May 17, 2024, 10:11 am

Triết lý và trữ tình trong thơ - sự thống nhất trong đa dạng

Khi nói đến triết lý trong thơ, tôi nghĩ tới triết học đời sống, một triết thuyết ra đời từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX1, gắn liền với sự phát triển khoa sinh học, tâm lý học.

Quan điểm trung tâm của triết thuyết này cho rằng, đời sống không chỉ nhận thức bằng tư duy lôgích, lý tình mà còn biết được nhờ trực giác, cảm xúc, chủ yếu là cảm xúc tôn giáo… Triết lý hình thành, được vận dụng vào sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật thơ ca.

Ở phương Đông, thơ triết lý hình thành từ sớm, trên cơ sở triết học kinh dịch, lý thuyết âm dương - ngũ hành. Trong Kinh thi với 305 bài thơ được xuất hiện từ đầu thời Tây Chu cho đến giữa Xuân Thu (các thế kỷ 11-6 trước CN) với nội dung ngụ ý khuyên răn đạo lý, ca ngợi công đức vua hiền, phê phán những hiện tượng đen tối dưới hai triều vua Lê Vương và U Vương. Theo truyền thống văn hóa Á Đông, triết học không có mục đích làm gia tăng kiến thức, mà chỉ nâng cao giá trị tinh thần, nhằm đạt tới cái cao khiết của tư duy, cái hoài vọng của tình cảm. Thơ một câu (3) (thường là ba chữ) ra đời từ đó, tức là thơ được viết trên các bức hoành phi. Đặc điểm của nó là khái quát một châm ngôn, đúc kết một triết lý, mang tính giáo lý cao. Những câu thường gặp: Phúc mãn đường (phúc đầy nhà); Phúc lai thành (phúc sẽ tạo nên); Hòa vi quý (có yên ổn mới được phú quý); Hải đức sơn công (công đức như biển rộng núi cao); Thọ tiến khang kỳ (chúc mạnh khỏe, sống lâu) v.v....

Câu đối cũng là một loại hình thể hiện văn chương triết lý độc đáo, chỉ có ở các nước Hán ngữ; còn câu đối hai vế, theo giáo sư Phan Ngọc “chưa tìm thấy ở đời Đường và đã có ở thời Tống”. Về cấu trúc hai vế tương quan diễn tả một nội dung (đối xuôi) hoặc hai vế có nội dung tương phản (đối ngược) theo quy quy tắc thanh đối thanh; ý đối ý; từ đối từ; với biện pháp tu từ, kết cấu cú pháp để đạt lời hay, ý đẹp. 

Câu đối thường mang triết lý và giáo lý. Câu đối đề tài đền Hùng của giáo sư Vũ Khiêu:

Đất nước, bốn nghìn năm,

nhân ái còn tuôn dòng sữa mẹ;

Đàn con, bảy chục triệu, anh hùng chẳng thẹn tấm lòng cha.

Một câu đối thường treo ở các gia đình khá giả:

Tổ tiên công đức thiên niên thịnh;

Tử hiếu, tôn hiền, vạn đại xuân

*

Vậy, triết lý trong thơ có những đặc điểm gì? Và mang lại cho người đọc những lợi ích gì?

Vũ trụ và thiên nhiên, tiên giới và trần gian, xã hội và con người, không gian và thời gian là những khái niệm vừa hư vừa thực đòi hỏi thế giới quan của nhà thơ năng lực biến dịch, cảm quan biện chứng. Thế giới quan của nhà thơ là hệ thống quan điểm về những hiện tượng tự nhiên, xã hội, con người; theo đó là quan điểm triết học, chính trị, đạo đức, mỹ học, khoa học, tôn giáo. Nó phản ánh sự tồn tại vật chất và ý thức về một thể chế chính trị nhất định, một giai đoạn lịch sử nhất định; nó là phạm trù động, mở cửa tầm nhìn, thái độ đối với sự vật, sự kiện muôn màu, đa sắc. Thiên tai, bệnh tật, sức sống, cái chết, danh vọng, cái đẹp, sự cô đơn thường là đầu đề triết lý của nhà thơ. Muốn viết về đề tài gì thì nhà thơ chỉ có một chỗ đứng: giữa cuộc sống xã hội, một tầm nhìn hướng về trung tâm con người, khi đó mới đúc kết được triết lý sống. Khác đi, con người đứng ngoài xã hội, bên lề lịch sử...

