May 5, 2024, 4:34 am

Trở lại Gia Điền

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN

Nhà văn Khuất Quang Thụy, tổng Biên tập báo Văn nghệ đã chia sẻ với cán bộ, nhân dân xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trong chuyến “Về nguồn”, thăm lại “Thủ đô của văn nghệ kháng chiến” cuối tháng Ba năm 2023 của Tuần báo Văn nghệ rằng: Trong không khí cả nước đang tưng bừng kỉ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương văn hóa Cách mạng Việt Nam, chúng tôi là hậu duệ của người sáng lập báo Văn nghệ đã trở về nơi cội nguồn này. Trước hết, để được ân hưởng lại những tình cảm sâu nặng của nhân dân vùng chiến khu kháng chiến Gia Điền, sau đó là được báo cáo với các bậc tiền nhân và nhân dân Gia Điền rằng: Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ những người làm báo Văn nghệ cùng đội ngũ cộng tác viên hùng hậu trong và ngoài nước đã luôn thực hiện đúng và ngày càng tốt hơn những tôn chỉ mục đích, những tư tưởng và ước mơ ban đầu của những người sáng lập. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho, thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Hội nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Báo Văn nghệ xứng đáng là diễn đàn quan trọng về văn hóa, văn học nghệ thuật của nước ta, xứng đáng với sự tin cậy của bạn viết và bạn đọc trong và ngoài nước”.

 

Thôn Gia Điền, trong những năm kháng chiến chống Pháp đã trở thành cái nôi của văn nghệ kháng chiến. Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam đã đóng tại đây, Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) đã diễn ra tại đây, Tạp chí Văn nghệ, tiền thân của Tuần báo Văn nghệ đã khai sinh tại đây. Trên mảnh đất này, những văn nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam như Tố Hữu, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố… đã có thời gian làm việc và sáng tác, những tác phẩm của họ có giá trị lớn, tác động trực tiếp đến công cuộc kháng chiến của cán bộ và nhân dân cả nước và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi đoàn công tác báo Văn nghệ đến thăm lại nơi này, các đồng chí cán bộ xã Gia Điền đều nhắc nhớ nhà thơ Tố Hữu với bài thơ nổi tiếng Bầm ơi!. Bà Bủ Gái, nguyên mẫu người mẹ trong bài thơ ở xóm Gốc Gạo, đã nhường căn nhà tranh vách đất đơn sơ cho Hội Văn nghệ Việt Nam trú chân, nay đã qua đời. Năm 1997, Hội Nhà văn Việt Nam và chính quyền địa phương dựng tấm bia tại gốc gạo có nội dung “Tại thôn Gia Điền, trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1949). Cùng với cơ quan thường trực Hội, có cơ quan Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ” ngay trên nền nhà cũ của bà Bủ Gái.

Gia Điền hôm nay

Báo Văn nghệ về lại Gia Điền những ngày cuối tháng Ba năm 2023, trong không khí mùa xuân còn ngập tràn, nao nức. Hoa xoan trắng thôn dã mênh mang với màu trời bàng bạc, hoa gạo xao xuyến thắm đỏ các sườn đồi, lúa đương thì con gái xanh mượt trên các cánh đồng, và đặc biệt, hoa mai vẫn rực vàng trên chùa Khánh Lâm, ngôi chùa khang trang và tuyệt đẹp được xây dựng từ vốn xã hội hóa trên “Gò Chùa”. Ở Gia Điền, “đặc sản” địa hình có lẽ là đồi gò. Đồi gò trập trùng, nhấp nhô và rất đẹp được phủ xanh bởi cây gỗ, cây ăn quả. Đâu đó có những quả đồi cao mới trồng cây non, lơ thơ vài cây cọ, như thể nhắc nhớ du khách về một miền trung du “rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt”.

Trong số các thành viên của đoàn, có những nhà văn, nhà thơ đã gắn bó với báo Văn nghệ nhiều năm như nhà thơ Đỗ Bạch Mai, họa sĩ Lê Huy Quang, dịch giả Nguyễn Đăng Bảy, nhà thơ Phạm Đình Ân… Họ đã về Gia Điền nhiều lần, và lần này vẫn những tình cảm đầy mến yêu và trân trọng với mảnh đất đã trở thành cái nôi của tờ báo mà họ đã dành cả cuộc đời gắn bó, cống hiến. Gia Điền hôm nay không còn những mái tranh vách đất, bếp lửa, cây rơm, cuộc sống mới sung túc đã và đang hiện hữu trên vùng quê Gia Điền. “Thủ đô văn nghệ kháng chiến” xưa giờ đang vươn mình trong diện mạo mới, trù phú, thanh bình.

