May 17, 2024, 11:49 am

Từ một bài thi và một đề thi

 

Cải cách giáo dục nước nhà thực sự là một thách thức khổng lồ. Bởi có quá nhiều vấn đề cần được điều chỉnh, thay đổi và xóa bỏ. Việc thay đổi không chỉ là sứ mệnh của ngài Bộ trưởng và các đồng sự của ngài mà của tất cả: hệ thống chính trị, các thầy cô giáo, học trò và phụ huynh.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

1.Bài thi

Em Nguyễn Trần Ban Mai (Trường THCS Phan Huy Chú, Thạch Hà) đỗ thủ khoa vào trường THPT chuyên Hà Tĩnh với bài thi môn văn dài 21 trang giấy.

Chuyện ở trên có gì đặc biệt không? Không có gì đặc biệt cả. Một bài thi 1 trang và một bài thi 100 trang chỉ nói với chúng ta về số trang. Nhưng nếu bài thi 1 trang và bài thi 100 trang cùng được chấm 10 điểm thì thật tuyệt vời. Chúng ta không thể lấy bài 1 trang điểm 10 thay cho bài 100 trang điểm 10 được. Vì sao, vì mỗi bài có nghệ thuật riêng của nó. Nghệ thuật viết dài và nghệ thuật viết ngắn. Lâu nay, ta vẫn gặp những tác phẩm viết dài mà không thừa và viết ngắn mà không thiếu.

Ta có thể thay trường thiên tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa cho Ông già và biển cả được không? Không. Vì mỗi tác phẩm ấy mang lại một nghệ thuật riêng biệt và kỳ vĩ.

Bài thi dài 21 trang đã được các thầy cô bảo lãnh về chất lượng với điểm rất cao. Đó là chuyện rất thông thường. Điều bất thường là có những người đã mang cái “21 trang” của một học sinh ra để dè bỉu và có thể nói đã làm tổn thương cô học sinh ấy. Với một học sinh hay một người trẻ thì cho dù đúng sai thế nào chúng ta có nên hành xử như thế không ? Chúng ta đang bàn rất nhiều về giáo dục, nhưng câu chuyện trên lại vi phạm bản chất nhân văn của một nền giáo dục.

Nhà văn Kim Lân (1920 – 2007). ( Ảnh)

2. Đề thi

Truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân được lấy làm đề thi tốt nghiệp môn Văn THPT năm nay đã bị một số người phê phán là cũ và lạc hậu, nói về chuyện đói rét một thời thì làm sao đất nước “ngóc đầu ” lên được vv…

Bàn về câu chuyện này, tôi xin lược trích một số điểm trong bài viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam.

Lược trích ý kiến của nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam:

“Nếu bảo nó cũ, thì “Truyện Kiều” với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” còn cũ hơn, “Bình Ngô đại cáo” còn cũ hơn nữa, và văn thơ Lý Trần thì khỏi nói, xưa như trái đất. Đề nghị: tống cổ hết ra khỏi sgk.

Để “bắt kịp” với đời sống văn chương đương đại, nên ra ngoài đường mà bắt, mới kịp, không ai cấm. Ý tôi là hãy chịu khó ra Đinh Lễ hoặc lên tiki mà mua sách mới về đọc. Đừng tìm ở sách giáo khoa. Vì khi có tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa, ấy là lúc tấm bia đã được gắn cho một sự nghiệp sáng tác. Và không có cách nào để sách giáo khoa “bắt kịp” với đời sống hết, ngoài việc mỗi năm lại biên soạn mới một lần. Đấy là việc bất khả.

Bảo “Vợ nhặt” nói toàn chuyện khốn khổ đói khát, xa lạ và không hợp với bây giờ, thì ơ hay, cái xa lạ và sự không hợp chẳng phải là một trong những lý do khiến người ta tìm đến văn chương hay sao? Để hiểu nó và thấy nó không còn xa lạ nữa, bất chấp độ lùi thời gian hay khoảng cách địa lý”.

 

 

Hoạ sỹ Thành Chương đang hoàn thiện khu tưởng niệm nhà văn Kim Lân có tên Cõi Kim Lân. Đấy là một Cõi của Chữ. Một ý tưởng sáng tạo độc đáo và mang tính tư tưởng của họa sỹ Thành Chương, con trai cả nhà văn Kim Lân.

Cám ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam đã có ý kiến rất rõ ràng. Ngày nay nước Anh vẫn xuất bản, đọc, dạy, diễn, nghiên cứu Shakespeare. Mỗi thời đại đều có những vấn đề khác nhau, nhưng vấn đề chung nhất, lớn nhất và muôn thuở là vấn đề con người và số phận họ. Những tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật và chứa đựng số phận con người cần được đọc và thấu hiểu ở mọi thời đại.

Theo cách nhìn của tôi, Bộ giáo dục và đào tạo, đứng đầu là  ngài Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã và đang nỗ lực trong sự đổi mới nền giáo dục. Chỉ việc quyết định bỏ văn mẫu cũng đã cho thấy tư duy mới và sự kiên quyết của ngài Bộ trưởng và đồng sự.

Cải cách giáo dục nước nhà thực sự là một thách thức khổng lồ. Bởi có quá nhiều vấn đề cần được điều chỉnh, thay đổi và xóa bỏ. Việc thay đổi không chỉ là sứ mệnh của ngài Bộ trưởng và các đồng sự của ngài mà của tất cả: hệ thống chính trị, các thầy cô giáo, học trò và phụ huynh. Chúng ta thử nhìn lại một cách nghiêm túc gia đình nhỏ bé của mình thì chúng ta cũng nhận ra rằng: để thay đổi một điều gì đó trong ngôi nhà của mình thôi nhiều lúc chúng ta cũng không làm được hoặc phải nhẫn nại vô cùng trong một thời gian dài.

Theo tôi biết, các nhà lãnh đạo giáo dục đang âm thầm chuẩn bị cho những đột phá trong thời gian tới. Hy vọng họ thuận buồm xuôi gió. Sự lên tiếng của xã hội về giáo dục và các lĩnh vực khác là vô cùng cần thiết. Nhưng xã hội cũng cần quan sát kỹ từng bước đi của nền giáo dục Việt Nam để nhận ra những tín hiệu quan trọng cho một lộ trình mới. Và chúng ta cần biết chờ đợi và hy vọng từ những tín hiệu đó.

NGUYỄN QUANG THIỀU

Nguồn Vanvn.vn


Có thể bạn quan tâm