May 21, 2024, 4:39 pm

“Tứ khúc” giao mùa

1.

Còn vài hôm nữa là cạn tháng 12 dương lịch rồi mà giữa Thủ đô nền nhiệt ban trưa vẫn 25, 28 độ C. Trời đất mờ mịt thứ ngỡ là khói sương nhưng không phải khói sương, mà là khói bụi. Cây hàng phố vẫn hồn nhiên xanh sẫm như chưa hề biết mùa đông đã đến. “Cây bàng lá đỏ” của mùa thu trong ca từ nhạc Trịnh ngày nào giờ mới chuyển màu nâu sậm.

Và năm nay cũng không có mùa thu, theo nghĩa thu đích thực. Suốt chín chục ngày thu thiếu vắng những cơn gió heo may se se lạnh và cái nắng vàng óng mời gọi thiếu nữ nhẹ bước xuống phố. Mọi năm vào đầu tiết thu, độ nửa đêm về sáng, tôi hay ra khoảnh sân ngóng đợi chim di trú đàn đàn lớp lớp về phương nam tránh rét. Lắng trong không trung tĩnh lặng thứ âm thanh xáo xác bầy chim gọi nhau khiến lòng người xao động. Năm nay mấy lần ngóng đợi, mà sao vợi vắng bầy chim…

Tự bao giờ thiên nhiên vận hành cái quy luật bất tuân quy luật thế nhỉ? Còn nhớ mấy năm trước, vào dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Suốt chiều 30 cho đến sáng mùng 1 sấm chớp rầm trời. Những trận mưa như trút kèm theo gió giật như tố lốc. Và mưa đá. Trong trí nhớ của lớp người có tuổi vùng quê tôi, chưa bao giờ thời tiết lại tréo ngoe lạ lùng và lạnh lùng đến thế. Rồi những thảm họa, tai ương từ thiên tai, dịch bệnh liên tiếp ập đến trong mấy năm qua mà có lẽ không nên nhắc lại nữa càng thêm se thắt… Và ngay trong bối cảnh bịt bùng dịch giã và thiên tai, oái oăm thay lại nảy sinh bao vụ “nhân tai”, tức là những vụ tham ô tham nhũng ở mức độ chưa từng có. Nguồn lực của quốc gia, tài lực của nhân dân phút chốc tiêu tán. Khát vọng đất nước hùng cường cứ trồi sụt, hư hao. Năng lượng niềm tin từ lòng dân vốn đang cần bồi đắp lại một phen suy giảm…

Không chỉ đất nước này, mà cả thế giới đông tây nam bắc rộng lớn cũng hứng chịu những thảm kịch từ đại dịch, từ thiên tai và từ xung đột. Chỉ riêng năm 2021 thế giới nhìn nhận 10 thảm họa thiên tai, thiệt hại khoảng 170 tỉ đô la, cướp đi sinh mạng của gần 1.100 con người, chưa kể những thiệt hại khủng khiếp về người và của trong đại dịch Covid-19. Hiếm khi nào thế giới cùng lúc gánh chịu thảm họa kép, cuộc chiến này chưa dừng, cuộc chiến khác đã bùng lên. Hai chữ Hòa Bình vẫn mong manh, nói chi đến thế giới bình yên, thiên nhiên hài hòa…

 

2.

Có mối liên hệ nhân quả giữa những lệch lạc trong đời sống xã hội với sự vận hành bất tuân quy luật của thiên nhiên? Hay ngược lại, sự vận hành bất thường và thất thường của thiên nhiên có phản chiếu điều gì về quy luật xã hội hiện tại?

Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư các sử gia nước ta ghi chép, bàn luận các sự kiện xuyên suốt lịch sử triều đại phong kiến Việt Nam, nhiều lần chép các hiện tượng thiên nhiên kỳ dị bất thường như vòi rồng, mưa đá, hạn hán, lũ lụt… Cái chuyện kỳ dị bất thường này hầu như triều nào cũng có. Bậc quân vương trị quốc không mấy khi vô cảm thờ ơ. Họ đối diện, suy ngẫm và sửa mình, như cách soi gương, rửa mặt, tự phê tự sửa. Thường thì lập đàn cầu đảo, mở kho phát chẩn, ân giảm thuế má, cải sửa án oan, phóng thích tù nhân, trị kẻ ác nhân lộng quyền… Cung cách ứng xử không hẳn là duy tâm, có tác dụng về vỗ về an dân, cố kết lòng dân trước mỗi biến cố thiên tai, dịch giã và giặc giã.

