April 29, 2024, 7:31 pm

Trong vương quốc của Nagisa Ōshima*

Điện ảnh của Ōshima là điện ảnh của ngọn lửa: ngọn lửa nổi loạn, ngọn lửa đam mê, ngọn lửa địa ngục. Trong điện ảnh của ông, tình dục và cái chết luôn khiêu vũ cùng nhau bên bờ mép của sự diệt vong.

Đạo diễn Nagisa Ōshima.

Người ta kể rằng, khi các nhà phê bình so sánh Nagisa Ōshima là “Godard của điện ảnh Nhật”, ông liền “đốp” lại, bảo rằng Godard mới là “Ōshima của điện ảnh Pháp”. Ông từ chối bị so sánh với bất cứ ai, dù cho là sự so sánh vinh dự nhất – so sánh với cha đẻ của Làn sóng mới điện ảnh Pháp, làn sóng sẽ truyền động lực cho vô vàn những làn sóng mới của các nền điện ảnh trên khắp thế giới, trong đó có nuberu bagu, Làn sóng mới điện ảnh Nhật Bản những năm 1950-1970 mà Nagisa Ōshima là một đại diện tiêu biểu. Ông tự coi mình là người “phá hoại toàn bộ mỹ học”. Nhưng cũng chính ông tạo nên một kiểu mỹ học mới, mà các nhà phê bình đã gói gọn trong một thước phim về ngọn lửa trong đêm đen ở thước phim cuối của The Sun’s Burial (Cuộc chôn cất mặt trời), một trong các bộ phim đầu tiên của Ōshima.

Đôi khi, ta muốn chia những người xem phim thành những người đã xem In The Realm of Senses và những người chưa xem bộ phim ấy, đó là một tác phẩm xô đổ mọi lằn ranh về điện ảnh đích thực và phim khiêu dâm, thách thức mọi định kiến mà những nhà đạo đức gắn vào cái đẹp – rằng cái đẹp là cái chân / thiện / mỹ, ngay cả cái đẹp của sự nổi dậy cũng phải là sự nổi dậy đầy lãng mạn. Có rất nhiều khoái cảm nhưng không có sự lãng mạn trong In The Realm of Senses, bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một cựu gái điếm làm hầu gái và có quan hệ tình ái với ông chủ của mình, hai người cùng nhau tận hưởng mọi trò chơi xác thịt, và rồi trong giây phút bạo dâm thăng hoa, cô siết cổ người đàn ông trong lúc cưỡi trên cơ thể ông ta, ông ta chết trong cơn sung sướng cực độ, và cô cắt phăng phần dương vật của ông ta, và giữ cục thịt chết ấy bên trong âm đạo của mình vài ngày liền, như bằng chứng về một tình yêu vĩnh cửu. 

Không phải tình yêu tâm trí, mà chính cơ thể trần trụi mới là sự đối kháng lại quyền lực và bạo lực, là sự giải phóng tuyệt đối con người.

Những khán giả đã từng xem In The Realm of Senses sẽ mãi mãi bị đóng đinh bởi những cảnh phim đẹp rực rỡ của những cuộc truy hoan giữa các nhân vật, với những lớp cửa shoji mập mờ ánh sáng, những bộ kimono tinh xảo vung vãi, những chiếc đàn shamisen, những bàn rượu sake đựng trong bình gốm, và con người làm tình cân đối trong ống kính. Bộ phim ấy như một thứ “thủ cung sa”, một khi đã xem xong thì đôi mắt ta đã không còn “trinh bạch”, đã nhìn thấy tình dục như nó là thế – bộ phận sinh dục phô bày, quá trình tình dục được miêu tả tỉ mỉ, không bỏ cách, những chiêu tình dục quái đản như nhét trứng luộc vào âm hộ, những lần làm tình vụng trộm. Nhưng không chỉ thế. Tình dục trong In The Realm of Senses dường như mang một cảm thức về sự diệt vong – một ngọn lửa thiêu cháy con người từ bên trong cho đến khi chỉ còn là một nắm tro tàn. Cách mà nhân vật nam nhận ra cơn cực khoái trở nên vô độ khi anh ta bị siết cổ trong lúc làm tình là cách mà Ōshima đẩy tình dục và cái chết đến sát bên nhau, cùng xoay vần trong một điệu khiêu vũ đầy hiểm họa. Cả hai đều là sự phản kháng cực đoan chống lại cái giả dối của cuộc đời và sự hình thức của đạo đức.

Trong một cuộc phỏng vấn của mình, nhà làm phim quái kiệt Nhật Bản khẳng định hai chủ đề mà ông yêu thích trong các tác phẩm điện ảnh của mình là tình dục và tội ác, và ông cũng nói hai đề tài ấy có một điểm chung: chúng đều là những thôi thúc mãnh liệt nhất của con người.

