May 17, 2024, 11:07 pm

Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Con Tầm điên thật rồi”

Cả xóm đồn nhau thế. Không điên sao được. Người dương thì sống phải ra sống, như bao kẻ trần mắt thịt khác. Đằng này con Tầm cứ âm âm dương dương, suốt ngày vật vờ nơi gò mả trước nhà. Con gái mười bảy tuổi, cái tuổi đang đẹp như ánh trăng rằm tháng tám, đùng phát bỗng nhiên chả nói năng gì được nữa. Nhiều bận, người trong thôn nửa đêm đi tháo nước ruộng ngang qua ngõ, bắt gặp con Tầm xõa tóc, vắt vẻo ngồi trên bờ rào đá chẻ trước nhà. Nó cứ lừ đừ một đống, hỏi chẳng trả lời. Kẻ yếu vía gặp cảnh đó thì quẳng cuốc chạy. Người hiểu chuyện đập cổng nhà, gọi ông Thao, bà Cúc ra để dẫn nó vào. Ông Thao, lần nào cũng lật đật chạy không kịp cả xỏ dép, trước sau chỉ có một câu cửa miệng: “Cha xin, cha xin”. Ông xoắn lấy đứa con gái, vừa xin, vừa dỗ cho nó vào nhà. Bà Cúc đi theo sau, giọng rít qua kẽ răng: “Bé bé cái mồm ông lại”. Trưa hôm ấy, thể nào cái người đập cổng lúc đêm cũng được bà Cúc mang khoảnh thịt heo, cây giò, hũ mắm đến nhà biếu. Bà thầm thì những gì không rõ, nhưng sau đấy thì tiệt không thấy người đó nhắc đến chuyện con Tầm nửa đêm ngồi như ngây dại trước cổng nhà. Nhưng rồi chuyện chẳng giấu được mãi. Con Tầm hóa dại, giờ thì cả xóm, cả thôn ai cũng biết.

 

Minh họa: Đặng Tiến

 

Đã mấy tháng nay rồi, chẳng ai thấy con Tầm ra khỏi nhà nữa. Nó đang học kỳ hai lớp mười một, kiểu này thì lo mà giữ lấy thần hồn thôi, học hành gì nữa. Nghe nói nó bệnh, mấy tháng rồi bà Cúc đưa nó chạy chữa khắp từ Quy Nhơn ra đến tận Quảng Ngãi. Thằng Sơn anh nó, đang làm bộ đội trên Tây Nguyên cũng lội về mấy bận, đưa em ra Đà Nẵng chữa bệnh. Không, điên đấy, chả bệnh tật gì đâu. Chả biết vương bóng vương hồn ở đâu. Tội nghiệp. Chắc cũng tại con bé đẹp quá, vành vạnh như trăng rằm. Mấy tháng rày bà Cúc thỉnh hết thầy, hết sư khắp nơi về cúng vái, chiêng mõ inh ỏi, nhang khói nghi ngút, đàn tế liên tục, thế mà có được gì đâu. Hết bao nhiêu là tiền của. Chẳng biết vong vất, vong vưởng ở đâu, hành tội con bé. Chả phải. Nghe đâu là gánh nợ đời trước. Đợt bà Cúc rước ông thầy giỏi có tiếng ở Quy Nhơn ra, thầy đi xem hết phong thủy một lượt trong ngoài, lên tận khu mồ mả dòng họ ông Thao tận trên Gò Hướng, bấm bấm tính tính xong thì thầy phán thế. Nghe bảo lời nguyền đã ếm từ mấy đời lên dòng nhà họ Nguyễn, họ nhà này chỉ phát đinh, còn nghiệp đàn bà con gái thì nặng lắm, phải mang từ đời này sang đời khác, không dễ gì mà hóa giải được.

*

Nhà ông Thao nằm ngay giữa thôn, sân gạch, mái ngói bề thế, quanh năm nghi ngút khói hương. Gian chính giữa là từ đường dòng họ Nguyễn. Hai gian bên xây lùi về phía sau, thông nhau, rộng rãi, thẳng tắp. Ông Thao là trưởng tộc, người cao gầy, tồng ngộc như cái gốc tre. Ngược lại, bà Cúc vợ ông lại trông phốp pháp, càng ngày càng béo trắng, béo tròn.