 

Ông Cát Quốc Việt – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Điền cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn như tình hình thời tiết không thuận lợi, dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng còn nhiều tiềm ẩn lây lan, giá cả hàng hóa nông sản không ổn định, dịch bệnh chăn nuôi diễn biến phức tạp, đầu ra cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp và công nghiệp không ổn định, khó khăn cho giải quyết, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Nhưng, với các điều kiện thuận lợi như được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Đảng ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đoàn kết thống nhất, nhân dân đồng lòng, tin tưởng, chấp hành tốt đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhân dân Gia Điền tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có thể kể một số lĩnh vực như: Sản xuất nông, lâm nghiệp được duy trì, năng xuất, chất lượng được cải thiện. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây rau màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và nuôi thả cá. Tích cực chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại phát triển khá, giá trị tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp được nâng lên, nhân dân tích cực đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập... Tuy nhiên do ảnh hưởng khó khăn chung của tình hình thế giới nên công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã bị hạn chế phát triển đặc biệt là ngành chế biến lâm sản…Về Gia Điền hôm nay, đoàn báo Văn nghệ đã dâng hương tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng. Theo ông Cát Quốc Việt: Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, xã Gia Điền có 51 liệt sĩ và ba bà mẹ Việt Nam anh hùng. Để ghi nhớ công ơn những người con Gia Điền đã hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân xã đã xây dựng mới Đài tưởng niệm với tổng giá trị công trình là 1.267.000.000đ. Đây là nguồn vốn xã hội hóa, huy động từ nhân dân và các tổ chức cá nhân. Trong đó, số tiền 967.000.000đ do con em công tác xa quê gửi về chung sức, và vốn ngân sách nhà nước 300.000.000đ.

Năm 2005, Gia Điền được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Gia Điền là điểm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh và đã đạt chuẩn vào năm 2015. Kinh tế xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao và đã đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm xuống còn 6%. An ninh trật tự được giữ vững. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ”

Câu chuyện về tấm bia kỷ niệm

Tấm bia kỷ niệm nơi khai sinh của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, báo Văn nghệ, từ năm 1997 đã được dựng bên gốc một cây gạo, trên nền ngôi nhà cũ của bà Bủ Gái. Đây là cây gạo trẻ, được trồng thay thế cây gạo năm xưa, đúng dịp này đang trổ hoa đỏ rực. Dưới gốc gạo trổ hoa thắm đỏ, ông Cát Quốc Việt, thay mặt Đảng bộ và nhân dân xã Gia Điền đã bày tỏ tâm nguyện của địa phương là mong muốn nâng cấp nhà bia và xây dựng tại đây một phòng trưng bày các kỷ vật của văn nghệ kháng  chiến và báo Văn nghệ để xứng tầm với một địa chỉ văn hóa lớn và là điểm đến cho các đoàn khách tham quan du lịch. Vì trong tất cả các nội dung chương trình đại hội hay nghị sự, các báo cáo chính trị của huyện đến địa phương đều nêu nổi bật vấn đề nhà bia của Hội Nhà văn, một công trình có ý nghĩa lớn về văn hóa. Năm 2022, địa phương đã có tờ trình đề nghị huyện cho đầu tư xây dựng một số công trình trên địa bàn xã, trong đó có nhà bia của Hội Văn nghệ kháng chiến, báo Văn nghệ. Song do thời điểm đó còn nhiều việc của địa phương, và sự phối hợp với các cơ quan hữu quan chưa được ăn ý nên công trình còn chưa được triển khai.

 

Sư thầy Thích Minh Hiếu – Trụ trì chùa Khánh Lâm, ngôi chùa duy nhất ở xã Gia Điền và có lịch sử từ thời kháng chiến chống Pháp cũng cho biết: Khi về địa phương, nhà chùa đã đến thăm nhà bia của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ, và thấy rằng, đúng như mong muốn của lãnh đạo và nhân dân xã Gia Điền, nhà bia là điểm đến văn hóa quan trọng của địa phương, và cần được đầu tư xây dựng khang trang, xứng tầm, bởi văn học có vị trí vô cùng quan trọng, giúp con người hiểu về đạo lý nói chung và Phật pháp nói riêng. Trong năm nay, nhà chùa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện công trình này.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Đăng Bảy, một cán bộ cũ của báo Văn nghệ chia sẻ: “Về nguồn đã nhiều lần, nhưng khi gặp lại chốn cũ, tôi vẫn rất xúc động, xúc động vì tình cảm với “cội nguồn” và còn vì thấy tình cảm của cán bộ người dân địa phương. Họ rất chăm chút và tôn trọng, muốn xây dựng nơi này khang trang hơn. Theo tôi, chỉ dăm năm nữa, nơi này sẽ là một điểm sáng du lịch”