Bộ phim tiếp nối của In The Realm of Senses của Ōshima là The Empire of Passion (Vương quốc đam mê), vợ của một người kéo xe nơi vùng nông thôn Nhật Bản nghe theo lời tình nhân hạ sát chồng và ném xác ông xuống một cái giếng sâu trong rừng, để họ có thể tiếp nối mối quan hệ lăng loàn cùng nhau. Nhu cầu tình dục và nhu cầu bạo lực gắn liền như hình với bóng, là những nhu cầu tiền sử từ khi con người chưa là con người, và luôn luôn con người bị lôi kéo để trở về với bản năng nguyên thủy. Cái giếng nơi cặp tình nhân thả xác nạn nhân xuống cũng giống như một đường hầm tiến hóa đưa con người trở lại nguyên hình thú vật – sau khi hồn ma của người chồng trở về ám ảnh người vợ, cô ta cùng tình nhân đã tìm đường xuống giếng, và ngay giữa vũng nước lầy lội chứa xác chết, họ lại không thể nhịn được ham muốn làm tình. Họ làm tình trên cái chết của kẻ khác, trên nấm mộ, trên linh hồn của kẻ khác, nghĩa là họ đã làm tình trên tất cả mọi cấm kỵ truyền thống, trong giờ phút ấy, họ không còn sợ gì cả, kể cả những hồn ma đáng sợ trong tín ngưỡng Nhật Bản – đó là sự giải phóng hay là sự báng bổ? Nhưng liệu có sự giải phóng nào là không mang trong mình mầm mống báng bổ hay không? 

Có lẽ mọi tác phẩm của Ōshima đều là một sự báng bổ. Ông là nhà cách mạng phá tan mọi ý niệm truyền thống và không ngừng đẩy con người vào những tình thế kỳ quặc nhất. Trong một tác phẩm đỉnh cao của mình vào năm 1968, Death by Hanging (Chết bằng cách treo cổ), ông tưởng tượng ra một buổi tử hình tội phạm trước sự chứng kiến của các nhân chứng và bác sĩ. Nhưng một điều không tưởng diễn ra: cơ thể tên tội phạm sau khi bị treo cổ từ chối không chết. Chỉ có linh hồn của anh ta dường như đã biến mất: sau khi tỉnh lại, anh ta không còn nhớ ra mình là ai, không còn nhớ được rằng anh ta đã hãm hiếp những cô gái rồi giết bỏ họ. Hay nói cách khác, linh hồn anh ta được khởi động lại từ đầu, như một cuốn băng bị xóa trắng để đè lên những ký ức mới. Toàn bộ tác phẩm gần như được quay trong không gian kín này như một vở kịch phi lý, nơi các cảnh sát cố gắng làm mọi cách để phục hồi trí nhớ của tên tội phạm mới có thể đưa anh ta lên giá treo cổ lần nữa. Thế nhưng, anh ta giờ đây như biến thành một người khác – anh ta tự do, lương thiện, đầy cảm thông, nhạy cảm, và chính trong lúc thị phạm cho anh ta nhớ lại cách anh ta giết người, một điều tra viên đã vô tình giết một người phụ nữ, điều rắc rối là chỉ có ông và anh ta nhìn thấy người phụ nữ đó.

Tình dục và tội ác như những chức năng đã được cài đặt sẵn trong cơ thể con người. Bình thường, công tắc ấy bị vô hiệu hóa, nhưng đôi khi, một tác động nào đó khiến nó được bật lên, và con người biến thành quái vật.

Có quá nhiều tầng bậc trong tác phẩm mang hơi hướm tài liệu khám phá về mọi khái niệm như cái chết, ý nghĩa của án tử hình, ý nghĩa của nhà nước, xung đột linh hồn và thể xác, xung đột Nhật Bản – Hàn Quốc, bản chất thiện / ác của con người, sự hoang tưởng của những hệ thống tưởng tượng mà chúng ta tự tin là có thật và tự áp đặt lên nhau, và để nói về bộ phim vô ấy, người ta có lẽ cần cả một bài luận dài hai chục ngàn từ cũng chưa cặn kẽ hết. Nhưng trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, người viết chỉ muốn nói về tình dục và tội ác như những chức năng đã được cài đặt sẵn trong cơ thể con người. Bình thường, công tắc ấy bị vô hiệu hóa, nhưng đôi khi, một tác động nào đó khiến nó được bật lên, và con người biến thành quái vật.

