April 30, 2024, 2:12 am

Trần Mai Hạnh - chẳng “gầy guộc” đâu “chiếc bóng” từ nghề báo, nghiệp văn

Tiếc thương, buồn nhớ và cả xa xót nữa khi nói về nhà báo, nhà văn tài ba Trần Mai Hạnh. Sau vài ngày ông ra đi đột ngột, tôi bỗng nhớ gần như nguyên văn một đoạn phỏng vấn giữa phóng viên “báo nhà” Tiếng nói Việt Nam với ông đăng vào sáng 30 tháng 4 năm 2013. Bài báo có tên Nhà báo Trần Mai Hạnh và ký ức tháng Tư.

Chao ôi, đúng tháng Tư của 49 năm sau, ông vĩnh viễn trở thành ký ức! Phóng viên hỏi: “Danh ngôn nào của các nhà tư tưởng, nhà văn hóa mà ông tâm đắc nhất?” Ông Trần Mai Hạnh trả lời: “Tôi nghĩ, với người viết thì sự thật là tài sản quý giá nhất.” Ông Hạnh nhấn mạnh: “Lịch sử là tự nó viết ra - đó chính là sự thật. Lịch sử không phải do bên thắng trận muốn nói thế nào cũng được, và bên thua trận muốn giải thích thế nào cũng xong. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. José Hérnandez, nhà thơ lớn của Achentina, từng nói Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất.” Câu hỏi của phóng viên có thể là ngẫu phát nhưng câu trả lời của ông Trần Mai Hạnh thì dường như đã có sự suy ngẫm, chiêm nghiệm, đau đáu từ nhiều tháng năm trước đó.

Cuộc gặp mặt của các nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, Nguyễn Thế Kỷ và các đồng nghiệp từng công tác tại Đài TNVN ngày 8/9/2023

Trần Mai Hạnh đã sống và viết, đã tự phát sáng bằng nhiều tác phẩm cả văn và báo của mình, đã “đổ bóng” không “gầy guộc” xuống trang viết và cuộc đời của người thân, đồng nghiệp, bạn đọc. Nhưng cuộc đời luôn có những may mắn, dễ dàng và cả những oái ăm, trắc trở. Câu thành ngữ “Sinh nghề tử nghiệp” đã vận vào cuộc đời ông, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đến phút cuối cùng. Năm 1996, ông Trần Mai Hạnh vinh dự được giao giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, được tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng hơn một nhiệm kỳ. Mọi việc tưởng đang êm ấm, hanh thông thì đến năm 2002, hoặc là do sai lầm hoặc là do sự hên xui, một tai nạn lớn đến với ông từ một vụ trọng án do kẻ khác chủ yếu gây ra, ông Trần Mai Hạnh bị buộc tội “liên quan”. Cái tội đó lại vẫn xuất phát từ cái nghề cái nghiệp mà ông đang đắm đuối. Ông bị cách tất cả chức vụ trong Đảng và chính quyền, rơi vào lao lý. Nhưng ông đã không chịu chết theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông tiếp tục viết báo trong cả những ngày u buồn nhất và dành phần lớn thời gian, công sức, tài năng cho văn chương vốn đã nảy mầm đơm hoa từ trước đó. Nghiệp báo đưa ông tới vinh quang ở tầm mức rất cao và cũng đẩy ông xuống cay đắng đến tột cùng thì văn chương có vẻ nhân từ và độ lượng hơn, đã xoa dịu, vỗ về, an ủi, dần làm lành vết thương và cứu rỗi tâm hồn ông, vực dậy cuộc sống tưởng đã tuyệt vọng của ông. Dĩ nhiên, ông có thêm những điểm tựa khác, những nguồn sức mạnh lớn lao từ vợ ông - nhà thơ Bùi Kim Anh; từ người em trai, người đồng nghiệp yêu quý của ông - nhà báo Trần Mai Hưởng và những người con, những người bạn chí cốt của ông. Cả trước và sau cái mốc thời gian 2002, ngoài gia tài báo chí đồ sộ, ông còn có các tác phẩm văn chương song hành, như không thể khác, gần gặn, máu thịt với báo chí: Nắng Thu Bồn (1975), Tình yêu và án tử hình (1978), Sụp đổ và tự thú (1985), Ngày tận thế (1987), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (tiểu thuyết tư liệu lịch sử, 2014), Lời tựa một tình yêu (2016), A war account 1-2-3-4.75 (2017, bản tiếng Anh của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75), Thời tôi sống (2018). Ở nghiệp văn, Trần Mai Hạnh đã giành được giải thưởng cuộc thi  truyện ngắn Báo Văn nghệ (1970-1971); tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 (hạng mục văn xuôi), và giải thưởng văn học ASEAN năm 2015.

Ông Trần Mai Hạnh sinh năm 1943, là đồng môn khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với tôi - lớp đàn em, cách nhau 14 năm. Tôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng đầu năm 2016, được cấp trên điều động và bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam sau ngày ông Trần Mai Hạnh thôi giữ chức vụ này cũng đúng 14 năm. Cả hai anh em cùng làm báo, làm đài, viết văn. Có lẽ vì thế, nên từ khi tôi về Đài, ông Trần Mai Hạnh đi lại với Đài nhiều hơn, cảm thấy ấm áp và tin cậy hơn. Tôi cùng nhiều anh em đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam gần gũi, sẻ chia với ông nhiều điều vui buồn trong cuộc sống. Chúng tôi đã phối hợp cùng ông tổ chức một số cuộc gặp, trao đổi, giới thiệu các tác phẩm văn và báo tiêu biểu của ông. Sau những lần như thế, ông vui hơn, đã nở những nụ cười vốn ít ỏi trên khuôn mặt nhiều ưu tư, khắc khổ. Cái sự khổ ải, đớn đau đến từ nghề nghiệp và đến từ những tai nạn, mất mát của người thân trong gia đình ông.

Nhớ đôi lần, ngồi trò chuyện cùng ông về tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và phiên bản tiếng Anh của nó, ông Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Khi bắt đầu xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này, ngay khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, tôi đã hiểu rằng, dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử. Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang lên những cơn sốt, trĩu nặng âu lo vì những tham vọng, xung đột và chiến tranh.”

Cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, thống nhất non sông đã đi qua gần 50 năm. Đã có bóng hình ông Trần Mai Hạnh và bao đồng nghiệp, đồng đội ở đó và không dừng lại ở đó. Những tai nạn, cả sai lầm, cả mất mát của ông đã qua đi và trĩu bóng xuống đời ông và người thân. Nhưng nghề báo, nghiệp văn, như bản chất của nó, sẽ để lại tiếng lành cho nhiều người, cho nhiều năm, và còn nhiều năm nữa. Mong ông yên nghỉ và dần thanh thản, dần ngậm cười nơi non bồng nước nhược.

Hà Nội, đêm ngày 5 rạng ngày 6/4/2024, sau khi nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh rời cõi tạm

Nguyễn Thế Kỷ

Nguồn Văn nghệ số 15/2024


Có thể bạn quan tâm