“Nhà sao mà lắm giỗ. Một năm hơn chục cái đám giỗ, không có tháng nào là không bày biện, cúng kiếng”, đấy là lời bà Cúc ca thán mỗi bận ông Thao lôi hàng chục bát hương đồng, rồi lỉnh kỉnh nào lư đồng, ấm chén, đài rượu, mấy đôi hạc đồng ra lau chùi, đánh bóng. Ông Thao nghe thế chỉ cười cười. Bà Cúc là dâu trưởng, độc mồm độc miệng thế thôi chứ mọi việc trong nhà, ngoài ngõ lâu nay đều một tay bà chu toàn. Bà Cúc ít học nhưng được cái tháo vát, nhanh nhẹn. Buôn bán, chạy chợ, thu mua nông sản, không có nghề nào bà chưa từng làm. Mấy năm gần đây bà mở quầy tạp hóa, hàng khô to nhất dưới chợ huyện. Mỗi ngày hàng xuất, hàng nhập tính bằng xe tải. Một năm tiền ra, tiền vào tính bằng tỷ. Mọi chuyện trong nhà bà sắp đặt răm rắp. Như chuyện thằng Sơn, học đến lớp mười thì bà gửi hẳn lên Tây Nguyên ở với anh trai ruột nhà bà. Bà bảo xứ này không hiếu học, để thằng Sơn ở nhà rồi thằng con trai bà cố lắm học xong mười hai cũng rày đây mai đó, lang thang, vất vưởng như bao đứa thanh niên khác ở cái thôn này. Anh trai bà là đại tá quân đội, chức vụ đâu cũng Sư đoàn trưởng. Mọi việc anh em bà đã bàn bạc kỹ, tiền nong bà không thiếu. Mà đúng là bà liệu việc đến tài thật. Thằng Sơn lên ở với cậu thì được cho học hành tử tế, có chí hướng rõ ràng. Học xong cấp ba nó thi đậu sĩ quan lục quân, ra trường thì chuyển về công tác hẳn trên ấy. Giờ mỗi lần nó về nhà mũ sao ngời ngời, sáng rực. Ông Thao, bà Cúc mát hết cả mặt mày. Ông Thao tin vợ, nể vợ, sau hàng bao năm đằng đẵng thì càng sợ vợ. Đến lượt con Tầm, bà Cúc cũng đã dặm sẵn đường đi nước bước. Đùng một phát con Tầm đổ bệnh. Cái cổ con gái trắng ngần, gầy nhẳng bỗng ngày càng to ra, cuối cùng thì lủng lẳng một cục thịt, u lên thành cái bứu. Bà Cúc đưa nó đi uống khắp các thầy thuốc bắc, thuốc nam, xoa bóp, bấm huyệt, cúng kiếng đủ cả. Cái bứu vẫn lủng lẳng như trời đày. Thằng Sơn về, gây sự với má một trận rồi đưa em ra Đà Nẵng mổ bứu. Bứu hết nhưng từ sau đấy thì con Tầm cấm khẩu hẳn. Nó chẳng nói, chẳng rằng với ai câu nào. Bà Cúc giãy như đỉa phải vôi, lu loa trách móc thằng con trai chuộng tây y, để người ta cắt nhầm dây nói của con gái bà. Thằng Sơn giận má, hằm hằm bỏ nhà đi, mấy tháng rồi chẳng thấy về nhà nữa.

*

Trưa đứng bóng. Con Xù chui vào bãi cát ẩm dưới gốc mận nằm le lưỡi thở. Nóng quá. Cái nóng tháng Năm hầm hập phả từ trên trời xuống, vừa hừng hực dội từ nền gạch lên. Nắng chói chang, cả cơn gió hiếm hoi thổi ngang qua cũng rùng rình hơi nóng. Tầm ngồi trên chiếc chõng tre kê mé một bên đầu hồi nhà. Từ đây có thể đón được những cơn gió hiếm hoi thỉnh thoảng từ mặt ao bên hông nhà thổi đến. Mùi bồ kết trên đám tóc mới gội vảng vất, ngai ngái, dễ chịu. Tầm lấy tay vân vê, xoay tròn những lọn tóc.