Nhân vật kẻ tử tù trong Death by Hanging trong quá khứ thường hình dung trong đầu việc chiếm đoạt những cô gái, hình dung thì chưa có tội (chí ít với pháp luật), cho đến khi một trong những hình dung hóa thành sự thật lúc nào không biết. Thế rồi, viên cảnh sát cố gắng dựng lại hiện trường để lấy lại trí nhớ nơi kẻ tử tù. Rõ ràng ông ta cũng chỉ đang giả vờ diễn lại cảnh tội ác hôm đó, cho đến khi ông ta nhận ra giả vờ mãi cũng thành thật (fake it until you make it, như một thành ngữ trong tiếng Anh). Những giấc mơ tình dục và những huyễn tưởng về giết chóc luôn có sẵn trong vô thức của con người như một ký ức từ thời tổ tiên, và bất cứ ai, dù là tên tử tù hay viên cảnh sát, một kẻ đạp lên công lý hay một người bảo vệ công lý, cũng có thể bị lôi kéo bởi những giấc mơ và huyễn tưởng ấy, nếu như được đưa vào điều kiện thích hợp. Đạo đức chỉ tồn tại chừng nào điều kiện cho phép con người sống đạo đức. Điều thú vị tiếp theo là không ai nhìn thấy cô gái mà viên cảnh sát giết, chỉ trừ chính viên cảnh sát và tên tội phạm. Sự chuyển dịch liên tục giữa mơ và thực ấy trong tác phẩm này là sự báng bổ đối với mọi khung lề lối mà con người quy ước với nhau. Làm sao có tội ác xảy ra nếu tội ác chỉ xảy ra trong đầu? Những tội ác trong đầu có thể được coi là tội ác hay không? Nếu không, luật pháp lấy gì để nói rằng nó đại diện cho công bằng khi nó để lọt quá nhiều lỗ hổng?

Nagisa Ōshima luôn có một sự thông cảm nào đó với những tên tội phạm, những kẻ nổi loạn, những kẻ đạp đổ mọi đúng sai và những đội quân phiến loạn hay những người phá luật. Được thực hiện ngay trước Death by Hanging, tác phẩm điện ảnh Double Suicide: Japanese Summer (Tự sát đôi: Mùa hè Nhật Bản) cũng là một kiệt tác khác của ông trong việc mô tả những sát thủ hàng loạt và đám dân giang hồ, với câu chuyện về một thanh niên da trắng 17 tuổi nã súng vào tất cả mọi người gây nên cuộc thảm sát, một cô gái điếm khao khát được ngủ với đàn ông nhưng dường như chẳng có người đàn ông nào đoái hoài đến cô bởi họ còn đang bận với súng đạn, một người đàn ông khao khát được chết liên tục ướm mình vào đường viền vẽ quanh thi thể những người chết và ước ao được là một trong những cái xác ấy, một cậu trai 17 tuổi khác với khao khát được nổ súng giết người, một băng đảng xã hội đen rối rắm và phức tạp. 

Bộ phim có một trường cảnh cuối cùng mãnh liệt khi đám xã hội đen cùng đứng về phía tay súng da trắng và đối đầu với cảnh sát trước khi bị một trong số đồng đội phản bội. Một cuộc huyết chiến nổ ra, và trong giây phút khi cái chết cận kề, cô gái điếm và người đàn ông chỉ-muốn-tìm-cái-chết đã lần đầu tiên, và duy nhất, làm tình cùng nhau, dẫu tiếng súng và tiếng những lời đe dọa vang lên bốn bề. Lạ thay, đó không hẳn là một thước phim lãng mạn, cô điếm và người đàn ông không có tình yêu, họ chỉ đơn giản là làm tình, nhưng có gì trong đó khiến tình dục thậm chí còn lớn lao hơn tình yêu. Đó không phải sự hòa hợp về tâm hồn, mà chỉ thuần túy là sự hòa hợp về thể xác, nhưng đó lại là sự trở về với những gì cơ bản nhất của con người – thịt và da. Giây phút ấy, ta cảm thấy chính cái cơ thể thường bị khinh bỉ là nguồn gốc của tội lỗi và dâm loạn mới là ngôi đền thiêng của cuộc sống. Không phải tình yêu tâm trí, mà chính cơ thể trần trụi mới là sự đối kháng lại quyền lực và bạo lực, là sự giải phóng tuyệt đối con người.

Đó có thể là sự phản kháng quá đỗi cực đoan, nhưng họ có thể làm gì được trong một xã hội thật đen tối, đen tối đến mức không có bóng đèn nào dù là lập lòe chỉ đường cho họ đi, và họ chỉ có thể đốt cháy chính mình trong thù hận, trong đam mê, trong cơn giận dữ sục sôi của tuổi trẻ, trong việc đem chính tính mạng mình chơi đùa bên mép vực, biến mình thành một ngọn lửa để tự soi sáng, nhưng rồi không thể kiểm soát chính ngọn lửa ấy và bị nó lấy mạng. Họ không thể sống khác được, không phải vì đó là cách sống đúng, mà vì đó là cách sống duy nhất. “Nếu bản thân ta không cháy lên như loài cá dưới đại dương sâu thẳm, thì làm gì có ánh sáng ở bất cứ đâu.” Nagisa Ōshima từng nói.□

—–

* Mượn cảm hứng từ tựa đề tác phẩm kinh điển của Nagisa Ōshima, In the realm of senses – Trong vương quốc nhục cảm.

  Nguồn Tia Sáng

Có thể bạn quan tâm