Trong thơ Việt Nam hiện đại viết về đề tài Tổ quốc, Đất nước, lãnh tụ, thiên nhiên, người phụ nữ Việt Nam, các nhà thơ để lại những trang thơ vừa đạt tầm triết lý, vừa mang cảm xúc dạt dào của người nghệ sĩ. Trong số đó cần tôn vinh thể loại trường ca: Sáng tháng năm, Nước non nghìn dặm, Mặt đường khát vọngNguyễn Văn Trỗi, Trường ca sư đoàn, những ngọn sóng mặt trời, Sức bền của đất, Đường tới thành phốBài ca chim Ch’rao v.v... Một trong những vần thơ tôi thích là chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Đất nước hiện ra dưới cảm hứng chủ đạo của ông là những hiện tượng đời thường được cá thể hóa Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn, trong nỗi nhớ thầm, những sự kiện lịch sử được “vay mượn” chất liệu dân gian với biểu hiện: chim phượng hoàng, cá ngư ông, với quốc hiệu thời nguyên thủy: Chim và Rồng: Đất nước nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở đã làm nên dáng hình Đất nước: có hạnh phúc và cay đắng, đoàn tụ và san sẻ, biết hóa thân và không quên tri ân người đi trước v.v... tạo nên triết lý: Niềm tin. Có niềm tin sẽ trở thành sức mạnh. Đoạn thơ cuối của Trường ca: Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật; - Đất đai cỗi cằn, thì người sẽ nở hoa/ Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa/ Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ Thì tin yêu ngay thẳng đón vào. Niềm tin thường có hai chiều. Có tin yêu chân thật, thì được đáp trả bằng niềm tin chân thật!. Văn hóa phương Đông thiên về hướng nội. Chữ Tín nằm trong ngũ thường, được các bậc tiền nhân tiếp nhận có chọn lọc để giáo dục đạo đức và phương thức ứng xử. Chữ Tín được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng thành phẩm chất thứ hai (Trí, Tín, Nhân, Dũng, Liêm) của đạo đức cách mạng. Đủ biết chữ Tín trong quan hệ giữa lãnh đạo và người dân hệ trọng biết chứng nào… Nếu nói thơ là thái độ sống, tỏ rõ nhân cách văn hóa của nhà thơ đối với thời cuộc, có thể xem đoạn thơ trên của Nguyễn Khoa Điềm có dụng ý cho cả hôm nay, khi mà thực trạng xa dân, thiếu sự tin cậy giữa chính quyền và người dân.

Đọc Đất nước của Nguyễn Đình Thi, các nhà phê bình thường trích đoạn hai. Hai câu đầu: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác heo may tả cảnh mùa thu thời chinh chiến dừng lại ở nghĩa biểu hiện; còn hai câu sau: Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng rơi đầy, tự nhiên tôi bị ám ảnh bởi người chiến sĩ Hà Thành ấy đã ra đi, bỏ lại mẹ già, chị, em thân thuộc để theo đuổi chí lớn trong Tống biệt hành của Thâm Tâm. Đoạn thơ đó nói lên triết lý của người chiến sĩ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến xâm lược, có phần nào đó lý tưởng “yên hùng”- một môtíp của lớp thanh niên, học sinh xếp bút nghiên lên đường tranh đấu… Người ta thường nói, thi ca phản ánh lịch sử, nhưng thi ca triết luận hơn lịch sử bởi sự trường tồn của Nàng thơ, bất chấp sự thay đổi thế sự.