Nhà yên ắng quá. Giờ này má Tầm hãy còn dưới chợ. Còn cha, chắc đã đi nằm, hoặc đang lui cui đâu đó giữa những đám mía, giàn mướp ở bãi đất trước sân. Bãi đất trước nhà Tầm rộng gần năm sào, thông thẳng ra cánh đồng lúa. Nguyên hai sào gần trước mặt nhà, cha Tầm trồng tỉa đủ loại rau trái, mùa nào thức nấy, không mấy khi cả cha và đất nghỉ ngơi. Khoảng đất còn lại là gò mả lớn nhất thôn. Ở cái xứ này, người âm sống giữa người dương, mồ mả xen lẫn nhà cửa là chuyện bình thường, chẳng lạ. Thế nhưng lạ là gò mả trước nhà Tầm, hơn ba chục cái, không có cái nào có bia, có chủ. Đó đích thị là những nấm đất vô danh, từ đời ông cố, ông cao nào còn lại, không ai rõ. Những người già nhất thôn cũng chẳng ai biết người nằm dưới đó là nam hay nữ, thuộc tông, nhánh, chi họ nhà nào. Thành ra, mỗi năm tới ngày tảo mộ, cả thôn cùng nhau đổ ra giẫy cỏ, đắp đất, hương khói nghi ngút một vùng. Xong thì ai về nhà nấy, để lại đám mả trơ trọi. Mùa mưa thì sạt lở. Mùa nắng, đám trẻ chăn bò lì lợm lâu lâu lại lẻn vào lăn lộn, đánh trận, bẫy nhông. Giáp mùa tảo mộ năm sau, đám mả cái đã phẳng lì, cái thì trốc lở nham nhở, tiệt không cái nào còn còn nguyên vẹn. Người ta phải dựa vào những tảng đá to đánh dấu hai đầu để vun lên trở lại. Từ năm này sang năm khác, đời này sang đời khác, có đôi lúc Tầm nghĩ, có khi nấm mả trên mặt đất đã bị vun lệch đi cách chỗ người nằm cả chục mét. Người nằm một nơi, mả vun một nẻo. Cả tảng đá đánh dấu đầu nằm cũng năm cắm đầu này, năm sau bị đám trẻ con lật văng qua một bên, lăn lóc, người ta lượm lên cắm đại sang đầu khác. Cứ thế đầu đuôi đảo ngược, lộn tùng phèo.