Ngẫm kỹ, mọi biến cố tự nhiên đều có mối dây liên hệ qua lại với hoạt động đời sống con người. Trái đất là nơi con người nương náu, sinh tồn, nhưng chính con người, do tham lam và kém hiểu biết, hoặc hiểu biết mà bất chấp, vô tình hay cố ý đang hủy diệt Trái đất. Và cả thái độ ngạo mạn thách đố coi mình là chúa tể, có thể “xoay trời chuyển đất”, lấp bể phá rừng… Những cú vặn mình, rung lắc của vũ trụ đâu phải tự nhiên, vô cớ? Những đại dịch bí hiểm cùng “bệnh lạ” xuất hiện trong mấy thập niên gần đây chắc chắn cũng có cội nguồn từ lòng tham và thói ngạo mạn ấy của con người…

 

3.

Người ta hay dùng những khái niệm như là “hiệu ứng nhà kính”, “biến đổi khí hậu”, “băng tan” hay “trái đất nóng lên”… để lý giải cho sự vận hành bất tuân quy luật của thời tiết và những thảm họa từ thiên nhiên. Chúng ta nghe nhiều lần thành quen và vô thức gật đầu khi ai đó lý giải nguyên nhân lũ ống lũ quét, sạt lở đất v.v… là do lượng mưa quá lớn; nạn cháy rừng là do thời tiết khô nóng và ngập úng là do mưa dài ngày. Ngay cả thứ như sương khói mà không phải khói sương trong ngày đông này, mấy ai không mặc nhiên nghĩ đó là hiện tượng bình thường rất thông thường của mùa đông?

Vì đâu mà sinh ra hiện tượng La nina, El nino? Vì đâu mà hành tinh đang nóng dần lên, băng ở hai đầu trái đất rạn vỡ và tan chảy?

Thường niên, nguyên thủ các quốc gia, người đứng đầu chính phủ trên toàn thế giới vẫn định kỳ gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh vì khí hậu, gọi tắt là COP. Từ diễn đàn này, thế giới đưa ra những cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu. Những cam kết chủ yếu xoay quanh cắt giảm khí thải, giảm dần nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…Thực chất là kêu gọi các quốc gia có những cam kết tiết giảm hành vi hủy hoại môi trường, hủy hoại chính ngôi nhà và không gian sinh tồn của nhân loại và muôn loài.

Tức là, phải đâu thế giới văn minh đang mù tịt về nguồn gốc của thảm họa?

 

5.

Lại ngẫm câu “chớp bể mưa nguồn”…

Người dân vùng bể nhớ nằm lòng cái câu vừa như thành ngữ, vừa như tục ngữ trên đây. Nó nhắc nhớ thường trực tâm thế ứng phó trước cái thất thường bất định của thời tiết tự nhiên và cả thời tiết lòng người. Nó là một chiêm nghiệm về hiện tượng gần như là quy luật: có chớp bể ắt có mưa nguồn; nơi cửa bể nhoằng lên những tia chớp khác thường thì ắt phía thượng nguồn kia sẽ xuất hiện mưa lũ. Nói rộng ra, mọi sự vật hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội đều có mối liên hệ qua lại.

Thế giới này cứ thường xuyên liên tục hiệu ứng bình thông nhau. Thiên nhiên với thiên nhiên, con người với con người, con người với thiên nhiên, với muôn loài, chằng chịt những đầu dây mối nhợ bện xoắn, đan cài. “Một con bướm đập cánh ở rừng A-ma-dôn cũng có thể gây nên những trận cuồng phong ở bang Tếch-dát”. Hành tinh này với hằng hà sa số những hành tinh cách xa cả triệu năm ánh sáng, ai bảo không có mối liên thông? Lũ lụt, hạn hán miền Trung mỗi năm thêm khốc liệt có liên quan gì với những đàn hải ly đang ngày đêm phá cây đục băng ở Bắc cực lạnh giá xa xôi? Gần hơn là có liên quan gì với những cánh rừng tự nhiên trên dải Trường Sơn đang ngày càng thưa thớt, trơ trọc?

Và nữa, trong bối cảnh hậu đại dịch, một loạt vụ án lớn đã được phác giác, khởi tố và xét xử, phát đi thông điệp mạnh mẽ về trừ họa an dân. Chỉ tính trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, “kit-tét Việt Á”, AIC… và gần đây là vụ Vạn Thịnh Phát, con số bị can bị cáo đã lên đến hàng trăm. Đó thực sự là những ác nhân vậy!

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 11/2023 chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), mang một thông điệp về tinh thần tôn trọng, đề cao quyền lợi của nhân dân liên quan đến tài nguyên, đất đai và quyền sở hữu của người dân.

Xưa cũng như nay, thấu hiểu lòng dân là bậc minh quân. Trọng dân, thương dân thì xã tắc bền vững, thiên hạ thái bình…

Được thế, trời đất cao xanh nỡ nào không nhuần nhị hài hòa?

Uông Ngọc Dậu

Nguồn Văn nghệ số 52/2023


Có thể bạn quan tâm