April 30, 2024, 10:28 am

Trái tim tươi “Nắng dậy thì”

Nắng dậy thì là tên tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, gồm 64 bài thơ, 160 trang in. Trong lời mở đầu, tác giả tự sự hết sức chân thành, đầy nỗi niềm: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi. Yêu cũng buồn, ghét cũng buồn, oan nghiệt càng buồn. Thơ tôi là vậy, vẫn còn sót cái vụng về quê kiểng, nhưng đó là niềm đau chân thành, không giả vờ, không tô vẽ”.

Trong lịch sử thi ca, vui hay buồn, thì thơ đều là sản phẩm khi trái tim đã tràn đầy trong ngực như mấy câu thơ kết của bài Nắng dậy thì: “Tôi như vừa nhặt được câu thơ/ Rơi trên vai em trôi lên ngực/ Lấp lánh màu trời huyền diệu/ Chạm hồn tôi nắng sớm dậy thì”.

Với Nguyễn Ngọc Hạnh, nỗi buồn hóa thạch, cất tiếng thành thơ. Điều này không chỉ ở lời bộc bạch mà thể hiện trong cả tập thơ này. Bài thơ Chạm cốc mình tôi mở đầu cho nỗi buồn bơ vơ đơn độc ấy: “Rót đêm vào cốc rượu này/ Biết đâu trời đất cũng say như mình”. Một lời tự sự đau xé đến tận cùng với bi kịch của kiếp người: “Rót vào tôi chén rượu tràn/ Xin nâng ly với hàm oan đời này/ Mê lầm một kiếp ai hay/ Rót vào đêm chuốc lấy ngày chẳng yên”…

Ra đi từ một làng quê ven sông Vu Gia, Đại Lộc, Quảng Nam, Nguyễn Ngọc Hạnh mang “cái làng ấy ra đi/ mà tôi nào hay biết/ chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ con sông quê bóng núi cứ chập chờn” (Làng). Ai đã từng nghe bài hát Qua đò nhớ mẹ, nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Tiến phổ thơ ông, sẽ nao lòng nhớ về một thời chiến tranh khốn khổ: “Bóng mẹ gầy/ lặn lội bờ sông/ Đêm giá lạnh/ ẵm bồng ru tiếng khóc/ Nỗi niềm trôi xuôi/ theo con đò dọc/ Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi”.

Đời và thực quấn lấy nhà thơ, lấp lánh, cả trong tình yêu “Cứ bào mòn thương nhớ đời tôi/ dày vò trái tim vỡ nát/ Ai hiểu được nỗi đau hạnh phúc/ là buồn vui nhỏ hẹp đời thường”. Hạnh phúc cũng buồn, bởi có lẽ ông đã ngộ ra sự thật cõi đời này: “lạ gì vô ngã sắc không/ thời gian một giấc vô thường mong manh” (Vô thường). Còn bao nhiêu vay trả làm sao nhớ hết: “Nợ từ muôn kiếp xa xôi/ Nợ em và cả nợ tôi bây giờ/ Lại thêm nợ một đời thơ/ Vay em tôi trả bơ phờ chưa xong” (Ở trọ trần gian). Và oan nghiệt thì càng buồn, đây là nỗi niềm dàn trải trong nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhầm lẫn thực hư, tốt xấu giữa đời này: “Nửa đời phiêu bạt/ Nhầm một câu thơ/ Nhầm dòng sông chảy/ Tìm không thấy bờ”. (Ngỡ là). Tất cả những bi kịch ấy “ai biết được đâu là được mất/ cứ gánh mà đi về phía thơ mình” (Gánh thơ)…

Nguyễn Ngọc Hạnh thuộc tuyp người sống bằng cảm xúc, trong tình yêu cũng như quan hệ với con người. Ông bộc bạch: “Tôi đến với thơ từ sớm. Thơ là nơi duy nhất để tôi trở về, nơi tâm hồn tôi gửi gắm bao thương yêu cháy bỏng giữa cuộc đời này”. Có lẽ bởi thế mà ông cả một đời “cựa quậy” trong cái làng quê nhỏ bé của mình. Nói cách khác, quê hương trong nhiều thi ảnh đẹp của dòng sông, con đò, trăng quê, người mẹ là những “từ khóa” mở trong thơ ông: “Đêm bồn chồn/ bóng núi đầu non/ Trăng phía thượng nguồn/ nghiêng soi bóng mẹ/ Gối đầu lên bờ sông kia lặng lẽ/ Lời ru buồn xô dạt bến trăng quê” (Trăng phía thượng nguồn). Ông cứ muốn quay về gối đầu lên đất tổ: “Cho tôi xin được quay về/ Gối đầu lên mảnh đất quê đầu nguồn/ Nhìn con sông chảy mà buồn/ Một đời mẹ gánh gian truân qua đò” (Nhớ đôi dép mẹ).