Có tiếng đám trẻ con xôn xao ngoài đường cái, bên ngoài bờ rào đá. Giờ này chắc đám trẻ đi thu bẫy nhông đặt ngoài gò mả. Tầm bật dậy, đi như chạy. Hôm nào cũng thế, canh lúc cha nghỉ trưa Tầm lại len lén đội nắng chạy ra ngoài gò mả. Tầm tìm đám nhông dính bẫy, gỡ bằng sạch. Tầm giải thoát cho chúng trước khi đám trẻ con tới. Lũ nhông ngu ngốc, cứ thấy bông mướp vàng thơm lựng người ta cài trước cửa hang là mò ra đớp. Chúng đâu biết đằng sau bông mướp vàng là cái thòng lọng treo sẵn ở cửa hang. Dính bẫy rồi, người ta sẽ mang chúng đi xa khỏi nơi gò mả quen thuộc, đi khỏi nơi có đồng loại, có giàn mướp hương thơm ngát cha Tầm trồng. Đó là những cái chết đã định trước. Những cái chết không toàn thây. Cũng có lúc, Tầm tìm được những chiếc bẫy cật tre nhưng đám nhông con thì đã khô xác vì bị treo lên lủng lẳng, con thì chết oằn dưới nắng. Tầm khóc. Tầm tội quá. Cái lũ nhông tham lam, ngu ngốc. Lòng tham là gì? Lòng tham có phải là cái thòng lọng đang thòng ra chờ đó, sẵn sàng siết lại, vít chặt lấy cổ người ta bất cứ lúc nào. Lòng tham là thứ đẩy người ta từ từ đi xa khỏi cánh cửa tự do. Để rồi rút cuộc, tự do chỉ cách cái chết vài bước chân ngắn ngủi. Tầm nào đâu có lòng tham, Tầm chỉ có một ước mong bình dị. Ước mong của Tầm nằm bên kia hàng rào đá. Ước mong cùng Ất đi gánh nước mỗi chiều. Dọc trên đường thôn, ngang qua cánh đồng, băng qua đầm sen, trên con đường đi lên Giếng Lớn, tiếng nói cười ríu ran. Nước từ trong mạch nguồn, từ trên núi đá sau cánh đồng đổ về Giếng Lớn trong ngần, mát rượi. Trên đường về, Ất sẽ một bên vai gánh, một bên cánh tay vạm vỡ nhấc phụ đôi gióng của Tầm. Những buổi trưa, chiều chở nhau đi học, Tầm sẽ nép sau tấm lưng to sụ, vững chãi của Ất, gió sẽ lùa mái tóc, tà áo dài của Tầm. Tầm thèm đi học quá. Ấy vậy mà giờ Tầm lại ở đây, phía bên trong hàng rào đá của cha má Tầm. Tầm mắc kẹt trong chính ngôi nhà này, giữa những buổi cúng kiếng, cầu hồn liên miên, dưới đàn cúng giải, trừ vong không thấy hồi kết, giữa khói nhang mù mịt. Tầm mắc kẹt giữa nỗi đau xác thịt kinh hoàng ấy. Và mắc kẹt trong chính cơ thể Tầm. Tầm không nói được, không thể nói ra, không gào lên, không kể lể cùng ai được. Ai sẽ nghe Tầm? Ai sẽ hiểu cho Tầm? Tầm bức bối, Tầm hoảng loạn. Tầm chạy khắp cùng bãi mả, tìm bằng sạch những cật tre cắm trên gò cát nóng, nhổ bằng sạch, vứt bằng sạch. Mặc kệ đôi chân trần bỏng rát. Có tiếng thét, tiếng lao nhao chỉ trỏ của lũ trẻ bên ngoài bờ rào đá. Con Xù chồm lên sủa inh ỏi. Tiếng cha Tầm vừa chạy vừa than: Trời ơi, con ơi! Trời lại đày con tôi. Trời ơi Tầm ơi, cha xin! Tiếng má Tầm vừa chạy theo cha vừa nghiến: Có mỗi một việc ở nhà giữ nó cũng không xong. Ai khiến ông để nó chạy ra đây? Ai khiến?

*

Gian chính từ đường nhà ông Thao mù mịt nhang khói. Hôm nay bà Cúc sắm lễ, đội mâm nhờ thầy Tám Tào gọi hồn, giải vong, trừ kiếp nạn cho con gái bà. Thầy Tám Tào có tiếng cả vùng Thạnh Đức. Nghe nói thầy có căn trên độ, không những am hiểu thông sâu, giỏi giang dịch lý mà còn có khả năng thông linh với đất trời. Thầy Tám chỉ chừng ngoài sáu mươi, tóc tai bóng lẫy, tay đeo đầy nhẫn hột xoàn, dáng vẻ vừa khoan thai, vừa nghiêm nghị. Phụ lễ cùng với thầy là một người đàn bà chừng năm mươi, mày xăm cong vút, môi cũng xăm, vừa thấp vừa béo, được cái vô cùng nhanh nhẹn. Dưới gian thờ, cả nhà ông Thao quỳ mọp bên mâm lễ. Xung quanh chừng hơn chục người, nửa quỳ nửa ngồi, gần nửa trong đó là đám con nhang đệ tử của thầy Tám, số còn lại là người trong họ với ông Thao và chị em, bạn bè cùng phường buôn bán thân thiết của bà Cúc. Giữa căn phòng tối u, bịt bùng nhang khói, lập lòe vừa nến vừa đèn, thầy Tám mặc bộ áo dài màu xám bạc, tay cầm bó nhang lớn. Cái ngón út của thầy vừa dài vừa cong, vểnh lên, chìa cả ra ngoài bó nhang, kênh kiệu như móng cựa con gà trống đá ông Thao đang nhốt để đổ giống sau vườn. Thầy vừa múa may quay cuồng, vừa lầm rầm khấn vái. Thầy đọc bài khấn xin phép Diêm vương cho trục hồn người chết. Thầy tiến ba bước lại lùi bảy bước, bước đến đâu thì tay múa, chân quỳ, đầu dập đến đó. Thầy lạy tứ phương, chân bước mỗi lúc một nhanh, bó nhang trên tay càng lúc càng quay tít mù. Tà áo dài cũng quay cuồng, xoắn xít hai bên chân thầy. Đám giấy đỏ ngoằn nghèo những chữ nho, chữ Tàu, nom như những tờ phướn treo chung quanh bàn lễ thỉnh thoảng lay động mỗi khi thầy múa nhang ngang qua. Bài khấn lúc to, lúc nhỏ, lúc dồn dập, lúc lại rền rỉ, ngân ư ử trong cổ họng. Cả không gian sặc sụa mùi nhang, cái mùi nhang đậm đặc, hăng hắc như nước hoa, không thơm như mùi nhang trầm ông Thao vẫn đốt. Con Tầm co rúm, quỳ giữa cha má nó. Mặt nó cuối gằm, nó không dám ngẩng đầu nhìn những thứ ma mị, u ám, dị hơm xung quanh. Càng không chịu được cái mùi nhang gắt lên tới tận óc. Nó lợm ói. Bất chợt bắt gặp ánh mắt má nó vừa đánh sang. Nó đưa tay bưng mồm, nín bặt. Được dăm hồi thì thầy Tám đột nhiên đổ vật xuống đất. Bó nhang văng ra, lăn lóc. Người đàn bà phụ lễ vội vàng nhặt lấy, quỳ mọp, tế thầy như sao. Đám người xung quanh cũng vái lia vái lịa.

