May 20, 2024, 9:30 pm

Trở lại làm người

Người đàn bà ấy tên Xuân, là người Việt Nam, được A Lỷ mua về làm vợ với giá một nghìn nhân dân tệ.

Người trong thôn hầu như chỉ biết có từng ấy thông tin về Xuân. Những người sống ở cái thôn hẻo lánh vùng biên giới này mười lăm năm nay chưa từng thấy Xuân ra khỏi thôn bao giờ, cũng chả mấy khi thấy người đàn bà ấy giao tiếp với người khác. Do ngôn ngữ bất đồng chỉ là phần nhỏ, phần lớn là do người đàn bà ấy có vẻ ngây ngô chứ không khôn ngoan như những người bình thường khác. Ngày này qua tháng khác, người ta chỉ thấy Xuân lầm lụi làm ruộng vườn và quanh quẩn với việc nhà.

Minh họa của TRẦN NGỌC QUỲ

Người trong thôn chẳng bao giờ bàn tán chuyện trò gì về gốc gác, xuất thân của vợ A Lỷ, bởi vì đối với họ, việc Xuân là ai, đến từ đâu không quan trọng bằng việc A Lỷ kiếm được vợ. Một thằng đàn ông nghèo như hắn làm sao mà lấy được vợ ở cái đất này, cái nơi mà nhà nào cũng chỉ có một đứa con nhưng số lượng con trai lại đông gấp đôi số con gái. Vì thế, con gái cao giá lắm, nó phải chọn con trai nhà khá giả, chứ cái ngữ nhà nghèo, học hành chỉ đủ để biết đọc biết viết như A Lỷ, hiếm người kiếm được vợ lắm, khối người ế đến già. Hồi ấy, A Lỷ hơn bốn mươi, đang ế và đang già đi rồi. A Lỷ sống cùng cha mẹ trong căn nhà xây bằng gạch từ giữa những năm tám mươi, thấp lè tè. Căn nhà nằm giữa lưng chừng một quả đồi nhỏ ở tận cuối thôn và gần như biệt lập với những nhà khác. Cả nhà ngày ngày làm ruộng vườn cùng nhau. Từ dạo mở cửa khẩu, A Lỷ theo thanh niên trong thôn đi vác hàng thuê cho các nhà buôn, bỏ lại việc đồng ruộng cho bố mẹ hắn làm.

Cửa khẩu cách thôn chỉ hai chục cây số thôi mà nhịp sống khác một trời một vực. Đó là nơi có những dãy nhà cao tầng san sát đứng bên nhau, những dãy phố sầm uất, cửa hàng cửa hiệu sáng choang, ngồn ngộn hàng hóa và người thì lúc nào cũng nườm nượp, qua lại nhộn nhịp như hội. Đi làm thuê, A Lỷ mới biết là tiền kiếm được nhờ vác hàng nhiều hơn tiền kiếm được từ làm ruộng vườn nhiều lần. Trước đây, cả nhà hắn làm lụng suốt ngày cũng chỉ đủ ăn, chi tiêu tằn tiện, chắt bóp mà vẫn không để ra được mấy đồng. Đi làm ở cửa khẩu, xong ngày nào có tiền mang về ngày đấy. A Lỷ hỷ hả. Bố mẹ A Lỷ hỷ hả. Ngày nào cũng có tiền mang về thế này mới tích cóp được khoản mà lo cưới vợ chứ. Bố mẹ A Lỷ mong lắm lắm rồi, cơ mà vì nghèo, nên cứ ngậm ngùi nhìn thằng con trai lớn lên, rồi đang dần già đi mà vẫn chưa kiếm được tấm đàn bà.