Quê hương trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bàng bạc u buồn, đó là tâm trạng cùng là tâm tình mà ông muốn gửi đến bạn đọc. Trong tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều, xuất bản năm 2018, ông đã gây ấn tượng với bạn đọc, khi là lần đầu tiên một người từ “làng” mang thơ ra phố. Đến Nắng dậy thì vẫn là cái làng ấy, nhưng là không gian nghệ thuật khác chất chứa nhiều nỗi buồn, đơn độc: “Một mình lạc giữa trời xa/ Mượn ai đây chút quê nhà nương thân/ Xứ nguời lạ đến phân vân/ Cả vầng trăng cũng khác vầng trăng quê”. Bài thơ này tác giả viết ở Chicago, khi đến thăm những người bạn văn nghệ xa quê…

Xuất thân là nhà giáo rồi trở thành nhà báo sau này. Những năm tháng trẻ trung, sôi nổi đến với thơ và gặp nhiều hệ lụy, Nguyễn Ngọc Hạnh đã không ít chuyện buồn... Sau khi nghỉ việc, ông lặn lội ra Bắc diện kiến các nhà thơ tiền bối như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt… như muốn “vịn câu thơ đứng dậy” để sống chết với cái nghiệp văn chương của mình. Có lẽ từ những nguồn cơn ấy mà trong lời mở của tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh đã nhận ra: “Danh tiếng luôn mang theo nhiều bi kịch cho người sáng tạo. Người sáng tạo có thể được khen ngợi, tôn vinh ở thời điểm này, nhưng cũng có thể bị xô ngã, lãng quên ở một thời kỳ khác. Vì vậy, chỉ có nỗi buồn sâu sắc của nghệ thuật mới tồn tại và lưu truyền qua thời gian”.

So với 5 tập thơ đã xuất bản trước, Nắng dậy thì của Nguyễn Ngọc Hạnh đã có những cố gắng nổi bật đổi mới thơ của mình. Vẫn thơ tự do, lục bát... nhưng cấu tứ và thi ảnh đẹp trong nỗi buồn, sự cô đơn lấp lánh hồn quê dung dị... Ở các bài thơ tự do, Nguyễn Ngọc Hạnh xuất hiện với thiên hướng làm mới thi ảnh, nhịp điệu tự do độc, lạ trên cái nền thơ truyền thống, mà bài thơ Cài đặt là một ví dụ: “Mình mắc nợ trần gian/ cài đặt vào dâu bể/ câu thơ đành lỗi vần/ nên một đời chậm trễ”… Vậy mà nhà thơ vẫn chưa “biết cài đặt vào đâu/ cho tròn vo số phận/ thà cứ trôi chậm dần…”.

Thơ phải tạc cho ra tâm hồn tác giả, xác tín bản ngã, may ra mới hy vọng tiếng lòng mình lay động tâm hồn người đọc. Hay nói cách khác, mỗi bài thơ là một âm thanh nhỏ góp phần tạo ra tiếng vang lớn. Có lẽ vì thế mà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc khá nhiều, trên 100 ca khúc. Năm 2022, ông đã xuất bản tuyển tập Khúc ru trầm, (NXB Hội Nhà văn), giới thiệu 77 bài thơ được chọn lọc để ra mắt công chúng trong live show, một đêm nhạc hoành tráng ngay trên đất mẹ, quê mình.

Một đời lụy với câu thơ/ Còn bao nhiêu chuyến/ bao giờ, đò ơi”, (Lụy). Câu thơ này cũng là câu hỏi mà Nguyễn Ngọc Hạnh đặt ra để tự hỏi mình. “Bao nhiêu chuyến” nữa thì chưa biết, chỉ biết rằng xuân Giáp Thìn này, ông chở “nắng dậy thì” về quê nhà trong tiết trời đầy nắng ấm.

Ngô Đức Hành

Nguồn Văn nghệ số 3/2024


Có thể bạn quan tâm