Hồn về.

Hồn lếch thếch ngồi dậy, mặt mày nhễ nhại mồ hôi. Phụ lễ dập đầu: Lạy hồn, xin hồn cho chúng con biết danh tính. Hồn nhìn một lượt những người có mặt trong gian phòng, ánh mắt ngừng lại nơi cha con ông Thao đang quỳ, thẽ thọt: Nguyễn Thị Tình. Giọng nói nhẹ như gió từ trên núi cao thổi xuống, như hơi thở xa xôi từ cõi âm u ùa về. Rõ là giọng đàn bà, con gái. Ông Thao giật bắn mình, mồ hôi sau gáy túa ra, lạnh toát. Phải rồi. Ông Thao có một người cô ruột, là út trong gia đình, chết lúc mười chín tuổi, nghe nói bị Tây hiếp, trẫm mình mà chết. Tên bà đích thị Nguyễn Thị Tình. Con Tầm bên cạnh bấu lấy tay cha chặt cứng. Ông Thao vừa vỗ vỗ chân nó, vừa lấy hết tinh thần để trấn tĩnh. Thế rồi hồn kể, hồn khóc, hồn thổn thức, hồn trách móc. Như thể bao nhiêu nỗi buồn thương, cay đắng, cô đơn, oán hờn đã chôn chặt mấy chục năm nay giờ đây ào ạt vạch đất, vạch đá mà chui lên, mà bung ra. Ông Thao gân cốt rụng rời, dỏng tai nghe ngóng, nuốt từng lời: Nguyễn Văn Thao, phải nhớ mà làm cho bằng được. Một là dưới vai trái hồn nằm có một tảng đá lớn lắm, vì đó mà đau lắm, đau vai kinh khủng, phải tìm cách lấy tảng đá đó lên. Hai là giấy tiền vàng mã, ở dưới đó hồn không nhận được đâu, không ai trong dòng họ nhận được, vì trên trần con cháu đốt không sạch, tiền rách cả, tờ thiếu góc, tờ mất hơn nửa. Lúc đốt phải tháo rời từng tờ, đốt cho sạch, hiểu chưa? Ông Thao dập đầu, vâng dạ rối rít. Trước lúc thăng, hồn lê bằng đầu gối một vòng, đến trước từng người, nắm tay chào tạm biệt. Hết ông Thao, bà Cúc đưa tay ra cầm. Đến lượt con Tầm, nó co rúm, lùi về phía sau, mặt cắt không còn hột máu. Bà Cúc phải nắm hai tay con gái chìa ra phía trước. Lúc bàn tay có cái ngón út cong vểnh chạm vào, con Tầm như bị điện giật, nó nghe như có dòng nước lạnh buốt của cõi âm u chạy từ bàn tay to sụ ấy chạy qua tay nó, ùa lên tới não. Nó rú lên, đổ vật.