A Lỷ có sức khỏe, việc vác hàng có thấm tháp gì so với sức vóc kia. Chỉ là thỉnh thoảng cũng có lúc nguy hiểm vì va chạm giữa các nhóm cửu vạn hoặc chủ hàng với nhau, có lúc đánh chém nhau đổ máu là chuyện không lạ. Hôm nào làm ở cửa khẩu chính, vác hàng xếp lên xe tải để chuyển sang bên kia còn được về sớm. Chứ những hôm làm ở bờ sông, vác hàng từ trên bờ xếp xuống đò, toàn phải làm đêm ở khu vực vắng vẻ, nghe bảo phải trốn biên phòng, thì có khi làm cả đêm đến gần sáng luôn. Những hôm ấy, cả nhóm vừa làm vừa phải thay nhau cảnh giới. Có hôm bị biên phòng phát hiện, cả bọn phải bỏ hàng, chạy trốn tán loạn. Cũng đã có thằng bị bắt, bị giam giữ xong được ông chủ lên xin, nộp phạt, bảo lãnh lại được về. Nhưng đi làm tích cóp chưa được bao nhiêu thì mẹ A Lỷ bị bệnh, tiền có bao nhiêu đổ ra lo chạy chữa hết mà không được. Mẹ A Lỷ chết ở tuổi sáu mươi, mang theo niềm canh cánh về thằng con trai chưa có vợ, nguy cơ không có thằng cháu trai nối dõi tông đường. Căn nhà cuối thôn ấy, ngày qua ngày chỉ còn lại hai người đàn ông. A Lỷ vẫn đi vác hàng cả ngày, việc đồng ruộng chỉ còn mình lão Chang lụi hụi làm.

Đêm ấy, nhóm của A Lỷ được giao vác hàng xuống đò ở khu vực gần ngã ba Vàng Lầy. Lúc cả nhóm tám người xuống đến nơi thì trời mới nhập nhoạng tối. Hàng được từng xe máy chở đến. Nhóm của A Lỷ chỉ việc dỡ ra và vác từng cục xếp xuống lòng đò. Chưa kịp xếp hết hàng xuống thì báo động có biên phòng. Cả nhóm bỏ lại những cục hàng bọc nilon đen xì còn chỏng chơ ở mép sông, chạy trốn hết. Lái đò lập tức nổ máy cho đò chạy sang ngang. Khi biên phòng đuổi ra đến mép sông thì đò đã quay sang đến quá nửa sông rồi, đã là địa phận của Việt Nam nên họ không đuổi bắt nữa. Thế là hàng thoát. A Lỷ chạy luồn vào tít sâu trong khu đồi rậm rạp, cỏ lau cao quá đầu người. A Lỷ nằm ém ở đó độ gần tiếng đồng hồ, thấy tình hình yên ắng, đang định luồn xuống đường mòn để đi về thì chợt thấy ánh đèn pin soi loang loáng từ xa. Tiếng người hô đuổi bắt rõ mồn một. A Lỷ sợ hãi, nằm im thin thít, nghe ngóng. Ánh đèn và tiếng người chạy hình như đang hướng thẳng về chỗ mình. A Lỷ sợ, định đứng vọt dậy để chạy đi thì bỗng thấy tiếng loạt soạt mạnh ngay gần mình, chưa kịp phản xạ thì đám lau trước mặt đổ rạp vào A Lỷ, ngay sau đó là cả một tấm thân người đổ ập xuống. A Lỷ hoảng hồn đẩy phắt tấm thân ấy ra, lồm cồm bò lên định chạy đi thì bị kéo chân lại. A Lỷ dứt mạnh ra, rẽ lau chuồn thục mạng. Được một quãng, A Lỷ dừng lại, ngờ ngợ. Không có tiếng người đuổi theo. Chắc cái người đó không phải là người đuổi để bắt mình. A Lỷ chợt nghĩ lại, lúc nãy, đôi tay níu chân hắn cũng có vẻ yếu ớt, cái lực níu như kiểu đã kiệt sức rồi. Không khéo người này đang bị bọn kia đuổi bắt. Biết đâu lại là thanh niên thôn mình, cùng nhóm làm với mình, đang bị biên phòng rượt đuổi cũng nên. A Lỷ nghĩ thế và A Lỷ quay lại. Cái người ban nãy vẫn nằm sấp ở chỗ đó, không động đậy gì.


Có thể bạn quan tâm