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, về việc nhà bia, Hội Nhà văn cũng đã có quan tâm, nhưng chưa thực hiện được. Ông nói sẽ bàn với thường vụ, lãnh đạo Hội để sớm có liên hệ với xã và sư thầy, thực hiện kế hoạch xây dựng khuôn viên và nhà bia trang trọng, đàng hoàng, xứng tầm là công trình văn hóa, di tích quan trọng của nền văn nghệ kháng chiến.

Một trong những hoạt động quan trọng trong chuyến về nguồn lần này của báo Văn nghệ là gặp gỡ giao lưu với cán bộ và nhân dân xã Gia Điền. Nhà văn Khuất Quang Thụy bày tỏ: “Trở về nơi cội nguồn này, chúng tôi rưng rưng xúc động khi nhớ lại những dòng hồi ức quý giá của các bậc tiền bối về những ngày tháng đầu tiên tòa soạn được thành lập trong vùng kháng chiến, được nhân dân Gia Điền chở che, đùm bọc. Những câu thơ, trang văn của những nhà thơ lớn đã từ đây mà đi khắp đất nước, vang vọng đến tận ngày hôm nay và còn vang tới mai sau. Trở về thăm lại cội nguồn, chúng tôi rất vui mừng khi thấy quê hương kháng chiến Gia Điền năm xưa ngày càng tươi đẹp, phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Được nhìn thấy niềm vui, nụ cười của người Gia Điền, nhất là nhìn thấy các cháu học sinh chăm ngoan, học giỏi, chúng tôi càng vững tin rằng văn hóa cách mạng đã thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, vừa soi đường dẫn dắt chúng ta, vừa cho chúng ta cơ hội để đoàn viên, kết nối trên con đường hướng tới một xã hội phồn vinh, hạnh phúc”

Trong dịp này, báo Văn nghệ đã trao 10 suất khen thưởng cho 10 cháu học sinh Gia Điền có thành tích xuất sắc môn Ngữ văn. Hy vọng và tin tưởng các cháu sẽ yêu mến văn chương và có thể trở thành nhà văn, nhà thơ trong tương lai.

Trở về thăm lại cái nôi của văn nghệ kháng chiến, đoàn công tác báo Văn nghệ đã được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ và Ban giám đốc khu di tích quốc gia Đền Hùng đón tiếp chu đáo, nồng hậu. Nhạc sĩ Cao Hồng Phương - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ khi thì “cử người của Hội” khi lại trực tiếp hướng dẫn đoàn thăm viếng các di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di sản văn hóa vật thể gắn với tâm linh như Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Hùng. Nằm trong cái nôi của Nhà nước Văn Lang cổ xưa, huyện Hạ Hòa hiện có 68 di tích lịch sử - di sản văn hóa; trong đó có 21 di sản là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (bảy di tích lịch sử Quốc gia; 14 di tích văn hóa cấp tỉnh). Đền Mẫu Âu Cơ thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, từ lâu đã là điểm đến tâm linh của triệu triệu người con đất Việt. Theo truyền thuyết, sau khi chia tay Lạc Long Quân, Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Trên con đường dài muôn dặm đó, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây. Thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào, người cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Dâu... là những cái tên từ thủa xa xưa đến nay vẫn còn đọng mãi trong ký ức người dân nơi đây.

Khi trang ấp đã ổn định, người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về với Hiền Lương, nơi người đã chọn để gắn bó cuộc đời của mình. Tương truyền ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc, cách đây hơn 500 năm, thế kỷ thứ XV thời hậu Lê, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương - huyện Hạ Hoà; Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 1991 (Theo phutho.gov.vn).

Chia tay Gia Điền, Hạ Hòa, Phú Thọ trong chiều cuối tháng Ba nắng vàng như mật, nhà văn Khuất Quang Thụy thay mặt cán bộ nhân viên báo Văn nghệ đã “hứa với nhân dân Gia Điền, hứa với bạn đọc, bạn viết, sẽ luôn hướng về nguồn cội, tôn trọng quá khứ, bảo vệ tôn chỉ mục đích của một cơ quan văn hóa đã được Đảng, nhà nước và nhân dân chăm lo và được các thế hệ đi trước dẫn đường chỉ lối…”.

Ghi chép của An Cư

Nguồn Văn nghệ số 13/2023


Có thể bạn quan tâm