Sau ngày hôm ấy nhà ông Thao còn mất hơn nửa tháng trời chộn rộn nữa. Nào là cúng xin keo, xin bà cho ngày để động mồ động mả. Nào là ngày lật đất khai quan. Cả họ tập trung đông nghìn nghịt, giấy tiền, vàng mã đốt nghi ngút, tàn tro bay đen trời. Chả ai biết sau đó nhà ông Thao có tìm được tảng đá to dưới vai bà Út không. Chỉ biết sau khi thầy Tám cùng đám con nhang đệ tử rút đi, con Tầm vẫn nằm bẹp dí trong phòng. Mỗi lúc nó mỗi gầy hơn, xanh xao, héo hon như tàu lá. Những ngày sau đó, cả nhà ông Thao lẫn những nhà xung quanh nhận được nhiều sự lạ. Cứ nửa đêm, đàn bò nhà ông Thao lẫn các nhà hàng xóm đều tự tháo chuồng, lững thững dắt nhau đi quanh xóm. Có lúc đám bò lồng lên, chạy xồ xồ như ai đuổi. Đêm thứ nhất, đêm thứ hai, cả thôn ai nấy đều kinh hãi. Người ta đồn nhà ông Thao lật mồ, lật mả, động đến nơi. Nhưng tới đêm thứ ba thì người ta phát hiện cái kẻ tháo cửa chuồng bò ấy là con Tầm. Nó ngồi trên bờ rào đá, đợi cho tiếng lục lạc bò đi xa dần, khuất nơi cuối con đường dẫn ra cánh đồng mới trở vào nhà. Ông Thao để ý con, không chỉ riêng đám bò, hễ cứ con gì bị nhốt, bị xích là con Tầm lén thả cho bằng sạch. Đám cá rô ông Thao chài được dưới ao lúc sáng sớm, con nào cũng béo mầm, to quá lứa. Ấy thế mà ông Thao vừa cất chài quay ra đã thấy rổ cá trống không, sạch bóng. Nhà chỉ có hai người, không phải ông hắt mớ cá xuống ao trở lại thì chỉ còn mỗi con gái ông chứ còn ai. Ruột gan ông đứt từng đoạn. Hay là nó điên thật? Thà nó nói một tiếng rằng nó đau ở đâu để ông còn biết đường mà chạy chữa. Đằng này nó cứ lay lắt như cái bóng trong nhà. Bà Cúc đi ra đi vào, thở dài thườn thượt. Độ hơn tháng sau, bà lại kéo ông ra sau nhà thì thụt. Lần này bà Cúc mời được thầy địa lý có tiếng đâu tận Quy Nhơn về. Nghe chừng họ nhà ông Thao có lời nguyền ếm, đàn bà con gái dòng họ này không chết yểu cũng hóa điên, không ngóc đầu lên được. Ông Thao lục lại trí nhớ. Thì đúng ông có nghe phong thanh. Đâu tận đời ông bà nội nhà ông Thao, khi ấy là địa chủ, ruộng vườn, trâu bò không thiếu. Bà nội cậy thế chồng, ác với kẻ ăn người ở, xuống tay lấy tận mấy mạng người. Nghe đâu có đứa bị bà bức, uất quá trèo lên ngọn dừa đâm đầu xuống, chết tươi ngay cạnh bờ ao. Mà cũng đúng thật. Họ nhà ông Thao từ bấy đến giờ chỉ phát đinh, đàn bà, con gái toàn chết trẻ. Bà Cúc rít lên the thé: Nếu đúng thế thật thì phải cúng, cúng sớm. Trời ơi, sao tôi lại dính vào cái dòng họ chết tiệt nhà ông. Biết ngay mà, từ hồi bước chân vào cái nhà này đã thấy u ám, không có tôi thì tiệt đường hậu vận. Cúng ngay, không thì khổ sở đời con Tầm. Nó là con gái tôi, con gái tôi…

