bạn năm châu mà chỉ có giao lưu mới có phát triển để không ngừng vươn tới đỉnh cao. Xưa nay, những bậc tài năng, có sức sáng tạo và cống hiến to lớn cho lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Trương Vĩnh Ký, Hồ Chí Minh… đều đồng thời là những là văn hóa lớn, tinh thông ít nhất một ngoại ngữ. Các văn nghệ sĩ như nhà tiểu thuyết Nam bộ bút lực phi thường Hồ Biểu Chánh, nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ Mới - Xuân Diệu, giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Vặn Khê, Hoàng Ngọc Hiến, nhạc sĩ Phạm Tuyên… các nhà khoa học tên tuổi Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Cảnh Toàn… đều là những người giỏi ngoại ngữ và  có nền tảng văn hóa tốt.

Hiện nay, những nhà khoa học, nhà  báo, nhà văn trẻ muốn  khẳng định được mình thì  ngoài hiểu biết sâu về chuyên môn, rộng về văn hóa, họ đều là những người tinh thông ngoại ngữ. Nhờ thế mà cập nhật kiến thức để có được những bứt phá ngoạn mục. Dĩ nhiên, muốn giỏi ngoại ngữ cần phải đầu tư sớm, phải được học một cách bài bản và phải có môi trường giao tiếp. Trên thực tế, không ít trí thức Việt Nam sau khi nhận học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân trong nước, họ còn phải lo kiếm sống, nên thời gian dành cho nghiên cứu khoa học không nhiều, ngoại ngữ ít sử dụng nên dễ trở thành tử ngữ… Trong khi, lớp trí thức cao niên được đào tạo cẩn trọng từ nhà trường Tây học, hoặc ở Liên Xô cũ, suốt mấy chục năm qua giữ vai trò trụ cột của nền khoa học nước nhà, giờ đây dần đã ra đi. Sự ra đi của lớp trí thức này đang làm cho nền khoa học Việt Nam có nhiều khó khăn vì hẫng hụt những chuyên gia đầu ngành.

Vẫn biết, đây là một vấn đề có tính lịch sử nhưng giai đoạn giao thời của lịch sử thực sự đã qua. Bên cạnh mong muốn Đảng và nhà nước quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo, bồi dưỡng để có được một đội ngũ trí thức hùng hậu có đủ sức đủ tài để chấn hưng đất nước, mỗi trí thức Việt Nam cũng cần phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của mình, rằng “phi trí bất hưng” để nỗ lực, chuyên tâm vươn lên hoàn thiện chính mình.

Trần Thị Trâm

Nguồn Văn nghệ số 19/2023


Có thể bạn quan tâm