May 4, 2024, 5:21 pm

Trọng dụng nhân tài và nghịch lý tạo “hàng rào kỹ thuật”

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Hội thảo đã đi sâu phân tích những hạn chế, khó khăn và tổng kết các bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 27- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng Khóa X, về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, những rào cản kỹ thuật trong chính sách trọng dụng nhân tài hiện nay.

 

Ảnh minh họa

Học ngành nào và học cái gì?

Câu hỏi này đã trở đi trở lại trên hầu hết diễn đàn xã hội, báo chí và trở nên dầy đặc hơn khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đến gần. Và dĩ nhiên, trả lời những câu hỏi này là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý. Mỗi người đều đưa ra ý kiến riêng, xuất phát từ góc nhìn cá nhân của mình, nhưng đều có chung một nhận định, học ngành gì và học cái gì không quan trọng bằng thái độ học của người đó ra sao với ngành nghề mình đã chọn. Vì nếu bạn thực sự hiểu và giỏi về chuyên môn thì sẽ không khó để tìm được công việc phù hợp. Về lý thuyết, đây là lời khuyên không sai. Nhưng thực tế thì chưa hẳn đã đúng, bởi khi đã hiểu và giỏi về chuyên môn (được ghi nhận bằng tấm bằng loại giỏi) thì việc thất nghiệp, hoặc phải chọn công việc trái với ngành nghề đào tạo là chuyện không mới.

Sẽ có người nghi ngờ và cho rằng, đây là điều phi lý thậm chí mâu thuẫn hoàn toàn với chính sách trọng dụng nhân tài đang được Nhà nước ta thực hiện. Nhưng thực tế, trong những trường hợp cụ thể, những bất cập này vẫn xảy ra. Cụ thể, Nghị định 140/2017 của Chính phủ quy định, để được tuyển thẳng vào công tác trong ngành nghề được đào tạo, ngoài yêu cầu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, Nghị định 140 còn quy định sinh viên phải đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí: Đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh/quốc gia, giải Olympic hoặc giải khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia/quốc tế. Đây là những rào cản mà không phải sinh viên nào cũng có thể đáp ứng. Thông thường những tiêu chuẩn kèm theo tấm bằng xuất sắc nói trên là các giải thưởng, thành tích này nọ chỉ xảy ra ở bậc THPT và tại khối các ngành nghề kỹ thuật bậc đại học. Còn lại ở các khối ngành KHXH việc có những giải thưởng là vô cùng khó nếu như không muốn nói là các em không thể có cơ hội. Còn nếu cho rằng, tại sao khi học phổ thông các em không cố gắng đoạt những giải thưởng, những thành tích nói trên để sau này đủ điều kiện tuyển thẳng vào cơ quan Nhà nước?

Vô vàn câu hỏi được đặt ra, và cũng có chừng ấy câu trả lời, nhưng thiết nghĩ, câu trả lời thiết thực nhất là ở thời điểm đó (thời điểm viết thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học) rất ít em có đủ tự tin, tìm hiểu kỹ và nghĩ rằng mình sẽ giành tấm bằng xuất sắc để được tuyển thẳng. Không vượt qua được NĐ 140, nhiều sinh viên lựa chọn thi tuyển công chức. Nhưng lựa chọn này cũng chưa hẳn thông đồng bén giọt. Bởi với không ít ngành nghề, sinh viên phải ra trường nhiều năm mới có đợt thi tuyển công chức. Thời gian chờ thi tuyển, nhiều em chấp nhận làm trái ngành nghề để giải quyết bài toán cơm áo- gạo tiền, chưa kể có em còn phải trả nợ khoản vay tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên theo học đại học của Ngân hàng chính sách xã hội trước đó. Dẫn đến một thực tế không thể phủ nhận, những va vấp trong cuộc sống khiến cho kiến thức được đào tạo trong trường đại học rơi rụng dần. Và kết quả, đối diện với kỳ thi tuyển công chức nhiều người đã do dự, và vô hình chung kỳ thi đã trở thành cánh cửa hẹp với nhiều sinh viên. Chưa kể đây đó, việc tổ chức kỳ thi tuyển công chức chỉ là hình thức để hợp thức hóa những vị trí đã có người chờ sẵn.