Triết lý trong thơ không chỉ dừng lại ở sử thi, anh hùng ca, trường ca, mà còn ở thơ trữ tình, thơ trào lộng, thơ tự bạch. Trong thơ Hồ Chí Minh, cảm hứng chủ đạo khi đứng trước thiên nhiên của Người bắt nguồn từ triết lý phương Đông: Thiên - Địa - Nhân; Thiên - Nhân hợp nhất. Suốt đời Người theo đuổi triết lý sống cao thượng, không màng danh lợi và của cải vật chất, lấy thiên nhiên làm bạn và đối tượng sáng tạo. Trong thơ Hồ Chí Minh có nhiều cảnh đẹp: Pác Bó hùng vĩ, cảnh rừng Việt Bắc, đêm đi thuyền trên sông Đáy v.v... có trăng nhòm cửa sổ, có chim rừng vào cửa đậu, có cảnh chơi trăng, có mặt trời đỏ và nhành hoa mai v.v... Ngay cả một hòn đá trước mắt nhà thơ cũng trở nên sinh động. Người liền nghĩ ngay đến sức mạnh của dân tộc: Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Nhiều người nhấc/ Nhấc lên đặng/ Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong. Nhân bàn chuyện thân thiện với thiên nhiên, xin dẫn bài Cảm tưởng đọc thiên gia thi, chỉ bốn câu: Thơ xưa chuộng cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết phong. Chuộng thiên nhiên đẹp là cần thiết, nhưng chưa đủ. Nhà thơ dân tộc còn có “chất thép” - bản lĩnh cách tân và lý tưởng sáng tạo.

Ngôn ngữ thơ Tố Hữu phong phú và độc đáo, hào sảng và trữ tình, nét dáng truyền thống và không khí thời đại đã đi vào tâm thức và đời sống tinh thần của nhiều thế hệ, từ những văn kiện trang trọng của Nhà nước cho đến những lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nói đến lý tưởng của tuổi trẻ chiến tranh giữ nước, người nói thường dẫn câu: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai...../; đề cập kinh nghiệm sống của người nông dân, có câu: Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo (Sáng tháng năm); nói đến chân lý ứng xử của người đời: Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau (Bài ca xuân 1961); luận về triết lý sống, lúc thành công cũng có lúc vấp ngã: Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần (Dậy mà đi) hoặc sự lựa chọn cuộc đời lập thân, lập nghiệp: Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi? (Dậy lên thanh niên); triết lý giữa sự sống và cái chết theo quan điểm chủ nghĩa anh hùng thời chiến: Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi lời ca/ Có những người như chân lý sinh ra... (Hãy nhớ lấy lời tôi).

Thơ viết về biển của Hữu Thỉnh là bài thơ tự do, rất ngắn, dễ hiểu, dễ thuộc, tứ thơ không lạ, lạ nhất là cách “chơi chữ” từ nghĩa biểu hiện: biển - cánh buồm; chiều - màu tím, gió - vách núi - sóng chuyển dịch sang nghĩa nội hàm để nói lên triết lý; tình yêu chân thật bao giờ cũng có nhận  cho, có nhớ nhung  trách cứ, nhưng thủy chung, như sức sống huyền diệu từ hai phía theo lối tu từ: phủ định, giả định để xác định: Gió không phải là roi, mà vách núi phải mòn/ Em không phải là chiều, mà nhuộm anh đến tim/ Sóng chẳng đi đến đâu, nếu không đưa em đến/ Dù sóng đã làm anh/ Nghiêng ngả vì em.

Khi nghiên cứu thơ Nguyễn Trãi, Jacques Gaucharon viết: “Đối với Nguyễn Trãi thơ và lịch sử là một... hay nói cách khác, đã đến lúc lịch sử trở thành động lực của thơ và thơ trở thành động lực lớn”. Đó là trường hợp những câu thơ triết lý của Chế Lan Viên. Ngôn ngữ thơ của ông dường như ai cũng có thể nói được, có khi đã “bạc màu”, nhưng khi vào thơ lại có sự nhuần nhị giữa ý và lời, giữa “tia chớp” trí tuệ và nồng cháy của cảm xúc, thì câu thơ trở thành châm ngôn nhớ đời. Xin dẫn vài câu tâm đắc:

- Rút bài học kinh nghiệm lịch sử: Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hòa Bạch Đằng (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?); Cha ông xưa từng đấm nát tay trước của đời/ Cửa vẫn đóng và Đời im ỉm khóa...

Tri ân đức, tài, công của tiền nhân: Có được trái cây thơm, ta biết quý cả mùa lành (Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi).