Đám cúng chưa kịp làm thì thằng Sơn về. Nhưng cũng như nhiều đận trước, về buổi sáng thì chiều nó xách giỏ đi luôn. Thằng Sơn không hạp tính má. Lần nào về nó với bà Cúc cũng cãi nhau. Nhưng trận này thì to thật. Bà Cúc khóc tu tu. Tiếng khóc làm náo động cả mấy nhà hàng xóm. Nào đâu có mỗi đứa con trai, bao nhiêu tinh thần lẫn vật chất bà dồn hết cả cho nó. Giờ đủ lông đủ cánh nó lại quay về đây nặng nhẹ, hỗn hào với bà. Không có bà thì cái nhà này chỉ có đường mạt vận. Trong nhà này một lời bà nói ra như đinh đóng vào cột. Đừng cậy có tí chữ về đây làm hùm làm cọp với bà. Thằng Sơn trầm tính nhưng cộc. Tiếng nó quát bà Cúc khiến cho mấy mụ đàn bà đứng lô nhô hóng chuyện ngoài rào đá cũng giật nảy mình. Dáng thằng Sơn to cao, lừng lững như trái núi ông Đậu sau cánh đồng. Nó phừng phừng, hùng hổ kéo lê cái bàn cúng bà Cúc hay bày biện đồ lễ ra sân. Bà Cúc lết theo sau, hai tay bấu chặt lấy chân thằng con vừa khóc vừa chửi. Nhang đèn, lư hương, giấy tiền, nến, gạo muối văng tung tóe. Cái bàn gỗ hương chạm khắc cầu kỳ, nặng chình chịch, vậy mà một mình thằng Sơn lôi tuột ra ngoài bờ ao, đẩy toẹt xuống. Nào rồng nào phượng, nào khăn, nào phướn, chìm nghỉm. Xong việc thì nó quay ngoắt vào nhà, bỏ mặc cho má nó nằm phủ phục trên bờ ao, vừa khóc vừa đấm ngực thùm thùm.

Buổi chiều, thằng Sơn chui vào buồng tỉ tê với em gái nó. Chẳng biết hai anh em nói gì, chẳng biết con Tầm có chịu mở miệng với anh nó không. Nhưng trước khi đi, thằng Sơn tìm cha, dặn: Tôi lên đơn vị, tầm nửa tháng nữa tôi cắt phép về, đưa em ra Sài Gòn chữa trị. Tôi đã tham khảo bạn bè làm bác sĩ rồi, con bé có dấu hiệu trầm cảm nặng. Chẳng ma quỷ gì đâu. Cha nghe tôi, ở nhà đừng cho má lập đàn cúng kiếng nữa. Đợi tôi về, nghe cha.

