April 30, 2024, 3:01 am

Trí tưởng tượng, trí tuệ nhân tạo, vấn đề môi trường trong sáng tác của 5 cây bút trẻ

Trong buổi giao lưu diễn ra vào cuối tháng 3 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM), năm tác giả trẻ tiêu biểu của văn học Nam Bộ các năm qua là Huỳnh Trọng Khang, Yang Phan, Phát Dương, Võ Đăng Khoa và Đinh Khoa đã chia sẻ về nguồn cảm hứng lẫn trăn trở trong sáng tác.

Trọng Khang chia sẻ quan điểm nghệ thuật của mình: “Quê hương của nhà văn là ngôn ngữ”, không thiên hẳn về câu chuyện trong sáng tác. Theo anh, vốn chỉ có ngần ấy câu chuyện, người trẻ của 100 năm trước hay 100 năm sau có lẽ cũng nói về những vấn đề ta nói như hôm nay. Song phải liên tục quan sát, đặt câu hỏi thì nhà văn sẽ tìm được cách triển khai câu chuyện từ góc nhìn của riêng mình.

Hai tác phẩm ra mắt năm 2023 của Huỳnh Trọng Khang là Bể trăng côi và Nơi không có tuyết đều phát triển từ những câu chuyện tưởng chừng không có gì mới. Bể trăng côi ban đầu chỉ có tuyến truyện về một nhà sư mắc kẹt trong dịch Covid-19 ở TP.HCM, song nhận định rằng “trong lịch sử nhân loại từng có những trận đại dịch, lịch sử cũng sẽ lặp lại”, Trọng Khang tâm niệm người viết cần vin vào điều gì đó bền vững hơn. Điều này thôi thúc anh phát triển tuyến truyện đan xen của Huyền Trang, giúp anh khai thác những chi tiết không trực tiếp chứng kiến và tránh vấp phải việc quá nệ thực.

5 tác giả trẻ (từ trái sang Huỳnh Trọng Khang, Yang Phan, Nguyễn Đinh Khoa, Phát Dương, Võ Đăng Khoa) trong buổi giao lưu với bạn đọc tại đường sách Nguyễn Văn Bình hồi cuối tháng 3

Với Nơi không có tuyết, Trọng Khang cho biết xuất phát điểm đầu tiên của cuốn sách chỉ là tựa đề nảy ra bất chợt cách đây ngót nghét mười năm trong một ngày nắng nóng. Đến dịp kỷ niệm 80 năm ngày ra mắt Hoàng tử bé (1943-2023), anh mới theo đuổi tựa đề trên để viết một câu chuyện tri ân tác giả, dịch giả cuốn sách. Từ đây có thể thấy cảm hứng sáng tác của Trọng Khang không đi từ ý niệm hay thông điệp, mục đích truyền tải, mà những điều này sẽ nảy sinh trong chính tác phẩm được viết ra.

Một điểm chung trong sáng tác của Huỳnh Trọng Khang và Võ Đăng Khoa - hai người con của mảnh đất An Giang - là yếu tố môi trường. Trọng Khang chia sẻ đây là vấn đề gắn bó dài lâu với lịch sử loài người, không ai có thể đứng ngoài môi trường được. Đồng tình với ý kiến này, Đăng Khoa cho rằng môi trường là thứ tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người, do đó anh muốn mượn những câu chuyện về môi trường để truyền tải những điều sâu sắc hơn về bản chất con người.

Chia sẻ về tập truyện ngắn Lạc đà bay năm 2023 ở tuổi 22, tác giả trẻ Võ Đăng Khoa nói: “Cuốn sách đầu tay vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt, là niềm vui lớn và động lực để tôi tiếp tục con đường sáng tác”. Anh cũng thừa nhận rằng người trẻ còn thiếu trải nghiệm sống, song bất lợi này có thể được bù đắp bằng việc quan sát thực tế và phát triển trí tưởng tượng.

Biến thể của cô đơn của Yang Phan, Hai người trong một ngăn tủ của Phát Dương và Dị bản của Đinh Khoa đều mang màu sắc sci-fi (khoa học viễn tưởng), khắc họa thế giới tương lai nơi robot và trí tuệ nhân tạo (AI) có vị trí không thể thiếu trong cuộc sống con người. Với đề tài rất thức thời trên, mỗi tác giả đều có những trăn trở riêng.

Rẽ hướng sang thể loại này từ phong cách hiện thực trong các tác phẩm trước, Phát Dương cho biết mong muốn khai thác, khám phá những chủ đề mà hiện do giới hạn về kỹ năng sống, không thể truyền đạt bằng bút pháp hiện thực. Anh kỳ vọng xây dựng một thế giới mới nơi mình có thể tự do sáng tạo.

Trong khi đó, Đinh Khoa nhắc nhiều đến tổn thương, gồm lát cắt nhỏ là nỗi đau từ sự ra đi của người thân. Khai thác “câu chuyện muôn thuở” về nỗi cô đơn này, anh mong muốn tìm một lý giải riêng từ góc nhìn của mình. Yang Phan cũng chia sẻ rằng những yếu tố phân tâm bên ngoài như mạng xã hội hay ứng dụng hẹn hò chỉ là sự chữa trị nhất thời, văn chương có thể là hành trình đi vào bên trong và chữa lành chính mình.

Trước những phê bình cho rằng người trẻ “làm quá, phóng đại” khi viết nhiều về nỗi cô đơn, về các vấn đề tâm lý, các tác giả thẳng thắn bày tỏ rằng vốn dĩ đây không còn là đề tài mới song mỗi thế hệ sẽ mang những nỗi lòng và trăn trở riêng. Văn chương của họ phản ánh suy tư và tâm sự của thế hệ mình.

Một điểm sáng tích cực có thể nhận thấy từ năm gương mặt nhà văn trẻ này là với kiến văn vững chãi, quan điểm và cách tiếp cận nghệ thuật riêng, họ vẫn tiếp tục giữ được nhiệt huyết sáng tác và làm phong phú nền văn học.

Tâm Anh

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Có thể bạn quan tâm