Ở một góc độ khác, nhiều ngành nghề dù tổ chức thi tuyển công chức thường xuyên, nhưng lại thêm yêu cầu bắt buộc, cá nhân dự thi vào vị trí tuyển dụng cần a,b,c số năm công tác tại vị trí tương tự…. Như vậy kiểu thi này cũng thực sự đánh đố thí sinh.

Việc tổ chức thi cho có, làm lộ đề thi để làm nhiễu loạn thông tin về các kỳ thi tuyển công chức ở không ít địa phương thời gian qua đã tạo ra những phản ứng dư luận trái chiều. Nhiều quan điểm cho rằng cần phải minh bạc toàn bộ quá trình tổ chức thi tuyển, chấm thi và công bố kết quả… nói trên để không chỉ cá nhân người dự thi mà xã hội quan tâm cùng giám sát. Tuy nhiên, không phải kỳ thi nào cũng hết sạn.

Gỡ rào cản để nhân tài thực sự là nguyên khí quốc gia

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ rõ những bất cập của NQ 27 và NĐ 140, cho rằng cần có những giải pháp không chỉ nâng đỡ mà còn khuyến khích nhân tài trẻ vào các vị trí làm việc xứng đáng tại cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời không nhất thiết phải đóng khung ở những tiêu chuẩn, quy định không phù hợp, và đặc biệt chính sách trọng dụng nhân tài phải được học tập và phát huy từ tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi đôi với việc phát hiện nhân tài, một vấn đề rất quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đó là người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết.

Cũng có tư tưởng này, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nay là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tại cuộc gặp mặt  đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023 đã khẳng định, tới đây, Đảng, Nhà nước tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tạo động lực để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển năng lực bản thân, được tạo cơ hội, điều kiện cần thiết, phù hợp với điều kiện đất nước để cống hiến cho Tổ quốc. Trước mắt, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ người Việt có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước. Thật sự tôn trọng và có cơ chế phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với những vấn đề của đất nước.

Như vậy, trong 15 năm qua, kể từ khi ra đời NQ 27 có một thực tế không thể phủ nhận, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nhiều trí thức có trình độ cao, năng động sáng tạo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, số lượng cán bộ làm trong lĩnh vực nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so các nước khu vực, nhất là cán bộ có trình độ tiến sĩ. Công tác đào tạo khối ngành KH&CN chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, thậm chí chưa bền vững. Do đó, để thu hút tri thức cần xóa bỏ những rào cản kỹ thuật, thông qua các tiêu chí phụ để làm khó ứng cử viên. Đi cùng với đó là chính sách đãi ngộ bằng tiền lương để giữ chân nhà khoa học, tạo điều kiện về nhà ở để trí thức “ an cư lạc nghiệp”  tránh sự mất cân đối chung giữa khối tư nhân và Nhà nước trong việc phát triển các công nghệ ưu tiên, làm nền tảng cho KH&CN quốc gia.

Quay trở lại với những diễn biến tại hội thảo,  đa số các thành viên tham dự đều nhất trí cần phải có những chính sách đột phá để phát huy tối đa năng lực đội ngũ trí thức tại vị trí được tuyển dụng. Qua rồi thời kỳ đầu tư dàn trải, chưa tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, khâu then chốt, mà thay vào đó là đầu tư có trọng điểm, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, cần xây dựng một lộ trình dài cho những cơ chế mới, mang tính đột phá hơn trong hiện tại và cả tương lai.

Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành KH&CN liên tục giảm trong 3 năm gần đây: Năm 2019 là 1.379 nghiên cứu sinh (NCS) thì năm 2021 chỉ còn 1.010 nghiên cứu sinh. Ở bậc đại học, số lượng thí sinh nhập học ngành CNTT liên tục tăng, từ 46,173 sinh viên năm 2019 lên 56,260 sinh viên năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu; trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống thì số lượng sinh viên nhập học, chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Đây là con số quá khiêm tốn nếu như không muốn nói là khá báo động cho lĩnh vực vốn được xem là sự lựa chọn của tương lai.

Nguyễn Nam

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Có thể bạn quan tâm