*

Đêm. Trăng chính rằm tròn vạnh, bóng trăng hắt cả vào cửa sổ nơi Tầm nằm. Tầm len lén trở dậy, bò ngang dưới chân má nó, lẻn ra phía hông nhà ngồi. Trăng đẹp quá, ánh trăng như tràn hết cả trên mặt đất, tráng một lớp màu trắng bạc lên từng nhánh cây, ngọn cỏ. Tầm nhớ lúc nhỏ, những đêm trăng sáng như này, Tầm cùng lũ bạn cùng xóm bày ra bao nhiêu trò nghịch ngợm, í ới đuổi nhau tới khuya, khi nhà nào nhà nấy gọi con bời bời thì cả đám mới bịn rịn chia tay nhau về ngủ. Tầm nhớ cuộc sống trước khi bị bệnh, nhớ trường lớp, nhớ đám bạn thân cùng nhau dong xe đạp mỗi trưa, chiều. Tầm nhớ Ất. Nhớ những buổi chiều khi Tầm mới nghỉ học, Ất gánh nước về ngang ngõ, thế nào cũng hái về cho Tầm một vài bông sen. Lần cuối cùng, Tầm leo người lên hàng rào đá nhòm ra, thấy bó sen Ất chất một bên thùng nước đầy chật, bông nào bông nấy ngậm nước, rực rỡ. Ất bảo ráng hái nhiều sen cho Tầm đỡ nhớ đường, nhớ giếng. Ất dặn Tầm ráng chữa bệnh nhé, khỏe lại Ất sẽ dẫn Tầm đi hái sen, hái chà là, hái ổi rừng. À, còn có cả sim, sim độ này đang sắp vào mùa ngọt lịm. Hai đứa đang ríu ran thì tiếng má Tầm gọi giật rơi cả bông sen trên tay Ất đang cầm. Tầm tụt vội xuống đất. Bông sen còn lại vùi vội xuống đám hoa ngũ sắc dưới chân rào. Tầm lật đật chạy vào nhà, không dám nhìn má một lần. Thế nhưng nó vẫn hình dung được ánh mắt má nó lúc này. Ánh mắt nhìn như thấu từng giọt mồ hôi đang rịn ra sau lưng nó. Sau lần ấy thì Ất không tới nữa. Tầm biết, chiều chiều Ất vẫn gánh nước đi về ngang bờ rào đá ngoài kia, nhưng sao Ất không tìm Tầm nữa? Ất nghe người ta đồn thổi Tầm điên dại, Ất chê Tầm bệnh tật, hay má Tầm đã tìm đến, đã nặng nhẹ gì chăng? Ất không biết Tầm đã khổ sở, đã cô đơn, đã héo hon thế nào sau bờ rào đá này ư? Ất có biết đâu, cái sợi dây cuối cùng ấy, sợi dây duy nhất Tầm đã cố gắng níu với lấy, để Tầm biết rằng mình còn muốn sống, còn khát khao trở về với cuộc sống bên kia bờ rào đá, sợi dây ấy chỉ còn mỗi Tầm bên này cầm giữ. Đầu bên kia, Ất đã buông tay mất rồi. Tầm còn biết trông vọng vào đâu, níu với vào đâu? Tha thiết đó rồi cũng dửng dưng, cũng như lửa đốt đồng, bùng nhanh rồi rụi lẹ vậy sao Ất ơi? Thì thôi, cũng đúng lẽ trời. Tầm bây giờ cũng đâu có còn là Tầm của ngày trước nữa. Tầm còn dám chờ đợi, đòi hỏi điều gì được nữa? Những ám ảnh kinh hoàng đó cả đời này làm sao Tầm có thể gột rửa, làm sao Tầm có thể quên? Có tiếng dội uỳnh uỵch từ trong bụng, trào lên tới ngực, đau thắt. Tầm bấu chặt hai tay xuống bờ cỏ. Dạo này, tiếng dội mỗi lúc lại đến nhiều hơn, như thể có đàn cá đang quẫy đuôi, tung tăng trong bụng. Lẽ nào điều Tầm lo sợ nhất đã xảy đến? Lẽ nào trời đày Tầm thật? Tầm có tội tình gì đâu. Đừng. Kiếp này, ngôi nhà này, cuộc sống cá chậu chim lồng này, chỉ mình Tầm chịu thôi đã quá khổ rồi. Tầm bò trên ngọn cỏ ướt, tựa vai vào gốc dừa ngồi thở. Tầm khó thở quá. Nó lấy hơi cố thở dốc, nước mắt tứa ra, chan chứa.

Dưới mặt ao, bóng trăng chầm chậm trôi, trôi mãi. Kìa, trăng trôi vào ngay họng vó, chiếc vó cha tầm treo sẵn nửa chìm, nửa nổi trên mặt ao. Trăng mắc cạn rồi. Tầm phải ra đó, phải tháo lưới, phải thả trăng đi. Ánh trăng cũng mắc cạn, giống Tầm rồi… Tầm nhoài người ra, gieo mình xuống mặt ao đầy ánh trăng. Trăng trên trời, trăng dưới nước, làn nước trắng xóa ánh trăng ấm áp ôm lấy tấm thân Tầm…

*

Tin con bé Tầm chết ao làm chấn động cả xã. Suốt nhiều ngày liền, làng xóm chỉ lao nhao mỗi chuyện vì sao con Tầm nghĩ dại. Nghe nói nó có bầu nữa đấy, cái bầu hơn bốn tháng rồi. Nhưng cả nửa năm trời nay, từ lúc nghỉ học, nó ở tiệt trong nhà, ông Thao, bà Cúc canh nó cả đêm, cả ngày, làm sao lại có chửa? Chả ai biết. Nhưng nghe đâu thằng Sơn anh nó đã nhờ công an vào cuộc. Người ta còn khám nghiệm tử thi đầy đủ. Tất cả mấy ông thầy, ông sư từng về ăn ở trong nhà bà Cúc đều bị gọi lên làm việc. Cả lão thầy thuốc nam dưới thị trấn, chỗ bà Cúc đưa con bé Tầm xuống bấm huyệt suốt hai tháng trời cũng bị gọi rồi đấy.

Tội nghiệp. Con bé đẹp như trăng rằm.

Trăng gì.

Có mà trăng mắc cạn!

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy

Nguồn Văn nghệ số 23/2023


Có thể bạn quan tâm