- Sự đa tình, đa cảm của tình yêu: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương (Tiếng hát con tàu); Thiếu cả gia đình ngay giữa đất quê hương (Kết nạp Đảng trên quê mẹ).

- Kỳ vọng về sự tu dưỡng điều thiện: Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm (Tổ quốc...)

Tuyên ngôn thơ của một nhà thơ công dân: Ta để ra đời sao khỏi những cơn đau?/ Hãy biết ơn vị muối của đời cho ta chất mặn! (Tổ quốc...)

*

Bên trên, chúng tôi có nói đến triết lý trong thơ tự bạch. Ngay cả lúc trách móc đáng yêu, cười cợt, tự trào, thì đằng sau những câu thơ trào lộng kia của Hồ Xuân Hương, của Tú Xương, người đọc thấy cả một tấm lòng nhân hậu, thủy chung, một triết lý thâm trầm, rất người: Chuyến đò nhân nghĩa sao không nhơ!/ Sang nữa hay là một chuyến thôi? (Qua sông phụ sóng): Hai câu này còn có nghĩa đen thâm thúy theo phong cách nhà thơ trào lộng họ Hồ. Hoặc ở Tú Xương, khi suýt phải mất ô, lúc ra khỏi rạp hát: Sợ khi rày gió mai mưa/ Lấy gì đi sớm về trưa với tình (Đi hát mất ô). Trong Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp ở chương Tỷ và Hứng khuyên nhà thơ muốn đẩy tình cảm trỗi dậy thì phải dựa vào cái vi diệu so sánh. Lời thơ súc tích, sung mãn mãi mãi có lời thơ “có cánh” với nghĩa đen và nghĩa hàm.

Thơ hay không phải độc quyền của thơ triết lý. Người làm thơ nào cũng thích mình nổi tiếng, nhưng nổi tiếng có khi trở thành gánh nặng, nếu không biết “tri túc”. Nổi tiếng không phải là mục đích. Mục đích của thơ ca là đi vào cõi đời, lòng người. Không xuất phát từ chất mặn của đời, thì thơ anh (chị) vẫn bị công chúng lạnh nhạt. Hiện tượng phi thơ, mạo nhận thơ, thơ không cần ý, không cần nghĩa, là “bóng chữ” v.v... tôi hoài nghi, dù đó là ai. Ai đó đã nói đúng: Cái tôi trở về mạnh mẽ, dữ dội quá, nên thơ khó hiểu, tắc tỵ. Không hiểu thì nói gì đến cảm!? Nói chuyện thơ với bạn đọc, từ trải nghiệm của nhiều nhà thơ yêu nước thời trung cận đại nổi lên dòng chảy nhập thế đau đời trước cảnh đất nước lâm nguy, tất cả họ đều có chung một cảm hứng tương đồng: Vừa không màng danh lợi, vừa đau đáu nỗi lo dân. Truyền thống triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với tấm lòng lo trước thiên hạ đến già chưa thôi; được Nước nên biết chỗ được Dân... đến Đặng Huy Trứ (1825-1847) thì chân tâm hay quyền biến, nếu có lợi cho dân: Dân không chăm sóc, chớ làm quan.../ Muốn dân được lợi cần quyền biến/ Tội vạ riêng mang hả sợ gì?/. Ngay từ thời kỳ thực dân Pháp cướp nước, vua quan hèn nhát đầu hàng giặc, nhà thơ công dân đã tung ra những vần thơ triết lý: Tâm bút phương tri bút hữu quyền (1863) (cầm bút nên hay bút có quyền). Chống lại kẻ tà đạo, lũ bất lương tham nhũng, phụng sự nhân dân bị áp bức chính là quyền lực của nhà thơ.

______

1. Thật ra, triết lý được dùng từ thời cổ đại Hy-La. Theo nhà nghệ thuật học Elie Faure, trong cuốn Histoira de l’Art Antique gọi điêu khắc cổ điển là nền điêu khắc triết lý; Con người chế ngự được dục vọng, dấu hiệu sức mạnh nội tâm, sự thanh thản tâm hồn ở vị Thần mới có, giàu tính nhân bản.

GS.TS Hồ Sĩ Vịnh

Nguồn Văn nghệ số 29/2023


Có thể bạn quan tâm